Nội san

Thực trạng dạy học dân ca và lý Nam Bộ ở trong trường tiểu học Long Khánh B1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp

28 Tháng Hai 2018

                                                                                 Ngô Kiều Yến   

                                             Lớp Cao học K6 – LL&PP giảng dạy Âm nhạc

 

     Đối với người dân Nam Bộ các làn điệu dân ca đã trở thành món ăn tinh thần, hơi thở hàng ngày. Cùng với Đờn ca tài tử, Cải lương, các điệu Hò, Vè, các điệu Lý được người dân nơi đây đặc biệt yêu thích. Chúng ta có thể dễ dàng thấy những người dân Nam Bộ hát Lý trong hầu hết các hoạt động hàng ngày của họ, từ trên cánh đồng đến sinh hoạt hàng ngày trong gia đình, trong các dịp lễ, hội, họp mặt… Nói vậy để thấy được sự “phủ sóng” rộng rãi của những làn điệu Lý trong đời sống của người dân.

     Hưởng ứng chủ trương đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát triển Lý Nam Bộ của các cấp chính quyền và mong muốn giúp các em học sinh tiểu học sớm được tiếp cận với Lý, để từ đó dần dần hình thành tình yêu với làn điệu dân ca đặc trưng, thân thuộc, mộc mạc, niềm tự hào của người dân vùng đất Nam Bộ,  chúng tôi mạnh dạn nghiên cứu và tìm hiểu một số thực trạng còn tồn tại sau đây nhằm đưa ra một số biện pháp đưa một số điệu Lý Nam Bộ vào giảng dạy trong chương trình giảng dạy môn Âm nhạc ở trường Tiểu học Long Khánh B1.

     1. Thực trạng dạy học dân ca tại trường Tiểu học Long Khánh B1

     Vài nét về trường Tiểu học Long Khánh B1

     Trường Tiểu học Long Khánh B1 nằm ở cù lao Long Khánh, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Với diện tích 4300 m²/535 học sinh, trường có đủ cây xanh, thoáng mát, đảm bảo xanh, sạch, đẹp. Trường có sân chơi 3068 m², bãi tập thể dục rộng 620 m². Trường có 10 phòng học/ 19 lớp, mỗi phòng học 48 m² được trang bị đầy đủ bàn, ghế, tủ, bảng phục vụ cho việc dạy và học. Ngoài ra, trường còn có đội ngũ giáo viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác giảng dạy, đoàn kết nội bộ cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, xây dựng tốt môi trường thân thiện, tự tin, tích cực học tập cho học sinh.

     Nhà trường luôn bám sát các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước từ đó đề ra mục tiêu giáo dục phù hợp, không chỉ dạy cho học sinh những kiến thức cơ bản của các môn học mà còn hướng tới giáo dục các em về đạo đức, thẩm mĩ, lối sống lành mạnh, khích lệ - tạo điều kiện cho các em tự tin thể hiện và phát huy hết những khả năng vốn có của bản thân.

     Với truyền thống thầy dạy giỏi - trò chăm ngoan, sự phấn đấu vươn lên không ngừng của tập thể đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao, uy tín của nhà trường ngày càng được khẳng định. Các thầy cô trong Ban giám hiệu đều có năng lực công tác quản lý và chuyên môn. Đội ngũ cán bộ nhà trường làm việc với tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm. Hầu hết cán bộ giáo viên được công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua, Lao động giỏi cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

     Chương trình môn Âm nhạc

     Chương trình chính khóa

     Sau 6 năm thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, cùng với các môn khác, môn Âm nhạc ở tiểu học cũng đã thu được kết quả đáng khích lệ, được đổi mới một cách cơ bản từ lớp 1 tới lớp 5, đáp ứng được mục tiêu giáo dục của cấp học nói chung và mục tiêu giáo dục môn Âm nhạc nói riêng. Tuy nhiên, việc áp dụng một chương trình, một bộ sách giáo khoa trên phạm vi toàn quốc cũng còn có những bất cập. Bộ GD và ĐT đã ban hành quyết định số: 16/2006/QĐ-BGDDT ngày 05 tháng 05 năm 2006 của bộ GD và ĐT về chương trình giáo dục cấp phổ thông, cấp tiểu học. Trong đó có chuẩn kiến thức, kĩ năng của từng môn học. Căn cứ vào tình hình nhiệm vụ trên, Vụ GD tiểu học chỉ đạo các bộ môn biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng nằm đưa ra được bộ tài liệu chuẩn về kiến thức và kĩ năng, đảm bảo cho tất cả HS trên các vùng miền của đất nước đều được học và học được, phù hợp với trình độ tiếp nhận của các em. Trên cơ sở đó, môn Âm nhạc ở cấp tiểu học cũng được điều chỉnh để giúp GV và HS trên phạm vi cả nước thực hiện chương trình một cách dễ dàng hơn.

