Nghiên cứu lý luận

Một số thủ pháp soạn đệm đàn cho ca khúc trên đàn phím điện tử

28 Tháng Hai 2018

Nguyễn Đắc Trung [*]

Đệm đàn cho ca khúc là phương thức dùng nhạc cụ để đệm phần nhạc nền trực tiếp cho lời hát, được thể hiện bởi người hát, sao cho âm thanh giữa tiếng hát và tiếng nhạc hòa quyện với nhau không rời rạc hay phô, chênh.

Người đệm đàn được gọi là nhạc công và nhạc cụ dùng để đệm có thể là cả một dàn nhạc hoặc một nhạc cụ độc lập như Guitar, Piano hoặc Đàn phím điện tử. Để thực hiện tốt phần đệm đàn, đòi hỏi người nhạc công phải có kiến thức âm nhạc sâu rộng, nắm được kiến thức về hòa thanh, tiết tấu, giọng, điệu, đặc biệt có kỹ năng sử dụng thành thạo một loại nhạc cụ nhất định. Sau đây, tác giả xin được bàn cụ thể một số thủ pháp soạn đệm cho ca khúc trên đàn phím điện tử.

         1. Chọn tiết điệu phù hợp

Để chọn tiết điệu mong muốn trong khi đệm hát, trước hết ta cần hiểu nội dung, tính chất của bài hát, ý đồ truyền tải thông tin bài hát của tác giả đến với người nghe. Tiếp theo cần biết về tốc độ, số chỉ nhịp của bài hát để chọn tiết điệu phù hợp. Cụ thể như sau:

Với bài hát viết ở nhịp 4/4 mang tính chất mềm mại, trữ tình, ca ngợi tình yêu, quê hương… ở tốc độ chậm (tempo= 60-75) ta sử dụng tiết điệu Slow Ballad, 16 Beat Ballad, ở tốc độ (tempo=75-90) ta có thể sử dụng tiết điệu Rumba, cùng với tính chất đó. Nhưng nếu viết ở tốc độ nhanh hơn (tempo= 90-110) ta có thể sử dụng tiết điệu Bossanova, ở mức tempo=120 ta có thể sử dụng điệu Cha Cha Cha. Ví dụ: Em ơi Hà Nội phố, Điều giản dị, Biển cạn sử dụng tiết điệu 16 Beat Ballad. Tình cây và đất, Ai lên xứ hoa đào sử dụng điệu Rumba. Bây giờ tháng mấy, Về đây nghe em sử dụng điệu Bossa nova. Besame mucho, Cây cầu dừa sử dụng điệu Cha Cha Cha…

 Cùng ở nhịp 4/4 nhưng tính chất mạnh mẽ ta có thể sử dụng tiết điệu Rock ballad, Pop Ballad ở tốc độ chậm (70-110), và Rock ở tốc độ nhanh (120-150). Ví dụ: Chiều thu nhớ trường sử dụng Pop Ballad, Người đàn bà hóa đá sử dụng Rock Ballad. Lý kéo chài, Em muốn sống bên anh trọn đời sử dụng điệu Rock.

Ở nhịp ¾, với những bài hát viết ở tốc độ chậm (Tempo=50-70) ta nên dùng tiết điệu Slow waltz (boston) thay vì điệu Waltz (80-150). Ví dụ: Silent night, Không còn mùa thu, Riêng một góc trời sử dụng điệu Slow Waltz (Boston), Happy birthday, Nhạc rừng, VIệt Nam quê hương tôi sử dụng điệu Waltz.

