Tin hợp tác quốc tế

Kỷ niệm 200 năm ngày mất của nhà soạn nhạc vĩ đại JOSEPH HAYDN

14 Tháng Ba 2009
KỶ NIỆM 200 NĂM NGÀY MẤT CỦA
NHÀ SOẠN NHẠC VĨ ĐẠI JOSEPH HAYDN
-----------------------------------------------------------------------
 
JOSEPH HAYDN
(1732-1809)
                                                                                                                                                  PLH
        
Khi nói đến Joseph Haydn người ta thường coi ông là cha đẻ của thể loại giao hưởng trong nghệ thuật âm nhạc thế giới. Là người sống cùng thời và là người bạn của W.A. Mozart, trong suốt cuộc đời của mình Joseph Haydn đã sáng tác hơn 100 bản giao hưởng (chính xác là 104 bản), nhưng nổi tiếng nhất và thật sự giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của ông là 12 bản giao hưởng London ông viết trong những năm tháng cuối đời khi sống ở nước Anh vào những năm 90 của thế kỷ XVIII. Đặc điểm nổi bật qua các giao hưởng của ông là sự phát triển trên cơ sở cấu trúc của một Tứ tấu đàn dây, hay nói cách khác, bộ dây giữ một vai trò rất quan trọng/là hạt nhân chính trong cấu trúc dàn nhạc giao hưởng khi thể hiện các tác phẩm giao hưởng của ông.
Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, cuộc đời Joseph Haydn là một tấm gương về sự lao động quên mình trước mọi khó khăn của cuộc đời để làm tròn thiên chức của mình là sáng tạo nghệ thuật. Ông sinh ngày 31 tháng 3 năm 1732 tại Rohrau, một làng nhỏ ở miền Nam nước Áo (Austria). Cha là người thợ thủ công, còn mẹ ở nhà làm nội trợ. Ngay từ nhỏ ông đã được sống trong không gian của các làn điệu dân ca, dân vũ vốn thân thuộc từ bao đời với những người dân quê nơi đây. Và những âm điệu dân gian của thời ấu thơ đó còn theo ông suốt cuộc đời, là nhân tố không thể thiếu ngay cả trong những năm tháng sáng tạo nghệ thuật thành công rực rỡ nhất của nhà soạn nhạc thiên tài.
Từ khi còn nhỏ tuổi, năng khiếu âm nhạc xuất chúng của ông đã sớm bộc lộ. Nhờ có sự giúp đỡ của một linh mục, J. Haydn được tham gia vào đội hợp xướng của nhà thờ thành phố Hainburg (Áo). Cũng ở đây, ông mới bắt đầu được học đàn violonclavecin.
Sau đó, ông được nhạc sĩ Roite phát hiện tài năng và đưa về Viên (Vienna) hát trong dàn hợp xướng Nhà thờ. Tại đây, ngoài thời gian tham gia hát trong dàn hợp xướng, Haydn đã có cơ hội sống trong bầu không khí âm nhạc sôi động của Thủ đô nước Áo, được học tập nhiều về phương diện lý thuyết âm nhạc – những kiến thức vô cùng hấp dẫn còn quá mới mẻ đối với ông. Chính những năm tháng cần cù học hỏi của thời gian này đã tạo dựng cho ông có một vốn kiến thức âm nhạc vững chắc trên nhiều phương diện của nghệ thụât âm nhạc - là cơ sở/tiền đề cho lao động sáng tạo nghệ thuật thành công ở các giai đoạn sau này của ông.
Thời gian tiếp theo Joseph Haydn bị vỡ giọng không thể tham gia hát được trong dàn hợp xướng của Nhà thờ và điều đó cũng đồng nghĩa với việc ông phải đối mặt với sự thật không ai muốn: thất nghiệp. Vì vậy, ông buộc phải bắt đầu cuộc sống tự lập của một người nghệ sĩ với nghề dạy nhạc. Đây không chỉ là giai đoạn ông có điều kiện để tiếp tục học tập, mà còn là giai đoạn ông tiến hành nhiều thể nghiệm để không ngừng hoàn thiện tri thức và kỹ năng sáng tác âm nhạc của mình. Vừa dạy học, ông tiếp tục học Clavơxanh, violon và các môn lý luận âm nhạc .v.v.. Như cách học của nhiều nhạc sĩ thời bấy giờ, ông say mê nghiên cứu, tìm tòi/khám phá vẻ đẹp/khả năng biểu hiện của nghệ thuật âm nhạc từ chính những tác phẩm kinh điển của các nhạc sĩ nổi tiếng.
Năm 1751 Joseph Haydn sáng tác vở nhạc kịch đầu tiên của mình có tên gọi là Con quỷ thọt mới. Tác phẩm đầu tay không gây được tiếng vang trong giới những người sáng tác âm nhạc và đông đảo người nghe bởi chưa được xuất sắc về phương diện nghệ thuật. Nhưng cũng chính điều đó lại làm cho trong ông một lần nữa bùng nên khát vọng được tiếp tục học tập, nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Hoàn cảnh không cho phép ông thực hiện mong ước đó ở nước ngoài, nhưng mong muốn/khát khao được học tập trong ông vẫn còn đó. Một trong những người thầy giai đoạn này của ông là Poocpor – một ca sĩ và đồng thời là nhà sư phạm âm nhạc. Tới năm 23 tuổi, ông tham gia sinh hoạt trong nhóm các nhạc sĩ do một hoàng thân yêu thích nghệ thuật âm nhạc bảo trợ. Bên cạnh những tác phẩm kinh điển thường được nhóm diễn tấu trong chương trình của mình, Haydn cũng đã sáng tác gần 20 tác phẩm Tứ tấu đầu tiên của mình cho chính nhóm các nhạc sĩ này diễn tấu. Những thể nghiệm này giúp cho ông gần gũi hơn với thực tế sáng tạo nghệ thuật, giúp ông có được những kinh nghiệm quí giá cho các sáng tác tiếp theo.
Năm 1759 Joseph Haydn được giao phụ trách một dàn nhạc nhỏ dưới sự bảo trợ của ông hoàng Morxin. Thời gian này ông viết rất nhiều khúc hoà tấu giải trí (divertissement) cho dàn nhạc diễn tấu. Cũng trong giai đoạn này ông sáng tác bản giao hưởng đầu tiên của mình. Các tác phẩm trong giai đoạn này còn chịu ảnh hưởng nhiều phong cách sáng tác của các nhà soạn nhạc tiền bối trước đó. Nhưng cũng từ chính những tác phẩm này đã bắt đầu bộc lộ dấu ấn riêng có một vị trí quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật âm nhạc của ông.
Năm 1761 Joseph Haydn được nhận làm công tác quản lý kiêm sáng tác âm nhạc trong dàn nhạc của bá tước người Hungary Etxtegadi. Tại đây ông đã cho biểu diễn 3 bản giao hưởng có các tiêu đề “Buổi sáng”, “Buổi trưa” và “Buổi chiều”. Ngoài ra, ông cũng đã sáng tác được rất nhiều tác phẩm âm nhạc thuộc các thể loại khác nhau như: Giao hưởng, Hợp xướng, Nhạc kịch, Tứ tấu v.v…Trong cuộc đời của mình, Haydn coi đây là những năm tháng lao động nghệ thuật đầy vất vả của cương vị người hầu cận cho gia đình quí tộc. Nhưng đó cũng là những năm tháng ông đã có cơ hội thể nghiệm để hoàn thiện tài năng và có nhiều tác phẩm thành công trong sự nghiệp sáng tạo âm nhạc của mình. Các sáng tác phẩm của ông thời kỳ này có thể kể tới: 2 bản giao hưởng mang tên Vĩnh biệtTang lễ; 6 bản Giao hưởng Paris và “Bản giao hưởng trẻ em”.
Năm 1791 Joseph Haydn từ bỏ vị trí một người làm thuê cho gia đình bá tước Hungary Etxtegadi. Ông được mời sang London (Anh) với cương vị của một người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng kiêm nhạc sĩ sáng tác âm nhạc. London thời kỳ này đang là một trong những trung tâm âm nhạc nổi tiếng trên thế giới với nhiều dàn nhạc và Nhà hát lớn. Đây cũng là giai đoạn ông say mê sáng tạo và có nhiều sáng tác thành công trên các thể loại khác nhau như: Giao hưởng, Nhạc kịch, Hợp xướng, Tứ tấu, Sonata, Ca khúc .v.v… Trong đó, các tác phẩm giao hưởng giữ vai trò quan trọng. Ngôn ngữ âm nhạc hoành tráng có sức phát triển mạnh mẽ đã làm say mê những cư dân của xứ sở sương mù. Cả 6 bản Giao hưởng London (London symphonies) sáng tác trong thời kỳ này của ông đều được khán giả London tiếp nhận và nhiệt liệt hoan nghênh.
Năm 1792 Joseph Haydn lại trở về Viên một lần nữa trước khi sang Anh lần thứ 2 vào năm 1794. Cũng như chuyến sang Anh lần trước, lần này ông lại được công chúng Anh nhiệt thành đón chào. Ông đã được trường Đại học danh tiếng nhất của nước Anh Oxford trao tặng học vị Tiến sĩ âm nhạc. Trong một không gian đầy tính khích lệ và thuận lợi cho đam mê sáng tạo nghệ thuật như vậy của xứ sở sương mù, ông đã sáng tác tiếp 6 bản giao hưởng London (London symphonies), hai vở thanh xướng kịch (oratorio) “Đấng sáng tạo muôn loài” và “Bốn mùa”.
Những năm cuối cùng của cuộc đời ông lại trở về Viên với một tình cảm yêu quê hương tha thiết. Những năm tháng ở Viên này ông đã sáng tác các tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau như: Tứ tấu, Xonat, ca khúc….
Joseph Haydn mất ngày 31 tháng 5 năm 1809 trong một căn nhà nhỏ ở ngoại ô thủ đô Viên của nước Áo.
 
MỘT SỐ GIAO HƯỞNG CỦA JOSEPH HAYDN
 
I. The Paris Symphonies
·         Symphony 82 'The Bear'
·         Symphony 83 'The Hen'
·         Symphony 84
·         Symphony 85 'The Queen'
·         Symphony 86
·         Symphony 90
·         Symphony 91
·         Symphony 92 'Oxford'
II. The London Symphonies
·           Symphony 93
·           Symphony 94 'The Surprise'
·           Symphony 95
·           Symphony 96 'The Miracle'
·           Symphony 98
·           Symphony 99
·           Symphony 100 'Military'
·           Symphony 101 'The Clock'
·           Symphony 102
·           Symphony 103 'The Drumroll'
·           Symphony 104 'London','Salomon'