Nội san

Liệu pháp âm nhạc đối với tâm lý con người

24 Tháng Tư 2009
Ths. Đỗ Ánh Tuyết

 
Trong đời sống tâm lý con người, âm nhạc có thể đem đến cho mọi người những phản ứng tình cảm dễ chịu, thoải mái và bình tĩnh, hay kích thích sự sáng tạo và hứng khởi. Sức mạnh của âm nhạc còn giúp ta loại bớt cảm giác tiêu cực từ những việc đã qua, có thể lọc ra những thông điệp lành mạnh và tích cực nhất. Vì thế, âm nhạc là một trong những nhu cầu không thể thiếu trong đời sống mỗi người. Có âm nhạc, con người cảm thấy yêu đời hơn, gần gũi nhau thêm và mang lại sự cân bằng về tâm - sinh lý. Ngoài việc hưởng thụ về mặt cảm xúc, âm nhạc còn có công dụng trong việc điều trị một số bệnh lý ở con người, đặc biệt là những bệnh thiên về phương diện tinh thần.
Ngay cả những người đang khỏe mạnh cả về mặt thể chất lẫn tinh thần vẫn cần đến âm nhạc nhằm giúp giảm thiểu những căng thẳng. Âm nhạc có tác dụng lôi cuốn, hòa hợp, đi vào tiềm thức con người. Khi ta bước vào một căn phòng có âm nhạc, những ưu tư trong đầu như được xua tan và cơ thể như hòa với điệu nhạc thư giãn. Hơn thế, âm nhạc còn kích thích những hoạt động về thể chất, mang lại cảm giác phấn chấn, khiến ta không để ý tới cảm xúc đau đớn, không vui, không muốn... Điều này lý giải vì sao khi thưởng thức âm nhạc, nhiều người có khuynh hướng làm việc bền bỉ và hăng hái hơn.
Một trong những mục đích của trị liệu âm nhạc là để người ta gần gũi và cảm được những xúc cảm của mình qua âm nhạc, để hiểu và đồng cảm với vết thương lòng, để được thêm sức rồi vực dậy chính bản thân mình. Vì thế, nếu bạn cảm được nỗi đau thì nỗi đau ấy đã tự được chữa lành phần nào, “if you can feel it, you can heal it”. Đó là tác dụng của nghệ thuật âm nhạc, sân khấu, hội họa, v.v... Tuy vậy, trong tâm lý, nhiều người cho rằng, cảm không chưa đủ, con người phải làm gì để đem lại ý nghĩa cho xúc cảm mình một cách lành lặn. Giáo sư âm nhạc Arthur Harvey - Đại Học Hawaii cho biết não bộ có 4 cách để tiếp nhận và đáp ứng với nhạc điệu:
a. Não bộ trái tiếp nhận, phân tích, thưởng thức nhạc điệu.
b. Não bộ phải đáp ứng với nhạc điệu bằng các xúc cảm khác nhau.
c. Cơ thể đáp ứng âm nhạc bằng sự thay đổi các chức năng sinh học như nhịp tim, hơi thở, huyết áp, sức căng bắp thịt, cảm giác đau, sản xuất kích thích tố.
d. Trong đáp ứng với cơ thể, âm nhạc được dùng để thiền suy, thư giãn, học hỏi…
Âm nhạc giúp thư giãn tâm hồn
 
