Nội san

Trường phái âm nhạc cổ điển Viên

14 Tháng Ba 2010
 

 

            Trong lịch sử âm nhạc thế giới, Trường phái âm nhạc cổ điển Viên thường được nhắc tới với sự khâm phục/sự kính trọng cùng tên tuổi của nhiều nhà soạn nhạc vĩ đại như Christoph Willibald Gluck (1714 - 1787), Joseph Haydn (1732-1809), Wonfgang Amadeus Mozart (1756-1791) và Ludwig Van Beethoven (1770-1827).

            Đặc điểm nổi bật của sáng tạo nghệ thuật Trường phái âm nhạc cổ điển Viên với 3 đại diện xuất sắc J. Haydn, W.A. MozartL.V. Beethoven là: ở mỗi nhà soạn nhạc trên đều có những cá tính riêng trong việc lựa chọn thể loại và ngôn ngữ âm nhạc của mình. Chẳng hạn, ở âm nhạc của J. Haydn là những bản giao hưởng sử dụng chất liệu từ các thể loại âm nhạc sinh hoạt (các điệu dân ca, dân vũ) trong màu sắc vui tươi, trong sáng; ở W.A. Mozart là chất trữ tình - kịch tính; còn ở L.V. Beethoven là nhiệt tình tranh đấu, là nghị lực của con người vươn lên đấu tranh với số phận bạo tàn và cuối cùng là ... chiến thắng. Ba nhà soạn nhạc thiên tài này sáng tác trong hầu hết các thể loại âm nhạc khác nhau. Nhưng ở mỗi người lại có những thể loại riêng - mảnh đất mà ở đó bằng tài năng sáng tạo tuyệt vời của mình, họ đã có những đóng góp làm phong phú kho tàng lịch sử âm nhạc thế giới nói riêng và cho lịch sử phát triển văn hóa xã hội loài người nói chung. Tuy nhiên, sáng tạo của 3 nhà soạn nhạc vĩ đại này lại được thống nhất trong cùng một số đặc tính sau: tính hiện thực, tính lạc quan, sự khẳng định ý nghĩa cuộc sống, khuynh hướng nhân đạo, tính nhân bản và dân chủ. Chính sự thống nhất này tạo cho các sáng tác của họ có cùng một khuynh hướng nghệ thuật và tạo lập nên Trường phái âm nhạc cổ điển Viên.

            Qua sáng tác nghệ thuật rất phong phú và đa dạng của các nhạc sĩ thuộc Trường phái âm nhạc cổ điển Viên chúng ta có thể thấy rõ sự hoàn thiện của nhiều hình thức âm nhạc đã xuất hiện từ trước đó. Đặc biệt, đó là sự hoàn thiện một từ những hình thức âm nhạc lớn có khả năng phản ánh những tư duy mang tầm thời đại của Thế kỷ Ánh sáng là hình thức xonat (sonate). Hình thức âm nhạc lớn này là phương tiện hữu hiệu để các nhạc sĩ thuộc trường phái cổ điển Viên có thể phát huy hết tài năng sáng tạo nghệ thuật âm nhạc của mình.

            Với diễn trình lịch sử của nghệ thuật âm nhạc thế giới, sự ra đời của những tầm tư tưởng mới luôn đòi hỏi những hình thức biểu hiện mới tương xứng. Chúng ta cũng cần nhớ rằng, sau thời Phục hưng được bắt đầu từ thế kỷ XV tại Italia với một từ những đại diện vĩ đại nhất là Leonardo da Vinci (1452-1519), là thời kỳ ánh sáng kéo dài trong hai thế kỷ XVII và XVIII. Đó cũng là thời đại của tư tưởng duy lý - thời đại của lòng tin vào sức mạnh bất diệt của lý trí/trí tuệ với những đại diện xuất sắc như: Rene Descartes (1596-1650)[1]Benedict Xpinoza (1632-1677)[2]. Ở vào thời đại này người ta cho rằng trí tuệ giữ vai trò quyết định trong cuộc sống, bằng trí tuệ có thể giải quyết được tất cả các vấn đề của đời sống. Trí tuệ chính là ánh sáng soi rọi những nẻo đường hành trình của con người hướng tới tương lai vinh quang. Con người cần và luôn đề cao chủ nghĩa nhân đạo, tinh thần lạc quan tin tưởng vào tương lai và tính dân chủ trong đời sống xã hội.

            Chính thời đại hào hùng của diễn trình lịch sử thế giới là không gian sinh ra một chủ nghĩa mới trong sáng tạo nghệ thuật âm nhạc: Chủ nghĩa cổ điển Viên với những tên tuổi còn mãi với thời gian. Các nhạc sĩ thuộc trường phái âm nhạc cổ đỉên Viên là những người phản ánh một cách trung thực những tầm tư tưởng thời đại bằng ngôn ngữ âm nhạc. Và không chỉ vậy, họ đã bằng trí tuệ và tài năng của mình cống hiến cho kho tàng nghệ thuật âm nhạc thế giới những kiệt tác âm thanh - những mẫu mực thật sự của nghệ thuật sáng tạo âm nhạc.

            Nội dung chính trong sáng tác của các nhạc sĩ thuộc Trường phái cổ điển Viên là niềm tin/sự lạc quan vào sự tất thắng của trí tuệ, là chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc. Tất nhiên bên cạnh đó, trong thế giới sinh động của cuộc sống, người nghệ sĩ không khỏi có những giây phút nghĩ suy về thực tại/số phận của mình trong xã hội/những năm tháng làm hầu cận trong các gia đình quí tộc. Khi đó âm nhạc chính là nơi họ gửi gắm tâm sự một cách hữu hiệu nhất và điều đó mang lại cho kho tàng âm nhạc thế giới những tác phẩm âm nhạc bất hủ phản ánh những trạng thái tình cảm/nỗi niềm sâu lắng của người nghệ sĩ.

            Đã nhiều thế kỷ trôi qua kể từ khi Trường phái âm nhạc cổ điển Viên ra đời, nhưng những thành tựu nghệ thuật được tạo bởi các thành viên của Trường phái âm nhạc cổ điển Viên luôn là những chuẩn mực/mẫu mực cho nhiều thế hệ các nhạc sĩ sáng tác âm nhạc thế giới thời gian qua, hiện tại và chắc chắn sẽ là cả trong tương lai.

 

Phạm Lê Hòa



[1] Nhà triết học nổi tiếng thế giới người Pháp. Ông cho rằng con người phải luôn luôn hoài nghi trên con đường tìm kiếm chân lý. Câu nói thể hiện thế giới quan của ông được nhiều người nhắc đến là “Tôi tư duy, vậy thì tôi tồn tại”.

[2] Nhà triết học nổi tiếng thế giới người Hà Lan (gốc Do Thái). Ông cho rằng tu duy là cái mà nhờ nó giới tự nhiên nhận thức được mình và tư duy không phải là đặc quyền của chỉ con người, ngay loài vật cũng có tư duy.