Tin tức – Sự kiện

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo

29 Tháng Ba 2018

Sáng 28/3, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Làm việc với đoàn về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các Thứ trưởng: Nguyễn Hữu Độ, Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Văn Phúc, lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị chức năng thuộc Bộ.

 

Thủ tướng biểu dương những nỗ lực của Bộ GD&ĐT

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ ghi nhận sự cố gắng rất lớn của cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành giáo dục thời gian qua, nhất là tập trung cho việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Lãnh đạo Bộ đã có nhiều nỗ lực trong tiếp cận những xu thế mới của khu vực và thế giới để hội nhập và cải cách mạnh mẽ.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng
Tổ công tác phát biểu chỉ đạo buổi làm việc.

Thủ tướng cũng biểu dương những kết quả của ngành trong năm 2017, như hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non; chất lượng giáo dục phổ thông tiếp tục được nâng lên, đặc biệt Bộ đã chỉ đạo các địa phương, hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Kỳ thi THPT quốc gia 2017 tổ chức rất tốt, giảm sức ép cho gia đình, thí sinh và xã hội. Bộ đã có các quy định chấn chỉnh, nâng cao chất lượng giáo dục đại học và sau đại học. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục được chú trọng hơn.

Kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Ngày 15/3 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã ra Thông cáo báo chí, theo đó khẳng định, 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam (hai quốc gia tiên phong trong đổi mới giáo dục). Đây là một thành tựu lớn của khu vực và có thể trở thành những bài học kinh nghiệm quan trọng cho các quốc gia khác trên thế giới.

Nhiều bất cập được khắc phục, như Bộ đã tích cực, khẩn trương sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Cũng trong năm 2017, Bộ đã hoàn thành 100% nhiệm vụ xây dựng văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Từ đầu năm 2017 tới ngày 15/3/2018, Bộ được giao 684 nhiệm vụ, đã hoàn thành 525 nhiệm vụ (trong đó hoàn thành quá hạn 51 nhiệm vụ), còn 156 nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng trong hạn.

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cũng đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về 6 vấn đề đang được dư luận rất quan tâm để Bộ GD&ĐT giải trình, báo cáo thêm, có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Đó là vấn đề tổ hợp đề trong tuyển sinh khi có tình trạng các ngành kỹ thuật, tài chính, ngân hàng… lại tuyển sinh qua các môn văn, sử, địa… Đây là việc khác so với trước đây nên được xã hội quan tâm, tuy đã giao quyền tự chủ cho các trường nhưng cũng phải xem xét, cân nhắc kỹ.

Vấn đề biên chế giáo viên. Trong đó, Tổ trưởng Tổ công tác nhắc tới một số vụ việc gần đây như 500 giáo viên Đắk Lắk mất việc làm; tình trạng giáo viên làm hợp đồng 10 năm nhưng lương thấp hơn lương cơ bản. Đây tuy không phải là trách nhiệm của Bộ nhưng Bộ có trách nhiệm kiểm soát chung.

Vấn đề liên quan tới đạo đức, phẩm chất của nhà giáo, như tình trạng ép học sinh học thêm, bạo lực, chạy điểm, chạy trường, gây bức xúc cho xã hội. Đặc biệt, liên tục xảy ra các vụ việc xúc phạm danh dự nhà giáo, hành hung giáo viên.

Vấn đề công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư; vấn đề thực hiện các kết luận của Thủ tướng tại cuộc làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Đà Nẵng.

Vấn đề cải cách hành chính của Bộ. Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao những đổi mới tích cực vừa qua nhưng cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng phải đảm bảo chất lượng

Nội dung thứ hai của buổi làm việc là tình hình rà soát, lên phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Thực hiện Luật Đầu tư năm 2014, Bộ GD&ĐT đã tiến hành rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo, tổng số là 241 điều kiện kinh doanh. Năm 2017, Bộ GD&ĐT đã chủ động cắt giảm 29 điều kiện, đơn giản hóa 22 điều kiện tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Năm 2018, Bộ GD&ĐT dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 91 điều kiện, đưa số điều kiện kinh doanh đã và dự kiến cắt giảm hoặc đơn giản hóa là 120/241 điều kiện hiện hành, chiếm 49,8%.


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tiếp thu, giải trình các ý kiến của Tổ công tác và 6 vấn đề
đang được dư luận quan tâm mà Tổ công tác truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ GD&ĐT thực hiện tốt chủ trương của Thủ tướng là đẩy mạnh cải cách, tạo niềm tin cho xã hội, nhà đầu tư, đây chính là dư địa cho tăng trưởng, cho phát triển kinh tế - xã hội chứ không dựa vào khai khoáng, tăng trưởng tín dụng hay ưu đãi để tăng trưởng.

Về nội dung này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ mạnh dạn cắt giảm các điều kiện kinh doanh theo hướng đảm bảo thông thoáng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nhưng không cắt giảm một cách cơ học và không thể buông lỏng chất lượng. Theo Bộ trưởng, GD&ĐT là ngành kinh doanh có điều kiện, sản phẩm kinh doanh liên quan đến con người, vì vậy việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh cần được tính toán sao cho phù hợp.

Bộ trưởng cho biết thêm, trên thực tế nhiều văn bản Bộ đã tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc dự thảo mới rồi nhưng đến thời điểm này chưa thể ban hành do vướng Luật. Tuy thế, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT cũng đã tạo điều kiện rất lớn cho các nhà đầu tư, người dân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục bằng những cơ chế đi kèm, bằng những Thông tư hướng dẫn để khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Đơn cử như lĩnh vực giáo dục mầm non, có ý kiến cho rằng cần phải bãi bỏ điều kiện tuân thủ quy hoạch nhưng qua rà soát nhiều lần Bộ vẫn không thể bỏ vì trên thực tế nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất không đảm bảo các điều kiện quy hoạch, không dành đất cho việc trường mầm non dẫn đến tình trạng thiếu trường mầm non như hiện nay. Cũng ở bậc học này, điều kiện hoạt động kinh doanh còn là để đảm bảo chất lượng giáo dục, đảm bảo các điều kiện nuôi dưỡng trẻ. Vì thế, không thể không tuân thủ các điều kiện xây trường mầm non để chạy theo số lượng…

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tiếp thu, giải trình các ý kiến của Tổ công tác và 6 vấn đề đang được dư luận quan tâm mà Tổ công tác truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, khẳng định sẽ chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc các vấn đề đặt ra về giáo dục và đào tạo.

Đi đầu trong sắp xếp, cắt giảm đơn vị, nhân sự

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá cao những kết quả Bộ GD&ĐT đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, thủ tướng Chính phủ giao trong hai năm qua.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá cao
những kết quả Bộ GD&ĐT đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, thủ tướng Chính phủ
giao trong hai năm qua.

Đồng thời nhấn mạnh, GD&ĐT là ngành liên quan đến toàn xã hội, mọi người, mọi nhà và buổi làm việc này nhằm phản ánh những vấn đề thực chất mà xã hội, người dân, doanh nghiệp quan tâm. Vì vậy, sau buổi làm việc, đề nghị Bộ GD&ĐT cần xây dựng kế hoạch khắc phục những vấn đề đang tồn tại theo hướng tốt hơn, để trong thời gian tới tạo được sự đột phá trong đổi mới giáo dục.

Mặc dù không nằm trong nội dung làm việc nhưng Tổ trưởng Tổ công tác Chính phủ cũng dành sự khen ngợi cho sự quyết liệt của lãnh đạo Bộ GD&ĐT trong việc sắp xếp lại tổ chức của Bộ thời gian qua. Cụ thể, đã giảm số đơn vị hành chính từ 23 xuống còn 21, giảm được 22 phòng trong vụ, cục và 63 vị trí lãnh đạo cấp phòng. Đồng thời mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ đổi mới hơn nữa, đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0.

Về cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng lưu ý, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục rà soát, quyết liệt hơn nữa trong việc cắt giảm các quy định, điều kiện kinh doanh rườm rà, thiếu tính định lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

(Nguồn: https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=5370
Trung tâm Truyền thông giáo dục)