Như vậy, bộ máy vận động của con người có những vùng tiếp nhận âm nhạc. Khi nghe những âm thanh có tiết tấu, ta không chỉ bị cuốn theo chúng bằng trí óc, mà còn bị cuốn theo bằng các hoạt động cơ bắp, bằng tay, chân, đầu, tim và hệ hô hấp. Điều đó chứng tỏ rằng trong bất cứ trường hợp nào, bộ máy vận động của cơ thể vẫn bị kích hoạt và đưa vào trạng thái vận động bởi các âm thanh. Có một mối liên hệ tâm - sinh lý trực tiếp giữa việc nghe các âm thanh có tiết tấu với khuynh hướng muốn thực hiện những cử động.
            Với mỗi loại xúc cảm - yêu và ghét, sợ hãi, buồn rầu hay vui mừng - đều có một phương thức biểu thị bằng cơ bắp đặc biệt tương ứng. Tiết tấu đánh thức và đưa các bộ máy vận động vào trạng thái hoạt động trực tiếp và ngay tức thì, do đó nó khơi dậy những xúc cảm tương ứng. Những xúc cảm này - vì được gợi lên bởi âm thanh chứ không phải một đối tượng nào khác để chúng có thể hướng đến và dựa vào đó để bộc lộ ra bằng phản ứng có ý nghĩa – gắn bó với những âm thanh đó - chúng cùng với âm thanh đến với chúng ta cứ như một trải nghiệm toàn thể duy nhất không thể tách rời. Những xúc cảm này trở thành nội dung của những âm thanh ấy.
            1. Lợi ích của liệu pháp âm nhạc
Việc sử dụng nhạc lý trong trị bệnh luôn mang lại kết quả khả quan cho người lớn, vị thành niên và cả trẻ em:
a.       Liệu pháp âm nhạc giúp con người có thể bộc lộ cảm xúc, khống chế và giảm căng thẳng:
            Âm nhạc có thể gây ảnh hưởng mạnh tới tâm trạng của chúng ta, giúp bồi dưỡng những trạng thái tích cực như sự hăng hái, phấn khởi và lạc quan yêu đời. Đồng thời âm nhạc cũng giúp con người giảm những trạng thái tiêu cực như lo âu, buồn rầu, chán nản, căng thẳng, tức giận.
            Sự căng thẳng là nguyên nhân phá hoại hệ thống miễn dịch của chúng ta. Âm nhạc có thể hạn chế hoặc ngăn ngừa những âm thanh và cảm xúc gây căng thẳng. Nhạc nhẹ là thể loại êm dịu giúp chúng ta có cảm giác an toàn, tin tưởng và tạo sự hưng phấn cao.
Năm 2007, một cuộc nghiên cứu ở Ðức chỉ ra rằng trị liệu bằng âm nhạc giúp cải thiện những chức năng vận động cho các bệnh nhân đang hồi phục từ những cơn đột quỵ. Những cuộc nghiên cứu khác nhận thấy rằng trị liệu bằng âm nhạc có thể tăng cường hệ thống miễn nhiễm, cải thiện sự tập trung tâm trí, giúp chế ngự những cơn đau nhức, tạo cảm giác khỏe mạnh, và giảm bớt sự lo lắng cho những bệnh nhân đang chờ đợi để giải phẫu.
            Âm nhạc giúp thư giãn tâm hồn và các cơ bắp ở người đang có căng thẳng, lo âu. Âm nhạc giúp tâm hồn ta cởi mở và giải thoát những cảm xúc tiêu cực. Khi bị bệnh, bệnh nhân thường rơi vào tình trạng lo âu, sợ hãi, cảm thấy đau đớn, buồn rầu, đôi khi kém tự tin. Âm nhạc có thể giúp họ khuây khỏa, giảm thiểu các cảm xúc tiêu cực, khiến họ vui hơn, tự tin hơn, có nhiều phấn khởi hơn trong đời sống.
b. Liệu pháp âm nhạc có thể vận dụng đối với những người kém phát triển về tâm thần, mất khả năng học hỏi.
 Liệu pháp âm nhạc giúp họ vượt qua những trở ngại trong việc hấp thu những điều mới, góp phần hỗ trợ cho các bệnh nhân mắc chứng giảm trí nhớ, nhất là ở người cao tuổi, cũng như các bệnh lý khác có liên quan đến trí nhớ, những người phải đối mặt với những căn bệnh đau đớn về thể xác dù mãn tính hoặc cấp tính, người bị tổn thương não bộ, người bị chứng căng cơ, người nghiện rượu v.v...
Hiện nay, một số bệnh viện tiên tiến trên thế giới còn vận dụng liệu pháp âm nhạc để giúp bệnh nhân cải thiện tâm trạng, chống suy nhược cơ thể. Tại một số trường học dành cho trẻ em khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần, âm nhạc còn đóng vai trò tích cực trong việc giúp các em phục hồi một số chức năng nhất định, cải thiện kỹ năng giao tiếp và tăng cường các hoạt động về mặt thể chất.
c. Âm nhạc tác động một cách tích cực đến trí thông minh, nhất là ở trẻ em.          Bộ não của trẻ em có khuynh hướng phát triển từ những kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày và sự tiếp thu của não bộ. Vì thế, những tác động về thính giác bằng cách nghe nhạc có khả năng tăng cường trí thông minh, khả năng tập trung vào việc học tập của trẻ.
