Nội san

Những bài ca không lời

03 Tháng Sáu 2009
NHÂN KỶ NIỆM 200 NĂM NGÀY SINH NHÀ SOẠN NHẠC ĐỨC Felix Mendelssohn (1809-1847)
________________________________
 
TSKH. Phạm Lê Hòa
 
NHỮNG BÀI CA KHÔNG LỜI
 
 
Sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật âm nhạc của Felix Mendelssohn là một trong những hiện tượng có ý nghĩa lớn lao nhất trong nền văn hoá Đức thế kỷ XIX. Hàng loạt sáng tác của người nghệ sĩ này, cũng như của Hainơ, Schumann, Vagner đã phản ánh cao trào nghệ thuật và những bước tiến xã hội xảy ra giữa hai cuộc cách mạng 1830 và 1848.
Sinh hoạt văn hoá của nước Đức những năm 30 - 40 là không gian gắn với các hoạt động nghệ thuật của F. Mendelssohn. Trong các hoạt động nghệ thuật của mình ông luôn hướng tới ý nghĩa lớn lao làm thức tỉnh những tư tưởng cao cả của các nhà soạn nhạc kinh điển. F. Mendelssohn hoạt động ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau: sáng tác âm nhạc, chỉ huy dàn nhạc, biểu diễn đàn piano, tổ chức biểu diễn, sư phạm âm nhạc. F. Mendelssohn nhìn thấy trong nghệ thuật của Beethoven, Handel, Bach, Gluck sự thể hiện ở đỉnh cao của văn hoá tinh thần và nhiệt tình đấu tranh để khẳng định những nguyên tắc trong sinh hoạt âm nhạc đương thời nước Đức.
 
 
Chính khát khao hướng tới sự tiến bộ đã xác định cá tính trong sáng tạo nghệ thuật của F. Mendelssohn. F. Mendelssohn cũng là người rất chú ý đến nền âm nhạc dân gian truyền thống của nước Đức. Trong nhiều tác phẩm, đặc biệt ở các romance, chúng ta có thể gặp rất nhiều đường nét giai điệu gần gũi với âm điệu dân gian.
Felix Mendelssohn (tên đầy đủ là Jakob Ludwig Felix Mendelssohn Bartholdy)sinh ngày 3 tháng 2 năm 1809 ở Hamburg (Đức) trong gia đình của một nhà tài chính lớn. Ông của F. Mendelssohn là một nhà triết học nổi tiếng của nước Đức thời bấy giờ. Bố mẹ của F. Mendelssohn là những trí thức có học vấn cao và lòng yêu thích nghệ thuật. Chính vì vậy, từ nhỏ cậu bé F. Mendelssohn đã được tiếp thu một nền học vấn đa dạng và có tính chất hệ thống. Cậu được học toán học, hội hoạ, các ngôn ngữ cổ đại và đương thời, văn học. Cậu cũng nhiều lần được tham gia các khoá học của Trường Đại học tổng hợp. Chính không gian trí thức cao mà F. Mendelssohn đã đắm mình từ thời thơ ấu giữ vai trò quyết định trong việc hình thành thế giới quan của cậu. Ngoài ra, cậu còn có mối quan hệ với nhiều đại diện nổi tiếng nhất của giới trí thức khoa học và nghệ thuật – những người thường xuyên viếng thăm phòng khách của gia đình cậu ở Berlin như: Heghen, Iacov Grim, Hainơ, Veber, Spor, Paganini. Và đấy là một từ những thuận lợi cho các hoạt động nghệ thuật trong suốt cuộc đời cậu sau đó. Mối giao thiệp trong nhiều năm với Goethe từ khi Mendelssohn mới 12 tuổi có ý nghĩa quan trọng trong sự trưởng thành của nhà soạn nhạc.
Từ những năm còn rất trẻ Mendelssohn đã có mối liên hệ chặt chẽ và hữu cơ với văn hóa dân gian Đức. Cậu hiểu rõ sinh hoạt của các nước châu Âu, nắm vững được nhiều ngoại ngữ khác nhau, có mối quan hệ cá nhân và nghề nghiệp ở Pháp, Italia và Anh, nhưng không khi nào, dù là những năm tháng tuổi trẻ hay đã trưởng thành cậu xa rời truyền thống âm nhạc cổ điển Đức.
Giữ vai trò quan trọng trong cuộc đời Mendelssohn là thầy giáo hòa âm Selter – người nâng đỡ niềm tin vào tư tưởng của nghệ thuật kinh điển. Ngoài ra, người chỉ đạo của Dàn hợp xướng không nhạc đệm Selter cũng chỉ cho người nhạc sĩ trẻ tuổi sự phong phú và đa dạng của âm nhạc hợp xướng dân gian truyền thống Đức. Sau này Mendelssohn đã chỉ huy dàn dựng thành công nhiều tác phẩm của các nhà soạn nhạc thiên tài thế kỷ XVIII.
Mendelssohn sớm nắm được chắc tri thức nghệ thuật âm nhạc. Từ 10 tuổi cậu đã bắt đầu sáng tác âm nhạc. Cho đến 17 tuổi, các sáng tác của cậu còn chịu ảnh hưởng nhiều từ các nhà soạn nhạc vĩ đại như Mozart, Beethoven, Veber và nhiều người khác. Bát tấu cho đàn dây (String Octet op.20, 1825) và Uverture “Giấc mộng đêm hè” (Midsummer Night's Dream) (1826) là bắt đầu của một giai đoạn chín muồi trong lao động sáng tạo nghệ thuật của Mendelssohn.
Vào cuối những năm 20 - đầu những năm 30 của thế kỷ XIX, Mendelssohn đã sáng tác hàng loạt các tác phẩm xuất sắc của mình như: overture “Nàng Melusine xinh đẹp” (The Lovely Melusine), Tập I của tập “Bài ca không lời” (Lieder ohne Worte), “Giao hưởng Italia” (Italian Symphony), Concerto số 1 cho piano và dàn nhạc, phương án đầu tiên cho âm nhạc vở “Đêm Vanpurghieva đầu tiên” của Goethe.
Trong 3 năm từ 1829 đến 1832, Mendelssohn đã có nhiều chuyến đi tới các thành phố của các quốc gia khác nhau ở châu Âu như: Anh, Scotlan, miền nam nước Đức, Áo, Italia, Thụy Sĩ và Pháp. Mendelssohn không hài lòng với tình trạng văn hóa âm nhạc đương đại ở các nước này. Không chỉ ở Italia hay là Pháp, mà ngay tại Vienna người ta cũng đã ít biểu diễn các tác phẩm của Beethoven và Mozart.
Ngay khi trở về Đức và cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, Mendelssohn đã cống hiến nhiều sức lực, trí tuệ và tài năng cho các hoạt động khai sáng. Ông đã nhận nhiều chức vụ, đã đi khắp đất nước để tuyên truyền cho nghệ thuật vĩ đại của các nhạc sĩ cổ điển. Trong các buổi hòa nhạc do ông đứng ra tổ chức thường vang lên âm nhạc viết cho hợp xướng của Palestrin, Laslo, Handen, Bach; Bản giao hưởng số 8, Bản giao hưởng số 9, “Egmon”, Uverture cho vở “Leonora” và nhiều tác phẩm khác của L.V. Beethoven; “Đông Joăng”, “Phigaro” của W.A. Mozart; và nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ cổ điển khác.
Là một nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc trong thời đại của mình, trong các chương trình biểu diễn piano và organ, Mendelssohn thường tích cực tuyên truyền cho loại hình âm nhạc nghiêm túc. Chính từ những đêm diễn này, rất nhiều thính giả lần đầu tiên được làm quen với các sonataconcerto của Beethoven, các concerto của Bach.
Một trong những hoạt động khai sáng có thể được coi là nổi bật nhất của Mendelssohn là việc thành lập Nhạc viện đầu tiên của nước Đức tại Leipzig (the Leipzig Conservatory) vào năm 1843. Nhạc viện chính là nơi đào tạo những người làm công tác âm nhạc ở trình độ cao của các chuyên ngành: sư phạm, các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng, hoà tấu thính phòng, chỉ huy hợp xướng, chỉ huy dàn nhạc. Không có các chuyên gia ở trình độ cao thì không thể có sự phát triển, không thể có những thành tựu lớn về phát triển nghệ thuật của đất nước.
Trong số các nhà sư phạm của Nhạc viện Leipzig có nhiều nghệ sĩ biểu diễn và sáng tác xuất sắc của nước Đức thời bấy giờ như R. Schumann. Hệ thống giáo dục âm nhạc được tạo bởi Mendelssohn đã nhanh chóng được coi là cơ sở cho sự hình thành các trường âm nhạc ở bậc cao của nước Đức và các vùng lân cận.
Trong các sáng tác của Mendelssohn giai đoạn từ giữa những năm 30 đến giữa những năm 40 xuất hiện nhân tố anh hùng ca và tính chất hoành tráng. Còn trong các tác phẩm viết cho dàn nhạc những năm 40 như Uverture “Riu Blaz”, Giao hưởng Xcotland, Concerto violon lại xuất hiện tính kịch vốn không phải là bản chất trong các sáng tác trước đây của Mendelssohn. Nhưng những khuynh hướng kịch tính mới này không kịp có sự phát triển xa hơn trong sáng tác của Mendelssohn. Từ năm 1846, Mendelssohn đã buộc phải hạn chế các hoạt động sư phạm và chỉ huy dàn nhạc của mình. Ông mất ngày 4 tháng 11 năm 1847 tại Leipzig (Đức) khi chưa đầy 39 tuổi.
Tuyển tập “Bài ca không lời” viết cho piano giữ vai trò trung tâm trong toàn bộ di sản sáng tạo nghệ thuật của Mendelssohn. Ý nghĩa của nó trong sự nghiệp sáng tác của Mendelssohn có thể so sánh với ý nghĩa của các bài tình ca trong sáng tác âm nhạc của F. Schubert. Mendelssohn đã hướng tới thể loại âm nhạc này hầu như trong suốt cuộc đời lao động sáng tạo nghệ thuật của mình. Đặc điểm nổi bật nhất/thống nhất các bài khác nhau của “Bài ca không lời” là sự gần gũi của chúng với bài hát dân gian sinh hoạt thời đó. Mendelssohn cũng là người viết nhiều cho các giọng hát. Ông đã sáng tác hơn 80 ca khúc trên lời thơ của các nhà thơ Đức như: Hainơ, Imperman, Aixendor, Lenau. Mendelssohn đã mang vào âm nhạc cho piano những giai điệu trữ tình, đằm thắm của thể loại thanh nhạc. Trong phần lớn các trường hợp “Bài ca không lời” mang đặc điểm tình ca thính phòng cùng phần đệm piano. Một đặc điểm nổi bật của phắc tuya âm nhạc trong tập “Bài ca không lời” là giai điệu mang tính ca xướng dàn trải có âm điệu gần gũi với những âm điệu trữ tình sinh hoạt và phần đệm ẩn chứa các tiến hành giai điệu trong việc sử dụng những thủ pháp màu sắc mới của cây đàn piano: 
Vào những năm cuối đời, Felix Mendelssohn phải bỏ dần những hoạt động sư phạm và chỉ huy dàn nhạc vì lý do sức khoẻ. Ông từ trần ngày 4 tháng 11 năm 1847 khi chưa đầy 39 tuổi.
  

 
MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA FELIX MENDELSSOHN
 
I. Các tác phẩm giao hưởng (tất cả có 14):
- Giao hưởng c-moll op.1 (1824).
- Uverture 'Giấc mộng đêm hè' op.21 (1826).
- Giao hưởng 'Italia', A-dur, op.90 (1833).
- Giao hưởng 'Scotland', a-moll, op.56 (1830-1842)
II. Tác phẩm cho piano và dàn nhạc
- Cappriccio brillant cho piano và dàn nhạc giọng h-moll, op.25 (1832).
- Concerto số 1 cho piano và dàn nhạc, g-moll, op.25 (1831).
- Concerto số 2 cho piano và dàn nhạc, d-moll, op.40 (1837).
III. Tác phẩm cho violon và dàn nhạc
- Concerto cho violon và dàn nhạc, e-moll, op.64 (1844)
IV. Tác phẩm cho piano (tất cả có 30 tập)
- 8 tập 'Bài ca không lời', (1832-1845).
- "Các biến tấu nghiêm khắc", d-moll, op.54 (1841).
- Rondo capriccioso e-moll, op14 (1824).
- 6 Prelude và fuga op.35 (1832-1837).