Tin tức

Dạy học dân ca Ê Đê cho học sinh Trường THCS Chu Văn An, huyện Krong Năng, tỉnh Đắk Lắk

27 Tháng Tư 2018

Trần Thị Hà Giang [*]

            Kho tàng âm nhạc dân gian Việt Nam rất phong phú và đa dạng với nhiều thể loại của nhiều dân tộc, vùng miền, trong đó dân ca chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. Trong chương trình môn Âm nhạc ở phổ thông hiện nay, nội dung giáo dục dân ca là một phần không thể thiếu, nói lên sự quan tâm đến văn hóa dân tộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như những nhà hoạch định chính sách giáo dục. Dân ca các dân tộc Tây Nguyên cũng góp một phần đại diện cho đại gia đình dân ca Việt Nam trong môn Âm nhạc ở phổ thông.

            Xuất phát từ tình cảm yêu thích dân ca Ê Đê cũng như các ca khúc mang chất liệu dân ca mà tác giả mong muốn được đi sâu nghiên cứu về dân ca quê hương, được giới thiệu những nét đặc sắc của dân ca Ê Đê đến các học sinh THCS của tỉnh Đắk Lắk. Qua đó, một phần là để cung cấp, trang bị thêm kiến thức cho bản thân và góp phần giữ gìn truyền thống của dân ca Ê Đê nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Vai trò giáo dục âm nhạc trong trường THCS

            Thực hiện Kế hoạch giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 hướng dẫn dạy học nội dung giáo dục địa phương từ năm học 2008-2009. Dạy học và giáo dục âm nhạc trong trường THCS nhằm góp phần giáo dục tư tưởng, tình cảm đạo đức trong sáng, lành mạnh, phát triển năng lực tư duy, trí tuệ, trí óc sáng tạo, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người học. Cùng với các môn học, chương trình âm nhạc ở trường THCS góp phần quan trọng vào quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách cho học sinh. Hoạt động học tập âm nhạc trong nhà trường không chỉ đảm bảo thỏa mãn nhu cầu ca hát, một đặc điểm tâm lí nổi bật ở lứa tuổi học sinh THCS, mà còn thông qua đó cung cấp cho học sinh những hiểu biết ban đầu về nghệ thuật, xây dựng nền tảng thị hiếu thẩm mỹ trong sáng, lành mạnh.

            Âm nhạc và con người không bao giờ tách rời nhau từ thưở mới lọt lòng qua lời ru ngọt ngào của người mẹ. Đó cũng chính là bài học hát đầu tiên trong cuộc đời của mỗi con người. Dân ca là tiếng nói thân thương dịu hiền, là lời ru ngọt ngào của người mẹ, của quê hương xứ sở, của nơi chôn rau cắt rốn. Hình ảnh quê hương khắc sâu trong mỗi con người qua những hình ảnh thả diều bắt bướm thời ấu thơ và những câu hò điệu lí, những khúc hát đồng dao,...

            Trong môi trường học đường, âm nhạc chính là cái nôi cho các em hoàn thiện về đạo đức, trí tuệ cũng như con người, giúp các em trở thành những con người có văn hóa, giàu tính nhân văn. Giáo dục âm nhạc trong nhà trường cũng là nơi nuôi dưỡng, ươm mầm năng khiếu âm nhạc, phát triển cho nền âm nhạc nước nhà, giữ gìn, phát huy, bảo tồn kho tàng âm nhạc dân gian của dân tộc. Âm nhạc được sinh ra trong quá trình tiến hóa của con người, được con người bảo vệ, chăm sóc và phát triển để rồi âm nhạc quay trở lại phục vụ con người, giúp con người học tập, lao động sáng tạo. Đối với học sinh THCS, cuộc sống của các em không thể thiếu các loại hình nghệ thuật này, trong đó có âm nhạc. Bản sắc văn hoá dân tộc trong cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng được tiếp thu và truyền thụ đến học sinh các thế hệ, đó chính là những giá trị bền vững, những tinh hoa văn hoá của cộng đồng các dân tộc qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước; tất cả những điều đó đều được thể hiện qua từng tiết giảng của môn âm nhạc về nền âm nhạc dân ca Việt Nam mà các em học sinh được học ở trường phổ thông.

            Trong kho tàng âm nhạc dân gian của mỗi dân tộc đều phản ánh được những hiện tượng quan trọng của cuộc sống con người, những lời hát ru mẹ dành cho con khi mới chào đời; những bài hát đồng dao khi vừa mới lớn; những câu hát giao duyên tỏ tình; những bài ca lao động và cả những khúc nhạc tiễn đưa khi con người giã từ cuộc sống. Mỗi dân tộc đều tồn tại những nét nghệ thuật riêng của dân tộc mình. Tuổi thơ được nghe và được hát những câu hò, điệu lí quê hương như được cùng nhau nô đùa, tắm mát dưới dòng sông quê, như được sự vỗ về ân cần, hiền hòa của người mẹ. Cũng chính từ đây, nhân cách các em bắt đầu hình thành và phát triển. Tình yêu thương bạn bè, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đồng loại ngày một bao dung, khí phách tự hào quê hương, tự hào dân tộc càng được hình thành vững chãi. Dân ca là sản phẩm tinh thần quí giá của cha ông để lại, là di sản văn hóa nghệ thuật của dân tộc, dân ca Việt là sự kết tinh từ những tinh hoa truyền thống của các vùng, miền, các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam. Được bảo tồn gìn giữ và truyền tụng từ đời này sang đời khác đúc kết từ những câu ca dao, tục ngữ mang ý nghĩa giáo dục, về cuộc sống, dân ca trong lao động sản xuất và đặc biệt là giáo dục nhân cách con người… Nó giống như những viên ngọc quý luôn được quần chúng nhân dân bảo tồn và bù đắp để ngày càng tỏa sáng hơn. Trong thời đại hiện nay, đối với mỗi dân tộc trên thế giới, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bao giờ cũng giữ vị trí đặc biệt quan trọng và mang ý nghĩa sống còn của một dân tộc. Đó là tài sản vô cùng quý báu, là tinh hoa sáng tạo nghệ thuật của bao thế hệ ông cha, là cơ sở của sự phát triển văn hóa dân tộc trong xã hội đương đại… Dạy học dân ca cho học sinh THCS cũng là cách thức tổ chức học tập nhằm giáo dục tri thức văn hóa xã hội, kiến thức về âm nhạc trong dân ca mà ở đó ngôn ngữ, phong tục, tập quán của từng tộc người được thể hiện sâu sắc. Dạy học dân ca chính là giúp học sinh được hoàn thiện nhân cách và làm việc theo chiều hướng tích cực, bởi những lời lẽ, giai điệu, tính chất âm nhạc trong dân ca là sự đúc kết ngàn năm về các giá trị văn hóa dân tộc. Học dân ca để thấy được nguồn âm nhạc vô cùng phong phú của cha ông để lại, giúp các em trân quý cội nguồn, biết đóng góp công sức bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