d. Âm nhạc làm sống lại ký ức
Các nhà khoa học cũng đã xác nhận rằng âm nhạc có khả năng kích động trí nhớ. Khi chúng ta chỉ cần nghĩ tới một bài hát là bao nhiêu kỷ niệm hiện ra trong tâm trí, chứ không cần phải được nghe lại chính bài hát đó. Phần não thái dương bên phải được coi là nơi chủ yếu của bộ óc để xử lý âm nhạc, vì đã có những cuộc nghiên cứu cho thấy khi người ta chú tâm lắng nghe nhạc thì ở vùng óc đó gia tăng những hoạt động.
Các nhà khoa học cũng khẳng định rằng âm nhạc có khả năng khích lệ ký ức. Khi một bản nhạc quen thuộc được bật lên, ngay lập tức nó đưa người nghe trở về thời điểm họ đã nghe bản nhạc đó, và ký ức lập tức tràn về.
Các nghiên cứu cho thấy thùy thái dương phải có thể là một vị trí then chốt của bộ não trong việc xử lý âm nhạc. Khi phối hợp với thùy trước, thì đó là khu vực then chốt để cảm thụ âm nhạc.
Âm nhạc còn giúp giảm thiểu những căng thẳng về tinh thần có nguy cơ gây tổn thương cho não bộ của trẻ. Việc cho trẻ học sử dụng một nhạc cụ nào đó cũng sẽ tác động đến tốc độ suy nghĩ và ý niệm về không gian lẫn thời gian một cách hoàn hảo hơn, giúp trẻ học tốt hơn, nhất là về bộ môn toán học.
Âm nhạc và giai điệu dưới nhiều hình thức khác nhau là một phần không thể thiếu trong đời sống của trẻ thơ. Với trẻ thơ, âm nhạc có sức mạnh thật kỳ diệu. Nó giúp một đứa trẻ nhút nhát, rụt rè trở nên mạnh dạn và tự tin hơn hoặc biến một đứa trẻ ngỗ nghịch trở thành một đứa trẻ trầm tính hơn. Qua một bài hát, trẻ có thể tiếp nhận thêm nhiều vốn từ mới, khái niệm mới, tên gọi của một số loài vật, màu sắc, cây cỏ, vật dụng... Những khái niệm mang tính trừu tượng đối với trẻ như yêu chuộng hòa bình và tự do, tình cảm gia đình, lòng yêu đất nước... Có thể giúp trẻ cảm thụ một cách dễ dàng hơn, nhờ có âm nhạc.
2. Điều trị bằng liệu pháp âm nhạc
Đây là liệu pháp đặc biệt kết hợp việc sử dụng âm nhạc để mang lại sự cân bằng và giúp con người vượt qua những bất ổn về tinh thần, thể chất, xã hội và nhận thức. Nguyên tắc điều trị cần được thực hiện theo sự hướng dẫn của các nhà liệu pháp chuyên về lĩnh vực này.
Đầu tiên, nhà liệu pháp sẽ lập ra một bảng theo dõi tổng thể về tình trạng tâm lý và thể chất của người bệnh để tìm hiểu rõ những hoạt động của bệnh nhân trong xã hội, các kỹ năng nhận thức và khả năng giao tiếp của bệnh nhân với cộng đồng... Sau đó, nhà liệu pháp sẽ quyết định chọn loại nhạc lý nào cũng như thời gian điều trị cho từng bệnh nhân.
Quy trình điều trị có thể bao gồm nhiều liệu pháp âm nhạc khác nhau. Trong số đó, bệnh nhân có thể được nghe nhạc, sáng tác nhạc phẩm, biểu diễn ca khúc, thảo luận về ca từ và cuối cùng sẽ học cách thưởng thức âm nhạc.
Bạn sẽ chọn cho mình loại nhạc nào?
- Khi bạn cảm thấy nhức mỏi ở lưng hoặc đau đâu đó: Bạn hãy chọn thể loại nhạc jazz khi đau nhức các bộ phận trên cơ thể. Với những người mắc chứng viêm khớp mạn tính, khi nghe loại nhạc jazz mỗi ngày giúp giảm thiểu cơn đau khoảng 20%. Chính nhạc jazz đã góp phần kích hoạt não bộ tiết ra chất endorphin, hóa chất có khả năng làm giảm những cơn đau nhức.
- Khi bạn cảm thấy lo lắng: Bạn hãy chọn thể loại nhạc có giai điệu chậm rãi khi bạn lo lắng. Khi bạn lắng nghe những âm thanh và giai điệu nhẹ nhàng, chậm rãi sẽ giúp huyết áp giảm, nhịp thở ổn định và điều hòa hơn. Từ đó, bạn sẽ có cảm giác thư giãn và mọi lo lắng hầu như không còn nữa.
- Khi cần kích hoạt trí não: Bạn hãy chọn thể loại nhạc cổ điển để kích thích trí não hoạt động tốt hơn. Những loại nhạc cổ điển như của Mozart có tác dụng kích hoạt não bộ, tăng cường trí nhớ và cải thiện chỉ số thông minh. Nhạc Mozart là loại nhạc mang tính tư duy cao, có sự pha trộn và tổ chức tiết tấu phức tạp đạt đến trình độ cao. Do đó, khi nghe loại nhạc này, người nghe như được “đánh thức” một số chức năng não. Não của họ như được truyền những luồng sóng kích thích mạnh, giống như sóng điện não và chính điều đó giúp cho não hoạt động hiệu quả.
 
