Nghiên cứu lý luận

Hoạt động nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk

20 Tháng Tư 2018

Nguyễn Thị Hồng Tuyết [*]

Bài viết nêu lên thực trạng quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời đưa ra giải pháp xây dựng hoạt động nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng huyện Cư Kuin. Các ý kiến này dựa vào kết quả nghiên cứu của đề tài “Quản lý hoạt động nghệ thuật ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk” được thực hiện nghiên cứu giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2016 với 100 cán bộ và 100 người dân thuộc các xã Ea Bhôk; Ea Hu; Ea Ktur; Ea Ning; Cư Êwi huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

  1. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng

Văn hóa cồng chiêng còn tồn tại chủ yếu ở các nước vùng Đông Nam Á, trong lục địa cũng như ở các hải đảo. Dân tộc Tây Nguyên tại Việt Nam nói chung, dân tộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk nói riêng có hai loại nhạc cụ chính là cồng và chiêng. Cồng làm bằng đồng có núm ở giữa, còn nếu phẳng không có núm thì gọi là chiêng. Cồng chiêng làm bằng đồng thau hoặc hợp kim đồng thiếc, với tỉ lệ các hợp kim rất khác nhau tùy theo nơi đúc, hình tròn ở giữa hơi phồng lên, chung quanh có bờ gọi là thành. Cồng luôn luôn có núm ở giữa, chiêng thì có hai loại: chiêng có núm ở giữa gọi là chiêng núm, chiêng không có núm gọi là chiêng bằng. Cồng chiêng có nhiều cỡ to, nhỏ, dày, mỏng khác nhau. Có loại đường kính rộng 90cm phải treo lên giá đỡ, khi đánh lên tiếng ngân rền như sấm; có loại nhỏ đường kính chỉ 15cm, tiếng cao trong trẻo. Cồng chiêng là nhạc cụ bởi nó đưa ra tiếng nhạc, nhưng không phải chỉ nhằm để giải trí, tiêu khiển mà còn gắn liền với một lễ hội hay một sự kiện quan trọng. Vì vậy cồng chiêng được xem như một vật thiêng, là phương tiện để con người giao lưu với những bậc vô hình, là sợi dây nối kết giữa người trần và các đấng linh thiêng. Do đó âm nhạc ở đây không đơn thuần là nghệ thuật mà có chức năng phục vụ một sự kiện đặc biệt trong xã hội hoặc trong đời sống hàng ngày của dân gian. Dàn cồng chiêng có thể chỉ đơn giản gồm 2 chiếc cồng, cho đến dàn 9,12,15 chiếc cồng và chiêng. Mỗi nhạc công sử dụng một cồng. Trong những lễ hội quan trọng còn có thêm cả trống.

Hơn một thập niên trở lại đây, với chủ trương đổi mới toàn diện của Đảng và Nhà nước đã tạo nên một sự biến đổi và phát triển mạnh mẽ cho toàn bộ đời sống xã hội, trong đó có văn hóa nghệ thuật.

Trong bối cảnh đó, việc uốn nắn, điều chỉnh, quản lý của các cơ quan Nhà nước có chức năng đã và đang trở thành một tất yếu khách quan vì quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng tạo môi trường thuận lợi cho ngành nghệ thuật biểu diễn phát triển, góp phần tạo nên sự ổn định về chính trị, đem lại hiệu quả kinh tế, tạo nên sự ổn định và công bằng xã hội. Hơn nữa, quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật còn nhằm bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

2. Thực trạng quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng huyện Cư Kuin

Khảo sát 100 cán bộ thuộc các xã Ea Bhôk; Ea Hu; Ea Ktur; Ea Ning; Cư Êwi và 100 người dân thuộc các xã trên về hoạt động nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng. Các xã tham gia khảo sát chủ yếu là trường mang tính đại diện cho huyện Cư Kuin. Tỉ lệ phân chia theo các đối tượng khảo sát của từng xã tuy không đồng đều nhưng vẫn bảo đảm tính khoa học và độ tin cậy của thông tin phản hồi. Do sự khác nhau về khả năng cung cấp thông tin của từng đối tượng nên tỉ lệ thu hồi thông tin trên mỗi đối tượng không nhất thiết phải bằng nhau. 

2.1. Thực trạng về việc giữ gìn và bảo tồn nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk

Qua khảo sát nhận thấy, hoạt động xây dựng nghệ thuật ở huyện được các ban ngành chú trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập khi có những đánh giá ở mức trung bình. Các chủ đề được dàn dựng chủ yếu lấy ý tưởng từ các ngày lễ, mừng Đảng, mừng Xuân... chưa thật sự phong phú về số lượng và chất lượng cũng như chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của người dân.

