Đổi mới giáo dục đại học

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới - cơ hội và thách thức: Góc nhìn từ cơ sở đào tạo giáo viên nghệ thuật

23 Tháng Tư 2018

Đào Đăng Phượng [*]

     Giáo dục nghệ thuật có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển lâu dài về năng lực thẩm mỹ của học sinh, góp phần cơ bản giáo dục tình cảm yêu quý, thái độ tôn trọng, ý thức bảo tồn, giữ gìn, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong quá trình hội nhập và giao lưu văn hóa; đáp ứng mục tiêu hài hòa về đức, trí, thể, mỹ cho học sinh - chủ nhân tương lai của đất nước. Sau hơn 2 năm công bố dự thảo, cuối tháng 7 năm 2017 Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được chính thức thông qua. Trong đó, môn nghệ thuật đã được đưa vào cả ba cấp học: TH, THCS (môn học bắt buộc) và THPT (môn tự chọn). Điều này một lần nữa khẳng định sự nhìn nhận, đánh giá của các nhà giáo dục về tầm quan trọng của giáo dục nghệ thuật đối với việc hình thành nhân cách, trí tuệ của học sinh. Đồng thời, cũng từ đó đặt ra cho các cơ sở giáo dục đào tạo nghệ thuật những đòi hỏi/yêu cầu mới với vai trò là nơi tạo nguồn nhân lực cho công tác giảng dạy nghệ thuật ở bậc phổ thông.

     Nội dung dạy học ở giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học và trung học cơ sở là kiến thức cơ bản về mỹ thuật, âm nhạc. Ở cấp trung học phổ thông, nội dung dạy học giúp học sinh phát triển cả về nhận thức và năng khiếu âm nhạc, mỹ thuật làm cơ sở cho học sinh lựa chọn, định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng khiếu và sở thích cá nhân. Để thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao năng lực nhà giáo và đội  ngũ cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện, góp phần vào việc thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, không thể không đề cập tới việc nâng cao năng lực nhà giáo trong lĩnh vực nghệ thuật - một lĩnh vực với những đòi hỏi mang tính đặc thù cao. Bồi dưỡng, phát triển năng lực cho giáo viên nghệ thuật ở các trường phổ thông tại Việt Nam là một nhiệm vụ hết sức cần thiết, chiến lược, lâu dài.

     Nhu cầu về nguồn nhân lực giáo viên nghệ thuật đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới

     Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức thông qua vào ngày 27/7/2017, trong đó các môn âm nhạc và mỹ thuật được thiết kế theo hai hình thức: môn học bắt buộc (từ lớp 1 đến hết học kỳ I lớp 9 -mtiểu học và trung học cơ sở), môn học tự chọn (bậc trung học phổ thông) với thời lượng: 70 tiết/năm học. Hai môn học tuân theo định hướng cơ bản của giáo dục nghệ thuật ở bậc phổ thông (cụ thể là môn âm nhạc và mỹ thuật): giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9: âm nhạc/mỹ thuật là phân môn trong môn nghệ thuật, có nội dung được thiết kế theo hướng tích hợp, nhằm hình thành cho học sinh khả năng cảm thụ nghệ thuật; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến 12): nhằm phát triển các kỹ năng về nghệ thuật đã được trang bị từ bậc TH và THCS, nhằm giúp học sinh phát triển tư duy độc lập, khả năng hợp tác, sáng tạo, tạo điều kiện choc cho học sinh lựa chọn học lên, học nghề hoặc tham gia cuộc sống lao động thẩm mỹ và lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng khiếu, sở thích cá nhân có liên quan đến nghệ thuật.

     Theo số liệu thống kê giáo dục đào tạo vào thời điểm năm học 2015 – 2016, cả nước có khoảng 26.165 trường từ bậc tiểu học đến trung học cơ sở. Điều đó có nghĩa là cả nước sẽ cần khoảng 52.330 ngàn giáo viên âm nhạc, mỹ thuật (mỗi trường cần 01 giáo viên âm nhạc, 1 giáo viên mỹ thuật). Tính trên tổng số giáo viên của cả nước, thì lượng giáo viên hiện đã đủ cho số trường TH và THCS. Tuy nhiên, mất cân đối về số lượng giữa các vùng miền, các khu vực thành thị và nông thôn, vùng sâu vùng xa lại là vấn đề khó khăn. Việc phân bố giáo viên dạy âm nhạc, mỹ thuật phân bố không đồng đều giữa các địa phương là thành phố, thị xã, thị trấn với vùng khó khăn, miền núi xa xôi.