            Mục đích của việc dạy hát dân ca trước hết là: giúp giáo viên có những trải nghiệm, những biện pháp, kinh nghiệm và tìm ra phương pháp phù hợp với từng lứa tuổi, từng đối tượng học sinh để tiết học đạt hiệu quả nhất và là nhịp cầu nối các em đến với dân ca. Chưa kể, khi dạy hát dân ca, người thày không thể không biết hát đồng thời phải hiểu rõ về tính chất, giai điệu, lời ca và nguồn gốc cũng như một số nhân tố làm nên dân ca. Qua việc học hát dân ca các em học sinh biết được: Nguồn gốc và cái đẹp của âm nhạc dân ca Việt Nam, biết yêu và có niềm say mê đối với loại hình nghệ thuật này. Hát, nghe, thưởng thức các làn điệu dân ca và tìm hiểu về dân ca, các em sẽ biết thêm về các tập tục, đời sống sinh hoạt, văn hóa của vùng, miền, các dân tộc từ đó càng thêm tự hào về quê hương, đất nước, con người Việt Nam, yêu quý ông bà, cha mẹ, thầy cô, bè bạn, vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết giữa các dân tộc anh em con cháu Lạc Hồng. Giúp các em có tâm hồn phong phú, biết thưởng thức, khơi gợi những cảm xúc đẹp đẽ, cao quý và biết vận dụng chúng một cách linh hoạt trong cuộc sống hàng ngày và tương lai sau này. Học hát dân ca, những em có năng khiếu về âm nhạc sẽ được thể hiện sở trường của mình: Có kĩ năng thưởng thức âm nhạc, mạnh dạn, tự tin khi biểu diễn bài hát kết hợp với những động tác sáng tạo phù hợp, thể hiện tốt sắc thái tình cảm của mình qua bài hát trước tập thể. Những em còn hạn chế về năng khiếu cũng biết hát đúng giai điệu lời ca kết hợp một vài động tác đơn giản hoặc gõ đệm theo bài hát và bước đầu yêu thích dân ca. Dạy học hát cho học sinh trường THCS là một phân môn đóng vai trò quan trọng, chiếm lĩnh thời lượng nhiều nhất trong dạy học âm nhạc. Theo chương trình hiện hành, các lớp 6, 7, 8, 9 đều có phân môn hát, có 8 bài hát (lớp 6, 7, 8) trong đó có 2 bài dân ca. Tuy thời lượng dành cho dạy học hát dân ca của chương trình chưa nhiều, nhưng phần nào thấy được Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm và có định hướng giáo dục toàn diện cho học sinh.

            Số bài dân ca đó được bố trí trong chương trình dàn trải đều cho học sinh được học hát dân ca cả 3 miền tiêu biểu (Bắc, Trung, Nam), mang tính chất đại diện, ngoài ra cũng có một vài bài dân ca của các tộc người thiểu số (miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Nam Bộ). Dạy học hát dân ca trong chương trình phổ thông nói chung, THCS nói riêng là cách thức, con đường, biện pháp để thực hiện một hoạt động nhằm đạt được hiệu quả cao nhất về âm nhạc nói chung, dân ca các dân tộc Việt Nam nói riêng. Đặc trưng của phương pháp dạy hát dân ca chủ yếu là dùng lời theo cách truyền dạy và có sự hỗ trợ của nhạc cụ organ. Bản chất của dạy hát dân ca tại các trường THCS là hoạt động của người dạy và hoạt động của người học. Hai hoạt động này tồn tại và được tiến hành trong mối quan hệ biện chứng. Thầy ghi bài hát lên bảng, có vạch nhịp, trò nghe thầy hát mẫu, đàn và học sinh hát theo. Tuy trên sách giáo khoa có bản nhạc, nhưng hầu hết học sinh không thể tự ghép lời bài bài đó mà không có sự giúp đỡ tích cực của giáo viên.

Tài liệu tham khảo

1. Âm nhạc, tác giả và tác phẩm (1996), Nxb Âm nhạc.

2. Trương Bi (2007), Những đặc trưng cơ bản của văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa Đắk Lắk và một số biện pháp bảo tồn, phát huy trong thời kỳ hội nhập - Kỷ yếu hội thảo bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, Trường Đại học Tây Nguyên - Buôn Ma Thuột.

3. Trương Bi (2010), Nghi lễ - Lễ hội Ê Đê - Hà Nội, Nxb Văn hóa Dân tộc.

4. Trương Bi, Bùi Minh Vũ (2009), Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các tộc người Ê Đê, M’nông - Hà Nội, Nxb Văn hóa Dân tộc.

5. Dân gian (2009), Sử thi Tây Nguyên, Nxb Khoa học Xã hội.

________________________

[*] Lớp Cao học k6 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học Âm nhạcnghệ  trình nghghệ thuật