Nội san

Biện pháp góp phần nâng cao hiệu quả dạy học môn Trang trí cho sinh viên ngành Cao đẳng Sư phạm Tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam

18 Tháng Giêng 2018

Nguyễn Thị Phương Nhung [*]

 

       Để nâng cao hiệu quả nhận thức thẩm mỹ, giữ gìn và phát triển văn hóa, nghệ thuật dân tộc, đáp ứng nhu cầu của người học đang là quan điểm, là định hướng chỉ đạo cho các cấp học nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội hiện đại. Vì vậy, đối với các trường đào tạo giáo viên Sư phạm đều yêu cầu các bộ môn chung, nhất là môn Mỹ thuật có sự chuẩn bị đổi mới về nội dung, chương trình, phương pháp và hình thức dạy học với mong muốn đào tạo cung cấp cho xã hội một đội ngũ giáo viên có trình độ cảm nhận thẩm mỹ chất lượng.

       Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam là môi trường đào tạo và cung cấp đội ngũ giáo viên Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở có trình độ Cao đẳng Sư phạm duy nhất trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Do đó, các giáo sinh, sinh viên khi ra trường cần phải có chuyên môn và trình độ vững vàng để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học.

       Tổ bộ môn Mĩ thuật trong Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam cũng đã và đang tiến hành đổi mới. Những đổi mới dựa vào tình hình thực tế về người học, trường học của giáo dục tỉnh Hà Nam nhằm giúp sinh viên nắm chắc những kiến thức trong việc giáo dục thẩm mĩ và ứng dụng trong đời sống hằng ngày. Để làm được điều đó, sinh viên cần phải hiểu những kiến thức cơ bản về Mĩ thuật nói chung và bộ môn Trang trí nói riêng. Tuy nhiên trên thực tế theo phân phối chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo và việc áp dụng thời lượng chương trình môn Trang trí của Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam hiện nay thì học phần Trang trí chỉ có 2 tín chỉ (tương ứng với 30 tiết thực lên lớp bao gồm lý thuyết và thực hành) mà nội dung kiến thức tương đối nhiều, điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập của sinh viên.

       Trên thực tế, trang trí là bộ môn đòi hỏi khả năng tư duy logic của người học, trong quá trình giảng dạy thực tế thì tác giả thấy có khá nhiều sinh viên gặp khó khăn khi tiếp xúc với môn này như nắm bắt các nguyên tắc trang trí vào việc thực hành và làm bài tập. Chính vì thế, ta cần phải quan tâm hơn đến phương pháp, cách thức cách tổ chức các hoạt động dạy và học cũng như đa dạng hóa các phương pháp làm cho giờ học thêm hiệu quả và sinh động hơn.

       Qua những nghiên cứu cơ bản, tổng quan về tình hình thực tế về Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam cũng như công tác giảng dạy môn Trang trí cho sinh viên ngành CĐSP Tiểu học chúng tôi nhận thấy:

       Tổ bộ môn Mĩ thuật chủ yếu là giáo viên trẻ, tâm huyết với nghề, có đủ trình độ, năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm, quan tâm đến sinh viên, luôn luôn tìm tòi, sáng tạo giúp nâng cao chất lượng giờ học. Tuy nhiên, còn khó khăn về việc sắp xếp thời lượng chương trình chưa hợp lý, cơ sở vật chất phục vụ riêng cho bộ môn nghệ thuật nói chung còn thiếu thốn; Chưa có phòng học chức năng riêng, phương tiện, đồ dùng trực quan,... Phương pháp giảng dạy của giảng viên bộ môn Mĩ thuật còn chưa phù hợp, dẫn tới ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập và giảng dạy của cả giáo viên và sinh viên. Vấn đề đổi mới trong dạy học môn Trang trí là một vấn đề cần phải tiến hành gấp rút, nhanh chóng để đạt được chất lượng hiệu quả của môn học này, theo đúng những yêu cầu của chương trình đã đề ra.

       Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố như: Công tác quản lý, phân phối chương trình, kiểm tra thực hiện chương trình, năng lực giáo viên bộ môn. Bộ môn Trang trí giúp sinh viên biết vận dụng kiến thức chuyên môn Mĩ thuật vào thực tiễn. Nó luôn đòi hỏi người dạy và người học phải có những phương pháp tích cực, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng cụ thể nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Trang trí cho ngành CĐSP Tiểu học Trường CĐSP Hà Nam.

       Với mục tiêu là đào tạo và cung cấp nguồn giáo viên có năng lực đáp ứng chương trình dạy học ở Tiểu học trong đó có môn Mĩ thuật, nhà trường thực hiện theo chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên bậc Tiểu học, mà trong đó Mĩ thuật là một bộ môn rất cần thiết. Nhìn chung khung chương trình đào tạo giáo viên Tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được nhà trường đưa vào phù hợp với yêu cầu, mục tiêu đào tạo của nhà trường cũng như nhu cầu của các cơ sở đào tạo giáo dục trên địa bàn tỉnh nhà và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, số tiết đối với bộ môn thực hành như môn Mĩ thuật còn khá ít. Để khắc phục tình trạng đó, tổ bộ môn đã cân đối giảm giờ lý thuyết, tăng giờ thực hành cũng như chú trọng tới phương pháp rèn nghiệp vụ sư phạm.

       Kết cấu chương trình bao gồm: 181 đơn vị học trình, không kể giáo dục quốc phòng; trong đó thời lượng dành cho môn Mĩ thuật và phương pháp dạy học Mĩ thuật là 10 đơn vị học trình, chiếm 5,52% thời lượng đào tạo toàn khóa; bao gồm các môn học sau: Vẽ trang trí; vẽ theo mẫu; vẽ tranh, nặn tạo dáng; thủ công và phương pháp dạy học thủ công; mĩ thuật và phương pháp dạy học mĩ thuật. Tổng số gồm 10 đơn vị học trình, chia làm 160 tiết.

       Với khối lượng kiến thức nhiều mà lại dành cho đối tượng không chuyên, thời lượng học lại ít, chỉ với 30 đến 40 tiết cho mỗi phân môn nên rất khó để các em có thể tiếp thu hết lượng kiến thức và nếu có thì cũng không có thời gian để các em có thời gian luyện tập thực hành.

       Từ những khó khăn nêu trên, để giải quyết tốt bài toán chất lượng dạy và học, trên thực tế có rất nhiều biện pháp như: Đổi mới phương pháp; phương tiện dạy học; điều kiện cơ sở vật chất; giáo trình, giáo án, mời chuyên gia đầu ngành về hướng dẫn, tham dự hội thảo chuyên môn... Tuy nhiên, ở đây chúng tôi chỉ tập trung nói về việc xây dựng và điều chỉnh chương trình chi tiết môn học; cải tiến, nâng cao phương pháp giảng dạy trong đó bao gồm:

- Tiếp thu những cái đã làm tốt, khắc phục những điểm còn tồn tại. Giải pháp dựa trên cơ sở phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đang có của
nhà trường.

- Biện pháp mới không làm thay đổi chương trình thời lượng của
môn học và đảm bảo tính nguyên tắc, đúng quy định của nhà nước, quy định của ngành học, môn học và đảm bảo được tính địa phương. Đảm bảo được tính truyền thống và thời đại như là cách thức, tư duy,…

- Khai thác được những yếu tố tích cực, sáng tạo của từng giáo viên trong tổ chuyên môn.

- Đối với sinh viên, biện pháp phải phù hợp với sức học, đặc điểm khả năng nhận thức của sinh viên trong địa bàn tỉnh cũng như chuyên ngành đào tạo. Bám sát yêu cầu đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội đối với sinh viên sau khi ra trường.

- Kết hợp được giữa lý thuyết với thực hành

- Điều chỉnh và sắp xếp lại chương trình của môn học, đổi mới phương pháp giảng dạy. Hướng tới nâng tầm trình độ, năng lực của cả người dạy lẫn người học trên cơ sở tiết kiệm, hiệu quả. Ví dụ: Xây dựng lại hệ thống bài tập lý thuyết tương ứng với bài tập thực hành cho sinh viên trong và ngoài giờ lên lớp giúp sinh viên có hệ thống kiến thức vững chắc từ lý thuyết để ứng dụng vào thực hành một cách hiệu quả nhất.

       Trong xu thế phát triển và hội nhập của đất nước, không thể duy trì những yếu tố đã quá cũ, không còn phù hợp nhưng cũng không thể áp dụng hoàn toàn những cách thức mới trong giảng dạy. Với tình hình thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, năng lực giảng dạy, trang thiết bị giảng dạy, cơ chế quản lý và điều hành, hình thức tổ chức môn học… cùng với sự phân tích về nguyên nhân đã nêu ở phần trên, cho thấy chất lượng giảng môn Trang trí là chưa cao. Giáo viên đảm nhiệm quá nhiều học phần ở hầu hết các khóa nên dẫn đến chất lượng chuyên môn không sâu. Tổ bộ môn Mĩ thuật ở Trường CĐSP Hà Nam trước đây có 05 giáo viên, 5 năm trở lại đây do có giáo viên nghỉ hưu, trường lại không có nhu cầu tuyển thêm nên khối lượng công việc quá lớn. Hơn nữa, sinh viên những năm trở lại đây có chất lượng đầu vào không cao, khả năng tiếp thu kiến thức cũng như ý thức học tập còn kém nên không tiếp thu được đầy đủ nội dung chương trình và trở nên chán nản với môn học... Trước tình hình thực tế đó cần phải có biện pháp để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn trang trí nói riêng và môn mĩ thuật nói chung đạt hiệu quả tốt nhất.

       Tăng cường đưa sinh viên đi ngoại khóa (có thể là hoạt động ngoài giờ lên lớp) giúp các em hứng thú hơn với môn học, đồng thời giáo dục sinh viên về tình yêu quê hương. Với phương pháp mới, các giáo viên sẽ kích thích các sinh viên động não và khuyến khích các sinh viên cùng bày tỏ ý kiến của mình, tích cực tham gia vào tiến trình giảng bài. Qua đó nâng cao tính thực hành cho sinh viên, không để sinh viên tiếp thu các kiến thức nặng về lý thuyết nhằm phấn đấu đưa các mục tiêu giảng dạy bằng những giải pháp mới tiến đến gần các tiêu chuẩn giảng dạy đại học tiên tiến hiện nay.

       Thứ nhất, điều chỉnh và sắp xếp lại chương trình của môn học bằng cách xây dựng lại đề cương chi tiết môn học, lên lịch trình sẵn và giao nhiệm vụ cụ thể trong từng bài cho sinh viên.

       Thứ hai, đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát triển năng lực của học sinh như: áp dụng một số phương pháp dạy học mới, cải tiến phương pháp dạy học truyền thống, kết hợp các kĩ thuật dạy học và tăng cường sử dụng công nghệ thông tin hợp lý hỗ trợ dạy học.

       Thứ ba, xây dựng hệ thống bài tập lý thuyết, thực hành giúp sinh viên có hệ thống kiến thức liền mạch, hỗ trợ trong quá trình làm các bài thực hành đạt hiệu quả cao.

       Thứ tư, cải tiến nội dung, hình thức tổ chức thi, kiểm tra và cách cho điểm cũng góp phần đánh giá thực chất lực học của sinh viên giúp các em có ý thức hơn trong việc học.

       Có thể nói, nâng cao chất lượng dạy học nói chung, chất lượng dạy học môn Trang trí cho sinh viên ngành CĐSP Tiểu học tại Trường CĐSP Hà Nam nói riêng đều đòi hỏi có sự tham gia một cách toàn diện, đồng bộ và xuyên suốt từ cấp quản lý tới giáo viên và sinh viên. Bên cạnh đó, luôn đổi mới phương pháp dạy học để thích ứng với hoàn cảnh, với đối tượng, với yêu cầu mới của xã hội.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Nghĩa Dán (1998), “Vì năng lực tự học sáng tạo của học sinh”, Tạp chí  Nghiên cứu Giáo dục, (số 2), tr. 14 – 15.
  2. Phạm Trọng Luận (1995), Về khái niệm “Học sinh là trung tâm”, Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục, (số 2), tr.10.
  3. Thái Duy Tuyên (2001), Giáo dục học hiện đại - Những vấn đề cơ bản, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

______________________

[*] Lớp Cao học k1 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuậtnghệ  trình nghghệ thuật