     Có một thực tế đó là, các cơ sở đào tạo giáo viên âm nhạc và mỹ thuật hàng năm đều đào tạo ra nhiều sinh viên của hai ngành này (theo thống kê của Trường Đại  học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương trong 05 năm tính từ năm 2010 đến 2015, có: 1448 sinh viên ngành Sư phạm âm nhạc và 1588 sinh viên ngành Sư phạm Mỹ thuật. Tuy nhiên, thực trạng việc làm của sinh viên ở hai ngành này sau khi tốt nghiệp gặp phải những vấn đề khó khăn, như: cơ hội xin việc làm (thường chỉ có 01 biên chế giáo viên âm nhạc/mỹ thuật cho 1 trường tiểu học/trung học cơ sở). Chính vì lẽ đó, sinh viên sư phạm nghệ thuật sau tốt nghiệp có một số lượng không nhỏ chuyển hướng sang các công việc khác. Đặc biệt với những vùng sâu, vùng xa cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn…việc thiếu giáo viên nói chung, giáo viên nghệ thuật là một thực tế.

     Ngoài bậc TH và THCS, Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể mới còn đưa môn nghệ thuật vào giảng dạy ở bậc THPT. Đây là điểm đổi mới, thể hiện cách nhìn nhận, đánh giáo vai trò của giáo dục nghệ thuật với nhân cách của học sinh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cần/phải có một lực lượng giáo viên dạy âm nhạc, mỹ thuật có đủ trình độ, năng lực để đảm nhiệm công việc này. Với con số 2.767 trường THPT, số lượng giáo viên dạy nghệ thuật cần phải đào tạo mới cần có 5.534 giáo viên. Nhu cầu về đào tạo giáo viên âm nhạc/mỹ thuật vẫn bỏ ngỏ cho các cơ sở đào tạo nhiều cơ hội bởi nghệ thuật là một lĩnh vực đặc thù và hơn bất cứ ở đâu, vai trò của thầy cô giáo dạy nghệ thuật càng trở nên quan trọng trong hoạt động dạy học, đặc biệt là trong việc định hướng thẩm mỹ, phát hiện năng khiếu, bồi dưỡng khả năng nghệ thuật cho học sinh. 

     Bên cạnh vấn đề về số lượng, thì chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghệ thuật ở các trường phổ thông cũng là điều cần quan tâm. Đa phần giáo viên dạy âm nhạc/mỹ thuật đều tốt nghiệp từ các trường trung cấp, cao đẳng sư phạm và được đào tạo nâng bậc học theo hình thức đào tạo liên thông lên đại học. Trước đây, nhiệm vụ đào tạo giáo viên âm nhạc và mỹ thuật cho nhà trường phổ thông chủ yếu tập trung ở Trường Cao đẳng sư phạm Nhạc Họa Trung ương (nay là Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương). Với xu hướng đa dạng hóa các loại hình, ngành nghề đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục đại học, việc đào tạo ngành sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật cũng được nhiều cơ sở trong cả nước quan tâm. Chính vì vậy, cho tới nay, về cơ bản, đội ngũ giáo viên âm nhạc và mỹ thuật cho các trường phổ thông đều đạt yêu cầu về bằng cấp. Tuy nhiên, năng lực nghề nghiệp hay trình độ chuyên môn thực sự của giáo viên âm nhạc và mỹ thuật ở các trường TH và THCS Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn luận.

