Nội san

Văn hóa làng nghề truyền thống xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội

06 Tháng Ba 2018

Nguyễn Thị Thảo Nhung [*]

 

Tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa, công tác quản lý văn hóa làng nghề Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) từ truyền thống đến hiện đại là một việc làm cấp thiết trong thế kỷ XXI; vấn đề phát triển nghề mộc (chạm khắc, điêu khắc tượng thờ) cũng như duy tu, sửa chữa các di tích ở làng như Đình, Chùa… là góp phần quảng bá di sản làng nghề theo định hướng phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Đảng ta luôn khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; Với chủ trương xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với đặc trưng của văn hóa và quy luật phát triển nhân loại, Đảng và Nhà nước đặc biệt chú trọng đến văn hóa và sự phát triển văn hóa cũng như quản lý tại các làng xã.

Làng Chàng Sơn hay xã Chàng Sơn huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội nổi tiếng là mảnh đất trăm nghề có từ lâu đời với đa dạng các ngành nghề như nghề mộc, nghề làm quạt,… đặc biệt là nghề mộc truyền thống với những sản phẩm tinh xảo hiện vẫn còn lưu giữ đến ngày nay. Trước nhu cầu thực tế về giá trị tinh thần của không gian văn hóa làng nói chung và làng nghề truyền thống nói riêng, vấn đề nghiên cứu và tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng, tác động đến văn hóa tại Chàng Sơn là một vấn đề cần thiết cho nhu cầu sống của con người trong xã hội phát triển và nhu cầu thời đại.

Ngày nay làng Chàng đã trở thành xã Chàng Sơn thuộc huyện Thạch Thất - tỉnh Sơn Tây cũ. Từ năm 1965 - 1979 thuộc tỉnh Hà Tây (tức Hà Đông, Sơn Tây hợp nhất); từ cuối năm 1979, xã lại thuộc tỉnh Hà - Sơn - Bình (tức Hà Đông, Sơn Tây, Hoà Bình hợp nhất). Sau đó lại thuộc Hà Nội; đến năm 1991 lại trở về với Hà Tây; Từ tháng 8-2008 trở về Hà Nội.

Cách trung tâm huyện 3km về phía Đông Nam, cách trung tâm Hà Nội 30km về phía Tây Bắc. Phía Đông và Nam giáp xã Thạch Xá, nơi nổi tiếng với nghề làm bánh Chè Lam; Phía Bắc giáp xã Hương Ngải và xã Canh Nậu; Phía Tây giáp các xã Kim Quan, Cần Kiệm và thị trấn Liên Quan. Làng Chàng Sơn, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất vốn nổi tiếng với nghề mộc thủ công mỹ nghệ.

Là một vùng đất trung du có hơn hai phần ba dân số làm nghề thợ mộc; Nghề mộc có cách đây khoảng 2500 - 2600 năm, tức là trước công nguyên 500 năm (đồ gỗ Chàng Sơn có từ thế kỷ XV - XVI). Nghề mộc truyền thống ở Chàng Sơn đã trở thành nghề chính của người dân trong xã chiếm 54,6% giá trị sản xuất, nông nghiệp chỉ chiếm 5,6%, còn lại là thương mại và dịch vụ. Cái chàng, cái đục của dân Chàng Thôn không những được người trần biết đến mà thỉnh thoảng cứ dăm bảy năm một, lại có người tiên trên núi hạ sơn cầu đến [5].

Địa hình của xã Chàng Sơn không có đồi núi, độ cao trung bình 5 - 10m, dốc dần về phía Đông Nam. Địa hình như vậy rất thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp và đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nhưng Chàng Sơn là một xã người nhiều ruộng ít nên nguồn sống chính của xã là nghề phụ (nghề mộc là chủ yếu) và nghề nông nên nghề thủ công phát triển khá mạnh từ xa xưa. Có những nghề độc đáo, nổi tiếng như nghề mộc, nghề làm quạt, nghề nề... Những nghề này đã giúp ích cho kinh tế làng nghề phát triển.

Những nghệ nhân từ thời Hùng Vương dựng nước, tới các đời vua chúa về sau, mỗi khi có công trình xây dựng hay tu sửa cung điện, lăng tẩm, đều quy triệu thợ mộc xóm Chàng. Những người thợ tài hoa, khéo léo và cẩn trọng Chàng Sơn đã tạc nên những sản phẩm nghệ thuật với hoa văn cầu kỳ, tinh xảo đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ của những bậc quân vương sành sỏi và khó tính nhất. Trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, Chàng Sơn ngày nay vẫn không thiếu những người thợ tài hoa làm nên những công trình nghệ thuật đi vào huyền thoại nền Mỹ thuật Việt Nam nhiều thế kỷ.

