Nghiên cứu lý luận

Rèn luyện kỹ năng làm bài tập môn Lý thuyết Âm nhạc cơ bản cho sinh viên cao đẳng Sư phạm Âm nhạc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang

17 Tháng Năm 2018

Lê Thị Thu Thủy [*]

Chương trình đào tạo sinh viên cao đẳng Sư phạm Âm nhạc bao gồm kiến thức giáo dục đại cương và giáo dục chuyên nghiệp như các môn lý luận và thực hành: Lý thuyết Âm nhạc cơ bản, Lịch sử Âm nhạc, Phương pháp giảng dạy Âm nhạc, Hòa âm, Thanh nhạc, Nhạc cụ, Hình thức và thể loại âm nhạc, Ký xướng âm..., trong đó Lý thuyết Âm nhạc cơ bản là môn học cơ sở của chuyên ngành Âm nhạc. Nó trang bị cho người học các kiến thức về lý thuyết âm nhạc và được xem là nền tảng cho các môn học khác; là chiếc chìa khóa để mở các cánh cửa của chuyên ngành Âm nhạc.

Người nắm vững kiến thức về nhạc lý sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các môn học âm nhạc. Kiến thức của môn học này liên quan chặt chẽ với nhiều môn học như: Hòa âm, Hình thức và thể loại âm nhạc, Nhạc cụ, Ký xướng âm, Thanh nhạc… Vì thế, không thể tiếp thu tốt các môn học khác nếu kiến thức về Lý thuyết âm nhạc (LTAN) cơ bản không nắm chắc.

Qua quá trình giảng dạy Âm nhạc tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, chúng tôi nhận thấy, về mặt lý thuyết, nhìn chung sinh viên đã tiếp thu được nội dung kiến thức môn học nhưng khi vận dụng lý thuyết vào thực hành các môn học khác thì còn nhiều lúng túng, bỡ ngỡ, thiếu linh hoạt, do đó kỹ năng thực hành âm nhạc của sinh viên chưa thật sự đạt được hiệu quả như mong muốn.

1. Các phương pháp dạy học môn LTAN cơ bản

Đối với môn LTAN cơ bản, các phương pháp (PP) chính được sử dụng trong quá trình dạy học là: PP dùng lời, PP sử dụng phương tiện dạy học, PP kiểm tra - đánh giá; còn các PP thực hành - luyện tập, PP trình bày tác phẩm được xem như là PP hỗ trợ cho các PP chính.

PP dùng lời được sử dụng trong suốt quá trình trao đổi kiến thức, giáo viên dùng lời để giảng giải, phân tích các vấn đề của bài học, sao cho người học có thể lĩnh hội kiến thức một cách đầy đủ và nhanh chóng. Ngoài việc dùng lời, giáo viên kết hợp với PP sử dụng phương tiện dạy học như đàn piano, các thiết bị nghe nhìn… để bài giảng thêm sinh động, thu hút sự tập trung, chú ý của người học. Sau các nội dung bài học, giáo viên sử dụng PP kiểm tra - đánh giá kết quả học tập của sinh viên thông qua các bài tập, để qua đó chọn lựa, điều chỉnh các nội dung cho phù hợp với đối tượng.

Các PP hỗ trợ cho các PP chính khi dạy học môn LTAN cơ bản như PP thực hành - luyện tập được thể hiện ở việc hướng dẫn sinh viên thực hiện các bài tập và ứng dụng kiến thức môn học lý thuyết vào thực hành các môn học khác. Việc giải bài tập môn học được tiến hành thường xuyên, theo từng nội dung môn học, với các yêu cầu khác nhau dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Việc thực hành, luyên tập không chỉ diễn ra ở trên lớp, mà còn được giáo viên hướng dẫn cách thức rèn luyện ở nhà. Bên cạnh đó, PP trình bày tác phẩm đôi lúc được giáo viên sử dụng để trình bày một câu nhạc ngắn minh họa cho nội dung bài học, giúp sinh viên cảm nhận rõ ràng và đầy đủ hơn về kiển thức.

2. Rèn luyện kỹ năng làm bài tập môn học

2.1. Kỹ năng làm các bài tập về cao độ

Các bài tập về cao độ nhằm kiểm tra, đánh giá sinh viên về kỹ năng xác định vị trí các nốt trên các khóa; xác định tên và quãng 8 các nốt cho sẵn trên các khóa; chuyển vị trí các nốt sang các khóa khác nhau; tính số cung giữa các nốt; phân biệt các trường hợp đồng âm, trùng âm, nửa cung diatonicque và nửa cung cromaticque.

Với bài tập xác định cao độ, giáo viên cần chia thành nhiều loại, mỗi loại được khai thác theo nhiều hướng khác nhau, với từng yêu cầu cụ thể. Việc phân chia như vậy sẽ giúp sinh viên dễ dàng thực hiện và được tiếp cận bài tập đa chiều.

Các bài tập tính số cung nhằm kết hợp đánh giá việc xác định mối tương quan về cao độ giữa các âm bậc trong quãng 8 của thang âm cùng việc nhận biết tác dụng của các dấu hóa. Trước tiên, sinh viên sẽ xác định số cung giữa hai nốt cơ bản, sau đó xem xét tác dụng của dấu hóa và vị trí đặt nó để tính số cung chính xác.

       2.2. Kỹ năng làm các bài tập về trường độ, nhịp phách

Các bài tập về trường độ và nhịp phách với mục tiêu kiểm tra, đánh giá về kỹ năng nhận biết, kỹ năng phân tích sự tương quan trường độ cơ bản; phân biệt các trường hợp đảo phách và nghịch phách trong các bài nhạc.

  Loại bài tập về trường độ sẽ bao gồm hai hướng:

Hướng thứ nhất, dựa vào giá trị của số chỉ nhịp, sự tương quan trường độ, cách kết nhóm các nốt móc trong nhịp đơn và kép, yêu cầu sinh viên vạch nhịp và kết nhóm trường độ. Để thực hiện bài tập này, trước tiên sinh viên cần phân tích giá trị của tử số và mẫu số, xác định sự tương quan trường độ để vạch nhịp; sau khi đã phân chia các ô nhịp, các em sẽ kết nhóm trường độ cho phù hợp với từng loại nhịp;

Hướng thứ hai được khai thác theo chiều ngược lại hướng thứ nhất: các bài tập đã được vạch nhịp và kết nhóm; sinh viên phân tích số lượng trường độ và cách kết nhóm trong mỗi ô nhịp để xác định số chỉ nhịp.

       2.3. Kỹ năng làm các bài tập về quãng

Các bài tập về quãng làm cơ sở để sinh viên thực hiện các bài tập tiếp theo là hợp âm. Yêu cầu của bài tập này là sinh viên xây dựng được các quãng, đảo quãng, xác định được tên và tính chất quãng; phân biệt được các quãng thuận - nghịch, quãng chromatique.

Bên cạnh việc xác định các quãng nghịch, các bài tập về quãng cần yêu cầu sinh viên xác định các quãng chromatique. Bài tập này là sự kết hợp giữa các bài tập trên, sau khi đã làm xong các yêu cầu như trước, cần hướng dẫn sinh viên chọn ra các quãng chromatique. Để làm chính xác bài tập, sinh viên cần phân biệt rõ các quãng nào là quãng diatonique (tính chất đồng nhất với quãng cơ bản), quãng chromatique.

       2.4. Rèn kỹ năng làm các bài tập về hợp âm

Bài tập về hợp âm bao gồm: các hợp âm 3 và hợp âm 7 được thiết kế theo từng loại: dựa vào tên gọi để xây dựng cấu tạo hợp âm (nguyên vị và thể đảo); dựa vào cấu tạo hợp âm để xác định tên; từ thể đảo viết lại hợp âm thành thể nguyên vị; từ âm 1 cho sẵn, xây dựng cấu tạo hợp âm 3 và hợp âm 7…

Loại thứ nhất, cho tên hợp âm, yêu cầu sinh viên viết cấu tạo hợp âm 3, hợp âm 7 (nguyên vị và thể đảo). Với các hợp âm có âm 1 là âm hóa, giáo viên cần nhấn mạnh các em khi chọn âm 1. Khi đảo hợp âm, yêu cầu sinh viên viết các thể đảo bằng ký hiệu phù hợp. Để sinh viên làm bài tập hợp âm hiệu quả, giáo viên cần cho sinh viên nhắc lại các kiến thức liên quan đến bài (quãng), kỹ năng xác định các quãng nhanh sẽ giúp các em thành thạo khi xây dựng các hợp âm.

Loại thứ hai, các hợp âm đã được xây dựng nhưng đang ở thể đảo. Sinh viên phân tích hợp âm để tìm ra tên gọi và thể đảo của chúng, sau đó viết lại thành thể nguyên vị. Với loại bài tập này, giáo viên cần gợi ý sinh viên tìm âm 1 trong các âm của hợp âm để gọi tên, thể đảo của hợp âm sẽ căn cứ vào âm nằm ở dưới cùng, hợp âm ở thể nguyên vị khi các âm trong hợp âm đó được sắp xếp theo thứ tự quãng 3. Bài tập này bao gồm cả hợp âm 3 và hợp âm7.

Loại thứ ba, nhìn vào cấu tạo các hợp âm cho sẵn, sinh viên phân tích thứ tự các quãng 3 tạo thành hợp âm này để xác định tính chất hợp âm, dựa vào âm 1 để xác định tên, sau đó đảo hợp âm ở các thể đảo. Yêu cầu viết tên, tính chất và thể đảo của hợp âm bằng ký hiệu chính xác.

        2.5. Rèn kỹ năng làm các bài tập về điệu thức và giọng

Các bài tập về điệu thức bao gồm: xác định điệu thức trưởng - thứ tự nhiên, hòa thanh và giai điệu; viết hệ thống sơ đồ vòng quãng 5 của cả điệu thức trưởng và thứ; xác định và viết cấu tạo các loại điệu thức 5 âm…

Từ cấu tạo các loại điệu thức trưởng, thứ tự nhiên, sinh viên so sánh với các điệu thức trưởng, thứ hòa thanh và giai điệu. Mục tiêu của bài tập này nhằm kiểm tra, đánh giá kỹ năng thành lập các gam trưởng - thứ tự nhiên, hòa thanh và giai điệu. Để việc thực hiện bài tập đạt được hiệu quả như mong muốn, giáo viên cần lưu ý sinh viên chú ý đến hóa biểu của các giọng khi viết gam, cách đặt dấu hóa bất thường cho các bậc VI, VII đối với các gam hòa thanh và giai điệu, phạm vi ảnh hưởng của dấu hóa bất thường trong gam.

Về các bài tập thành lập giọng, sinh viên được yêu cầu thành lập các giọng trưởng và thứ có từ 1 đến 7 dấu thăng, dấu giáng. Khi thành lập các giọng, sinh viên sẽ giải thích được trật tự sắp xếp của hệ thống dấu thăng và dấu giáng, đồng thời sẽ giúp sinh viên ghi nhớ đầy đủ các giọng trưởng và thứ cùng hóa biểu của nó. Sinh viên dựa vào cấu tạo cung của điệu thức trưởng, thứ tự nhiên, sử dụng dấu hóa bất thường cho phù hợp.

Mục tiêu của bài tập xác định giọng nhằm đánh giá kỹ năng xác định giọng nhanh và chính xác. Sinh viên đã nắm được các cách xác định giọng, các bài tập văn bản chủ yếu để xác định giọng qua việc quan sát hoặc phân tích giai điệu tiến hành của bài nhạc.

Các phương thức dịch giọng chủ yếu được đề ra trong bài tập là: dịch giọng bằng cách chuyển quãng và dịch giọng bằng cách thay khóa. Tùy theo yêu cầu của bài tập mà sinh viên chọn lựa phương thức cho phù hợp.

Các bài tập chuyển giọng cần chọn lựa có cấu trúc đơn giản, vì đối tượng là sinh viên năm thứ nhất, chưa tiếp cận được nhiều các môn học chuyên ngành khác. Khi yêu cầu phân tích bài tập, giáo viên cần hướng dẫn sinh viên xác định giọng ban đầu, xác định hình thức (ly điệu hay chuyển điệu), ô nhịp chuyển, giọng được ly điệu hoặc chuyển điệu là giọng gì, yếu tố để nhận biết?

Để rèn luyện kỹ năng làm bài bài tập môn LTAN cơ bản đạt được mục đích tối ưu, cần lưu ý những vấn đề sau:

Thứ nhất, giáo viên cần đổi mới PP giảng dạy theo hướng phát triển năng lực người học, ngoài những ví dụ minh họa bằng văn bản, cần phối hợp cho sinh viên nghe thêm các ví dụ bằng âm thanh để nâng cao năng lực cảm thụ âm nhạc, đồng thời sẽ giúp sinh viên quen với hình thức kiểm tra đánh giá với hệ thống bài tập âm thanh.

Thứ hai, cần có sự định hướng của giảng viên trong mỗi nội dung, cần nhấn mạnh các yêu cầu cụ thể cho mỗi loại bài tập.

Thứ ba, giáo viên cần tăng cường các bài tập nhóm, giao nhiệm vụ tự học sau mỗi tiết dạy để sinh viên chuẩn bị và tổ chức cho các nhóm nhận xét, đánh giá chéo.

Thứ tư, có những nội dung trong bài tập cần sử dụng cùng một lúc hai hình thức: viết và nghe (các bài chuyển giọng, điệu thức....), giáo viên cần chú ý lựa chọn các phương tiện dạy học phù hợp với các dạng bài tập này.

Thứ năm, cơ sở vật chất cũng là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của tiết dạy. Vì thế, giáo viên cần chuẩn bị đầy đủ và khai thác hiệu quả các phương tiện dạy học.

      LTAN cơ bản là một trong những môn học đóng vai trò quan trọng trong chương trình đào tạo của các ngành Âm nhạc nói chung và Sư phạm Âm nhạc nói riêng. Đây là môn học làm nền tảng cho các môn học khác, nên trong tiến trình đào tạo - Lý thuyết Âm nhạc cơ bản được xem là môn học tiên quyết, sinh viên cần phải nắm các kiến thức về Nhạc lý trước khi tiếp cận các môn học tiếp theo. Với vai trò quan trọng như vậy, nên sinh viên cần được trang bị kiến thức của môn học một cách vững vàng.

        Để đào tạo giáo viên Âm nhạc có kiến thức âm nhạc vững vàng, kỹ năng thực hành chuyên ngành tốt, thì ngay từ môn học nền tảng, ngoài việc trang bị cho sinh viên các kiến thức âm nhạc cơ bản, giáo viên cần phải rèn cho các em kỹ năng vận dụng lý thuyết vào thực tiễn. Các bài tập thực hành không chỉ dừng lại ở mức độ nhận biết, mà cần phải hướng các em đến việc phân tích, so sánh các vấn đề, buộc các em phải tư duy theo nhiều hướng; điều này sẽ giúp các em nắm vững kiến thức môn học, tiếp cận và thực các môn học khác được dễ dàng, linh hoạt.

Tài liệu tham khảo

  1. Mai Linh Chi (2014),  hương pháp giảng dạy môn Lý thuyết âm nhạc cho hệ ĐHSP Âm nhạc trường ĐHSP Nghệ Thuật TW, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, Trường ĐHSP Nghệ Thuật TW.
  2. Phạm Lê Hòa (2013), Giáo trình phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  3. Phạm Thị Hòa, Ngô Thị Nam (1995), Giáo dục âm nhạc, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
  4. Ngô Hải Huấn (2015), Dạy học môn Lý thuyết âm nhạc cơ bản tại trường Cao đẳng Cộng đồng Bắc Kạn, Luận văn thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ Thuật TW.
  5. Phạm Tú Hương (2007), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb ĐHSP, Hà Nội.
  6. Đỗ Hải Lễ (1996),  Lý thuyết cơ bản về âm nhạc, Trường CĐSP Nhạc họa Trung ương, Hà Nội.
  7. Hoàng Long, Hoàng Lân (2012), Phương pháp dạy học Âm nhạc, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.
  8. Ngô Ngọc Thắng (1998), Nhạc lý căn bản thực hành, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  9. Trịnh Hoài Thu, Phạm Lê Hòa, Nguyễn Thị Tố Mai, Lê Anh Tuấn, Lương Minh Tân (2012), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, hệ ĐHSPÂm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.
  10. Trịnh Tuấn (1986), Lý thuyết âm nhạc cơ bản - giáo trình dùng cho năm thứ nhất, Trường CĐSP Nhạc họa Trung ương.
  11. V.A.Va-Khramê-ep (Vũ Tự Lân dịch) (2001), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

----------------------------------------------------------

 
   

 [*] Lớp Cao học K7 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy Âm nhạc