Những ca khúc viết ở nhịp 6/8 đa số sử dụng tiết điệu slow rock, 6/8 rock. Ví dụ: Lâu đài tình ái, Giai điệu tổ quốc, Bài thánh ca buồn…

Với những bài viết ở nhịp 2/4 có tính chất nhộn nhịp, vui tươi trong sáng, tốc độ 120-140 ta thường chọn nhóm tiết điệu Dance như Disco, Techno, House… Ví dụ: Mùa hè xanh, Hãy hát lên…

Đối với nhịp 2/4 hoặc 4/4 có tempo lớn hơn 150, mang tính chất ngẫu hứng Jazz, thường dùng các tiết điệu Twist, Swing, Rock&Roll… ví dụ: 60 năm cuộc đời, Jingle bell…

            2. Chọn âm sắc phù hợp

Cũng giống như chọn tiết điệu, việc chọn âm sắc phù hợp là hết sức quan trọng quyết định đến chất lượng việc đệm hát. Người đệm cần chọn âm sắc một cách tinh tế, âm sắc đó phải phù hợp với tính chất, nội dung ý đồ tác giả muốn chuyển tải đến bài hát. Âm sắc đệm cần có âm lượng vừa phải, gọn gàng, không nên quá to hoặc chỉnh sửa hiệu ứng (effect) quá nhiều làm lấn át tiếng hát. Để chủ động trong việc linh hoạt thay đổi âm sắc trong bài đệm, cần ghi nhớ các âm sắc vào mục Registration Memory như sau: Chọn âm sắc cần dùng, sau đó nhấn nút Registration Memory rồi nhấn số vị trí cần lưu.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần chọn âm sắc phù hợp với tiết điệu đang sử dụng như sau:

Đối với điệu Walt, ta chọn âm sắc cho thích hợp với tốc độ và phong cách của chúng. Với những tiết điệu có tốc độ nhanh (Vien Waltz, German Waltz, Italian Waltz,…) ta chọn những âm sắc nhạc cụ có tính linh hoạt như: Violin, Musette, Harmonica, String,…; với những điệu có tốc độ chậm hoặc vừa phải (Slow Waltz, English Waltz,…) ta chọn những âm sắc như: Oboe, Clarinet, Horn, Flute,… Hoặc với những style Jazz Waltz, Country Waltz, ta nên chọn những âm sắc các nhạc cụ đặc trưng cho phong cách này như: Jazz  Guitar, Country Guitar,…

Đối với âm sắc dùng để đệm cho điệu Boléro và Rumba cũng thường có tính chất mềm mại như: Flute, Pan Flute, Nylon Guitar, Harmonica, String,... Với các bài hát mang phong cách dân gian, chúng ta nên chọn các âm sắc để giả tiếng các nhạc cụ dân tộc Việt như âm sắc Dulcimer (giả đàn Tranh), Piccolo, Flute (giả tiếng Sáo trúc),...

Tango là điệu nhạc khá uyển chuyển, thích hợp với những bài hát bay bổng, lãng mạn. Vì vậy giai điệu và hòa âm đệm cần được thể hiện linh hoạt tùy theo sắc thái cảm xúc của bài. Âm sắc dùng để đệm cho điệu Tango thường là: Musette (chơi đàn Accordion theo kiểu Pháp), Nylon Guitar, Violin, String,...

Đối với điệu Polka, March người ta thường dùng các âm sắc có màu tươi sáng, khỏe khoắn như: Musette, Trumpet, Trombone, Brass,…

Khi đệm với tiết điệu Slow Rock, người chơi cần chọn những âm sắc có tính chất trữ tình như: nhóm kèn Saxophone, nhóm Guitar, nhóm đàn dây,… Bên cạnh đó, nên thể hiện các giai điệu và hòa âm đệm với cường độ êm ái cùng với sắc thái liền tiếng (legato).

Với các tiết điệu Ballad, người chơi cần chọn những âm sắc có tính chất trữ tình như: nhóm kèn Saxophone, nhóm Flute, nhóm đàn dây,… Bên cạnh đó, các giai điệu và hòa âm đệm cho điệu Ballad thường được thể hiện với cường độ êm ái (p hoặc mp) cùng với sắc thái liền tiếng (legato).

            3. Soạn nhạc dạo cho ca khúc

Trước khi thực hiện một ca khúc, người đệm đàn bao giờ cũng đánh một giai điệu nhạc dạo để người hát xác định được cao độ, nhịp độ, tốc độ của bài hát, đồng thời giúp người nghe chuẩn bị tiếp thu nội dung bài hát.

Trong âm nhạc chuyên nghiệp, phần nhạc dạo chiếm một phần rất quan trọng, nó đánh giá chất lượng bản phối và tay nghề của nhạc sĩ phối khí, giúp quyết định đến phần lớn sự thành công và để lại dấu ấn của khán giả đối với ca sĩ thể hiện.

Nhạc dạo thường có 2 phần, phần dạo đầu và phần dạo giữa. Ta có thể viết theo sơ đồ như sau:

Dạo đầu - Hát lời 1 -  Dạo giữa - Hát lời 2 hoặc tái hiện - Nhạc kết.

Phần dạo đầu thường bao gồm 4 hoặc 8 ô nhịp, có nội dung đơn giản nhưng phải thể hiện rõ ràng về nhịp điệu, âm chủ và điệu tính.

Có 2 cách để xây dựng phần nhạc dạo đầu:

Lấy phần điệp khúc: Cách đơn giản nhất để đánh nhạc dạo là lấy nguyên phần điệp khúc của bài làm nhạc dạo đầu, nhưng cách này chỉ áp dụng đối với những đoạn điệp khúc ngắn gọn.

Ví dụ: Bài hát Việt Nam Quê hương tôi, sáng tác Đỗ Nhuận

Phát triển giai điệu mới: đối với những bản nhạc có đoạn điệp khúc phức tạp, quá dài không thể lấy làm nhạc dạo, hoặc người đệm đàn muốn thể hiện năng lực đệm đàn tốt, có thể phát triển phần dạo hoàn toàn khác biệt. Phát triển giai điệu nhạc dạo mới phải bám vào bố cục của bài hát, cụ thể các yếu tố như âm hình tiết tấu, lối tiến hành hòa thanh…

Ví dụ: bài hát Tuổi đời mênh mông, sáng tác Trịnh Công Sơn

4. Đặt hợp âm cho ca khúc

Để đặt hợp âm hoặc hòa thanh cho ca khúc, người học phải biết phân tích về ca khúc đó, cụ thể phải xác định về giọng điệu, loại nhịp, phân tích cấu trúc hình thức câu, đoạn, xác định cao trào, tính chất âm nhạc của ca khúc.

Việc đặt hợp âm cho ca khúc ở mỗi người sẽ không giống nhau bởi vì phụ thuộc vào cách phân tích các yếu tố âm nhạc khác nhau, nhưng phải tuân theo một quy luật về giọng điệu của ca khúc. Hợp âm trong ca khúc không bao giờ là duy nhất đúng mà có thể có nhiều cách khác nhau, quan trọng là người nghe cảm thấy hay, phù hợp với bài hát và tạo được sự độc đáo riêng.

Các bước tiến hành đặt hợp âm cho ca khúc:

Xác định giọng: Để xác định được giọng, người đệm đàn cần nắm vững các kiến thức nhạc lý về điệu thức, gam, giọng cho sinh viên nắm rõ lý thuyết, sau đó dựa vào các yếu tố sau đây để xác định giọng.

Đầu tiên căn cứ vào hóa biểu (dấu hóa theo khóa) của bài hát. Từ hóa biểu có thể xác định được cặp giọng song song trưởng - thứ.

Thứ hai, để xác định được giọng, cần xem âm mở đầu và âm kết thúc của bài hát. Thông thường, âm mở đầu của bài hát là âm thuộc hợp âm chủ (không kể các âm trong nhịp lấy đà). Ví dụ: Trong giọng đô trưởng, âm mở đầu cho bài hát thường là âm Đô, hoặc Mi, hoặc Sol. Âm kết thúc của bài hát thường là âm chủ. Nếu âm mở đầu và âm kết thúc trùng với một trong hai âm chủ của cặp giọng song song thì giọng của bài hát có thể đã được xác định.

