Nội san

Dạy học phân môn vẽ tranh ở trường trung học cơ sở Hương Sơn

29 Tháng Giêng 2018

Hồ Hồng Đức

Lớp cao học K1 – LL&PP dạy học Bộ môn Mỹ thuật

 

 Trường Trung học cơ sở Hương Sơn là một ngôi trường ở ngoại thành Hà Nội có bề dày truyền thống phát triển. Những năm gần đây, trường cũng dần bắt kịp xu hướng phát triển của nền giáo dục đang từng ngày đổi mới theo hướng hiện đại của toàn ngành. Đó là dào tạo học sinh có đầy đủ các yếu tố, kĩ năng là rất cần thiết. bên cạnh các môn học chính như văn, toán,… thì Mỹ thuật và Âm nhạc cũng đã được nhà trường quan tâm, được nhìn nhận một cách đúng đắn, dần thoát khỏi cái tên “môn phụ”. Môn mỹ thuật được học sinh yêu thích, nó cung cấp cho học sinh kiến thức không chỉ về cái đẹp mà là cách quan sát, cảm nhận thế giới xung quanh bằng con mắt nghệ thuật. Trong các phân môn của môn mỹ thuật thì phân môn Vẽ tranh thường được học sinh yêu thích hơn cả. Với mục tiêu chung và chương trình cụ thể, dạy học phân môn Vẽ tranh ở Trung học cơ sở không chỉ là vẽ mà lấy hoạt động mỹ thuật để nâng cao hiểu biết cho học sinh giúp các em có thêm kiến thức, kỹ năng trong quá trình hoàn thiện nhân cách Đức - Trí - Thể - Mỹ.

1. Một số yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dạy - học phân môn Vẽ tranh ở trường THCS Hương Sơn

Cơ sở vật chất

Đối với bất kì một môn học nào trong nhà trường phổ thông thì yếu tố cơ sở vật chất luôn được quan tâm, nó đóng góp một phần không nhỏ vào chất lượng của mỗi giờ học, môn học.

Tại trường THCS Hương Sơn, mặc dù môn Mỹ thuật ngày càng được nhà trường cũng như cha mẹ học sinh ngày càng quan tâm, tuy nhiên vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu dạy và học ngày càng cao của môn Mỹ thuật như chưa có phòng học riêng của môn, phương tiện dạy học chưa hiện đại, các đồ dùng mỹ thuật của các em còn chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được những nội dung dạy học mở rộng, hay các phương pháp dạy học mới theo hướng tích cực.

Đội ngũ giáo viên

Yếu tố tiên quyết trong ngành giáo dục chính là đội ngũ giáo viên, nó góp phần tạo nên một nền giáo dục thành công, đi đúng định hướng phát triển của nhà nước và ngành giáo dục.

Đội ngũ giáo viên mỹ thuật ở trường THCS Hương Sơn chính là “xương sống” của bộ môn, giáo viên mỹ thuật có sự tâm huyết với nghề, có trình độ và tinh thần học tập, đổi mới. Các thầy cô là những người ở địa phương do đó hiểu về địa phương, về nhịp sống của người dân cũng như thái độ, nhận thức của học sinh. Từ đó các giáo viên có những điều chỉnh thích hợp để phát huy tối đa những mặt tích cực của học sinh, khắc phục những nhược điểm còn tồn tại. Tuy nhiên đôi khi các giáo viên có ít cơ hội được tiếp xúc, làm quen và áp dụng các phương pháp dạy học tích cực vào trong giảng dạy của mình. Hay việc áp dụng các phương pháp ấy còn chưa được vận dụng linh hoạt để phù hợp với thực tế của nhà trường, học sinh.

 Nhận thức của học sinh

Tại trường THCS Hương Sơn, các em cũng có sự phát triển về nhận thức khá đầy đủ của lứa tuổi, được thầy cô quan tâm đến sự phát triển về tinh thần, kỹ năng, kiến thức. Ở lứa tuổi THCS là giai đoạn bước đệm chuyển từ giai đoạn chuyển lứa tuổi nhi đồng sang tuổi trưởng thành nên có vị trí tương đối quan trọng trong việc định hướng và hình thành nhân cách sau này cho các em. Ở giai đoạn này các em có sự thay đổi mạnh mẽ từ thể chất (dậy thì, phát triển chiều cao, cân nặng) cho đến phát triển về tinh thần. Các thầy cô giáo có sự định hướng, bên cạnh đồng hành cùng các em nhiều hơn, lắng nghe tình cảm của các em để có những lời khuyên thích hợp và những điều chỉnh phù hợp trong việc truyền đạt kiến thức.

Với bộ môn Mỹ thuật cũng vậy, giáo viên luôn có sự lắng nghe, chia sẻ cùng các em, vì Mỹ thuật là môn học được các em yêu thích nên việc tạo cho các em sự gần gũi với giáo viên trở nên dễ dàng hơn

2. Đổi mới một số phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng dạy – học phân môn Vẽ tranh tại trường Trung học cơ sở Hương Sơn

Một số điều kiện giúp giờ học đạt hiệu quả

Một là, chuẩn bị đầy đủ đồ dùng dạy và học: Để dạy và học phân môn Vẽ tranh được tốt thì yếu tố tiên quyết là đồ dùng dạy và học của GV và HS phải đầy đủ và phong phú. Việc chuẩn bị đồ dùng dạy và học cũng cần được linh hoạt và phù hợp với nội dung của từng bài.

Trong phân môn Vẽ tranh, việc các em HS được quan sát thực tế một cách trực tiếp hoặc quan sát hiện thực cuộc sống thông qua các video clip, qua tranh vẽ, ảnh chụp, đồ dùng dạy học đóng vai trò quan trọng, từ đó giúp học sinh ghi nhớ được các hình ảnh trong cuộc sống xung quanh và nhớ lại những điều đã biết hoặc dễ dàng tưởng tượng những hình ảnh, hoạt động theo từng chủ đề bài học. Người GV cần phải biết chắt lọc, lựa chọn đồ dùng dạy học một cách khoa học, cô đọng, súc tích, nhằm giúp học sinh có một cái nhìn bao quát về đề tài của bài học. Trong xu thế dạy – học tích cực ngày càng hiện đại ngày nay, do yêu cầu của phân môn Vẽ tranh đòi hỏi cần nhiều và phong phú các tranh trực quan, nhưng đồ dùng dạy học được nhà trường cấp phát đến giáo viên lại rất thiếu, chưa phong phú. Nên việc đầu tiên của người GV Mỹ thuật nói chung và trong các giờ dạy các bài Vẽ tranh nói riêng, là cần phải chủ động chuẩn bị đồ dùng dạy học theo sự biên soạn bài giảng của mình một cách đầy đủ và hợp lý nhất. Ngoài những tranh sẵn có, có thể sử dụng được thì giáo viên cần phải vẽ thêm hoặc sưu tầm các tranh phù hợp, quay video, điều có thể thực hiện dễ dàng nhớ các thiết bị công nghệ thời nay. Hay như việc chuẩn bị các giáo cụ trực quan như các tranh vẽ minh họa các bước vẽ bài, hoặc minh họa cách sắp xếp bố cục trên giấy khổ rộng. Có các đồ dùng này vừa giảm bớt được thời gian thị phạm trên bảng của giáo viên, vừa giúp cho HS dễ dàng quan sát và ghi nhớ. Chính vì thế mà việc giảm được thời gian trong các thao tác của giáo viên khi giảng bài là cần thiết.

Trong thực tế, học sinh đi học phải có đầy đủ đồ dùng. Tuy nhiên, có nhiều học sinh quên đồ dùng như không mang màu, không mang giấy, sách giáo khoa, hay như điều kiện khó khăn của một số học sinh vùng ngoại thành... Nếu giáo viên có định hướng trong việc nhắc nhở, dặn dò học sinh chuẩn bị đồ dùng học tập từ đầu năm và được nhắc lại nhiều lần trong các chủ đề, trong các bài học thì việc quên đồ dùng của học sinh sẽ hạn chế và thầy - trò sẽ chủ động hơn trước mỗi bài học. Gv cũng nắm rõ tình hình củ HS mà có định hướng giúp HS chủ động trong việc chuẩn bị đồ dùng. Nhờ có sự chủ động từ hai phía mới mang lại kết quả cao cho giờ học.

Hai là, xây dựng cơ sở vật chất và không gian phù hợp dành cho môn học: Không như một số trường (phần lớn là các trường thuộc khối dân lập), hiện nay đã xây dựng được phòng chức năng dành riêng cho các môn học chuyên biệt như phòng học học đàn, phòng học múa, phòng học mỹ thuật... Điều này đã mang tới cho học sinh sự háo hức, vui vẻ khi các em được tham gia học tập tại các phòng chức năng. Ở trường Hương Sơn còn khó khăn chưa có phòng chức năng riêng. Câu hỏi đặt ra cho cá GV mỹ thuật là làm cách nào để môn học vẫn hấp dẫn trong khi điều kiện phòng học còn hạn chế? Có rất nhiều cách khác nhau, cách phù hợp nhất đối với nhà trường là giáo viên bộ môn cần kết hợp với giáo viên chủ nhiệm của các lớp để tạo một không gian riêng mang đặc thù của môn học như tạo ra các góc để trưng bày sản phẩm tiêu biểu của bộ môn hoặc của từng dạng bài và có thể đặt tên cho góc đó là “góc mỹ thuật”, “góc sáng tạo”... và xây dựng nội quy môn học để đưa ra những quy chuẩn khi vinh danh sản phẩm học sinh. Như vậy, các góc đó sẽ là nơi để các em cố gắng thậm chí là ganh đua nhau để có sản phẩm tốt để cá nhân hoặc nhóm, tổ được tự hào.     

Ba là,  đổi mới phương pháp dạy học tích cực.

Có câu hỏi đặt ra là “Các phương pháp dạy học mới, tích cực là những phương pháp nào? Trả lời câu hỏi này không dễ, vì nhiều trường THCS vẫn loanh quanh với những phương pháp dạy học có từ xưa như trực quan, vấn đáp, thực hành... Thực ra các phương pháp ấy vẫn hiện hữu quanh ta, nhưng đôi khi ta chưa gọi tên hoặc chưa sử dụng triệt để đến các phương pháp ấy: Ví dụ như phương pháp dùng ngôn ngữ cơ thể khi giảng bài, phương pháp đánh thức đa giác quan, hay phương pháp vận dụng âm nhạc khi dạy học, sử dụng trò chơi trong giờ học vẽ tranh... Ngày nay, với cuộc sống hiện đại, chúng ta có nhiều điều kiện để cập nhật nhiều các phương pháp dạy học tiến bộ, có nhiều phương pháp mang lại nhiều gợi mở, hứng thú cho học sinh trong phân môn Vẽ tranh. Vần đề quan trọng là giáo viên có tiếp cận và đưa vào dạy học bằng các phương pháp ấy hay không, đưa như thế nào để phù hợp với tình hình của trường THCS Hương Sơn.

Đổi mới một số phương pháp dạy học trong phân môn vẽ tranh tại trường Trung học cơ sở Hương Sơn

Phương pháp 1: Áp dụng lồng ghép phương pháp dạy học liên môn trong một số đề tài vẽ tranh.