     Thực tế hiện nay, trong giảng dạy bộ môn âm nhạc của Tiểu học, chương trình học dân ca còn ở mức “khiêm tốn”:  Khối lớp 1,2,3 mỗi lớp có 12 bài chính khóa và 6 bài học thêm tự chọn, khối 4,5 mỗi lớp có 10 bài chính khóa và 6 bài học thêm tự chọn. Với thời lượng khiêm tốn đó, dù học sinh thực sự yêu âm nhạc dân tộc mong muốn biết nhiều bài hát dân ca khó thành hiện thực, mặt khác do số tiết âm nhạc không nhiều và thời lượng cho một tiết học cũng hạn chế (35 - 40 phút /1 tiết/1 tuần), nên việc giáo dục dân ca cho học sinh khó có thể đi vào chiều sâu. Về sách giáo khoa hiện hành, học sinh Tiểu học được học 55 bài hát, trong đó có 11 bài dân ca.

     Chương trình ngoại khóa

     Hoạt động ngoại khóa rất đa dạng để các em lựa chọn. Mỗi hoạt động mang lại những lợi ích khác nhau song đều có điểm chung là rèn luyện một số kỹ năng như năng động, nhanh nhẹn, sáng tạo và nâng cao thể lực. 

     Những hoạt động này được nhà trường chuẩn bị kỹ lưỡng và hướng dẫn học sinh tận tình. Với mong muốn học sinh phát triển toàn diện về thể lực lẫn trí lực, nhà trường luôn khuyến khích các em tham gia nhiều hoạt động từ thể thao đến nghệ thuật, hoạt động xã hội… Với đặc thù giới tính nên học sinh nam và học sinh nữ thường có sự lựa chọn khác nhau vơi các hoạt động xã hội. Ví dụ học sinh nam thường thích những môn thể thao hơn là hội họa, ca hát còn học sinh nữ thì ngược lại. Hiểu được điều này, các thầy cô giáo luôn ưu tiên cho các em lựa chọn theo sở thích của mình. Tuy nhiên vẫn khuyến khích các em tham gia đa dạng các hoạt động để phát triển toàn diện. Mỗi em có một vài năng khiếu khác nhau và nhà trường luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho học sinh.

     Hoạt động ngoại khóa là nơi trải nghiệm, vận dụng và củng cố tri thức trên lớp, là dịp, cơ hội để học sinh tự bộc lộ nhân cách toàn vẹn, từ đó tự khẳng định vị trí của mình; là môi trường nuôi dưỡng và phát triển tính chủ thể cho học sinh: chủ động, tích cực, độc lập và sáng tạo; là dịp tết để thu hút cả ba lực lượng Nhà trường - Gia đình - Xã hội cùng tham gia giáo dục.

     Các hoạt động ngoại khóa sẽ tạo thành thói quen làm tiền đề cho các em khi lớn lên. Điều này được đánh giá rất cao về sự năng động, kỹ năng sống vì việc tham gia các hoạt động này dù ít hay nhiều sẽ mang lại những kết quả tích cực cho các em.

     Thực trạng dạy học dân ca và Lý Nam Bộ

     Âm nhạc dân gian là tinh hoa, là linh hồn dân tộc. Một nhà văn hoá đã ví dân ca "… Như dòng sông mênh mang tình đất, tình người, chắt lọc từ mạch nguồn cuộc sống, chảy qua nhiều thời đại, phản ánh tâm tư tình cảm, ước mơ, khát vọng của con người trên mảnh đất quê hương của mình…". Âm nhạc trở thành một môn văn hoá chính thức khoảng 8 năm trở lại đây (trước đây là môn phụ về cách nhìn, tiết dạy, về cách đánh giá, không tổ chức thi…). Mỗi tuần 1 tiết trải đều trong năm. Từ lớp 1 đến lớp 2: Học hát. Từ lớp 3 - lớp 5: Đưa thêm phần Tập đọc nhạc, Thường thức âm nhạc. Bộ sách dùng cho GV và HS đầy đủ về nội dung, hình thức đẹp. Có GV chuyên trách, được đào tạo cơ bản ở các trường sư phạm Âm nhạc hoặc trường Văn hóa Nghệ thuật.

     Âm nhạc ở Tiểu học gồm các mạch nội dung như: Học hát; phát triển khả năng âm nhạc, học tập đọc nhạc. Ở lớp 1, 2, 3 học hát và phát triển khả năng âm nhạc. Qua học hát học sinh được phát triển về tai nghe, trí nhớ âm nhạc, phát triển nhạc cảm và làm quen với việc thể hiện chính xác cao độ, trường độ. Cuối lớp 3 học sinh được tiếp cận với một vài kí hiệu ghi chép nhạc. Đến lớp 4, 5 bổ sung thêm nội dung tập đọc nhạc. Âm nhạc được tách riêng thành một môn học có sách giáo khoa cho học sinh và sách hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên.

