Nội san

Bảo tồn và phát huy dân ca trong xã hội đương đại ở Việt Nam

26 Tháng Tám 2009

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY DÂN CA

TRONG XÃ HỘI ĐƯƠNG ĐẠI Ở VIỆT NAM

 

TSKH. Phạm Lê Hòa

                                                               

1.      Lịch sử thế giới đang ở một trang mới với nhiều biến động phức tạp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là thời đại phát triển như vũ bão với những thành tựu mang tầm thời đại của công nghệ thông tin. Thời đại của nền kinh tế tri thức với toàn cầu hoá được khẳng định là một phát triển tất yếu mang tính thời đại. Điều đó cũng có nghĩa, trong thời đại hiện nay, đối với mỗi dân tộc trên thế giới, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống bao giờ cũng giữ vị trí đặc biệt quan trọng mang ý nghĩa sống còn. Đó là tài sản vô cùng quí báu/tinh hoa sáng tạo nghệ thuật của bao thế hệ tiền nhân/cơ sở của sự phát triển văn hóa dân tộc trong xã hội đương đại. Đối với không ít nước trên thế giới đây là cả một vấn đề lớn khi tìm kiếm con đường phát triển của nền văn hoá truyền thống. Chính bản sắc văn hóa sẽ là “tấm hộ chiếu” của mỗi dân tộc trong sự hội nhập/giao lưu với văn hoá các quốc gia trên thế giới.

Trong sự so sánh với nhiều vùng dân ca khác của Việt Nam, dân ca Quan họ Bắc Ninh là loại hình âm nhạc dân gian có những qui định tương đối hoàn chỉnh nhất với một cuộc hát (hay canh hát) đầy đủ, thường gồm 3 chặng: Chặng mở đầu, Chặng giữa cuộc và Chặng giã bạn. Trong đó Chặng mở đầu gồm các bài hát thuộc giọng Lề lối; Chặng giữa gồm các bài hát mang tính phát triển hơn so với các bài hát ở Chặng mở đầu có tên gọi chung là các giọng Vặt với 2 giai đoạn: Giai đoạn hát các bài hát có câu Bỉ mở bài Giai đoạn hát các bài hát không có Bỉ; Chặng cuối gồm các bài hát thuộc giọng Giã bạn như: Chuông vàng gác cửa tam quan, Rẽ phượng chia loan, Kẻ Bắc người Nam .v.v…. Việc nghiên cứu/tranh luận khoa học hiện tượng dân ca quan họ Bắc Ninh sẽ là một từ những hướng có thể rút ra những cách làm hữu hiệu cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân ca truyền thống trên phạm vi toàn quốc trong tương lai.

Vì vậy, có thể một lần nữa khẳng định: bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống nói chung, nghệ thuật âm nhạc truyền thống nói riêng, là một vấn đề mang tính sống còn đối với nền văn hóa âm nhạc của một dân tộc.

2.      Đối với lịch sử âm nhạc thế giới nhiều thế kỷ qua, âm nhạc truyền thống thường được nhìn nhận như một khái niệm gồm 2 thành tố: âm nhạc dân gianâm nhạc chuyên nghiệp. Vì những lý do nhất định, trong nhiều năm qua, khái niệm âm nhạc truyền thống Việt Nam được nhiều người với những quan điểm riêng của mình cho là đồng nghĩa với âm nhạc dân gian Việt Nam. Điều này cũng có lý khi ở Việt Nam, cùng tiến trình lịch sử, âm nhạc dân gian thực sự gần gũi với đông đảo người dân lao động và giữ vai trò quan trọng trong đời sống âm nhạc đất nước. Nhưng nếu chỉ nhìn nhận như vậy, tôi sợ sẽ là một thiếu sót khi nói một cách đầy đủ về bức tranh tổng thể của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Bởi như trên đã trình bày: âm nhạc dân gian Việt Nam chỉ là một từ những thành tố cấu thành của khái niệm âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Ngoài ra, một thực trạng là hiện nay ở Việt Nam, việc sử dụng các thuật ngữ âm nhạc, nhất là các thuật ngữ âm nhạc dân gian còn chưa được thống nhất trong giới những người làm công tác nghiên cứu/lý luận âm nhạc Việt Nam thời gian qua. Chính sự không thống nhất về phương diện khái niệm các thuật ngữ âm nhạc cùng với thói quen không khái niệm các thuật ngữ được sử dụng khi cần thiết đã tạo cho môi trường lý luận âm nhạc những bất cập nhất định lúc luận bàn các vấn đề của nghệ thuật âm nhạc. Trong bài viết này, tôi muốn một lần nữa đề cập tới vấn đề này với mong muốn trong tương lai sẽ có những hội thảo/ toạ đàm bàn về sự thống nhất các thuật ngữ âm nhạc (nhất là các thuật ngữ âm nhạc dân gian) để tạo cơ sở cho những bước phát triển mới của công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá âm nhạc truyền thống. Và điều đó cũng có nghĩa: một từ những vấn đề đầu tiên cần làm là khái niệm thuật ngữ dân ca. Theo tôi, dân ca là một loại hình âm nhạc với những thuộc tính sau:

-          Không có tên  tác giả.

-          Được lưu truyền từ đời này sang đời khác bằng phương thức truyền miệng.

-          Gắn với đời sống của người dân và mang màu sắc vùng miền.

  

  

 

Tất nhiên, tôi biết có một số người không cho là như vậy. Ngay tiêu chí thứ nhất có người (có cả các GS,TS) tuy thống nhất là tác phẩm dân ca không có tên tác giả hay nói cách khác là do nhiều thế hệ người cùng sáng tác, nhưng họ cũng cho rằng dân ca phải do chính người nông dân sáng tạo ra. Khi nghiên cứu tại một số vùng dân ca Việt Nam, chúng tôi đã gặp khá nhiều bài dân ca không phải do bà con nông dân sáng tạo ra nhưng được người nông dân chấp nhận, hay nói cách khác là tác phẩm sau khi ra đời thực sự gắn bó và hiện hữu trong sinh hoạt văn hoá tinh thần của người nông dân. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với những qui luật của sự giao lưu giữa các vùng/miền văn hoá. Ngay trong hệ thống bài bản của dân ca Quan họ Bắc Ninh chúng ta cũng gặp những nhân tố vốn là đặc trưng của nhiều vùng/miền dân ca khác của Việt Nam. Sau nhiều chục năm nghiên cứu dân ca Quan họ Bắc Ninh, nhà nghiên cứu âm nhạc Hồng Thao cũng cho rằng: “Âm nhạc của dân ca Quan họ không phải là cái gì hoàn toàn khác đối với mọi nền âm nhạc khác, mọi nền dân ca khác. Mỗi tính chất và đặc điểm của âm nhạc dân ca Quan họ, nói cho đúng, chúng ta có thể thấy, hoặc nhiều, hoặc ít, hoặc đậm hoặc nhạt ở loại dân ca này hay loại dân ca kia…

3.      Để 'Bảo tồn và phát huy dân ca trong xã hội đương đại', theo tôi, trước hết cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác nghiên cứu một cách nghiêm túc/khoa học các giá trị văn hóa âm nhạc truyền thống. Trong nhiều chục năm trước đây, giới những người làm công tác âm nhạc (các nhạc sĩ sáng tác, các nhà nghiên cứu/lý luận, các nhạc sĩ biểu diễn…), đặc biệt nhiều thế hệ nhạc sĩ công tác tại Viện nghiên cứu âm nhạc Việt Nam đã rất cố gắng và đã đạt được nhiều thành tựu trong việc sưu tầm/bảo tồn âm nhạc dân gian các dân tộc Việt Nam. Họ đã vượt qua mọi khó khăn để tiếp cận với những di sản nghệ thuật âm nhạc dân gian các dân tộc Việt Nam. Kho tư liệu tương đối đồ sộ của Viện âm nhạc Việt Nam là kết quả đáng khâm phục và có giá trị rất to lớn đối với công tác nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam. Nhưng rất tiếc phần nhiều trong số đó chỉ là những tư liệu về phương diện âm thanh (băng/đĩa nhạc và các bản ký âm). Hay nói cách khác, âm nhạc ở đây chỉ được nhìn nhận thuần tuý dưới góc độ các âm thanh.

       

Tuy nhiên, một hiện tượng âm nhạc dân gian bao giờ cũng tồn tại trong không gian văn hóa của nó. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc không thể nghiên cứu một hiện tượng âm nhạc dân gian chỉ thuần tuý về phương diện các âm thanh của hiện tượng âm nhạc dân gian đó. Nghiên cứu âm nhạc dân gian phải là nghiên cứu một cách đầy đủ trong không-thời gian tồn tại hiện tượng văn hóa âm nhạc đó. Chính vì vậy, theo chúng tôi, ngay trong khi sưu tầm để bảo tồn âm nhạc dân gian cũng đã đòi hỏi ở nhà sưu tầm những tư duy ở một mức độ cần thiết của tư duy nghiên cứu âm nhạc. Chỉ có như vậy, người sưu tầm mới có thể sưu tầm những giá trị đích thực mang tính bản chất của văn hóa âm nhạc dân gian.

Trong những cuộc họp/hội thảo gần đây tại Viện nghiên cứu âm nhạc Việt Nam và một số nơi khác, tôi đã hơn 1 lần đề cập đến vấn đề này và cũng hơn 1 lần cho rằng một từ những chuyển biến quan trọng về phương pháp nghiên cứu âm nhạc truyền thống của Viện nghiên cứu âm nhạc Việt Nam trong vài năm gần đây là sự nhìn nhận âm nhạc trong tổng thể không gian văn hoá của hiện tượng văn hoá.

Tóm lại, nghiên cứu âm nhạc dân gian truyền thống (trong đó có trường hợp dân ca quan họ Bắc Ninh) phải là sự nghiên cứu đồng thời dưới nhiều giác độ khác nhau/nghiên cứu mang tính chất liên ngành bởi một hiện tượng văn hoá âm nhạc dân gian luôn mang trong nó thuộc tính tổng thể nguyên hợp của hiện tượng văn hóa dân gian.

4.      Thời gian qua tồn tại trong giới những người làm công tác nghiên cứu/lý luận âm nhạc nhiều ý kiến khác nhau về phương thức bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc dân gian truyền thống Việt Nam. Mỗi nhóm ý kiến đều có những cơ sở lý luận khác nhau xuất phát từ thực tiễn của công tác bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam nhiều năm qua.

+ Có người cho rằng: Đối với di sản âm nhạc cổ truyền điều phải làm và bắt buộc phải làm là bảo tồn, bảo tồn nguyên vẹn những di sản còn lại bằng nhiều giải pháp khác nhau. Chính vì vậy, họ cố gắng tìm cách lưu giữ một cách nguyên dạng những gì đang hiện hữu trong chính môi trường sống của hiện tượng văn hoá âm nhạc dân gian đó. Tuy nhiên, tôi tin rằng trong khi tiến hành những việc làm như vậy, họ sẽ gặp không ít những bất cập khi cần xác định chính xác đâu là “nguyên bản” (original), đâu là “những nhân tố đã bị biến cải” của hiện tượng âm nhạc dân gian đó. Điều này vốn chưa bao giờ đơn giản, nếu như không muốn nói là điều không thể bởi thời gian- không gian của một hiện tượng âm nhạc dân gian không đứng yên, mà luôn đồng hành cùng những biến động ngày dường như càng lớn lao hơn của xã hội loài người.

+ Cũng có người cho rằng: Công tác kế thừa - phát triển đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nền âm nhạc truyền thống phát triển theo xu hướng tiên tiến và hiện đại. Có phát triển và phát triển mạnh mẽ, nền âm nhạc truyền thống mới có khả năng phản ánh đời sống một cách sinh động đáp ứng nhu cầu thưởng thức của con người hiện nay. (2) Họ cho rằng trong bản thân nền âm nhạc đương đại đã tiềm ẩn những nhân tố của âm nhạc dân gian truyền thống. Điều đó cũng đúng, nhưng từ những nhân tố mang bản chất gốc bao giờ cũng có nhiều hướng để phát huy/phát triển. Vấn đề là ở chỗ làm sao vẫn phát huy/phát triển mà vẫn giữ được những gì mang ý nghĩa bản sắc của một nền văn hoá âm nhạc dân gian.

Phải nhìn nhận rằng các tác giả của hai nhóm ý kiến khác nhau đó đã rất có lý khi kiến giải quan điểm của nhóm mình về tương lai của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Song, tôi cho rằng cần phải có sự kết hợp giữa hai quan điểm đó cùng sự tiếp thu một cách có chọn lọc, có sáng tạo kinh nghiệm công tác này trên thế giới trong từng trường hợp cụ thể. Có như vậy chúng ta mới có thể làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá âm nhạc dân gian.

Trước hết, phải gấp rút sưu tầm, lưu giữ những giá trị giá trị văn hóa âm nhạc truyền thống đang có nguy cơ ngày càng mai một trong sinh hoạt âm nhạc tuyền thống. Đây là một công việc vô cùng quan trọng bởi thời đại chúng ta đang sống đòi hỏi trí tuệ và sức lực của những người làm công tác nghiên cứu âm nhạc. Đó là một thời đại mang tính phát triển cao với nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thử thách cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trên toàn thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng. Rất nhiều các giá trị văn hoá âm nhạc dân gian, các thể loại dân ca truyền thống Việt Nam (trong đó có Quan họ Bắc Ninh) đang đứng trước nguy cơ bị biến dạng/bị mai một. Chính vì vậy, việc nhanh chóng bảo tồn một cách khoa học/hệ thống ở tầm nhìn chiến lược đang là vấn đề cấp thiết/là cơ sở cho sự phát triển của dân ca truyền thống trong xã hội đương đại và tương lai.

Một hiện tượng âm nhạc dân gian cũng như một hiện tượng văn hóa dân gian không tồn tại một cách độc lập mà nó luôn chịu tác động mạnh mẽ của không- thời gian mà nó tồn tại. Sự giao lưu giữa các vùng văn hóa luôn là điều hiện hữu trong thế giới của chúng ta. Chính vì vậy, hiện nay trên thế giới luôn đồng hành nhiều quan điểm khác nhau về cách bảo tồn các hiện tượng văn hóa dân gian nói chung, âm nhạc dân gian nói riêng. Ngay thẩm mỹ của con người cũng thay đổi cùng không-thời gian. Rất nhiều nhân tố của một thời không còn phù hợp với một xã hội sôi động như ngày hôm nay. Việc bảo tồn trong phát triển các giá trị âm nhạc truyền thống, theo tôi, cũng là một hướng để phát triển âm nhạc truyền thống cần được nghiên cứu cẩn thận/khoa học để có thể tiến hành trong những trường hợp có thể.

Điều đó cũng có nghĩa, trước khi sử dụng phương pháp nào để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa âm nhạc cũng cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm được giải pháp phù hợp, khả thi.

5.      Công tác bảo tồn và phát huy dân ca truyền thống trong xã hội đương đại là một vấn đề lớn và phức tạp. Đã nhiều năm Nhạc viện Hà Nội (Trường âm nhạc Việt Nam trước đây), Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh có khoa âm nhạc truyền thống và đào tạo được nhiều thế hệ các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ truyền thống với những thành công vang dội trong nước và trên thế giới. Các nghệ sĩ đã có nhiều công sức trong việc truyền bá những âm hưởng dân gian Việt Nam đến với bầu bạn thế giới. Những thành công của Khoa âm nhạc truyền thống Nhạc viện Hà Nội, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm qua là điều đã được khẳng định. Nhưng bên cạnh đó, việc đã gắn được công tác đào tạo với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá âm nhạc dân gian truyền thống nói chung, dân ca nói riêng chưa còn là vấn đề mở. Đây là vấn đề không chỉ của riêng các Nhạc viện cũng như cơ sở đào tạo nghệ thuật âm nhạc khác của Việt Nam. Giữa đào tạo và đòi hỏi của thực tế công tác bảo tồn và phát huy dân ca trong xã hội đương đại thời gian qua còn nhiều bất cập, còn một khoảng cách lớn. Nhưng chúng ta luôn ý thức được nhiệm vụ là khắc phục những bất cập, làm hẹp dần khoảng cách giữa đào tạo và đòi hỏi của thực tế cuộc sống.

Những năm gần đây tồn tại một hiện trạng là tuy ngay tại nhiều vùng dân ca có các trường Văn hoá Nghệ thuật địa phương. Nhưng sự quan tâm đến di sản dân ca của chính địa phương mình ở góc độ công tác đào tạo lại hầu như chưa được quan tâm đúng mức, nếu như không muốn nói là tại nhiều nơi hầu không được quan tâm. Chỉ có một số ít các trường Văn hoá Nghệ thuật địa phương là quan tâm đến hiện tượng dân ca trên quê hương của mình như: Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên v.v...

Tại Bắc Ninh - nơi có những làn điệu quan họ nổi tiếng, Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh đã mở một khoa đào tạo hát dân ca quan họ với sự tham gia giảng dạy của các nghệ nhân quan họ. Chính việc làm này trong nhiều năm qua đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân gian vốn là niềm tự hào của vùng Kinh Bắc. Còn tại Thái Bình – nơi có những chiếu chèo nổi tiếng khắp Việt Nam, Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Thái Bình cũng đã có nhiều năm đào tạo diễn viên và nhạc công cho nghệ thuật chèo. Học sinh khi ra trường không chỉ đáp ứng nhu cầu bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo ở địa phương mà con là nguồn cung cấp có uy tín diễn viên và nhạc công chèo cho các đơn vị nghệ thuật khác trên phạm vi toàn quốc. Theo chúng tôi, các trường văn hóa nghệ thuật, nhất là các trường văn hóa nghệ thuật địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc truyền dạy những di sản văn hóa âm nhạc dân tộc truyền thống ngay trên quê hương của mình. Đây không chỉ là thế mạnh của các trường văn hóa nghệ thuật địa phương, mà còn là một phương thức hữu hiệu để bảo tồn các giá trị văn hóa âm nhạc dân tộc truyền thống trên chính quê hương của mình trước bối cảnh toàn cầu hoá.

Khi nghiên cứu âm nhạc dân gian nói chung, dân ca nói riêng, một số nhạc sĩ đã có lý khi cho rằng việc dùng lối ký âm 5 dòng kẻ thay thế cho chữ nhạc cổ truyền là không thể ký âm đúng những âm thanh vốn mang tính bản chất của âm nhạc truyền thống. Tôi nhớ vào năm 1961 Ali-Nagy Vadiri, nhà hoạt động âm nhạc nổi tiếng, tác giả của nhiều công trình lý luận âm nhạc người Iran, trong một cuộc Hội thảo khoa học về âm nhạc ở Iran đã có tham luận dưới tiêu đề “Ký âm trên khuông nhạc 5 dòng kẻ: phương tiện bảo tồn hay sự phá huỷ âm nhạc, theo truyền thống không thể ghi được”.

Phải nhìn nhận vấn đề ký âm trong âm nhạc truyền thống vốn chưa bao giờ là đơn giản trong lịch sử phát triển âm nhạc thế giới nhiều nghìn năm đã qua. Bao nhiêu phương pháp ký âm đã ra đời, tồn tại rồi biến mất. Và cho đến hôm nay cũng vậy, phương pháp ký âm vẫn là vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu/lý luận âm nhạc quan tâm. Nhiều nhà nghiên cứu/sưu tầm trong các công trình của mình đã sáng tạo ra nhiều phương pháp ký âm mới với hy vọng có thể ký âm chính xác nhất những âm thanh của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Song rất tiếc cho đến hôm nay vẫn chưa có một phương pháp ký âm được đông đảo các nhà nghiên cứu chấp nhận.

Tuy nhiên, một điều mà cho đến hiện nay, theo tôi, có thể lấy làm cơ sở cho các cách ký âm âm nhạc dân gian cổ truyền là dựa trên khuông nhạc 5 dòng kẻ với những ký hiệu bổ sung để có thể ghi lại chính xác hơn những âm thanh cần ghi lại. Cách làm này cũng không thể ký âm chính xác hoàn toàn các âm thanh của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Song cũng là một điều kỳ diệu khi ở thời đại của chúng ta, bằng các phương tiện ghi âm và ghi hình hiện đại, chúng ta có thể ghi lại một cách trung thực những âm thanh của âm nhạc truyền thống. Vì vậy, theo chúng tôi, để bảo tồn các di sản văn hóa âm nhạc truyền thống cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để có thể ghi lại một cách trung thực nhất/khoa học nhất các giá trị âm nhạc cho công tác đào tạo trong hiện tại và tương lai.

6.      Bảo tồn và phát huy dân ca trong xã hội đương đại (qua trường hợp Quan họ ở Bắc Ninh, Việt Nam)” là một vấn đề khoa học có vai trò rất quan trọng trong một thời đại đầy phức tạp như chúng ta đang sống. Vấn đề đặt ra rất lớn, nó không quá mới nhưng luôn không cũ bởi yêu cầu cập nhật thường xuyên của vấn đề, chắc chắn đòi hỏi những người làm công tác nghiên cứu văn hoá nghệ thuật, các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa nghệ thuật tiếp tục có những bước đi mang tính khả thi để hoàn thiện hơn các vấn đề được đặt ra.

 

 

[1] Trần Linh Quý, Hồng Thao. Tìm hiểu dân ca Quan họ Bắc Ninh. NXB Văn hoá Dân tộc 1997

2 Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển âm nhạc truyền thống - Ý nghĩa văn hóa và thành tựu nghệ thuật”. Hà Nội 2004.