Tin tức

Hội nghị tham vấn xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2021-2030

30 Tháng Ba 2018

Ngày 29/3 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức Hội nghị tham vấn xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ dự và chỉ đạo Hội nghị.

 

Những yếu tố đòi hỏi giáo dục đại học phải chuyển mình

Hội nghị tham vấn cho xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035 là Hội nghị đầu tiên trong chuỗi các hội nghị tham vấn. Đây là dịp để Bộ, WB và các trường đại học cùng thảo luận, trao đổi, đưa ra các ý kiến đóng góp từ chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà tuyển dụng, các thầy cô giáo, sinh viên; đặc biệt là các chuyên gia cấp cao của WB để hoàn thiện các báo cáo và lấy ý kiến cho xây dựng Chiến lược tổng thể cho giáo dục đại học Việt Nam và Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035.


Quang cảnh Hội nghị tham vấn phát triển giáo dục đại học ngày 29/3/2018

Với thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế của mình, các chuyên gia quốc tế đã giúp cho các nhóm nghiên cứu hoàn thiện ý tưởng, phương pháp và nội dung của các báo cáo, nghiên cứu.

Trong chương trình Hội nghị, các chuyên gia đã cùng nhau cho ý kiến từ kinh nghiệm quốc gia của mình và các khu vực trên thế giới về các chủ đề: Tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình; Tài chính và đầu tư trong giáo dục đại học; Kết nối cung cầu và cơ chế đối tác công tư trong giáo dục đại học.

Xung quanh khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã nêu lên nhiều yếu tố đòi hỏi hệ thống giáo dục đại học Việt Nam phải chuyển động. Đáng chú ý những yếu tố như: Trong thời đại nền kinh tế trí thức và năng lực cạnh tranh ngày càng sâu rộng trong chuỗi sản xuất toàn cầu thì hệ thống giáo dục đại học có khả năng cung cấp một lực lượng lao động chất lượng cao cho thị trường lao động.

Những tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc về cơ cấu ngành/nghề lao động và những yêu cầu mới về năng lực và kỹ năng của người học. Hay như sự phát triển của nhiều công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin sẽ tạo ra những thay đổi căn bản về mô hình đào tạo và phương thức dạy và học (sự phát triển của đào tạo mở trực tuyến với các trường đại học ảo và các khóa học trực tuyến mở).

Đáng chú ý là việc tự do chuyển dịch lao động xuyên quốc gia tạo ra sự cạnh tranh về cung nguồn nhân lực bậc cao, trước hết trong ASEAN. Đồng thời, tự do thương mại dịch vụ giáo dục đại học toàn cầu tạo ra cạnh tranh giữa các trường đại học trong và ngoài nước trong thu hút sinh viên…

Trước bối cảnh mới này, Đảng và Nhà nước đã có những định hướng lớn về đổi mới giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng trong đó bao gồm: định hướng về vai trò của nhà nước từ kiểm soát trực tiếp sang kiến tạo, giám sát; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, trách nhiệm giải trình cao đối với cơ sở giáo dục đại học; đổi mới quản trị đại học theo hướng hội nhập với thế giới.


Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá cao sự nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển giáo dục đạ học thời gian qua. 

Thực hiện định hướng đổi mới đó, Bộ GD&ĐT một mặt tăng cường công tác pháp chế thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học và hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo động lực cho các cơ sở giáo dục đại học năng động, sáng tạo và khai thác tiềm năng phát triển của mình.

Cần có chiến lược phát triển giáo dục đại học dài hạn

Phát biểu tại Hội nghị tham vấn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự ủng hộ mạnh mẽ của Ngân hàng Thế giới, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đối với giáo dục đào tạo nói chung và việc xây dựng Chiến lược Phát triển tổng thể giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035 nói riêng.

Bộ trưởng nhấn mạnh, giáo dục đại học đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp nguồn nhân lực bậc cao và đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Do vậy, giáo dục đại học cần phát huy tốt kết quả của nền giáo dục phổ thông để đào tạo được một lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao, có các kỹ năng mềm, có tư duy sáng tạo và khả năng học tập suốt đời để đáp ứng và thích nghi với sự thay đổi liên tục của thị trường lao động toàn cầu.

Bộ trưởng ghi nhận, trong những năm qua, hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước thông qua việc mở rộng về quy mô, đa dạng hóa các loại hình và ngành nghề đào tạo, nâng cao chất lượng và bước đầu hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới của thời đại thì giáo dục đại học Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là chất lượng của lực lượng lao động được đào tạo trình độ đại học vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế; thiếu các nghiên cứu khoa học có chất lượng quốc tế từ các cơ sở giáo dục đại học; hạn chế về tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình; thiếu chính sách tạo động lực hiệu quả đối với đầu tư của xã hội, doanh nghiệp cho giáo dục đại học; cơ chế tài chính cho giáo dục ở cấp quốc gia lẫn cấp cơ sở chưa hiệu quả và thiếu bền vững.


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kỳ vọng, Với tầm nhìn đến năm 2035, hệ thống giáo dụ đại học của Việt Nam có khả năng đáp ứng hiệu quả nhu cầu nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức; tiên phong và dẫn dắt quá trình đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhìn nhận những nguyên nhân dẫn đến hạn chế này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, hệ thống giáo dục đại học đang thiếu một chiến lược phát triển dài hạn, khả thi và hội nhập với xu thế phát triển giáo dục đại học của Thế giới.

Hội nghị tham vấn lần này xác định yêu cầu xây dựng bản Chiến lược Phát triển tổng thể giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035, làm cơ sở cho sự đổi mới, phát triển toàn diện và bền vững trong dài hạn của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

“Với tầm nhìn đến năm 2035, hệ thống giáo dụ đại học của Việt Nam có khả năng đáp ứng hiệu quả nhu cầu nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức; tiên phong và dẫn dắt quá trình đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hội nhập toàn diện với hệ thống giáo dục đại học thế giới, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy năng lực cạnh tranh và sự thịnh vượng của quốc gia, chúng tôi mong muốn xây dựng và triển khai Chiến lược tổng thể phát triển giáo dụ đại học giai đoạn 2021-2030 để hiện thực hóa tầm nhìn này” Bộ trưởng tin tưởng.

Trong thời gian tới, bản Chiến lược phát triển giáo dục đại học Việt Nam sẽ tập trung vào 5 trụ cột: tăng cường năng lực quản lý nhà nước và quản trị đại học; quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dụ đại học, tăng cường chất lượng và sự phù hợp của đào tạo và nghiên cứu khoa học; đảm bảo tài chính bền vững cho giáo dụ đại học; và tăng cường minh bạch thông tin, truyền thông.

(Nguồn: http://spnttw.edu.vn/wf/modules/posts/postupdate.aspx

Trung tâm Truyền thông giáo dục)