Theo khảo sát, nhiều xã, thôn, làng, ấp, bản, khu phố ở huyện chủ yếu hoạt động nghệ thuật ở các nhà văn hóa, nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, tuy nhiên phần lớn các nhà văn hóa bị xuống cấp và thiếu đồng bộ về trang thiết bị, đồng thời việc xây dựng về quy mô, kiểu dáng, vị trí còn tùy tiện.

Các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa còn gặp khó khăn nhiều hơn, hầu hết đều phải đi thuê và không chủ động về lịch diễn. Trang thiết bị đều trong tình trạng lạc hậu, chắp vá, thiếu thốn và hiệu quả sử dụng không cao.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2016-2020, Đề án “Bảo tồn, phát huy Không gian Văn hóa Cồng chiêng Đắk Lắk”  tiếp tục mở các lớp truyền dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng, hát kể sử thi; phục dựng các lễ hội; hỗ trợ kinh phí cho các đội chiêng, các nhà văn hóa cộng đồng diễn xướng cồng chiêng; giao lưu cồng chiêng… Trong 3 năm qua (2015 - 2017), Phòng VH-TH huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Văn hóa tỉnh và UBND các xã trên địa bàn, vận động già làng, nghệ nhân tổ chức được 10 lớp dạy đánh cồng, chiêng cho gần 200 thanh thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số, với kinh phí hơn 180 triệu đồng. Học viên là học sinh tiểu học và THCS thuộc các buôn Pu Huê, Jung A, Kniết, Ea Ktur (xã Ea Ktur) và buôn H’ra Ea Tlă (xã Dray Bhiăng) đã được các nghệ nhân ở địa phương truyền dạy các điệu thức cơ bản, các bài diễn tấu cồng chiêng của các loại chiêng kram, chiêng đồng. Đây là những loại chiêng thường được sử dụng trong các lễ hội truyền thống của đồng bào Ê đê.

2.2. Thực trạng về quy hoạch không gian văn hóa cồng chiêng ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk

Hàng năm UBND huyện đều phối hợp với các ngành liên quan tổ chức truyền dạy đánh chiêng cho thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như: phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức một lớp dạy đánh chiêng tại buôn H’ra Ea H’ning (xã Đray Bhăng) cho 10 học viên (2010); phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở 4 lớp tại xã Ea Ktur với 40 học viên (2013) và 3 lớp với 30 học viên (2014)… Từ năm 2010 đến nay, huyện đã tổ chức và phối hợp tổ chức được 10 lớp truyền dạy đánh chiêng với sự tham gia của 110 học viên và 10 nghệ nhân truyền dạy, nâng tổng số người biết đánh chiêng trên địa bàn huyện lên 150 người, trong đó có 22 nghệ nhân biết chỉnh chiêng; thành lập 12 đội chiêng trẻ và 16 đội chiêng nghệ nhân lớn tuổi.

Về cơ sở vật chất, theo khảo sát, nhiều xã, thôn, làng, ấp, bản, khu phố ở huyện chủ yếu hoạt động nghệ thuật ở các nhà văn hóa, nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, tuy nhiên phần lớn các nhà văn hóa bị xuống cấp và thiếu đồng bộ về trang thiết bị, đồng thời việc xây dựng về quy mô, kiểu dáng, vị trí còn tùy tiện. Ở một số nơi khi đã xây dựng được nhà văn hóa thì lại hoạt động kém hiệu quả hoặc sử dụng vào những việc không đúng mục đích, thậm chí là bỏ không, gây lãng phí tiền của và công sức của nhân dân.

2.3. Thực trạng về quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk

Việc bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống hiện nay gặp nhiều khó khăn. Thống kê gần nhất về hiện vật văn hóa các dân tộc do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk thực hiện từ năm 2011. Theo đó, toàn tỉnh còn có 2.307 bộ chiêng đủ chiếc, trong đó chiêng dân tộc Ê Đê có 2.064 bộ, M’Nông 146 bộ, J’Rai 62 bộ, Xê Đăng 8 bộ, Bru - Vân Kiều có 9 bộ. So với số liệu thống kê năm 1993, đã thất thoát khoảng 2.000 bộ cồng chiêng.

Hàng năm UBND huyện đều phối hợp với các ngành liên quan tổ chức truyền dạy đánh chiêng cho thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như: phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chứclớp dạy đánh chiêng tại buôn H’ra Ea H’ning (xã Đray Bhăng) cho 10 học viên (2010); phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở 4 lớp tại xã Ea Ktur với 40 học viên (2013) và 3 lớp với 30 học viên (2014)…

Hiện nay đồng bào dân tộc Ê Đê trong huyện vẫn còn lưu giữ được một số nét văn hóa truyền thống đặc sắc của mình và vẫn duy trì một số lễ hội có sử dụng cồng chiêng như: Lễ cúng bến nước tại buôn H’ra Ea H’ning và H’ra Ea Tăl, xã Dray Bhăng; lễ cầu mưa tại buôn Kô Êmông, xã Ea Bhôk...

 Huyện Cư Kuin là một trong số những địa phương vẫn còn những nghệ nhân lớn tuổi có khả năng diễn tấu cũng như dạy đánh cồng chiêng, khả năng chỉnh chiêng và nhớ được các bản chiêng... Vì vậy việc bảo tồn Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại huyện Cư Kuin là một việc làm rất cần được sự quan tâm chung tay của các ban ngành đoàn thể và người dân. Bên cạnh đó còn có những tồn tại như: Việc sưu tầm, chỉnh lí các bài chiêng (cổ và mới) để làm căn cứ bảo tồn, phát triển còn bỡ ngỡ; Mất dần những nghệ nhân - người nắm giữ nhịp sống của cồng chiêng trong các buôn làng; Việc bảo tồn, giữ gìn Không gian văn hóa và địa điểm các lễ hội vẫn chưa được quan tâm, triển khai đúng mức.

2.4. Thực trạng về các yếu tố ảnh hưởng quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk

 Những năm gần đây, cồng chiêng có xu hướng đời thường hóa, từ đời sống nghi lễ bước ra để chuyển thành sinh hoạt thường ngày, tham gia vào hoạt động du lịch ở địa phương. Điều này đã có những tác động không nhỏ đến đời sống và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng của đồng bào các tộc người bản địa Cư Kuin.

Du lịch cồng chiêng phát triển là một trong những nguyên nhân dẫn đến thay đổi lối sống của đồng bào địa phương, nhất là thế hệ trẻ, làm cho đồng bào địa phương có tư tưởng sùng ngoại, có tâm lý tự ti và coi thường truyền thống văn hóa của dân tộc. Bên cạnh đó, cách làm du lịch cồng chiêng hiện nay nặng về du lịch mà không coi trọng yếu tố phát triển bền vững nên dẫn tới nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, mai một dần di sản văn hóa dân tộc và ô nhiễm môi trường

Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch cũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa cồng chiêng. Những ảnh hưởng tiêu cực này không phải do bản thân hoạt động du lịch gây ra mà do sự yếu kém về pháp luật, hành chính, về quản lý kinh doanh gây ra.

3. Một số giải pháp xây dựng hoạt động nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng huyện Cư Kuin

Trên cơ sở nghiên cứu, cơ sở lý luận về những khái niệm các vấn đề có liên quan và khảo sát thực trạng, nhận định được tình hình hoạt động nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng của huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, tác giả đã đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động nghệ thuật trên địa bàn huyện: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ, Đảng viên và nhân dân về mối quan hệ giữa hoạt động nghệ thuật và phát triển nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền, sự tham gia xây dựng hoạt động nghệ thuât cồng chiêng của các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, cần quy hoạch các lễ hội thường xuyên trong năm, các hoạt động biểu diển cồng chiêng được tổ chức phục vụ khách du lịch bất cứ thời điểm nào, xây dựng, điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị nghệ thuật địa phương một cách thống nhất, khoa học, xem trọng việc cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật về nghệ thuật, tạo hành lang pháp lý để công tác quản lý hoạt động nghệ thuật được tiến hành đồng bộ. Mặc khác, cần có một chương trình nghiên cứu khoa học cho không gian văn hóa cồng chiêng và chia ra các nhóm việc như sưu tầm và nghiên cứu, bảo tồn và phục hồi, truyền dạy và quảng bá, tạo môi trường diễn xướng cồng chiêng và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng một cách thường xuyên và có tổ chức. Các giải pháp trên có thể áp dụng trên địa bàn huyện Cư Kuin và các địa bàn khác có điều kiện tương tự.

Tài liệu tham khảo

  1. Đào Duy Anh (2002), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
  2. Nguyễn Khoa Điềm (2001), Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  3. Nhiều tác giả (2010), Địa lý du lịch Việt Nam, Nxb Giáo dục.
  4. Phan Văn Tú, Nguyễn Văn Hy, Hoàng Sơn Cường, Lê Thị Hiền, Trần Thị Diên (1998), Quản lý hoạt động văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  5. UBND Tỉnh Đắk Lắk (2013), Quyết định số 46/QĐ - UBND ban hành quyết định phê duyệt dự án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2020.
  6. UBND Tỉnh Đắk Lắk (2012), Đề án Phát huy và bảo tồn di sản Không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk (giai đoạn 2012-2015).
  7. UBND Tỉnh Đắk Lắk (2016), Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2016-2020.

________________________

[*] Lớp Cao học K1 - Chuyên ngành Quản lý văn hóa tại Tây Nguyên