Tin tức

Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học phân môn Vẽ Trang trí ở trường THCS Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên

29 Tháng Năm 2018

Nguyễn Duy Thái [*]

Ngày nay, công nghệ thông tin có tác động mạnh mẽ làm thay đổi nội dung, phương pháp dạy học, là phương tiện để tiến tới xã hội học tập. Chính vì vậy trong công tác giảng dạy Mĩ thuật thì công nghệ thông tin chính là phương tiện, công cụ hỗ trợ cho phương pháp dạy học phát huy tính tích cực của người học. Điều này, có thể thấy rõ trong dạy học phân môn vẽ trang trí ở trường THCS Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy Mỹ thuật là một sự đột phá trong phương pháp dạy học, giúp giáo viên thực hiện ngày càng tốt sứ mệnh của mình. Để làm được điều đó trong giai đoạn hiện nay, giáo viên được sự hỗ trợ tích cực của các phương tiện dạy học hiện đại đặc biệt là những tiện ích ứng dụng phần mềm CorelDraw, Adobe photoshop, Microsoft Powerpoint đem lại, vậy người giáo viên phải biết vận dụng các phần mềm này cho có hiệu quả vào giảng dạy các tiết học Mỹ thuật trong trường phổ thông. Trường THCS Liêu Xá đã thực hiện tốt việc ứng dụng CNTT trong dạy học phân môn Trang trí góp phần tháo gỡ những vướng mắc hiện nay trong việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy các tiết học Mỹ thuật trong trường phổ thông. Trải qua quá trình nghiên cứu thực trạng và thực nghiệm tại trường THCS Liêu Xá có những chuyển biến và kết quả tích cực, người viết đưa ra một số biện pháp về ứng dụng CNTT vào dạy học phân môn trang trí ở trường THCS Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Tổ chức dạy học phân môn vẽ ở trường THCS có ứng dụng CNTT, nhằm mục tiêu thúc đẩy chất lượng dạy và học đáp ứng được yêu cầu dạy học hiện nay và nâng cao chất lượng dạy học Mỹ thuật trong đó có phân môn Vẽ trang trí; Tạo môi trường dạy học hiện đại, giúp giáo viên có thêm những kĩ năng, kinh nghiệm ứng dụng CNTT vào dạy học. Để thực hiện được điều đó cần tập trung vào một số biện pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, tổ chức cho giáo viên vận dụng các phần mềm tin học đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học hiện nay theo hướng dạy học tích cực.

Thứ hai, rà soát nội dung chương trình, sách giáo khoa hiện hành về: Cấu trúc, sắp xếp lại nội dung các bài học phân môn Vẽ trang trí trong chương trình hiện hành; Thiết kế các bài dạy ứng dụng CNTT; Xây dựng kế hoạch dạy học sử dụng CNTT; Tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học sử dụng CNTT; Tổ chức cho giáo viên vận dụng các phần mềm tin học đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học hiện nay theo hướng dạy học tích cực.

Trong quá trình dạy học, việc ứng dụng CNTT vào các bài dạy ở phân môn Vẽ trang trí cần được thực hiện bằng một quy trình, gồm các bước sau như: Nghiên cứu nội dung bài học; Tìm hiểu sự khác biệt về các phần mềm tin học; Khảo sát điều kiện dạy học của nhà trường; Cân nhắc điểm mạnh, điểm yếu của ứng dụng CNTT và các phần mềm tin học vào quá trình dạy học mà có sự linh hoạt trong sử dụng và phối hợp; Triển khai các kĩ thuật dạy học ứng dụng CNTT, các phần mềm tin học vào trong các bài dạy của phân môn Vẽ trang trí.

Thứ ba, về điều kiện thực hiện biện pháp Ứng dụng CNTT vào trong dạy học: Lãnh đạo Phòng GD&ĐT, lãnh đạo trường THCS cần nắm bắt một cách thường xuyên những yêu cầu mới đối với dạy học ứng dụng CNTT các phần mềm tin học hữu ích trong dạy học Mỹ thuật.

Công tác khảo sát, đánh giá năng lực dạy học ứng dụng CNTT của đội ngũ giảng viên cần được tiến hành một cách thường xuyên, tạo môi trường thi đua dạy học ứng dụng CNTT vào dạy học Mỹ thuật trong đó có phân môn Vẽ trang trí.

Cần có cơ chế khích lệ, động viên, tạo mọi điều kiện cho đội ngũ giáo viên tham gia quá trình học tập, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng nâng cao năng lực dạy học ứng dụng CNTT với giáo viên Mỹ thuật.

Sự  chủ động và ý thức nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên Mỹ thuật trong ứng dụng CNTT vào giảng dạy phân môn Trang trí là vấn đề then chốt tạo nên bài giảng hiệu quả.

Thứ tư, giáo viên Mĩ thuật cần nắm vững được một số phần mềm thông dụng, hỗ trợ tích cực cho bài giảng phân môn Vẽ trang trí, về yếu tố tạo hình ảnh, họa tiết, hình vẽ, màu sắc và hiệu ứng khác...

Ứng dụng phần mềm Corel Draw 12:

Corel là phần mềm đồ họa dạng Vector, ứng dụng trong lĩnh vực thiết kế mẫu bao bì, thiết kế thiệp cưới, hoa văn in trên vải, hay các ấn phẩm quảng cáo (Banner, Poster, Brochuce, Catalogue,...). Hiện tại phần mềm (CR) có rất nhiều phiên bản, tùy thuộc vào cấu hình máy và tính chất công việc của mỗi người mà chúng ta sử dụng các phiên bản phần mềm (CR) hợp lý.

Ứng dụng phần mềm này để vẽ họa tiết vector cơ bản, thuận lợi cho giáo viên trong soạn giảng, qua đó giáo viên có thể tạo ra cho mình một kho tư liệu các họa tiết phục vụ giảng dạy môn Mỹ thuật, đặc biệt là trong phân môn trang trí.

Ví dụ: Bài “Cách sắp xếp bố cục trong trang trí” - Lớp 6

Đầu tiên sử dụng phần mềm CorelDraw mà ta có thể tạo ra một số họa tiết bằng đối tượng hình ảnh vector. Các họa tiết được vẽ trên phần mềm CR sau khi vẽ xong ta lưu theo định dạng PNG thì các đường nét họa tiết rõ ràng, còn phần nền trống rỗng thuận tiện cho giáo viên và học sinh trong dạy và học.

Hiện nay, trên mạng internet có rất nhiều bài hướng dẫn vẽ trên phần mềm đồ họa CR bằng bài viết và video, giáo viên có thể tham khảo thêm để phục vụ vào công việc của mình.

Đối với phân môn Vẽ trang trí: Sau khi tạo ra kho dữ liệu về họa tiết bằng đuôi .PNG, giáo viên kết hợp phần mềm trình chiếu ActivInspire và bảng thông minh Smart touch nhằm hướng dẫn học sinh các tính chất sắp xếp trong trang trí như: xen kẽ, nhắc lại, đối xứng, mảng hình không đều. Ngoài ra, còn ứng dụng trong các bài trang trí cơ bản đến trang trí ứng dụng tùy thuộc vào kho dữ liệu hình ảnh của mỗi giáo viên tạo ra.

Dựa trên các họa tiết được vẽ trên phần mềm Corel, giáo viên yêu cầu học sinh tương tác tại bảng và sắp xếp bố cục trong trí theo kiến thức truyền đạt của giáo viên và cảm nhận riêng của mỗi em, qua đó giúp các em phát huy hết các khả năng tự học tự khám phá theo năng lực quan sát, năng lực tư duy, năng lực phân tích.

Ứng dụng phần mềm Adobe Photoshop:

Một số thao tác cơ bản trên Adobe Photoshop: trong cắt ảnh, phối hình, sửa hình, vẽ màu… Kết quả sản phẩm sau khi lưu theo hai định dạng: JPEG và PNG cho ra hai hình ảnh khác nhau. Với cách làm lưu theo định dạng .PNG không chỉ giúp bộ môn Mỹ thuật mà rất nhiều môn học khác cần thiết khi soạn giảng.

Đối với học sinh: Sau khi được giáo viên hỗ trợ về kho dữ liệu các hình ảnh và họa tiết, học sinh có thể dễ dàng chủ động tương tác tại bảng smarth tooth để sắp xếp bố cục vẽ trang trí theo cảm nhận riêng của mình, giúp học sinh phát huy các năng lực tư duy, năng lực phân tích, năng lực sáng tạo.

Ứng dụng phần mềm Microsoft PowerPoint:

Ở phần này, giáo viên có thể soạn giảng một bài giảng điện tử về tiết học vẽ trang trí sinh động bao gồm cả âm thanh, màu sắc, clips và hiệu ứng tuyệt vời mà phần mêm này mang lại…

Lựa chọn, kết hợp các phần mềm tin học phù hợp với mục tiêu, nội dung dạy học và đặc điểm của học sinh

Chúng ta biết rằng trước yêu cầu sử dụng phương pháp dạy học theo hướng tích cực hiện nay thì việc ứng dụng CNTT vào các bài dạy có vai trò quan trọng trong quát trình dạy học. Để làm được điều này thì người giáo viên trong quá trình thiết kế bài dạy cần nắm rõ và biết cách lựa chọn những phần mềm tin học phù hợp với bài dạy của mình.

Chính vì vậy, biện pháp này được thực hiện nhằm giúp cho giáo viên Mỹ thuật từng bước lựa chọn sử dụng các phần mềm tin học phù hợp với mục tiêu, nội dung dạy học và đặc điểm của học sinh, từng bước nâng cao chất lượng dạy học phân môn Vẽ trang trí trong nhà trường.

Nghiên cứu nắm vững mục tiêu, nội dung dạy học, đặc điểm tâm - sinh lí, trình độ nhận thức của học sinh.

Xác định các phần mềm tin học phù hợp với đặc điểm tâm - sinh lí của học sinh, phù hợp với mục tiêu, nội dung dạy học.

Giáo viên Mỹ thuật cần sử dụng các cách nghiên cứu phù hợp nhằm tìm hiểu một cách đầy đủ về về đặc điểm tâm - sinh lí, trình độ nhận thức của học sinh để từ đó lựa chọn và xác định các phần mềm tin học, sử dụng các bài dạy có ứng dụng CNTT phù hợp và mang lại hiệu quả thiết thực; cần nghiên cứu mục tiêu, nội dung, chương trình dạy học phân môn Vẽ trang trí, cũng như mục tiêu, nội dung dạy học của từng bài học trong phân môn Vẽ trang trí một cách sâu sắc nhằm lựa chọn, xây dựng kế hoạch nội dung dạy học một cách phù hợp và hiệu quả.

Về điều kiện thực hiện: Cần có nội dung, chương trình dạy học phân môn Vẽ trang trí một cách hoàn thiện; Cần có đội ngũ giáo viên Mỹ thuật có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về tin học; Cần được đảm bảo về hệ thống cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho hoạt động ứng dụng CNTT vào dạy học; Cần có sự tham gia một cách thường xuyên, chủ động của đội ngũ giáo viên.

Thứ năm, gặp một số trở ngại thông thường như: lỗi phông chữ  khi copy sang máy khác để chạy, một số  hình ảnh chưa được theo như ý đồ, máy có thể bị nhiễm virut, treo máy ….

Như vậy việc công nghệ thông tin chưa hẳn là toàn năng để làm tất cả mọi việc, cho nên người giáo viên có thể lựa chọn phần mềm ứng dụng vào từng dạng bài phân môn Vẽ trang trí, phần bài cho phù hợp với nội dung bài học để đạt được mục tiêu dạy học.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các bài giảng có vai trò hết sức to lớn. Trong việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, thì việc ứng dụng CNTT và những phương tiện dạy học hiện đại sẽ góp phần đưa phương pháp dạy học hình thành theo hướng đổi mới, việc chuyển tải khối lượng kiến thức lớn giúp mở rộng nhận thức của học sinh. Đồng thời, chính bằng việc dạy học ứng dụng CNTT sẽ giúp giờ học thêm sôi nổi, các hoạt động giảng dạy khác có nhiều thời gian và thêm hứng thú cho học sinh. Điều đó làm thay đổi cơ bản cách học, cách dạy khác và ưu việt hơn so với phương pháp truyền thống trước đây.

Đa số học sinh ưa thích, hứng thú khi được tiếp cận với công nghệ mới này. Phần nào giáo viên và học sinh được thoát ly phương tiện cổ truyền: phấn trắng bảng đen,… học sinh có thể quan sát bằng hình động, những đoạn phim (video clip), những bài vẽ có màu sắc, những cách sắp xếp bố cục khác nhau, hoặc đưa nhiều hình ảnh để giúp học sinh thấy rõ nội dung bài mà thao tác thông thường tốn rất nhiều thời gian.

Tài liệu tham khảo

  1. Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI (2013), Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 29 - NQ/TW ngày 04/11/2013.
  2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2008), Chỉ thị số 55/2008/CT-BGDĐT, Chỉ thị về tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục giai đoạn 2008 - 2012.
  3. Đỗ Mạnh Cường, 2007, Giáo trình ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, Nxb Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
  4. Nguyễn Mạnh Cường (2003), Đổi mới phương pháp giảng dạy với sự hỗ trợ của máy tính, Hội thảo Đổi mới giảng dạy ngữ văn ở trường Đại học, Trường Đại Học Sư Phạm TP.HCM.
  5. Phạm Văn Danh (2009), Ứng dụng ICT để nâng cao hiệu quả dạy học và đổi mới phương thức đào tạo các bậc học, Hội thảo Đánh giá năng lực ICT trong dạy học của đội ngũ giáo viên các trường Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp và Dạy nghề, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, tháng 4/2009.
  6. Nguyễn Kim Dung (2006), Ứng dụng công nghệ thông tin trong chương trình đào tạo, Viện Nghiên cứu Giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TP HCM, Bài phát biểu tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, 2006.
  7. Phạm Xuân Hậu và Phạm Văn Danh (2010), Ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả dạy-học và nghiên cứu khoa học trong các trường đại học sư phạm, Viện Nghiên cứu Giáo dục - ĐHSP TP.HCM.

   ----------------------------------------------------------------

      [*] Lớp Cao học K1 - Chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật