Tin tức

Đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở nông thôn

29 Tháng Năm 2018

Nguyễn Thị Vân [*]

 

Đời sống văn hóa là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa, nghệ thuật được xem là một mặt trận quan trọng trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa nhằm đưa đất nước ta tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên con đường ấm no, hạnh phúc, công bằng, văn minh. Xuất phát từ giá trị lớn lao và có ý nghĩa quyết định đặc biệt đó, Đảng đã khẳng định con người là yếu tố quyết định, chăm lo đến hạnh phúc của con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta.

Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt quan tâm đến đời sống văn hóa cơ sở, trong đó nêu rõ: “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội”. Nghị quyết nhấn mạnh nhiệm vụ trung tâm của văn hóa văn nghệ nước ta là góp phần xây dựng con người Việt Nam trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm lối sống có nhân cách tốt đẹp, có bản lĩnh vững vàng ngang tầm với sự nghiệp đổi mới.

Trong những năm qua, công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở tại các vùng nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động luôn hướng về cơ sở, đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” cũng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Hệ thống thiết chế văn hóa như: Nhà văn hóa, sân thể thao, câu lạc bộ... đã được xây dựng rộng khắp, làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở.

Hiện nay trên địa bàn xã Thanh Bình cũng như các vùng nông thôn khác trên cả nước, nhiều hoạt động của các nhà văn hóa thôn xóm đã bám sát chức năng, nhiệm vụ cấp cơ sở; bồi dưỡng năng khiếu cho các hạt nhân văn nghệ, thể thao; tổ chức thông tin, tuyên truyền, cổ động; hoạt động thư viện, tủ sách; sinh hoạt nhiều câu lạc bộ phong phú và đa dạng; tổ chức các hoạt động thể thao (tập luyện, thi đấu cầu lông, bóng bàn, bóng đá) và tổ chức hội họp, sinh hoạt, tập huấn nghiệp vụ của các tổ chức, đoàn thể. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, trọng tâm là xây dựng “Gia đình văn hóa”, “tổ dân phố văn hóa”, “cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa”... được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cộng đồng dân cư về vai trò của văn hóa, thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân.

Về một phương diện nào đó, đời sống văn hóa cũng chính là môi trường hoạt động sống của con người. Môi trường văn hóa là nơi diễn ra mọi hoạt động văn hóa, có sự hòa trộn giữa văn hóa cá nhân với văn hóa cộng đồng, là tổng thể của những văn hóa vật thể và phi vật thể, nhân cách văn hóa, có sự tác động lẫn nhau, trực tiếp hình thành phẩm giá và lối sống của con người, xã hội. Văn hóa chính là đời sống. Ban đầu, nó là cái phân biệt giữa con người và động vật. Về sau, nó lại là cái phân biệt giữa cá nhân con người và cộng đồng. Ý nghĩa của văn hóa chuyển dịch dần từ mối quan hệ giữa con người và tự nhiên sang mối quan hệ giữa con người và xã hội.

Như vậy, đời sống văn hóa thực chất là mặt tự giác của đời sống con người. Nội dung của tự giác ấy là các giá trị văn hóa được vận động, bộc lộ trong các hoạt động sống, các quan hệ nhằm tạo ra sự hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. Dễ nhận thấy là khi mặt tự giác ấy mất đi, đời sống của con người sẽ chỉ đơn thuần là một chuỗi hoạt động bản năng.

Văn hoá là yếu tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của quốc gia. Nhận thức về mục tiêu phát triển là nâng cao chất lượng cuộc sống con người, tạo cho con người có sự phát triển hài hoà giữa đời sống vật chất và đời sống văn hoá tinh thần. Như vậy các hoạt động xây dựng đời sống văn hoá còn nhằm vào việc xây dựng và phát triển nguồn lực con người, nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của sự phát triển. Khi các giá trị văn hoá thấm sâu vào tâm hồn, tình cảm con người xây dựng trong họ nhận thức đúng đắn về tư tưởng, đạo đức, lối sống, từ đó biến thành sức mạnh, thành lực lượng vật chất vô cùng to lớn thúc đẩy con người hăng hái trong lao động sáng tạo. Có nền tảng tinh thần vững chắc, con người mới có bản lĩnh vững vàng trước những tác động tiêu cực của xã hội, của mặt trái cơ chế thị trường và những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch...

Căn cứ vào tình hình thực tiễn nước nhà, Đảng ta nhận thức việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm hạt nhân, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động văn hóa tinh thần; là quan điểm nhất quán và xuyên suốt, là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, coi đó là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, được thực thi theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ. Quan điểm đó luôn được phát triển, bổ sung cho hoàn thiện, phù hợp với điều kiện lịch sử dân tộc. Chính vì vậy, đường lối lãnh đạo của Đảng ta là: “Xây dựng đời sống văn hóa của nhân dân ở cơ sở phải là một trọng tâm công tác của nhà nước ta trong những năm tới”.

Đời sống văn hóa được nâng lên đã tác động đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, kinh tế - chính trị ổn định, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cùng với đó, công tác lãnh đạo, triển khai thực hiện xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển văn hóa, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi hoạt động xã hội, từng bước xây dựng nếp sống văn minh và môi trường văn hóa tinh thần lành mạnh, nhằm mục tiêu tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Các vấn đề trọng tâm của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở khu vực nông thôn như:

Một là, nâng cao nhận thức

Trước hết, cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên trong xã về các quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước, định hướng của ngành cấp trên về xây dựng đời sống văn hóa. Đồng thời biết vận dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, chủ động đề ra những chủ trương, nhiệm vụ một cách kịp thời, đúng đắn.

Nâng cao trình độ lãnh đạo công tác văn hóa của các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, từ trình độ nhận thức về khoa học văn hóa, quan điểm, nguyên tắc, quan điểm của Đảng, chính sách văn hóa của nhà nước, cho đến phương pháp lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo đối với các hoạt động văn hóa.

Hai là, hoàn thiện cơ chế chính sách

Hoạt động xây dựng đời sống văn hóa phải thực sự đổi mới theo hướng: mục tiêu rõ, nhiệm vụ rõ, phối hợp và phát huy tốt vai trò của từng tổ chức thành viên bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, sát cơ sở cộng đồng dân cư. Nắm vững đường lối chủ chương của Đảng, hiểu rõ nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thi đua khen thưởng, tổ chức phát động, triển khai phong trào thi đua thực hiện xây dựng đời sống văn hóa ở tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể thường xuyên, thiết thực, hiệu quả; chú trọng công tác chỉ đạo điểm, phát hiện điển hình tiên tiến nhân ra diện rộng, sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân tiên tiến xuất sắc, tạo không khí thi đua sôi nổi giữa các xã, phường, các khu dân cư, các tổ chức, đơn vị tạo động lực mạnh mẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Ba là, tăng cường nguồn lực xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý văn hóa có thể được coi là nhiệm vụ trọng tâm và mang tính chiến lược lâu dài. Đây là nhân tố quan trọng hàng đầu bởi lẽ dù hệ thống máy móc, cơ sở vật chất có hiện đại đến đâu thì quyết định thành công vẫn là nhân tố con người; đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa. Chính đội ngũ cán bộ văn hóa là người cụ thể hóa các chủ trương, đường lối lãnh đạo văn hóa văn nghệ của Đảng thành các giải pháp cụ thể thực thi ở địa phương, là người đi đầu phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, từ việc tổ chức hoạt động, thường xuyên bám sát phong trào, đi sâu đi sát cơ sở, lắng nghe ý kiến của nhân dân để có kế hoạch, chủ trương, biện pháp thích hợp. 

Bốn là, nâng cao chất lượng các phong trào văn hóa

Tiếp nối Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện chỉ đạo MTTQ cấp xã và các tổ chức thành viên triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” theo Đề án số 04 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Qua đó, đã không ngừng củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp; góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững; phát huy dân chủ tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau, khối đại đoàn kết được tăng cường và phát huy ở mỗi thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Năm là, phát huy vai trò của cộng đồng

Phát huy vài trò tích cực của các tổ chức đoàn thể: Tổ chức Công đoàn; Hội viên Hội Nông dân; Hội viên Cựu Chiến binh; Đoàn Thanh niên; Hội viên Phụ nữ; Hội người cao tuổi… Các tổ chức đoàn thể trên phải là lá cờ đi đầu trong mọi hoạt động, qua đó mới có thể thu hút được quần chúng nhân dân tham gia hưởng ứng các phong trào. Mỗi tổ chức đoàn thể phải hoạt động thực sự hiệu quả với những việc làm thiết thực, tránh hình thức, phô trương quá đà mà làm mất lòng tin của quần chúng và hội viên.

 Trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hội nhập quốc tế nhiều vấn đề về tổ chức, quản lý, chỉ đạo các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cần tiếp tục được nghiên cứu điều chỉnh, có cái nhìn sát thực hơn trong cách đưa ra hướng giải quyết. Nói một cách khác, phải dựa vào đặc điểm của xã trong điều kiện đang chịu tác động mạnh mẽ của công nghiệp hóa, đô thị hóa, để nâng cao năng lực quản lý, tổ chức xây dựng đời sống văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của người dân, động viên nhân dân tích cực chủ động cùng tham gia vào thực hiện mục tiêu “Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Những năm gần đây, công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở ở các vùng nông thôn đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, nhất là từ khi Nghị quyết TW 5 (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc được ban hành và đi vào cuộc sống với một trong những nhiệm vụ trọng tâm là “chú trọng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nhất là cộng đồng dân cư, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tốt đẹp, phong phú”.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục văn hóa thông tin cơ sở (2008), Tạp chí xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  2.  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2014), Các văn bản của Đảng và Nhà nước về nếp sống văn hóa, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
  3. Đoàn Văn Chức (1997), Xã hội hóa văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  4. Trung Đông (2002), Để có một phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Viện Văn hóa & Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  5. Nguyễn Văn Hy, Phan Văn Tú, Hoàng Sơn Cường, Lê Thị Hiền, Trần Thị Diên (1998),  Quản lý hoạt động văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  6. Nhiều tác giả (1993), Những vấn đề cốt yếu của quản lý, Nxb Khoa học - Kỹ thuật, Hà Nội.

  ----------------------------------------------------------------

 [*] Lớp Cao học K3 - Chuyên ngành Quản lý văn hóa