Xác định các hợp âm chính và phụ cho từng giọng: chúng ta cần nắm rõ hệ thống các hợp âm cơ bản của giọng đã được xác định trong bài hát, bao gồm hợp âm chính và hợp âm phụ. Hợp âm chính được thành lập trên các bậc I, IV, V. Các hợp âm phụ được thành lập trên các bậc II, III, VI, VII.

Xác định cấu trúc, hình thức: Ngoài yếu tố về giọng, loại nhịp, hình thức của bài hát cũng là yếu tố rất quan trọng. Cần xác định câu, đoạn trong bài hát, xác định những điểm cao trào, kết câu, kết đoạn để đặt hợp âm phù hợp.

Tiến hành đặt hợp âm: Sau khi xác định được giọng, hình thức bài hát chúng ta tiến hành đặt hợp âm dựa vào các yếu tố cơ bản sau:

- Hợp âm thường được đặt ở phách mạch hoặc phần mạnh của phách.

- Trong một nhịp, các âm ở giai điệu nối tiếp nhau thường trùng với các âm của một hợp âm  nhất định. Nếu số lượng âm ở giai điệu trùng với hợp âm nào nhiều hơn, ta sẽ sử dụng hợp âm đó.

Ví dụ: 

Trong ví dụ trên: ở ô nhịp thứ 3 có 2 âm La và 1 âm Fa. Cả 3 âm này đều trùng với các âm ở hợp âm Fa trưởng, vì vậy ta đặt hợp âm Fa trưởng vào đầu ô nhịp đó.
- Cần chú ý đến khuynh hướng giải quyết của hòa thanh, bậc V về bậc I, II-V, III-VI… thường được hiểu là cách giải quyết hợp âm Át về Chủ. Hướng giải quyết này thường xuất hiện từ ô nhịp trước, vì vậy khi đặt hợp âm cần có mối liên hệ giữa các nhịp trước và sau sao cho có sự logic. 
Ví dụ: 

 

Trong ví dụ trên, dễ dàng nhìn thấy sự giải quyết hợp âm C - F, D7 - G, E7 - Am, G - C. Ta có thể hiểu hợp âm trước là Át của hợp âm sau.

- Chú ý các âm thêu, âm lướt thường không nằm trong hợp âm, nó thường xuất hiện rất ngắn chỉ để tô điểm thêm màu sắc của giai điệu.

Tóm lại, việc đệm đàn cho ca khúc là một công việc khó, đòi hỏi người đệm phải có kiến thức sâu rộng về âm nhạc, có kỹ thuật tốt về thực hành đàn cũng như kỹ năng tốt về thao tác trên đàn phím điện tử. Bên cạnh đó, ý thức về rèn luyện thường xuyên và đam mê học hỏi là yếu tố quyết định đến thành công.

Tài liệu tham khảo

1. Đinh Công Hải (2011), Phương pháp soạn đệm trên đàn Organ, Đề tài nghiên cứu khoa học, Học viện Âm nhạc Huế.

2. Cù Minh Nhật (2015), Học đệm Organ, tập 1, 2, 3, 4, Nxb Âm nhạc Hà Nội.

3. Ngô Ngọc Thắng (2007), Organ thực hành - những bản đệm đàn cho ca khúc, tập 1, 2, Nhà xuất bản Âm nhạc Hà Nội.

4. Xuân Tứ (2001), Giáo trình đệm nđàn phím điện tử, Nxb ĐHSP TP. Hồ Chí Minh.

5. A.Multi (1954), Bài tập hòa âm, Nxb Âm nhạc Hà Nội.

[*] Lớp Cao học k6 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học Âm nhạcnghệ  trình nghghệ thuật