Học mỹ thuật ở Trung học cơ sở có áp dụng phương pháp dạy học liên môn đã góp phần tạo hứng thú cho học sinh khi tham gia học, các em học sinh được lĩnh hội thêm nhiều kiến thức của các môn học khác trong khi học vẽ tranh. Việc giáo viên lồng ghép phù hợp, khéo léo các môn học khác sẽ khiến học sinh có cảm giác các môn học khác xuất hiện tự nhiên, không bị khô cứng. Có thể đưa ra một số ví dụ khi lồng ghép các môn học khác trong phân môn Vẽ tranh.

Như vậy, việc lồng ghép các môn học trong phân môn Vẽ tranh không chỉ đem lại những kiến thức mở rộng, để các em có cơ hội trải nghiệm mà còn tạo cho các em những thay đổi về cách tiếp nhận thông tin, sự hứng khởi khi học tập. Điều đó góp phần tạo nên sự hứng thú, sáng tạo, phong phú về ý tưởng khi vẽ tranh với nhiều đề tài khác nhau.

Phương pháp 2: Tích cực phối hợp nội dung bài học Vẽ tranh với hoạt động ngoài giờ lên lớp

Tại trường Trung học cơ sở Hương Sơn, những hoạt động ngoài giờ lên lớp được diễn ra khá ít và thiếu những hoạt động trải nghiệm phong phú như: Các hoạt động trải nghiệm thực tế diễn ra ngoài khuôn viên trường học như tham quan, dã ngoại, những chuyến đi tìm hiểu lịch sử, thăm người có công với cách mạng... Các em chỉ có một số hoạt động diễn ra thường xuyên hơn tại trường học như hoạt động trồng cây, làm công tác vệ sinh khuôn viên trường, các buổi liên hoan văn nghệ, sinh hoạt tập thể dưới cờ, thể dục, múa hát... Tất cả những hoạt động ấy GV mỹ thuật có thể lồng ghép vào phân môn Vẽ tranh, để sau khi trải nghiệm thực tế, sau khi các em quan sát các em sẽ có nhiều “tư liệu”, nhiều lăng kính thú vị về các hoạt động đã được tham gia. Nhờ đó, các em có được gợi mở quan trọng và phong phú khi các em xây dựng bố cục, hình ảnh, không gian... trong các bài vẽ tranh.

Kết luận

Phân môn Vẽ tranh là một trong những phân môn được HS yêu thích nhất của môn mỹ thuật ở trường THCS Hương Sơn, bởi ở đây các em được tự do thể hiện sự sáng tạo của bản thân mình. Tuy nhiên, do các phương pháp dạy – học cũ đã không còn phù hợp với định hướng mới của nền giáo dục Việt Nam hiện đại ngày nay, do đó cần có sự thay đổi để phát huy được hết khả năng của HS để các em được trở thành người chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức cũng như việc phối hợp, làm việc với GV.

Chính vì vậy, việc cần thiết phải có sự đổi mới trong cách dạy – học môn Mỹ thuật nói chung và phân môn Vẽ tranh nói riêng cần thiết phải được đổi mới. Từ những phương pháp mới, ứng dụng mới sẽ mới tạo được cho HS cảm hứng để học tập – một điều rất cần thiết trong phân môn Vẽ tranh.

 

                          TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyên BìnhTuấn, Võ Quốc Thạch, Nguyễn Thị Ngọc Bích (2014), Giáo trình Mỹ thuật và phương pháp dạy học mỹ thuật, Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương, Hà Nội.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2004), Tâm lý lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

3.         Trần Quốc Toản (1999), Mỹ thuật và phương pháp dạy học mỹ thuật ở trung học cơ sở, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4. Nguyễn Thu Tuấn (2011), Tính sáng tạo trong tạo hình của lứa tuổi học sinh Trung học cơ sở, Tạp chíVăn hóa nghệ thuật, số 326, Hà Nội.

5.         Nguyễn Thu Tuấn (2013), LATS Dạy học mỹ thuật ở trường Trung học cơ sở dựa vào phương tiện đa chức năng nhằm phát huy tính sáng tạo của trẻ em, ĐHSP Hà Nội, Hà Nội.