Những đoạn nhạc có sự thay đổi về tiết tấu, âm thanh trong các sáng tác của Mozart không chỉ tạo nên sự kích thích chức năng não mà còn gây ra tác động đến nhiều chức năng khác của cơ thể. Những hiện tượng tương tự không xảy ra khi nghe những loại nhạc khác, bởi kỹ thuật “thiết kế” âm thanh độc đáo này chỉ có ở thiên tài Mozart.
Các nhà khoa học và các chuyên gia phân tích âm nhạc đã phát hiện ra rằng: trong âm nhạc của Mozart, thường xuyên có sự xuất hiện những đoạn nhạc lặp lại với tần số cao hơn nhiều so với các tác phẩm âm nhạc của nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng khác như : Beethoven, Bach, Wagner hay Chopin….
- Khi cần tăng hiệu quả của các bài tập thể dục: Bạn hãy chọn thể loại nhạc khiêu vũ để tăng hiệu quả của tập thể dục. Những loại nhạc có tiết tấu nhanh, dồn dập có tác dụng một cách mạnh mẽ như chất caffeine, giúp kích thích não bộ tiết ra chất adrenaline một cách nhanh chóng và mang lại cảm giác hưng phấn trong khi tập luyện. Hơn thế, nếu bạn thực hành tập luyện trên máy chạy bộ, khi nghe nhạc sẽ không cảm thấy mệt mỏi mà còn tập luyện dai sức hơn so với những người khác không nghe nhạc.
- Để vui vẻ và hạnh phúc hơn: Bạn hãy chọn thể loại nhạc tình cảm sẽ khiến bạn luôn vui vẻ. Nếu bạn đang ở trong tâm trạng u sầu hãy mở to âm thanh của những bản nhạc tình ca. Những ca từ chứa chan tình cảm này có tác dụng liên kết con người lại với nhau và làm dịu đi những cảm xúc, mang lại những tình cảm ấm áp thật diệu kỳ.
 
- Muốn giải quyết vấn đề tốt hơn: Bạn chọn thể loại nhạc rock’n roll. Khi bạn phải đối diện với những vấn đề nan giải và hóc búa, hãy thư giãn bằng một điệu nhạc rock’n roll, nó sẽ giúp cải thiện tình hình và giúp bạn tìm ra lối thoát cho vấn đề của bạn.
            Như vậy, ngoài vai trò là một loại hình nghệ thuật, âm nhạc còn là một liệu pháp tích cực đối với tâm lý con người. Sử dụng âm nhạc hợp lý sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn.
  
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. TS Nguyễn Công Khanh, Tâm lý học trị liệu, NXB ĐHQGHN.
2. Chu Quang Tiềm, GS Viện ĐH Bắc Kinh, Tâm lý văn nghệ, Khổng Đức Đinh Tấn Dung dịch, NXB Thanh Niên.
3. Đặng Phương Kiệt (1994), Tâm lý học và đời sống, NXB KHXH, Hà Nội.