Nội san

Ứng dụng phương pháp trò chơi vào trong dạy học Mỹ thuật

28 Tháng Hai 2018

Vũ Hà My

Lớp cao học  K1 – LL&PPdạy học  bộ môn Mỹ thuật

 

     Đổi mới phương pháp, đổi mới cách thức dạy học hiện nay thách thức đội ngũ giáo viên phải có một sự thay đổi lớn trong việc tiếp cận phương pháp dạy học nhằm đáp ứng nhu cầu bài học cho học sinh. Việc sử dụng trò chơi trong dạy học môn Mỹ thuật là một trong những thay đổi lớn nhằm mang đến một không khí mới, một mô hình mới đảm bảo được yêu cầu tiến trình bài dạy, đảm bảo được mục tiêu bài dạy cũng như đảm bảo được việc phát triển toàn diện cho học sinh.

     Với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh giai đoạn tiểu học, trong tiết học với thời gian 35 phút, để đáp ứng đủ không gian, thời gian để học sinh tiếp cận với lượng kiến thức cần thiết, người giáo viên luôn nỗ lực nghiên cứu tìm tòi, sáng kiến và tư duy để có được những tiết học bổ ích, lý thú mà lại hiệu quả cho học sinh. Để tiết học đạt được mục tiêu kiến thức bài học, người giáo viên cũng phải luôn quan tâm đến sự hứng thú, đam mê, yêu thích môn học của các em học sinh. Muốn vậy, đổi mới phương pháp, đổi mới nội dung, hình thức cũng được đặt lên hàng đầu.Việc sử dụng trò chơi trong dạy học tại trường tiểu học không những là một trong những cách thức hiệu quả nhất vừa đem lại không khí cho lớp học mà còn được sử dụng như một công cụ lồng ghép kiến thức vào đó để học sinh dễ nhớ, dễ hiểu và hứng thú học tập. A.I Xôrôkina đã từng nói: “Trò chơi học tập là một quá trình phức tạp, nó là hình thức dạy học và đồng thời nó vẫn là trò chơi…Khi các mối quan hệ chơi bị xóa bỏ, ngay lập tức trò chơi biến mất và khi ấy, trò chơi biến thành tiết học, đôi khi biến thành sự luyện tập”.

     Phương pháp trò chơi mang đặc tính giải trí cao cho cả người dạy và người học. Vì thế việc áp dụng hiệu quả phương pháp trò chơi vào dạy học là một thành công lớn đối với người giáo viên. Phương pháp tổ chức trò chơi mang tính giải trí được sử dụng rộng rãi ở nhiều môn học, nhiêu mô thức trò chơi có thể áp dụng, ví dụ: trò chơi lưới cá; trò chơi nhảy theo nhạc; trò chơi vỗ tay; trò chơi cướp cờ; trò chơi con thỏ; trò chơi tai-mũi-mắt; trò chơi di chuyển, trò chơi nhanh mắt; trò chơi hoa quả chuyển động;...

     Để vận dụng phương pháp trò chơi một cách hiệu quả thì quản lý lớp học nói chung, quản lý trò chơi nói riêng là rất cần thiết đối với một người giáo viên, trong bất kỳ hoạt động nào trên lớp học hay hoạt động ngoại khóa người giáo viên phải là nhà lãnh đạo tài ba, phải biết quản lý lớp học, quản lý về thời gian, không gian và đối tượng trong từng hoạt động. Để có kỹ năng tốt giáo viên phải được đào tạo đúng chuyên môn, có hiểu biết rộng. Việc hiểu sâu và rộng kiến thức chuyên môn có ý nghĩa rất quan trọng. Qua đó giáo viên mới có thể lựa chọn những đơn vị kiến thức cho phù hợp với các kiểu khác nhau của phương pháp dạy học trò chơi, mới có khả năng xây dựng bài toán nhận thức, có kỹ năng đặt câu hỏi. Sự hiểu biết sâu và rộng về chuyên môn còn tạo ra phong cách tự tin, sự tôn trọng của đồng nghiệp, niềm tin ở học sinh.

     Kỹ năng quản lý, lãnh đạo trong trò chơi là vô cùng cần thiết. Bởi vì, người quản lý là người quyết định phần lớn thành công hay không của trò chơi. Người giáo viên quản lý tốt là người biết bắt đầu khi nào, bắt đầu từ đâu, bắt đầu với ai, khi nào cần hài hước, khi nào cần nghiêm túc, khi nào cần tạm dừng, khi nào cần kết thúc, khi nào cần khen thưởng. Người giáo viên là người chủ chốt, người định hướng trong các hoạt động giúp các em tự tin, hứng thú tham gia và được thể hiện.