     Việc dạy và học ở trường được thực hiện theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên đối với môn Âm nhạc do thiếu giáo viên chuyên trách nên các năm trước đây việc giảng dạy âm nhạc của lớp nào do giáo viên chủ nhiệm của lớp đó đảm trách. GVCN lớp chỉ chú ý dạy cho học sinh hát thuộc lời ca là chủ yếu. Học sinh ít có cơ hội trình diễn trước đám đông, ít được tham gia các phong trào văn nghệ nên thường rụt rè, nhút nhát trong giờ học. Học sinh chưa làm quen với hát kết hợp gõ đệm, chưa phân biệt được từng cách gõ đệm theo tiết tấu, theo nhịp, theo phách khác nhau như thế nào trong một bài hát. Vì thế, các em hát còn tùy tiện lúc nhanh, lúc chậm dẫn đến việc hát sai giai điệu của bài hát. Trong 5 năm trở lại đây, trường đã có giáo viên âm nhạc chuyên trách nên các em học sinh được học âm nhạc theo chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các em được tham gia nhiều hơn các phong trào, cuộc thi văn nghệ, ca hát và giao lưu văn hóa văn nghệ của trường, của địa phương, của ngành. Tuy việc giảng dạy âm nhạc của trường có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn một số hạn chế như: cơ sở vật chất phục vụ dạy và học âm nhạc còn thiếu thốn, không đồng bộ; không gian để các em tập luyện hát và vũ đạo chưa được quy hoạch cụ thể, chủ yếu sử dụng sân trường chung.

     Rèn kỹ năng là một quá trình. Dạy học hướng vào người học là luận điểm then chốt của lý luận dạy học hiện đại, là bản chất của đổi mới phương pháp dạy-học. Người thầy, người cô trong các trường học chưa quán triệt và triển khai tinh thần này trong các bài giảng của mình tới học sinh. Tức là chưa ý thức được việc dạy cho sinh viên cách tư duy, cách học sáng tạo. Thiết nghĩ, việc đổi mới cách truyền dạy dân ca nói chung và dân ca Nam Bộ nói riêng trong các nhà trường chính là cái gốc, là căn cốt để nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học dân ca. Chẳng hạn, với lứa tuổi mầm non, hình thức tổ chức dạy học dân ca cần thông qua các hoạt động vui chơi, tìm hiểu, cảm thụ âm nhạc; chủ yếu làm quen (nghe, tập hát) một số bài dân ca phổ biến, ngắn, đơn giản (học hát dân ca xen kẽ các bài hát khác phù hợp lứa tuổi)...  Trong giờ học/sinh hoạt: nghe và tập hát kết hợp băng đĩa, tranh ảnh minh họa. Đối với học sinh tiểu học, giáo viên cần sử dụng các phương pháp truyền thống, kết hợp với phương pháp dạy học âm nhạc tiên tiến; hình thức tổ chức dạy học dân ca chủ yếu là thông qua các hoạt động trải nghiệm, cảm thụ và ứng dụng âm nhạc. Giáo viên cho học sinh học hát dân ca lồng ghép với chương trình học hát nhạc... Luyện tập hát kết hợp băng đĩa, tranh ảnh minh họa…

     Thực tiễn được chúng tôi phân tích ở trên cho thấy đưa dân ca Nam Bộ vào trong các nhà trường để giảng dạy và học tập hiệu quả, có chất lượng là một vấn đề lớn, đòi hỏi sự nỗ lực tổng hợp của các nhà quản lý, các nhà khoa học, các giảng viên trực tiếp đứng lớp, đặc biệt đòi hỏi sự nỗ lực tự thân của người học. Đó cũng là bài toán cần phải được nghiên cứu để tìm được đáp án thỏa đáng đặt ra trước tiên với Trường Tiểu học Long Khánh B.

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Lê Quốc Thắng (2001), Tuyển tập nhạc dân ca ba miền, Nxb Mũi Cà Mau.

2. Phạm Phúc Minh (1994), Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc

3. Hà Thị Hoa (2010), Đôi điều suy nghĩ về âm nhạc cổ truyền trong đào tạo hiện nay, Tham luận hội thảo Giáo dục Nghệ thuật và cuộc sống, http://www.spnttw.edu.vn/ ngày 20 tháng 9 năm 2017.

4. Nguyễn Thị Thanh Hương (2013), Nâng cao chất lượng giảng dạy môn hát dân ca tại khoa SPAN - Huế, Luận văn Thạc sĩ, Học viện Âm nhạc Huế.

5. Lư Nhất Vũ (1983), Tìm hiểu dân ca Nam Bộ, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.