Nghiên cứu lý luận

Một số biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy môn Sáng tác thiết kế tại Khoa Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

02 Tháng Hai 2018

 Phạm Thị Hoa

 Lớp cao học K1- Lý luận và PPDH bộ môn Mỹ thuật

 

Giáo  dục – đào tạo được xem là nhân tố quan trọng, quyết định cho sự phát triển kinh tế nhanh, mạnh và bền vững. Để không bị tụt hậu, giáo dục cần có sự đổi mới để tạo ra những con người năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của thời đại. Theo đó, đội ngũ giảng viên trong lĩnh vực thiết kế ngày càng tăng cao và Thiết kế đồ họa trở thành một ngành học hấp dẫn giới trẻ, nhất là với những ai đam mê thiết kế và thích làm việc trong một môi trường năng động. Thiết kế đồ họa là ngành sử dụng các thủ pháp đồ họa, phần mềm thiết kế để truyền tải thông điệp bằng những hình ảnh đẹp, ấn tượng, đi vào lòng người.

Trong sự phát triển chung của ngành Thiết kế đồ họa, môn Sáng tác thiết kế có vị trí rất quan trọng, nó bao trùm lên phần lớn các hoạt động thiết kế, quảng cáo đưa ra những định hướng thẩm mỹ cho từng lĩnh vực nhằm hoà nhập với xu thế chung của toàn nhân loại.

Sáng tác thiết kế là học phần thiết kế ứng dụng cung cấp cho SV những những khái niệm, kỹ năng về thiết kế đồ họa thương mại. Hướng dẫn thông qua những bài tập cụ thể bằng các giải pháp thiết kế khác nhau. Từ đó, giúp sinh viên có được những kiến thức mối liên hệ giữa thẩm mỹ và công năng. Nắm được những nguyên tắc thiết kế và sử dụng thành thạo các phần mềm đồ họa, trong đó cần quan tâm đến các yếu tố đồ họa như màu sắc, bố cục, chữ, hình ảnh… và cách sử dụng các loại chất liệu kết hợp trong thiết kế. Sản phẩm thiết kế cần đảm bảo được cả hai vấn đề về thẩm mỹ và công năng.

Nhằm có được những phương hướng cụ thể sát với yêu cầu của thực tế cho phương pháp giảng dạy môn Sáng tác thiết kế, tác giả đã nghiên cứu dựa trên cơ sở những điều kiện có về chương trình, giáo trình, giáo án đã và đang được thực hiện. Dựa vào cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, trình độ chuyên môn, những khó khăn, thuận lợi và những thành tựu của Khoa Thiết kế đồ họa trong những năm qua.

Trên thực tế có rất nhiều biện pháp tác động nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy môn học như: Đổi mới phương pháp, phương tiện dạy học, điều kiện cơ sở vật chất, giáo trình, giáo án, mời chuyên gia đầu ngành về hướng dẫn… Tuy nhiên, ở đây tôi không có điều kiện đề cập chi tiết đến tất cả các mặt trên mà chỉ tập trung nói về việc cải tiến, nâng cao phương pháp giáo dục trong đó bao gồm:

            - Tiếp thu những cái đã làm tốt, khắc phục những điểm còn tồn tại.

            - Giải pháp mới không làm thay đổi chương trình thời lượng của môn học.

            - Dựa trên cơ sở phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Khoa Thiết kế đồ họa.

            - Đảm bảo tính nguyên tắc và đúng quy định của nhà nước.Vừa đảm bảo quy định của ngành học, môn học.

            - Khai thác được những yếu tố tích cực, sáng tạo của từng giảng viên trong tổ chuyên môn.

            - Phù hợp với đặc điểm khả năng nhận thức của sinh viên cũng như chuyên ngành đào tạo.

            - Bám sát yêu cầu đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội đối với sinh viên sau khi ra trường.

            - Kết hợp được giữa lý thuyết và thực hành.

            - Điều chỉnh và sắp xếp lại chương trình của môn học, quy chuẩn hóa việc biên soạn giáo án, đổi mới phương pháp giảng dạy.

            - Hướng tới nâng tầm trình độ, năng lực của người dạy lẫn người học trên cơ sở tiết kiệm hiệu quả.

            Để đổi mới hoặc nâng cao phương pháp giảng dạy môn Sáng tác thiết kế cho sinh viên Khoa Thiết kế đồ họa cần phải dựa trên những yêu cầu những phương hướng trên, không thể làm mới một cách hoàn toàn mà không dựa vào những điều kiện, những cơ sở hiện có của Khoa và Nhà trường.

Do đặc thù các môn học ở Khoa Thiết kế đồ họa là những môn thực hành, giảng viên phân tích lý thuyết, định hướng giúp học viên xây dựng ý tưởng và phương pháp thực hiện ý tưởng. Sinh viên tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện ý tưởng của mình.Trong quá trình thực hành, sinh viên nâng cao khả năng làm việc và tích lũy được kinh nghiệm sau mỗi lần sai hỏng.

Quá trình thực hành có thể tổ chức theo phương pháp hoạt động nhóm giúp sinh viên rèn luyện kĩ năng tổ chức và phối hợp hoạt động trong tập thể. Mỗi sinh viên có một sự tư duy và cách thực hiện ý tưởng khác nhau.Gảng viên định hướng giúp sinh viên đạt được mục tiêu học tập và hiệu quả cao hơn trong quá trình thực hiện ý tưởng. Giảng viên sẽ phải hoạt động và tư duy nhiều hơn do có sự trao đổi thông tin thường xuyên với người học.

