Nội san

Phương pháp dạy học tranh khắc gỗ đen trắng ở trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và du lịch Hưng Yên

29 Tháng Giêng 2018

Nguyễn Thị Lam Nhung

Lớp cao học K1 – LL&PP dạy học Bộ môn Mỹ thuật

           

Tranh khắc đen trắng là loại hình nghệ thuật thị giác, thuộc ngành đồ họa. Thông qua các nét vẽ cô đọng, người họa sĩ truyền tải ngôn ngữ tạo hình với các sắc độ đen và trắng thay thế các mảng màu. Sự thay thế đó có những tiếng nói riêng với vẻ đẹp giản dị, cô đọng tạo nên những hiệu quả thẩm mỹ trong nghệ thuật đồ họa. Chỉ có đen và trắng nhưng chúng ta vẫn có thể cảm nhận được về ánh sáng, không gian, hình khối, thậm chí cả màu sắc; đồng thời chuyển tải được một cách sâu sắc những ý tưởng và cảm xúc bất tận của người nghệ sỹ

1.Thực trạng dạy học tranh khắc gỗ đen trắng ở Trường Trung cấp Văn hóa Nghệt thuật và Du lịch Hưng Yên

Thực trạng dạy học tại các trường văn hóa nghệ thuật trong toàn quốc nói chung và Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hưng Yên (TCVHNT&DL Hưng Yên) nói riêng về vấn đề phương pháp dạy học (PPDH) thường mang yếu tố truyền thống, chú trọng việc truyền thụ tri thức khoa học chuyên môn, ít gắn với thực tiễn, vì thế, phần nào hạn chế việc phát triển toàn diện tích cực, say mê, sáng tạo trong học tập của học sinh nhà trường. Thực trạng dạy học môn Tranh khắc gỗ đen trắng tại trường Trung cấp VHNT&DL Hưng Yên cũng vậy, cho nên kết quả học tập của học sinh chưa cao và chỉ dừng lại ở việc đánh giá bằng điểm số cụ thể. Có một nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, đó là:

Việc người giáo viên truyền thụ tri thức theo lối truyền thống từ đó hình thành kỹ năng, kỹ xảo cho người học trong quá trình giảng dạy, chưa phát huy được tiềm năng của học sinh. Các em học sinh thường bị động khi thường bị áp đặt cách nhìn, cách suy nghĩ của mình vì vậy tác phẩm thường bị gò bó.

Việc định hướng cho các em các hướng để vận dụng các kỹ năng thường cụ thể; học sinh dễ bị suy nghĩ theo các lối mòn từ bố cục đến phong cách tạo hình, cách phân bố đậm nhạt đặc biệt là nét.

Học sinh chưa thật sự hứng thú và tìm tòi bố cục, những cách thể hiện theo suy nghĩ của mình mà thường thụ động đón tiếp kiến thức và cố gắng thể hiện theo các kiến thức được thày truyền thụ. Vì vậy, tranh vẽ của các em thường có những cách nhìn hơi giống nhau và sự ảnh hưởng của những kiến thức của người thầy rất rõ trong tác phẩm. Qua quá trình giảng dạy tại trường, tác giả đã vận dụng một số biện pháp để khắc phục tình trạng này nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn Tranh khắc gỗ theo hướng phát huy năng lực học tập của học sinh.

Muốn thực hiện tốt việc giảng dạy để có chất lượng cao nhất, người giáo viên có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo hứng thú học tập cho học sinh. Chất lượng học tập của học sinh phụ thuộc vào phương pháp dạy học và cách thức tổ chức của giáo viên. Để đổi mới chương trình dạy môn Tranh khắc gỗ theo hướng tăng tỷ lệ thực hành, giảm tỷ lệ lý thuyết và những thay đổi khác về nội dung học cũng xuất phát từ việc giáo viên có chịu bỏ công sức đầu tư soạn bài giảng, nâng cao trình độ sư phạm và tích cực học tập sử dụng phương tiện dạy học đa chức năng. 