     Một trong những kỹ năng quan trọng của người giáo viên khi tổ chức trò chơi trong dạy học là phải biết tổ chức, vận dụng linh hoạt trong tổ chức trò chơi cho học sinh. Nếu người giáo viên biết tổ chức tốt, biết vận dụng tốt thì trò chơi sẽ đạt hiệu quả, học sinh sẽ thấy vui vẻ trong hoạt động, hào hứng khi tham gia, mong muốn được khám phá. Nếu người giáo viên biết tổ chức tốt thì trò chơi diễn ra đúng như thời gian dự kiến, đúng như nội dung mong muốn, đúng như tinh thần trò chơi và đúng như kết quả mong đợi. Nếu như người giáo viên biết vận dụng linh hoạt các hoạt cảnh, các cách thức, các thông điệp, các thông tin của trò chơi thì trò chơi đó sẽ phù hợp hơn với không gian và thời gian cũng như đối tượng. Việc vận dụng linh hoạt là một kỹ năng rất cần thiết cho người giáo viên trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kỳ hoạt động nào. Dù là trong tiết học, trong giao tiếp, trong hoạt động hay trong tổ chức trò chơi thì việc vận dụng linh hoạt để hoạt động đó diễn ra theo ý muốn của mình là một trong những thành công lớn.

     Người giáo viên muốn có kỹ năng tổ chức, vận dụng linh hoạt trong trò chơi tốt thì người giáo viên cần phải rèn luyện thêm các kỹ năng quan sát, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng đột phá trong tình huống. Nếu rèn luyện tốt các kỹ năng này thì việc tổ chức tốt những trò chơi, những hoạt động cho học sinh trở nên đơn giản.Ví dụ, trong một trò chơi kéo co, lớp học rất đông có sĩ số lớp là 41 học sinh mà số lượng giải thưởng lại được Ban giám hiệu quy định mỗi lớp có 1 giải nhất tập thể và một giải nhì tập thể. Trong khi đó dây kéo co lại ngắn và không đủ chắc cho 40 người vào kéo cùng một lúc và sân kéo co lại nhỏ không đủ cho mỗi đội 20 người,... lúc này người giáo viên cần linh động để chia đôi lớp học và chia thành 4 đội chơi và lấy 2 đội chiến thắng đồng giải nhất, hai đội còn lại đồng giải nhì. Lớp có 41 học sinh, giáo viên nên cử một bạn học sinh ra làm trọng tài và công bố kết quả thay vì cho học sinh dư này nghỉ. Hay khi hai đội kéo co thì hai đội còn lại làm cổ động viên để tăng tính hấp dẫn, sôi nổi cho trò chơi kéo co. Tất cả học sinh nào cũng được tham gia và được nhận giải.

     Một trong những thành công của việc tổ chức trò chơi trong dạy học đó là người giáo viên phải biết phân tích và tổng hợp. Phân tích tình huống, phân tích nội dung bài học, phân tích tâm sinh lý học sinh thời điểm hiện tại, phân tích thời gian, không gian, thời tiết, phân tích tính nguy hiểm,... Đây là kỹ năng quan trọng đầu tiên trước khi tiến hành xây dựng trò chơi, tổ chức trò chơi trong dạy học. Nếu làm tốt khâu này, trò chơi sử dụng mới được hiệu quả. Việc phân tích đòi hỏi người giáo viên phải có óc quan sát tình hình cụ thể.

     Ví dụ, giáo viên định tổ chức trò chơi ô chữ trong môn toán học, lúc đó trước khi tổ chức, giáo viên nên xem học sinh tại thời điểm đó học sinh có được thoải mái không, vui vẻ không, đã chơi trò chơi này ở các môn khác trước đó chưa,...nếu đúng như dự đoán, phân tích, lúc này người giáo viên lại phải thay đổi trò chơi để học sinh vui vẻ hơn, hứng thú hơn như những trò chơi khởi động, hoạt động, chuyển động, sử dụng cơ thể để chơi hơn là những trò chơi trí tuệ.

     Kết thúc của các hoạt động, của các trò chơi đó là nhận xét, phân tích ý nghĩa trò chơi, động viên, khích lệ các em học sinh và khen thưởng kịp thời. Việc này không chỉ ý nghĩa với các em học sinh tiểu học, nó còn là một công cụ hữu hiệu đối với tất cả mọi lứa tuổi. Người giáo viên muốn trò chơi kết thúc ấn tượng nhất thì nên kết thúc trò chơi đó tại một thời điểm hấp dẫn nhất, thời điểm mà học sinh đang hứng thú nhất đối với trò chơi mà trò chơi đã đạt được những hiệu quả nhất định với người chơi. Khi đó, những lời nói, những nhận xét những phần thưởng của giáo viên sẽ được đón nhận bằng một niềm vui lớn nhất đối với cả người chiến thắng cũng như người thua cuộc mong muốn có được. Động viên những đội, những cá nhân chưa chiến thắng, khen thưởng những nhóm, những cá nhân chiến thắng và thực hiện tốt yêu cầu của trò chơi. Người giáo viên phải luôn tươi cười dù người đó chiến thắng hay thua cuộc. Nói chung, kỹ năng động viên khen thưởng nếu kịp thời sẽ giúp cho người giáo viên ổn định, nâng cao giá trị cho học sinh, từ đó học sinh cảm thấy tự tin, vui vẻ và mong muốn được tham gia, học hỏi trong các dịp khác.

     Việc nắm chắc bản chất của phương pháp trò chơi sẽ giúp giáo viên kết hợp nhịp nhàng giữa nội dung và phương pháp giảng dạy, giáo viên mới xây dựng được trò chơi một cách vừa sức, mới phân biệt rõ sự khác nhau giữa quy trình thiết kế và thực hiện cho từng trò chơi khác nhau. Mặt khác, việc nắm chắc bản chất của phương pháp trò chơi mới giúp giáo viên xác định được những mâu thuẫn, những nghịch lý trong tiết dạy, từ đó có khả năng xây dựng được những trò chơi có tính chất gợi mở và cho phép giáo viên kết hợp được nhịp nhàng với các phương pháp dạy học khác.

     Vậy đối với học sinh thì như thế nào ? HS phải được chuẩn bị về tri thức và phương pháp học tập tới một trình độ nhất định. HS cấp 1, các em đã có khả năng tư duy, đã hình thành được những kỹ năng, kỹ xảo cần thiết cho học tập môn Mỹ thuật  và giải quyết được những nhiệm vụ nhận thức do giáo viên đề ra. Học sinh cần mang theo đủ tài liệu học tập khi tới lớp, sách giáo khoa Mỹ thuật và những tài liệu tham khảo khác: Tài liệu học tập là không thể thiếu khi học bất kỳ một môn học nào, là cơ sở để học sinh bồi dưỡng được năng lực tự học, tự nghiên cứu những tri thức trước khi lên lớp. Việc có đủ tài liệu học tập có tác dụng rút ngắn thời gian ghi nhớ tri thức, kéo dài thời gian vận dụng tri thức vào giải quuyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Để sử dụng tốt tài liệu, giáo viên cần hướng dẫn học sinh phương pháp sử dụng tài liệu, phương pháp đọc sách, phương pháp khái quát nội dung tri thức...

     Bên cạnh đó, học sinh cũng phải chủ động, tích cực trong học tập. Sự chủ động, tích cực học tập không chỉ diễn ra trong giờ học mà còn phải diễn ra ngoài giờ học, ở trên lớp, học sinh phải tích cực tìm tòi nghiên cứu vấn đề, phải mạnh dạn phát biểu chính kiến...ở ngoài lớp, học sinh cần hoàn thành nhiệm vụ học tập mà giáo viên giao cho và tích cực chuẩn bị cho những nhiệm vụ học tập mới.

     Trong nhà trường phổ thông, bên cạnh các phương pháp truyền thống thì dạy học bằng trò chơi học tập đang ngày càng được coi trọng bởi tính phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi. Phương pháp trò chơi đang được xem là có nhiều ưu điểm trong việc phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Vận dụng phương pháp tổ chức trò chơi cho học sinh học tốt môn mỹ thuật và các môn học khác ở trường tiểu học là một yêu cầu cần thiết để đáp ứng được mục đích giáo dục đổi mới ngày nay. Để bài học, tiết học đạt hiệu quả cho cả thầy và trò, việc đổi mới phương pháp dạy học, tiến trình bài dạy cũng như những hoạt động trong giờ giảng phải được nâng lên tạo thành những hoạt động vừa mang tính giải trí, vui vẻ, đoàn kết còn mang tính giáo dục, lồng ghép kiến thức bài học vào các hoạt động đó.

   TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Ngọc Bảo (1995), Phát triển tính tích cực, tính tự lực của học sinh trong quá trình dạy học, Tài liệu BDTX chu kỳ hè 1993-1996 cho GV PTTH, Bộ giáo dục và đào tạo.
  2. Nguyễn đình Chỉnh (1995), Thực hành về giáo dục, Hà Nội.
  3. Tô Xuân Giáp (1998), Phương tiện dạy học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  4. Nguyễn Kỳ (1995), Phương pháp giáo dục tích cực lấy người học làm trung tâm, Nxb Giáo dục.
  5. Luật giáo dục (1999),  Nxb Chính trị quốc gia.
  6. Tìm hiểu Luật Giáo dục (2005), Nxb Lao động-Xã hội.
  7. Bùi Thị Mùi (2000), Giáo trình hướng dẫn thực hành giáo dục học, Cần Thơ.
  8. Hoàng đức Nhuận (1995), Nhà trường hiện đại trên thế giới, Hà Nội.
  9. Nguyễn Thị Ngọc Lâm (1996), Sinh hoạt trò chơi khi dạy và học, Đại học Mở TPHCM.
  10. Trần  Đồng Lâm,100 trò chơi vận động cho học sinh tiểu học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.