Tuy nhiên, hiệu quả của quá trình giảng dạy phụ thuộc chủ yếu vào người học. Sinh viên cần tìm hiểu và lựa chọn một phương pháp học tập, phù hợp và hiệu quả. Kiến thức trên lớp mang tính chất định hướng, cơ bản, học sinh, sinh viên cần đầu tư nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu, củng cố và mở rộng thêm kiến thức từ những nguồn thông tin khác. Thiết kế luôn đòi hỏi sự tìm tòi, sáng tạo, lựa chọn phương pháp học tập phù hợp và định hướng đúng đắn giúp sinh viên hình thành phong cách thiết kế riêng của bản thân. Trong quá trình học, luyện tập thực hành, viên tích lũy được nhiều kĩ năng và kinh nghiệm làm việc. Mục tiêu sau khi ra trường, sinh viên đáp ứng được yêu cầu của công việc và trang bị những kĩ năng cần thiết để phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

Trong môi trường giáo dục và đặc biệt là những trường sư phạm, giảng viên là người giữ vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục và có tính quyết định đến sự tồn tại và phát triển của Khoa và Nhà trường. Để đảm bảo số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên phải có đầy đủ phẩm chất, năng lực, nghề nghiệp, có tinh thần trách nhiệm là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách của Khoa và Nhà trường.

Khoa cần phải có kế hoạch cụ thể cho việc bồi dưỡng thường xuyên nhằm rèn luyện nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ Sư phạm cho giảng viên Mỹ thuật, tạo mọi điều kiện để giảng viên tự bồi dưỡng, hoàn thiện bản thân như:

- Đào tạo nâng cao trình dộ chuyên môn, chuyên ngành (tránh việc nâng cao trình độ vì bằng cấp mà học tập trái chuyên ngành, chuyên môn), bồi dưỡng chuẩn hóa, phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng chuyên đề nâng cao, những kiến thức về tâm lý, giáo dục học và đào tạo theo nhu cầu xã hội…

- Bồi dưỡng về tư tưởng chính trị, đường lối, quan điểm và phát triển giáo dục của Đảng, Nhà nước, đạo đức lối sống.

- Bồi dưỡng về ngoại ngữ, tin học…

- Đổi mới phương thức và phương pháp đào tạo qua việc mời chuyên gia có hiểu biết sâu về từng chuyên ngành về hướng dẫn, chỉ ra các phương pháp khoa học, mới mẻ và hiệu quả.

- Thường xuyên tổ chức cho giảng viên được tham gia các hoạt động thực tế, thực tiễn (dự giờ, tham quan và học hỏi kinh nghiệm giảng dạy, mời các chuyên gia về nói chuyện về chuyên ngành…). Tạo điều kiện cho giảng viên đi học nâng cao trình độ để đáp ứng với sự phát triển của xã hội và yêu cầu dạy học trong thời đại mới.

Ngoài ra, cần phải có chế độ khen thưởng kịp thời với những giảng viên có thành tích, cố gắng trong công tác chuyên môn nhằm khuyến khích động viên khích lệ tinh thần, trách nhiệm cũng như lòng nhiệt tình nghề nghiệp của giảng viên. Như vậy mới đáp ứng được xu thế phát triển của xã hội, thời đại và thực hiện được định hướng của Đảng, Nhà nước về Giáo dục và Đào tạo.

Việc đổi mới phương pháp giảng dạy đề cao việc dạy cách học và học cách học cũng chính là nội dung cơ bản bao quát giảng dạy tại các trường đại học. Trong đó, tính chủ động của người học là phẩm chất quan trọng cần tập trung phát huy với những phương pháp đặc thù của môn học thiết kế đó là: Phương pháp phân tích lý thuyết, phương pháp thực hiện ý tưởng và phương pháp thực hành.

            Thông qua hoạt động của thầy và hoạt động của trò mà phương pháp dạy học được hiểu là cách thức tác động của giảng viên trong quá trình dạy học nhằm vào người học để truyền đạt những kiến thức, kỹ năng, lý luận và kinh nghiệm, quy luật về thế giới tự nhiên và đời sống xã hội; giúp người học nhận thức đầy đủ nội dung của vấn đề, trên cơ sở đó đem vào áp dụng thực tiễn.

            Những giải pháp mà tác giả đề xuất ra trong luận văn này là nâng cao chất lượng giảng dạy môn Sáng tác thiết kế cho sinh viên Khoa Thiết kế đồ họa, đây là một giải pháp trong đó tiếp thu kinh nghiệm , những hiệu quả tốt mà cả phương pháp giảng dạy trước đã đạt được. Đồng thời có điều chỉnh, cải tiến, bổ sung thêm những yếu tố cần thiết làm cho quy trình dạy học hợp lý hơn, chi tiết và sát thực hơn. Giải pháp này sẽ pháp huy được tính năng động, sáng tạo của giảng viên, tính chủ động, tích cực của giáo sinh nhằm đáp ứng tốt mục đích và yêu cầu của chương trình đào tạo.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Lê Đức Cường (2015), Xây dựng tài liệu dạy học môn Sáng tác thiết kế chương trình đào tạo năm thứ 3 ngành Thiết kế đồ họa, trường ĐHSP Nghệ thuật TW.
  2. Nguyễn Lăng Bình (2010), Dạy và học tích cực một số phương pháp và kỹ thuật dạy học, Bộ giáo dục và đào tạo – Dự án Việt Bỉ, Nxb Đại học Sư phạm.
  3. Đỗ Hương Trà (2014), Lamap – Một số phương pháp dạy học hiện đại, cơ sở lý luận về việc vận dụng trong dạy học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  4. Phạm Viết Vượng (2004), Giáo trình lý luận dạy học đại học, Nxb Viện nghiên cứu sư phạm, Hà Nội.