2. Một số định hướng về phương pháp trong dạy học Tranh khắc gỗ đen trắng

        Qua quá trình dạy học tại các lớp trong phân môn tranh khắc gỗ đen trắng, tác giả nhận thấy những ưu điểm của phương pháp dạy học định hướng cho học sinh là có hiệu quả hơn rất nhiều. Tư duy sáng tạo của học sinh được phát huy, phương pháp làm việc độc lập của học sinh có chiều hướng tiến bộ và mang tính thực tiễn cao. Giáo viên đã tìm hiểu sâu hơn về nội dung chương trình cùng các kiến thức thực tế áp dụng vào quá trình dạy học, đồng thời phát huy được những phương pháp tối ưu trong việc tổ chức, đánh giá học sinh trong các tiết học lý thuyết cũng như thực hành. Năng lực về chuyên môn có chiều hướng tiến bộ, đặc biệt là về lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, qua những điều tra, phân tích tác giả nhận thấy có nhiều yếu tố còn cản trở việc đổi mới phương pháp dạy học đó là sự mâu thuẫn giữa khối lượng kiến thức và thời gian dạy học, hạn chế về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, tâm lý với việc thi cử, điểm số, ảnh hưởng tới đổi mới phương pháp dạy học. Những khó khăn về đời sống kinh tế, những vấn đề quản lý cũng là rào cản không nhỏ trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Để các môn học chuyên ngành trong chương trình đào đạo trung cấp mỹ thuật nói chung và phân môn tranh khắc gỗ nói riêng được tốt hơn,  tác giả xin mạnh dạn đưa ra một số nhóm giải pháp như sau:

Thứ nhất,  đổi mới thiết kế và chuẩn bị bài dạy học

Đổi mới PPDH cần bắt đầu từ việc đổi mới thiết kế và chuẩn bị bài đạy học. Trong việc thiết kế bài dạy học, cần xác định mục tiêu dạy học về kiến thức về kỹ năng một cách rõ ràng, có thể đạt được và có thể kiểm tra đánh giá được.

Trong việc xác định nội dung dạy học, không chỉ chú ý đến kiến thức, kỹ  năng chuyên môn còn chú ý đến những nội dung có thể phát triển năng lực chung như năng lực quan sát, nhận xét; năng lực phân tích tổng hợp; năng lực thể hiện… Đây là những năng lực cần thiết nhất cho các hoạt động của học sinh trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và thể hiện bài tranh khắc gỗ đen trắng nói riêng.

Việc xác định phương pháp dạy học cần được lập luận trên mối quan hệ giữa các yếu tố của quá trình dạy học, đặc biệt là mối quan hệ mục đích - nội dung - phương pháp. Trong việc thiết kế phương pháp dạy học cần bắt đầu từ bình diện vĩ mô: xác định quan điểm, hình thức tổ chức dạy học phù hợp. Từ đó xác định các phương pháp dạy học cụ thể và thiết kế hoạt động của giáo viên và học sinh.

Sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm Power point là một phương hướng cải tiến thiết kế bài giảng cũng như hoạt động dạy học. Tuy nhiên, giáo án điện tử không phải là tất cả của việc đổi mới phương pháp dạy học.

Thứ hai, cải tiến các phương pháp dạy học truyền thống

Các phương pháp dạy học truyền thống như thuyết trình, đàm thoại, luyện tập luôn là những phương pháp quan trọng trong dạy học. Đổi mới phương pháp dạy học không có nghĩa là loại bỏ các phương pháp dạy học truyền thống quen thuộc mà cần bắt đầu bằng việc cải tiến để nâng cao hiệu quả và hạn chế nhược điểm của chúng. Để nâng cao hiệu quả của các phương pháp dạy học này, người giáo viên cần nắm vững những yếu cầu sử dụng thành thạo các kỹ thuật của chúng trong việc chuẩn bị cung như tiến hành lên lớp, chẳng hạn như kỹ thuật mở bài, kỹ thuật trình bày, giải thích, thuyết trình, kỹ thuật đặt các câu hỏi, kỹ thuật làm mẫu… Tuy nhiên phương pháp dạy học truyền thống có những hạn chế, nhưng các phương pháp dạy học truyền thống kết hợp với phương pháp dạy học mới, đặc biệt là những phương pháp kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực và sáng tạo của học sinh có thể tăng cường tính tích cực nhận thức của học sinh trong quá trình đàm thoại, thuyết trình theo quan điểm đạy học giải quyết vấn đề.

Thứ ba, kết hợp đa dạng các phương pháp dạy học khác

Không có một phương pháp dạy học toàn năng, phù hợp với mọi mục tiêu và nội dung dạy học. Mỗi một phương pháp và hình thức dạy học đều có những ưu, khuyết điểm và giới hạn sử dụng riêng. Vì vậy, việc phối hợp đa dạng các phương pháp và hình thức dạy học là phương hướng phát huy tính tích cực, nâng cao chất lượng dạy học. Dạy học toàn lớp, học nhóm, nhóm đôi, cá thể là những hình thức xã hội của dạy học cần kết hợp với nhau, mỗi hình thức có một chức năng riêng. Tình trạng độc tôn của dạy học toàn lớp và sự lạm dụng phương pháp thuyết trình sẽ được khắc phục khi thông qua làm việc nhóm.

Trong thực tiễn, khi dạy học sinh sáng tác rất cần có sự tích cực hóa hoạt động của cá nhân, đặc biệt là hoạt động độc lập suy nghĩ, thể hiện của mối cá thể để tạo nên những bức tranh đẹp. Tuy nhiên, hoạt động nhóm cũng sẽ góp phần cho hoạt động cá thể sẽ tốt hơn khi có những lời nhận xét hoặc góp ý về một mảng đậm nhạt, các hướng đi của nét, chất liệu cần tạo ra… Cũng có thể trong toàn nhóm sẽ cùng thể hiện một bức tranh. Đây là thực tế mai sau khi ra thực tế sẽ thường xuyên gặp phải. Tuy nhiên, việc này chỉ có thể xen kẽ trong một tiết học mới chỉ cho thấy rõ việc tích cực hóa “bên ngoài” của học sinh. Muốn bảo đảm việc tích cực hóa “bên trong” của học sinh thì cần chú ý mặt bên trong của phương pháp dạy học, vận dụng dạy học giải quyết vấn đề và các phương pháp dạy học tích cực khác.

Thứ tư, vận dụng dạy học giải quyết vấn đề

Dạy học giải quyết vấn đề (dạy học nêu vấn đề, dạy học để nhận biết và giải quyết các vấn đề) là quan điểm dạy học để phát triển năng lực tư duy, khả năng nhận bết và giải quyết vấn đề.

Thứ năm,  phương pháp  vận dụng theo tình huống

Dạy học theo tình huống, trong đó việc dạy học được tổ chức theo một chủ đề phức hợp gắn với các tình huống thực tiễn cuộc sống và nghề nghiệp, qua quá trình học tập học sinh được tạo điều kiện kiến tạo tri thức cho cá nhân và mối tương tác xã hội của việc học tập. Các chủ đề phức hợp thường xảy ra trong các bài bố cục, những bài vẽ cần phải mô phỏng hiện thực thông qua ngôn ngữ nghệ thuật. Những hình ảnh đưa từ trong thiên nhiên, ngoài xã hội… vào trong bức tranh đương nhiên là học sinh cần vận dụng sự sáng tạo của mình để giải quyết vấn đề.

Thứ sáu,  phương pháp  vận dụng dạy học theo định hướng hành động

Qua việc vận dụng các hiểu biết nhất định về nghệ thuật kết hợp với các kiến thức mới về khắc gỗ, định hướng cho các em sáng tạo dựa trên các kiến thức cũ như: Phân bố mảng trong tranh bố cục chuyển sang phân bố mảng trong tranh khắc gỗ; việc tạo nét khi khắc và cách bố trí nét to nhỏ, dài ngắn, dày thưa… sẽ làm cho hoạt động trí óc và hoạt động chân tay kết hợp với nhau. Đây là quan điểm dạy học tích cực hóa và tiếp cận toàn thể, vận dụng phương pháp này sẽ làm cho học sinh kết hợp được lý luận với thực tiễn, tư duy hành động.