Các thế hệ nối tiếp nhau duy trì nghề của cha ông để lại, gắn bó và say mê với nghề. Sự nối tiếp ấy là mạch nguồn trong trẻo nhất để sản phẩm mộc Chàng Sơn luôn luôn chiếm một vị trí trong lòng người Việt. Sản phẩm của làng nghề qua hàng nghìn năm vẫn luôn giữ được những nét riêng và dù trải qua bao thăng trầm nhưng chúng vẫn đang được quan tâm và phát triển và cải tiến cả về mẫu mã, hình thức. Sản phẩm của làng nghề Chàng Sơn có thể sản xuất dưới hai hình thức là tự sản xuất hoặc làm theo đơn đặt hàng. Do các sản phẩm chủ yếu là : các đồ dùng gia dụng, hoành phi câu đối, đồ nội thất... cung tương đối ổn định còn cầu mang tính chất mùa vụ. Tuy vậy giá sản phẩm trên thị trường khá ổn định phân theo từng chủng loại sản phẩm. Đặc biệt cạnh tranh trên thị trường này khá gay gắt vì không chỉ có Chàng Sơn mà ở huyện Thạch Thất, miền Bắc và cả nước khá nhiều nơi sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Sản phẩm mộc của Chàng Sơn đã vươn xa thêm một bước không chỉ về mặt giá trị mà lớn hơn đó là sản phẩm đại diện cho tinh hoa của một miền quê được bạn bè quốc tế biết đến.

Là một miền quê xứ Đoài với những lớp đá ong trầm tích, mang dáng dấp của những làng cổ trên vùng quê văn hiến, các làng nghề huyện Thạch Thất có số lượng lớn các di tích lịch sử văn hoá, với những giá trị lịch sử và nghệ thuật như đình, chùa, văn chỉ, võ chỉ... tất thảy hệ thống di tích đó liên kết với nhau, hoà chung thành không gian văn hoá được tích hợp qua những biến thiên của lịch sử, để làng Thạch Thất trở thành một miền quê Việt cổ độc đáo xứ Đoài.

Ngoài sự đa dạng nghề truyền thống, làng Chàng còn được biết đến với các di tích cổ như Đình, Quán, Chùa… Đình Chàng ở trung tâm khu vực cư trú của dân, kết cấu kiểu chứ đinh, gồm Đại bái và Hậu cung. Trước nhà Đại bái là sân gạch rộng, hai bên Tả mạc, Hữu mạc. Tường bao quanh đình xây gạch, cổng vào vút cao hai cột trụ cao ngang nóc nhà, trước đình là một ao rộng tụ phúc làm cảnh quan ngôi đình thêm thoáng. Đại báo 3 gian, 2 chái, gian giữa rộng 3,50m gian bên 3m, chái rộng 1,20m. Đình được định vị vững chắc trên các bộ vì to, dày. Ngôi đình này đã được các nghệ nhân chạm khắc khá tế vivới các đề tài (long, lân, qui, phụng), tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) mang đặc trưng phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XIX, thể hiện ở các bức cốn, đầu dư, thành xà và kẻ hiên. Hậu cung là ngôi nhà dọc đấu chữ đinh vào gian giữa Đại bái, 2 gian trước mặt thông với Đại bái, còn lại 3 gian hậu đình xây tường bao kín bằng gạch đá ong cỡ lớn. Hậu cung có sẵn gỗ cao 1.8m, bày 3 long ngai bài vị thờ các vị thần.

Bên cạnh những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc trên gỗ ở kết cấu kiến trúc đình, làng Chàng còn nổi tiếng với hệ thống tượng pháp bài trí ở chùa; Chùa Chàng Sơn tên chữ là “Chân Long Tự”. Chùa được xây dựng vào năm Giáp Ngọ, niên hiệu Thịnh Đức 2 (1654). Giá trị nghệ thuật tập trung ở hệ thống tượng tròn với 62 pho tượng cổ, trong đó có 3 pho tượng đá, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.

Trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa ý nghĩa của việc quản lý văn hóa có tác động lớn đến sự tồn tại và phát triển của làng nghề. Cũng như các làng nghề khác, Chàng Sơn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như giá nguyên vật liệu tăng, ô nhiễm môi trường, thiếu vốn, nhất là khan hiếm lao động có tay nghề cao… Trước thực trạng này, chính quyền và người dân nơi đây đã tập trung thực thi nhiều giải pháp để giảm bớt những ảnh hưởng của cơ chế thị trường. Các hộ sản xuất kinh doanh tập trung vào những mặt hàng gia dụng truyền thống, làm theo đơn đặt hàng. Với vấn đề ô nhiễm môi trường, UBND xã thống kê các hộ sản xuất cấp chính quyền ở địa phương. Việc đào tạo lực lượng trẻ có tay nghề cao được thực hiện bằng cách khơi gợi cội nguồn, mời gọi các nghệ nhân đã thành danh đang sinh sống ở địa phương khác về mở lớp truyền nghề tại cụm công nghiệp... Ông bà đã dạy dân làng cải tiến nghề mộc chạm và cách làm mới bộ đồ nghề. Nhờ thế, hàng gỗ chạm khắc ở đây vừa làm nhanh vừa tinh xảo hơn trước.

Làng Chàng Sơn xưa nay vẫn giữ vững truyền thống tổ nghề, xứng đáng là làng văn hóa tiếp truyền, tiếp biến; vốn là một làng nông nghiệp có bề dày lịch sử lâu đời vì thế nó vẫn mang những đặc điểm chung của làng nông nghiệp vùng châu thổ Bắc bộ, cả về cơ cấu tổ chức, lệ tục, không gian kiến trúc, các công trình thờ cúng (đình chùa, đền miếu, văn chỉ, nhà thờ các dòng họ). Và gắn với các công trình này là các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, các hội làng diễn ra hàng năm.

Cùng với việc tạo các điều kiện để làng nghề ổn định và phát triển, bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, làng Chàng Sơn coi trọng việc triển khai việc quản lý văn hóa đồng thời việc xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư với các nội dung là xây dựng “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, “Dòng họ văn hoá”, “Doanh nghiệp văn hoá” bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội; quản lý các hình thức sinh hoạt và dịch vụ văn hoá… Các hoạt động quản lý nhà nước diễn ra đan xen giữa các hoạt động quản lý của cộng đồng dân cư, tạo ra sự hòa đồng và phù hợp với các văn bản hướng dẫn của nhà nước trong việc xây dựng đời sống văn hóa và đã thu được những kết quả bước đầu, góp phần tạo cho làng quê một đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, tương ứng với một đời sống vật chất ngày càng được cải thiện; làm cho văn hóa thực sự vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển.

Công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước tạo điều kiện cho xã Chàng Sơn những cơ hội để phát triển kinh tế, song những thách thức của cơ chế thị trường, những cạnh tranh về chất lượng hàng hoá về giá cả… Rồi xu hướng đô thị hóa sẽ tác động mạnh đến văn hóa làng, từ không gian kiến trúc, cơ cấu dân cư, sự phân tầng xã hội, nhịp sống, nếp sống, phong tục tập quán, các quan hệ xã hội của cộng đồng dân cư... Vì vậy đòi hỏi công tác quản lý văn hóa và quản lý các hoạt động văn hóa cần có một đường hướng, có những kế hoạch cụ thể thiết thực hơn.

Thiết nghĩ, cần có một cách nhìn mới, cách làm mới phù hợp với thực tế của làng nghề trong công tác tổ chức quản lý văn hóa và các hoạt động văn hóa đối với làng nghề Chàng Sơn để duy trì, phát huy và mở rộng cũng như quảng bá di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của làng nghề trong thế kỷ XXI.

Tài liệu tham khảo

1. Đào Duy Anh (2006), Hán Việt từ điển, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.

2. Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương (2002), Kỷ yếu Hội nghị sơ kết công tác Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở các tỉnh phía Bắc.

3. Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương (2004), Xây dựng môi trường văn hoá, Nxb. VHTT, Hà Nội.

4. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thạch Thất (2002), Lịch sử Đảng bộ huyện Thạch Thất (1930-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Chàng Sơn (2005), Lịch sử Đảng bộ xã Chàng Sơn (1930-2005), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6. Bộ Văn hoá Thông tin (1998), Một số giá trị văn hoá truyền thống đối với đời sống văn hoá cơ sở ở nông thôn hiện nay, Nxb. VHTT, Hà Nội.

7. Bộ Văn hoá Thông tin (2002), Quyết định của Bộ trưởng Bộ văn háo Thông tin v/v ban hành quy chế công nhận danh hiệu Gia đình văn hoá, Làng văn hoá, Khu phố văn hoá, số 22 ngày 02 tháng 01 năm 2002, bản đánh máy, lưu giữ tại Văn phòng Bộ VHTT-TT&DL.

8. Quốc hội (2010), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

9. UBND xã Chàng Sơn (2011), (2012), (2013), (2014), (2015), (2016), Báo cáo tổng kết tình hình phát triển kinh tế xã hội.

________________________

[*] Lớp Cao học k3 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa