Nội san

Công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa ở xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình

10 Tháng Năm 2018

Nguyễn Thị Thanh Nhàn [*]

                   

     Gia Phương là một xã nằm ở trung tâm của huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Gia Phương là vùng đất có truyền thống lịch sử lâu đời, thể hiện qua hệ thống các di tích lịch sử văn hóa còn được giữ gìn và  bảo tồn đến ngày nay như: đền thờ Đinh Bộ Lĩnh hay còn gọi là đền Văn Bòng, nhà thờ họ Nguyễn, lăng phát tích dòng họ vua Đinh, chùa Kỳ Lân…

      Mỗi di tích lại có những giá trị lịch sử, văn hóa khác nhau chứa đựng trong mình những giá trị truyền thống của dân tộc. Nhiều năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử văn hóa của địa phương cũng đã đạt được kết quả tốt. Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa tuy được sự quan tâm của các cấp, các ngành, tổ chức quốc tế nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn bất cập: nguồn kinh phí đầu tư tu bổ chủ yếu do các cá nhân và tổ chức xã hội đóng góp mang tính chất tự phát nên khó quản lý; tình trạng xuống cấp của một số di tích, việc lấy cắp cổ vật, tình trạng mất an ninh, trật tự trong các dịp tế lễ; chưa có đội ngũ làm công tác hướng dẫn tại các điểm di tích. Nguyên nhân của những thực trạng trên một phần do công tác quản lý ở một số khu di tích và địa phương còn lỏng lẻo, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Chính vì thế, vấn đề đặt ra ở đây là làm sao có được định hướng đúng đắn cho công tác quản lý, vận dụng sáng tạo các quy định của nhà nước và pháp luật về quản lý di tích lịch sử văn hóa, phối hợp giữa các ngành các cấp để có thể cụ thể hóa chính sách quản lý của nhà nước về việc bảo tồn và quản lý các di tích lịch sử văn hóa của địa phương.

     Quản lý di tích lịch sử văn hóa là quản lý bộ phận lớn kho tàng di sản văn hóa của dân tộc. Việc quản lý di tích lịch sử văn hóa không chỉ đơn thuần là quản lý những giá trị văn hóa vật thể mà điều quan trọng hơn là làm cho những giá trị văn hóa phi vật thể gắn với di tích luôn sống động, song hành trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, làm cho các thế hệ sau nhận thức được tầm quan trọng của các di tích lịch sử văn hóa, biết bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ trước đã lưu truyền lại.

     Qua nghiên cứu tìm hiểu, các di tích lịch sử văn hóa của xã Gia Phương, huyện Gia Viễn được bảo tồn đến ngày nay chính là cốt cách, là tâm hồn của người dân đất Việt nói chung, một phần linh hồn, một nét văn hoá đặc sắc của địa phương Ninh Bình nói riêng. Theo số liệu thống kê của Phòng Văn hóa Thông tin, xã Gia Phương thì đến năm 2017 toàn xã có: 01 đền, 02 chùa, 01 miếu, 02 nhà thờ họ, trong số đó có 03 di tích đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia là: đền Văn Bòng (đền thờ Đinh Bộ Lĩnh), nhà thờ và mộ Nguyễn Bặc, núi chùa Kỳ Lân và lăng phát tích tổ họ Đinh.

      Từ kết quả khảo sát hiện trạng hệ thống di tích lịch sử, có thể phân loại tình trạng di tích ở Xã Gia Phương theo hai mức độ khác nhau:

     Nhóm 1: là các di tích còn tốt, được gìn giữ bởi người dân địa phương và sự quan tâm đầu tư tu bổ của chính quyền địa phương và nhà nước. Về cơ bản là giữ nguyên vẹn yếu tố gốc từ khi xây dựng. Một số di tích xuất hiện sự xâm thực của mối, mọt, rêu, nấm… Việc bảo tồn chủ yếu tại các di tích này là thường xuyên có biện pháp phòng chống mối, mọt, để đảm bảo được di tích không bị xuống cấp là các di tích như: đền Văn Bòng.

      Nhóm 2: là các di tích có hiện tượng xuống cấp, di tích này thường là có trước thế kỷ XIX, trước đây ít được quan tâm. Trong một vài năm trở lại đây đã bắt đầu được quan tâm, tu bổ, tôn tạo trở lại; một phần do ý thức của người dân, đời sống kinh tế phát triển, một phần do sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền. Tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng biết về sự quan trọng của việc gìn giữ các di sản văn hóa như: Nhà thờ và mộ Nguyễn Bặc, chùa Hang, miếu Sơn Thần.

      Hiện nay, các hoạt động quản lý di tích lịch sử văn hóa ở xã Gia Phương cũng đã có được một số thành tựu đáng kể như sau:

      Phòng Văn hóa Thông tin xã đã xây dựng được quy chế làm việc với những nội dung quy định cụ thể và chi tiết, các Ban quản lý di tích cũng được thành lập với những nhiệm vụ, chức năng rõ ràng; phân công được nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, nhân viên làm công tác quản lý di tích. Ban quản lý di tích đã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao để tổ chức xây dựng lập quy hoạch, kế hoạch trình các cấp có thẩm quyền, từng bước thực hiện mục tiêu dự án bao gồm: Bảo vệ, tu bổ, phục hồi, tôn tạo các công trình kiến trúc cổ trong di tích, trồng cây tôn tạo cảnh quan các khu di tích đền thờ Đinh Bộ Lĩnh, nhà thờ và mộ Nguyễn Bặc, lăng phát tích dòng họ Vua Đinh, núi chùa Kỳ Lân; làm đường đi và bãi đỗ xe cho nhà thờ và mộ Nguyễn Bặc. Tổ chức giám định các di vật, cổ vật trong một số di tích để có kế hoạch bảo vệ và quản lý di tích.

      Hoạt động tuyên truyền, giáo dục Luật Di sản văn hóa và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích đã được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Xã Gia Phương đã tổ chức được tọa đàm hay thảo luận, về bảo vệ, phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa; các lễ hội có giá trị văn hóa gắn với di tích đền, nhà thờ họ được bảo tồn và tổ chức định kỳ thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ biết quý trọng bản sắc văn hóa của địa phương nói riêng và của đất nước nói chung, tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân.

     Công tác phát huy di tích đã được Ban quản lý di tích quan tâm chú trọng, việc bảo vệ gìn giữ, chống lấn chiếm và xâm hại di tích thường xuyên được quan tâm, phối hợp tốt với chính quyền địa phương tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về ý thức bảo vệ, gìn giữ di sản tại địa phương. Công tác tổ chức lễ hội, quản lý các hoạt động tín ngưỡng, dịch vụ hàng quán bước đầu được làm tốt, nâng cao được trách nhiệm của cộng đồng dân cư, tạo được khối đoàn kết thống nhất từ nhân dân tới các cấp quản lý, các đoàn thể xã hội. Công tác đón tiếp khách tham quan tận tình chu đáo, cởi mở thân thiện cho du khách yên tâm khi tới với lễ hội và tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về các di tích tại xã Gia Phương.

     Công tác thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện kịp thời các vụ sai phạm di tích, các dự án tu bổ, tôn tạo di tích thực hiện chưa đúng quy định, chưa mang tính khoa học; việc giải quyết các đơn thư khiếu nại về di tích theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Ngoài những kết quả đã đạt được thì công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa ở xã Gia Phương vẫn còn tồn tại một số hạn chế như:

     Đối với tổ chức bộ máy và nguồn nhân sự: đội ngũ cán bộ chuyên môn về di sản văn hóa còn mỏng, yếu, chỉ dừng lại ở mức bảo vệ, gìn giữ an toàn di tích, chưa có gì đổi mới. Hiện nay xã cũng chưa có chính sách đãi ngộ xứng đáng để thu hút nhân tài. Việc đi học để trau dồi, nâng cao kiến thức chuyên môn đối với cán bộ, viên chức làm trong ngành còn chưa được đầu tư đúng mức. Chưa có kế hoạch cụ thể nhằm đưa di tích ngày càng phát triển lớn mạnh, kinh phí chi các hoạt động thường xuyên tại di tích chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách sự nghiệp.

     Công tác tu bổ, tôn tạo gặp không ít khó khăn, một số hạng mục công trình thi công chậm so với kế hoạch, tiến độ được giao, một số công trình chất lượng thi công về kỹ thuật, mỹ thuật mới chỉ đạt ở mức độ là chấp nhận được, đường vào các khu di tích cấp quốc gia vẫn còn là đường làng nhỏ đã xuống cấp không an toàn cho ô tô đi vào trong các ngày mưa gió, tại di tích nhà thờ và mộ Nguyễn Bặc còn chưa có bãi đỗ xe cho khách. Chưa có hệ thống xử lý rác thải để đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường tại di tích. Trong quá trình tu bổ, tôn tạo di tích nhiều lúc còn mang tính tự phát của dòng họ nên cũng gây ra khó khăn cho quản lý. Một số người dân chưa xác định rõ phạm vi quyền hạn của mình, cũng như chưa nắm vững pháp luật về di sản văn hóa, thiếu trách nhiệm trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng về những vấn đề có liên quan đến di tích như: tự ý tôn tạo, mang đồ đến để đưa vào khu di tích thờ cúng,…

     Về nguồn kinh phí đầu tư cho hệ thống di tích còn ít so với hiện trạng của di tích, việc thu hút vốn đầu tư còn hạn chế, chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng, nguồn kinh phí cho công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi các giá trị của di tích chủ yếu dựa vào hoạt động xã hội hóa, sự đóng góp của nhân dân, công đức của các nhà hảo tâm. Hiện nay tại các khu di tích chưa có nguồn thu nào khác ngoài tiền công đức của khách đến tham quan và dự lễ hội.

    Từ thực tiễn hoạt động quản lý di tích lịch sử văn hóa ở xã Gia Phương, có thể đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý di tích lịch sử trên địa bàn xã như sau:

    Thứ nhất, hoàn thiện bộ máy quản lý và tăng cường công tác quản lý của nhà nước; Kiện toàn, nâng cao chất lượng bộ máy, đội ngũ làm công tác quản lý; Tăng cường hiệu quản quản lý nhà nước từ cấp cơ sở; Kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về di sản văn hóa trên địa bàn xã, tiêu chuẩn hóa đội ngũ làm công tác di sản văn hóa; Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý. UBND xã cần chủ động trong công tác chỉ đạo, giám sát hoạt động của Phòng Văn hóa và Thông tin, hướng dẫn các Ban quản lý di tích, các chủ đầu tư thực hiện nghiêm chỉnh Luật Di sản văn hóa, đảm bảo đúng quy chế tu bổ, tôn tạo và phục hồi di di tích của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của UBND tỉnh Ninh Bình.

     Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm di tích. Công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa đạt hiệu quả hay không thì vai trò, trách nhiệm của hoạt động thanh tra, kiểm tra là hết sức cần thiết, cần có kế hoạch thường xuyên kiểm tra đối với các di tích nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những sai phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân đối với công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa. Để việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân đạt được hiệu quả, trước hết cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy một cách đồng bộ, thống nhất.

     Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hiện nay, công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đang ngày càng thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Người dân đang dần có ý thức trách nhiệm cao trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống.

     Đưa ra các giải pháp tăng cường thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Nâng cao chất lượng công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa. UBND xã Gia Phương cùng các Ban quản lý di tích trong công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo là mục tiêu trọng tâm trong công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa, một số hoạt động cần được quan tâm trong lĩnh vực này. Phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của di tích; duy trì lễ hội và ghi chép lại bằng hình ảnh, tuyên truyền quảng cáo, dựng phim, xuất bản các ấn phẩm, sách báo, tranh ảnh gìn giữ trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư. Bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích gắn với phát triển du lịch bền vững.

     Hiện nay, trong xu thế hội nhập quốc tế, mỗi quốc gia dân tộc đều đang hướng tới việc tôn trọng sự đa dạng văn hóa và bảo vệ, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc để tạo nền tảng tinh thần cho phát triển. Có thể nói kinh tế và văn hóa là hai yếu tố tương tác, phụ thuộc và bổ sung hỗ trợ cho nhau, văn hóa đang được các nước trên thế giới chú trọng, quan tâm, thông qua văn hóa chúng ta có thể quảng bá, giới thiệu về hình ảnh đất nước mình, từ đó tạo điều kiện cho phát triển ngành kinh tế du lịch; từ việc phát triển ngành kinh tế thì lại tạo điều kiện và nguồn lực để nâng cao hơn nữa công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích. Vì vậy, xã Gia Phương cần chủ động, sáng tạo trong công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa để có thể vừa phát triển kinh tế vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa của địa phương.

Tài liệu tham khảo

1. Đặng Văn Bài (2005), Tiếp cận thực trạng công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo tinh thần của Luật di sản văn hóa, Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, NXB Thế giới, Hà Nội.

2. Bộ Văn hóa thông tin (2003), Quyết định số 05/2003/QĐ- BVHTT về việc Ban hành quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, Hà Nội.

3. Phòng VHTT huyện Gia Viễn (2006 - 2012), Báo cáo công tác quản lý Di tích lịch sử - Văn hóa trên địa bàn huyện Gia Viễn (2006 -2012), Tài liệu lưu hành nội bộ, Gia Viễn.

4. Phòng VHTT huyện Gia Viễn (2016), Bảng danh mục các di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng được tu bổ, tôn tạo từ năm 2010 – 2016, Tài liệu lưu hành nội bộ, Gia Viễn.

5. Phòng VHTT xã Gia Phương (2014), Báo cáo kết quả xã hội hóa công tác quản lý di tích trên địa bàn xã Gia Phương (2006-2012), Tài liệu lưu hành nội bộ, Gia Phương.

________________________

[*] Lớp Cao học k6 - Quản lý văn hóa