     Việc chưa coi trọng vai trò của môn nghệ thuật còn dẫn tới tình trạng có trường TH sử dụng 01 giáo viên dạy tất cả các môn (dạy toán, tiếng Việt, khoa học, hát, vẽ…). Điều này ảnh hưởng đến chất lượng dạy học các môn nghệ thuật bởi dạy học nghệ thuật luôn mang tính đặc thù cao, đòi hỏi bắt buộc về năng khiếu nghệ thuật và phương pháp dạy học chuyên ngành. Sự hạn chế về khả năng âm nhạc hay mỹ thuật của giáo viên sẽ làm mất đi khả năng hứng thú của học sinh đối với các môn nghệ thuật, đồng thời, làm giảm sút vai trò giáo dục thẩm mỹ và phát triển nhân cách của học sinh một cách toàn diện như mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đã đề ra.

     Thực tế trên đã cho thấy đội ngũ giáo viên âm nhạc và mỹ thuật phổ thông hiện nay còn chưa được phân bố đồng đều về số lượng, cũng như chất lượng giảng dạy chuyên môn của đội ngũ này còn nhiều chênh lệch ở một số địa phương. Vì vậy, vấn đề đào tạo lại và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên âm nhạc/mỹ thuật trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết. Như vậy, để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thế mới, Bộ giáo dục và Đào tạo cần đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên nghệ thuật ở các bậc học phổ thông. Mục đích của việc bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên nghệ thuật cho những cấp học này là điều hết sức quan trọng bởi họ chính là những người trực tiếp tác động tới kết quả của việc dạy nghệ thuật đặc biệt là khi môn học này trở thành môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới.

     Cơ hội và thách thức đối với một cơ sở giáo dục nghệ thuật

     Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”; Quyết định số 6181/QĐ-BGDĐT ngày 28/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành kế hoạch hành động của ngành Giáo dục triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, Bộ phận thường trực Ban chỉ đạo đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục xây dựng kế hoạch hành động với những mục tiêu cơ bản như: Nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo của các trường sư phạm; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi  mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trên cơ sở đó, cuộc họp về công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên phổ thông dạy các môn đặc thù của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 19/05/2017 do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì đã nhấn mạnh tới vai trò chủ động của các trường đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Theo đó, dựa vào từng bối cảnh cụ thể, các trường phải có hướng linh hoạt để cán bộ, giảng viên theo đó thực hiện. Với vai trò là trường hàng đầu cả nước về lĩnh vực đào tạo giáo viên nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã sẵn sang và tích cực tham gia trong cuộc vận động đổi mới này.

     Trường ĐHSP Nghệ thuật TW với gần năm mươi năm truyền thống đào tạo ngành Sư phạm nghệ thuật (với hai ngành thế mạnh đã làm nên “thương hiệu” của Trường trong nhiều năm qua: Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật). Trường đã đào tạo hàng chục ngàn giáo viên nghệ thuật cho các trường tiểu học, trung học cơ sở trong toàn quốc - thực sự là cái nôi đào tạo giáo viên nghệ thuật cho đất nước.

     Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của giáo dục thẩm mỹ, Đảng và Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc - Họa trung ương (tiền thân của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW) nhiệm vụ: Đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học về đào tạo giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật để dạy cho các trường mẫu giáo, tiểu học, phổ thông cơ sở, trung học phổ thông và sư phạm. Với ưu thế là nền tảng truyền thống trong đào tạo giáo viên nghệ thuật, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW có cơ sở và điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật. Sau khi được nâng cấp lên thành trường đại học (vào năm 2006), Trường tiếp tục nhiệm vụ bồi dưỡng ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm  Mỹ thuật ở những trình độ cao hơn như: đại học, sau đại học (chuyên ngành thạc sĩ Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc/Mỹ thuật, tiến sĩ Lý luận và phương pháp giảng dạy Âm nhạc). Đây là cơ sở để tạo nguồn nhân lực đáp ứng hoạt động dạy nghệ thuật ở bậc phổ thông và cả những bậc học cao hơn. Từ đó đến nay, trải qua mấy chục năm, Trường đã thực sự khẳng định vai trò hàng đầu trong lĩnh vực sư phạm, giáo dục nghệ thuật của đất nước. Nhiều thế hệ sinh viên của trường đã trở thành những giáo viên, đem nghệ thuật đến với nhiều vùng miền của tổ quốc.

     Đối với một cơ sở đào tạo, vai trò của đội ngũ cán bộ giảng viên là yếu tố quan trọng quyết định đội ngũ giáo viên có trình độ cao, chuyên môn vững vàng đáp ứng được yêu cầu đào tạo giáo viên âm nhạc, mỹ thuật. Từ mái trường này, nhiều thế hệ nhà giáo đã tích cực đóng góp, trí tuệ và tâm sức cho hoạt động giáo dục nghệ thuật của nước nhà như các nhà giáo - họa sĩ: Trịnh Thiệp, Phạm Hảo, Xuân Thảo, Phạm Viết Hồng Lam, Triệu Khắc Lễ, Tạ Phương Thảo, Đào Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Hiên, Lê Thị Chuyên, Vũ Kim Quyên, Phạm Thị Chỉnh….; nhà giáo - nhạc sĩ: NS.Tô Vũ, NS. Hồng Đăng, NS. Phạm Ngữ, NS. Hoàng Lân, NS. Đào Ngọc Dung, NS. Nguyễn Phú Đắc, NS. Đỗ Hải Lễ, NS. Nguyễn Đắc Quỳnh, NS.Trịnh Tuấn, Nhà giáo Lan Hương, Nghệ sĩ Phan Huấn, NSƯT Trần Quang Phác, NS. Lê Đình Chiển… Tiếp bước những thế hệ nhà giáo đi trước, ngày hôm nay, nhiều cán bộ giảng viên trong trường vẫn tiếp tục khẳng định trình độ chuyên môn của mình, trở thành những cán bộ, nhà giáo, chuyên gia có nhiều đóng góp đối với lĩnh vực giáo dục nghệ thuật của nước nhà. Hiện trường đã có hơn 400 cán bộ giảng viên ở nhiều ngành, chuyên ngành khác nhau. Về trình độ chuyên môn, có thể khẳng định rằng với gần 50 truyền thống trong lĩnh vực đào tạo giáo viên nghệ thuật, đội ngũ cán bộ giảng viên của trường có một lực lượng hùng hậu đáp ứng được nhu cầu về đào tạo. Nhiều giảng viên của Trường là chủ nhiệm đề tài hoặc tham gia xây dựng chương trình, biên soạn các cuốn giáo trình về dạy học mỹ thuật, âm nhạc như: dự án Đưa dân ca vào trường Trung học cơ sở, Bồi dưỡng giáo viên âm nhạc/mỹ thuật cho giáo viên các trường tiểu học tham gia SEQAP, Dự án Việt Bỉ “Dạy và Học tích cực”, Dự án VNEN- Columbia “Mô hình trường Tiểu học mới”, Chương trình hợp tác đào tạo giáo viên nòng cốt dạy học mỹ thuật theo phương pháp mới của Đan Mạch…Các chương trình và đề tài mà đội ngũ cán bộ giảng viên Nhà trường thực hiện trong thời gian qua thực sự khẳng định được giá trị thiết thực, có ảnh hưởng tích cực tới hoạt động giáo dục nghệ thuật của nước nhà.

     Ngoài đội ngũ cán bộ, giảng viên, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương còn khẳng định ưu thế hàng đầu của một cơ sở giáo dục nghệ thuật bằng hệ thống chương trình, giáo trình phục vụ giảng dạy cho các ngành đào tạo, trong đó có ngành Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật. Nhà trường đã có những hội đồng biên soạn chương trình, giáo trình, sách giáo khoa phục vụ công tác giảng dạy cho các cấp từ tiểu học đến đại học của hai ngành này. Bên cạnh đó, Trường còn đầu tư biên soạn các tài liệu giáo trình giảng dạy để phục vụ cho chuyên môn như: Nhạc lý, Hát nhạc, Hình họa, Ký họa, Điêu khắc, Trang trí….nhiều cán bộ giảng viên của Trường còn tham gia biên soạn giáo trình, sách giáo khoa theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

     Nghiên cứu khoa học đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động giáo dục, đào tạo đồng thời cũng là một ưu thế của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW trong khối nghệ thuật. Là một lĩnh vực đặc thù, hoạt động nghiên cứu khoa học dường như là một hạn chế đối với giảng viên khối các trường nghệ thuật bởi năng lực hoạt động, lĩnh vực tư duy của người nghệ sĩ vốn không tập trung vào các quy tắc trường quy nghiêm ngặt của khoa học. Tuy vậy, trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Sư phạm Trung ương lại có những khởi sắc và tiến bộ rõ rệt. Có được điều này cũng chính vì hoạt động nghiên cứu khoa học đã được Nhà trường quan tâm và đầu tư một cách có hiệu quả với phương châm: nghiên cứu những vấn đề cần thiết, phục vụ cho công tác đào tạo, giáo dục của Nhà trường. Có thể kể đến nhiều nghiên cứu có giá trị như: Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên âm nhạc trong các trường THCS ở miền Bắc Việt Nam; Nghiên cứu dân ca người Việt vùng Trung du và châu thổ Bắc Bộ; Đổi mới chương trình (nội dung, phương pháp, cách đánh giá) giáo dục âm nhạc cho học sinh trung học cơ sở đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông áp dụng vào chương trình đào tạo giáo viên âm nhạc…Nhiều đề tài khoa học đã bám sát vào hoạt động giảng dạy, học tập của hai ngành Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật như: Nghiên cứu biên soạn tài liệu Phân tích tác phẩm âm nhạc hệ ĐHSP Âm nhạc; Đổi mới cách sử dụng phương pháp trực quan trong dạy học các môn Trang trí, Bố cục của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW… Kết quả của những nghiên cứu này ngoài việc phục vụ cho hoạt động giảng dạy tại Nhà trường còn là nguồn tài liệu quan trọng, hữu ích trong hoạt động dạy, học nghệ thuật cho các cơ sở giáo dục đào tạo khác.

     Bên cạnh những thuận lợi, cơ hội mới, Trường cũng gặp phải những vấn đề khó khăn, thách thức trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay. Khó khăn mà Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đang trực tiếp phải giải quyết đó là tình trạng chung mà nhiều trường thuộc khối sư phạm hiện nay đang gặp phải như: xu hướng xã hội, tuyển sinh hàng năm, điều kiện tài chính, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động dạy, học.

     Yêu cầu về việc nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu đổi mới đặt ra nhiều đòi hỏi không chỉ riêng đối với Trường ĐHSP Nghệ thuật TW mà còn cho toàn ngành giáo dục nói chung. Kỹ năng làm việc theo nhóm, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin....không chỉ là khó khăn với đội ngũ giảng viên của Nhà trường mà còn đối với nhiều cơ sở đào tạo khác, đặc biệt là khối ngành văn hóa nghệ thuật.

      Lời kết

     Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là chìa khóa dẫn tới thành công của công cuộc đổi mới giáo dục một cách toàn diện của đất nước giai đoạn hiện nay. Với vai trò hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo nghệ thuật, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW luôn xác định rõ ràng nhiệm vụ, mục tiêu của mình đối với công cuộc đổi mới giáo dục của đất nước đó là đào tạo ra đội ngũ những nhà giáo, những nhà quản lý có chuyên môn, năng lực và phẩm chất tốt, phù hợp với yêu cầu của thời đại, đáp ứng được yêu cầu công việc của lĩnh vực giáo dục đặc thù - giáo dục nghệ thuật. Đây là công việc khó khăn song với truyền thống đào tạo giáo viên nghệ thuật trong gần 50 năm qua, sự quan tâm của lãnh đạo Nhà trường cùng với trí tuệ, tâm sức của tập thể đội ngũ cán bộ, giảng viên giàu kinh nghiệm, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tin tưởng giao cho, góp phần tích cực vào công tác đổi mới giáo dục của đất nước.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Phạm Lê Hòa, Hành trình 10 năm – Phong độ và đẳng cấp, Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật, số 19/2016. ISSN: 1859 - 4964
  2. Trịnh Hoài Thu, Thực trạng năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật ở các trường tiểu học và trung học cơ sở, Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật, số 19/2016. ISSN: 1859 – 4964
  3. Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Kỷ yếu 45 năm 1970 – 2015 xây dựng và trưởng thành, 2016.

_______________________

[*] PGS.TS, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW