Nội san

Một số vấn đề đặt ra và biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

29 Tháng Năm 2018

Trần Hoàng Minh [*]

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên rất đa dạng về nội dung lẫn hình thức, thể loại như: Ca múa nhạc, sân khấu, hội họa, thơ ca, hò vè, các câu lạc bộ nghệ thuật, các nhóm sở thích yêu văn học nghệ thuật của nhiều lứa tuổi thành phần tham gia,... Để công tác tổ chức quản lý cho quần chúng sinh hoạt lành mạnh, bổ ích góp phần nâng cao đời sống tinh thần của mọi người, công tác xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở trong đó có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên là một nhiệm vụ quan trọng của những người làm văn hoá thông tin trên địa bàn cơ sở.

1. Một số vấn đề đặt ra trong công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên trên địa bàn quận Hoàn Kiếm

Từ ngày 01.9.2016, UBND thành phố Hà Nội chính thức đưa 3 tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Khay và các tuyến phố phụ cận như: Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền (đoạn từ Ngô Quyền đến Đinh Tiên Hoàng), Lê Thái Tổ, Hàng Trống (đoạn từ Nhà Thờ đến Lê Thái Tổ), Nhà Thờ vào không gian đi bộ, kết nối với 10 tuyến phố đi bộ vùng lõi phố cổ đã có, nhằm mục đích khai thác tối đa giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể nằm trong khu vực Trung tâm Văn hóa hồ Gươm. Bằng quyết định này, không gian công cộng ở quận Hoàn Kiếm đã mở rộng và đây là điều kiện lý tưởng cho các nghệ sĩ không chuyên được tham gia nhiều hơn vào những hoạt động nghệ thuật tại đây. Qua khảo sát thực trạng về hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên nói chung và trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, chúng ta có thể nhận thấy việc quản lý loại hình nghệ thuật này có những vấn đề đặt ra như sau:

Một là, việc tiến hành tổ chức cũng như quản lý hoạt động nghệ thuật không chuyên tại không gian công cộng rất cần được quan tâm đúng mức bởi tính qui mô cũng như sự đa dạng trong nhiều hoạt động nghệ thuật diễn ra ở đây. Hiện đã xuất hiện nhận thức chưa đúng về loại hình biểu diễn nghệ thuật này khi xem nhẹ và cho rằng đây là những hoạt động thuần túy mang tính chất phong trào.

Hai là, sự đa dạng của các loại hình nghệ thuật đã tạo nên những hoạt động nghệ thuật diễn ra rất phong phú, đa dạng với nhiều dạng thức. Từ những loại hình nghệ thuật truyền thống như ca trù, quan họ, múa dân gian… cho đến nghệ thuật hiện đại như nhạc vũ kịch, kịch câm, xiếc,… Vậy, sự kết hợp các loại hình nghệ thuật không chuyên, cũng như những hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp trong cùng một không gian sẽ theo mô hình nào để có sự hài hòa mà không tạo ra những sự tương phản, không ăn nhập trong thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng.

Ba là, tính quốc tế trong các hoạt động nghệ thuật: Việc có các đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ quốc tế trình diễn sẽ được quản lý như thế nào để những hoạt động này không làm ảnh hưởng đến không khí chung của những hoạt động biểu diễn khác, cũng như không để lọt những hoạt động không phù hợp với thuần phong, mỹ tục và thị hiếu thẩm mỹ của người Việt Nam. Đặt vấn đề này ra bởi rất nhiều hoạt động nghệ thuật không chuyên diễn ra trong các lễ hội hiện nay của các nghệ sĩ nước ngoài mang tính thử nghiệm, mới không chỉ với chính văn hóa của họ mà còn với công chúng thưởng thức nghệ thuật nói chung.

Bốn là, một số dạng thức thực hành của nghệ thuật đương đại như nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật công cộng, nghệ thuật đường phố thì ai sẽ tiến hành kiểm soát về nội dung và nếu xảy ra những hành vi lợi dụng nghệ thuật để tuyên truyền quan điểm sai trái thì việc xử lý tiến hành như thế nào?

Rõ ràng đây là những vấn đề đặt ra rất cần tìm hiểu thấu đáo để có những biện pháp quản lý những hoạt động nghệ thuật này, nhằm phát huy những mặt tích cực, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực mà những hoạt động này có thể đem lại.

2. Một số biện pháp nhằm nâng cao công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên trên địa bàn quận Hoàn Kiếm

Về cơ chế chính sách

Để hoạt động nghệ thuật biểu diễn không chuyên trên địa bàn quận Hoàn Kiếm phát triển lành mạnh, góp phần đa dạng hóa các loại hình biểu diễn nghệ thuật, góp phần nâng cao đời sống văn hóa của người dân, cũng như thu hút khách du lịch, trong thời gian tới rất cần triển khai thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Thứ nhất, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cần xem xét điều chỉnh và hướng dẫn cụ thể những quy định liên quan đến tình hình hiện nay sao cho kiểm soát được và có hiệu quả cá nhân/tổ chức tham gia các hoạt động nghệ thuật trên địa bàn. Trong văn bản hướng dẫn cần quy định rõ về những nội dung, hình thức biểu diễn trong đơn đăng ký tham gia và đi cùng với đó là có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thậm chí là cấm hoạt động đối với cá nhân/tổ chức cố tình vi phạm.

Cơ quan quản lý văn hóa Hà Nội, cũng như Phòng Văn hóa Thông tin Quận cần có quy định cụ thể và cơ chế giám sát, chế tài xử lý nghiêm đối với những hành vi lợi dụng hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên để vòi tiền khách, biểu diễn sai với nội dung đăng ký, chưa thông báo và được phép của cơ quan quản lý, biểu diễn trang phục phản cảm ở những không gian văn hóa tâm linh…

Về nâng cao nhận thức, tuyên truyền giáo dục cho người dân

Vì hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên của người dân và đem lại lợi ích cho chính họ nên việc nâng cao nhận thức, tuyên truyền giáo dục là để hướng đến sự phát triển bền vững, có nhận thức đúng đắn và có hành vi ứng xử phù hợp. Trong nhóm biện pháp này cần chú ý đến mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, cần nâng cao trách nhiệm của các nhà quản lý, nhà tổ chức chương trình, bởi công tác quản lý văn hóa thường chỉ chú trọng đến các chương trình lớn, có kịch bản, tổng duyệt bài bản, do đó rất dễ chủ quan và không kiểm soát được tình hình, khó đưa ra được những biện pháp hiệu quả khi có vụ việc xảy ra. Nhất là khi có nhiều hoạt động cùng lúc diễn ra, tại nhiều điểm và kéo dài từ sáng đến tối muộn.

Thứ hai, cần đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức về hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên đối với những nghệ sĩ biểu diễn và đơn vị tham gia hoạt động này. Đặc biệt là đề cao sự tự nhận thức của bản thân nghệ sĩ.

Thứ ba, cần đẩy mạnh và có biện pháp hiệu quả công tác giáo dục nghệ thuật nói chung cho người dân, đặc biệt trong chương trình giáo dục phổ thông bởi chỉ có một nền nghệ thuật chân chính khi có công chúng nghệ thuật đích thực. Việc nâng cao hiểu biết về nghệ thuật còn giúp hiệu quả giám sát của quần chúng cũng như có hành vi ứng xử phù hợp của cơ quan chức năng, tránh tình trạng quản lý theo kiểu “không biết thì cấm” như trước đây.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý văn hóa

Để đáp ứng được công tác quản lý trong tình hình mới thì bản thân mỗi cán bộ văn hóa cần tự trau dồi kiến thức, học hỏi những kinh nghiệm trong lĩnh vực có liên quan, bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cần tập trung thực hiện một số biện pháp sau:

Một là, kiện toàn và chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ văn hóa trong lĩnh vực quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên;

Hai là, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa về chuyên môn, chú trọng đến việc ứng phó, xử lý những tình huống như: một nhóm lợi dụng biểu diễn ở trước cửa UBND thành phố rồi phát tờ rơi nói xấu Đảng, Nhà nước, hay tranh thủ biểu diễn rồi ngả nón xin tiền từng du khách;

Ba là, xây dựng phương án quy hoạch điểm biểu diễn phù hợp. Giao cho phòng Văn hóa Thông tin Quận hướng dẫn cụ thể đối với các cá nhân/tổ chức tham gia hoạt động này. Tuyệt đối tránh việc tranh cãi điểm biểu diễn, gây phản cảm cho người dân tham dự.

Bốn là, cử cán bộ văn hóa xuống trao đổi trực tiếp với các cá nhân/đoàn nghệ thuật để nắm bắt được nội dung, hoạt động biểu diễn. Đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, từ những khó khăn đến thuận lợi để có tham mưu chính xác, tránh việc thẩm định nội dung trên văn bản hay đề xuất những biện pháp không phù hợp với thực tiễn.

Năm là, xây dựng phương án hợp lý để đảm bảo cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên được vận hành một cách bền vững, tránh việc có tiền thì diễn, hết tiền hỗ trợ, dự án thì chấm dứt hoạt động.

Về tổ chức các hoạt động

Việc tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên đảm bảo tính ổn định và bền vững trong một thời gian dài không phải vấn đề đơn giản, bởi điều này liên quan đến nhiều vấn đề như nhân lực, tài lực, vật lực. Một nghệ sĩ không thể mãi biểu diễn một tiết mục từ tuần này sang tuần khác hay một nhóm nghệ sĩ không thể mãi biểu diễn không có thu nhập ở Hồ Hoàn Kiếm. Để công tác tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên bền vững, một số biện pháp sau cần được quan tâm:

Cơ quan quản lý văn hóa cần chủ động có những buổi làm việc cụ thể với các Hội nghề nghiệp như Hội Mỹ thuật, Hội Âm nhạc,… và các cá nhân/nhóm nghệ sĩ đương đại như nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật sắp đặt để có những phối hợp trong việc tổ chức, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trẻ được biểu diễn.

Hiện nay, mỗi trường nghệ thuật có học phần thực tập nghề nghiệp. Đây là học phần giúp cho sinh viên ngành nghệ thuật có cơ hội được trau dồi năng lực nghệ nghiệp. Số lượng sinh viên nghệ thuật rất lớn, hàng nghìn sinh viên mỗi năm ở các trường như: Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội,… Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cần có phương án để phát huy được nguồn lực này, không những sinh viên có địa điểm để biểu diễn mà thành phố có những hoạt động nghệ thuật có chất lượng, đồng thời công tác kiểm soát nội dung, nhân thân nghệ sĩ cũng được đảm bảo.

Để đảm bảo sự phong phú, đa dạng trong các hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên, cơ quan quản lý văn hóa cần tính đến phương án đặt hàng các nghệ sĩ/nhóm nghệ thuật, không để bị động trong các hoạt động.

Về tăng cường kiểm tra giám sát và thi đua, khen thưởng

Những hoạt động diễn ra trong những dịp lễ lớn thu hút rất đông người tham gia nên công tác kiểm tra giám sát cần thực hiện một số công việc sau:

Trước ngày biểu diễn, đối với các chương trình có kịch bản, tham gia của nhiều tiết mục, đơn vị, cá nhân thì cơ quan quản lý văn hóa cần duyệt kịch bản, tiết mục với sự phối kết hợp của nhiều đơn vị, ban ngành, từ văn hóa đến an ninh, nội chính. Tránh để kẻ xấu lợi dụng thông qua những hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên ở các tụ điểm công cộng tuyên truyền, chống phá, xuyên tạc Đảng, Nhà nước.

Trong quá trình diễn ra các hoạt động, cơ quan quản lý văn hóa cần thường xuyên cử cán bộ đi kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế để có phương án đối phó kịp thời hay đề xuất biện pháp ngăn chặn những cá nhân/tổ chức có biểu hiện vi phạm.

Sau mỗi đợt tổ chức, cơ quan quản lý văn hóa cần tổng hợp và có những đánh giá đối với công tác tổ chức để có khen thưởng kịp thời với cá nhân, đồng thời có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời với các cá nhân/tổ chức sai phạm.

Từ những vấn đề đặt ra đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên, đặc biệt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, bài viết đã đưa ra những biện pháp góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên. Những biện pháp này đến từ: Cơ quan quản lý nhà nước, từ phía những người hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên và từ phía cộng đồng. Trong đó, nhóm biện pháp nhằm nâng cao nhận thức thông qua tuyên truyền giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng vì chỉ khi cả cán bộ quản lý văn hóa, nghệ sĩ biểu diễn, cộng đồng, cùng hiểu đúng bản chất của loại hình này thì các bên mới có thể cùng nhìn về một phía, cùng hướng về những giá trị đích thực của hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên và cùng hướng đến những giá trị nhân văn của loại hình biểu diễn này đem tới, vì lợi ích của tất cả các bên. Tuy nhiên, để những biện pháp này thực sự có kết quả thì rất cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng nói chung, cũng như của cá nhân/tổ chức tham gia biểu diễn và của chính cộng đồng.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Phương Anh (2009), “Văn hoá nghệ thuật vì sự phát triển cộng đồng”, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, (299), tr. 66-70, Hà Nội.
  2. Nguyễn Văn Chương (2009), “Nhận diện, khai thác yếu tố nơi chốn và tinh thần của nơi chốn trong tổ chức không gian đô thị có bản sắc”, Tạp chí Kiến trúc (6), tr 82- 84, Hà Nội.
  3. Nhiều tác giả (2006), Giải pháp phát triển nghệ thuật biểu diễn, Nxb Sân khấu, Hà Nội.
  4. Lê Thị Hoài Phương (2016), Quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn trong cơ chế thị trường, Nxb  Sân khấu, Hà Nội.

  ----------------------------------------------------------------

 [*] Lớp Cao học K4 - Chuyên ngành Quản lý văn hóa