Thứ bảy, tăng cường sử dụng phương tiện dạy học và công  nghệ thông tin trong dạy học

Phương tiện dạy học có vai trò quan trọng trong việc đổi mới phương pháp dạy học, nhằm tăng cường tính trực quan và thí nghiệm, thực hành trong dạy học. Việc vận dụng phương tiện dạy học cần phù hợp với phương pháp dạy học.

Đa phương tiện và công nghệ thông tin có nhiều khả năng ứng dụng trong dạy học, hỗ trợ rất nhiều cho việc tự học, tự tìm hiểu kiến thức của học sinh qua các phương tiện từ đó học sinh sẽ chủ động trong việc học tập của mình trong thời đại kỹ thuật số hiện nay.

Thứ tám, sử dụng các kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực và sáng tạo

Kỹ thuật dạy học, với những cách thức hành động của giáo viên và học sinh trong các tình huống nhằm thực hiện và điều khiển qúa trình dạy học. Những kỹ thuật như vấn đáp, nêu câu hỏi, đàm thoại… phát huy tính tích cực sáng tạo của người học.

Thứ chín, tăng cường các phương pháp dạy học đặc thù bộ môn, cải tiến việc kiểm tra đánh giá, bồi dưỡng phương pháp tự học tự đánh giá  cho học sinh.

Đối với các môn học khác nhau vẫn có thể dùng được nhiều phương pháp chung, tuy nhiên nhiều môn học mang tính đặc thù thì chỉ có thể áp dụng một số phương pháp dạy học đặc thù như: các môn nghệ thuật múa, nghệ thuật tuồng, chèo… Nghệ thuật tranh sơn mài, nghệ thuật tranh khắc… Vì vậy việc tăng cường phương pháp giảng dạy đặc thù bộ môn sẽ thuận lợi trong công tác đào tạo nghệ thuật.

 Các chuyên ngành của mỹ thuật do tính đặc thù, vì vậy việc đánh giá cũng hết sức đặc thù, giáo viên có thể đánh giá học sinh qua nhiều kênh, nhiều phương pháp khác nhau, nhưng việc trang bị cho học sinh phương pháp tự học và tự đánh giá mình qua các tác phẩm sẽ làm cho công tác đào tạo các họa sỹ trơ nên hiệu quả hơn và đây là phương pháp biến “quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo” là hành trang thực sự quý giá cho học sinh sau khi ra trường và đối mặt với thực tiễn. 

               Chỉ có đổi mới PPDH thông qua các hoạt động trong quá trình dạy học sủa giáo viên, đổi mới việc thiết kế và chuẩn bị bài dạy học, đổi mới PPDH, Kết hợp đa dạng các phương pháp dạy học khác,  biết vận dụng dạy học giải quyết vấn đề, dạy học theo định hướng hành động, đặc biệt là tăng cường sử dụng phương tiện dạy học và công  nghệ thông tin trong dạy học mới có thể sử dụng tốt các kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực và sáng tạo. Qua thực tiễn cải tiến và tìm ra những phương pháp dạy học tối ưu đối với đặc thù bộ môn, cải tiến việc kiểm tra đánh giá, bồi dưỡng phương pháp tự học tự đánh giá  cho học sinh. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể tạo ra các thế hệ học sinh luôn sáng tạo, biết làm việc độc lập, có tính kiên trì, tỷ mỷ, đặc biệt là sự khéo léo trong công việc cũng như giao tiếp. Sẽ thích ứng nhanh chóng với  môi trường xã hội sau khi ra thực tiễn cuộc sống.

 

                                      TÀI  LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Nghĩa Duyện (1991), Giáo trình đồ họa, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.

2. Phạm Văn Đôn (1973), Tranh khắc gỗ Việt Nam. Về tính dân tộc của nghệ thuật tạo hình, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

3. Phan Khải (2003), Hội họa toàn thư, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.

4. Vương Hoàng Lực (2007), Nguyên lý hội họa đen trắng, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.

5. Phạm Công Thành (1982), Luật xa gần, Nxb Văn hoá, Hà Nội.

6. Phan Cẩm Thượng (2000), Đồ họa cổ Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.

7. Chu Quang Trứ (1975), Nghệ thuật chạm khắc cổ Việt Nam, Viện Nghệ thuật, Hà Nội