Tin tức

Những thành tựu đạt được trong công tác quản lý hoạt động giáo dục, tuyên truyền thu hút khách tham quan của Bảo tàng Ninh Bình

30 Tháng Năm 2018

Đào Thị Tính [*]

Bảo tàng Ninh Bình là một thiết chế văn hóa cấp tỉnh trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình. Công trình bảo tàng được xây dựng trên khuôn viên có tổng diện tích là 1.200m2 gần khu công viên núi Thúy, trung tâm thành phố Ninh Bình. Hiện nay, bảo tàng có 23 cán bộ, viên chức làm việc trong 3 phòng gồm phòng Hành chính - Quản trị, phòng Trưng bày - Tuyên truyền và phòng Sưu tầm - Kiểm kê.

Bảo tàng tỉnh là đơn vị sự nghiệp Văn hóa thuộc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền phát huy tác dụng các di sản lịch sử, văn hóa và thiên nhiên Ninh Bình phù hợp với loại hình, tính chất và nội dung của Bảo tàng tỉnh. Với chức năng đó, bảo tàng Ninh Bình có nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, nghiên cứu và xây dựng các kế hoạch, dự án về các mặt công tác chuyên môn thuộc lĩnh vực Bảo tàng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình bao gồm: Tổ chức nghiên cứu khoa học về nội dung trưng bày bảo tàng, về các tài liệu, hiện vật có trong Bảo tàng tỉnh; Tiến hành sưu tầm các tài liệu, hiện vật có giá trị Lịch sử - Văn hóa cho Nhà Bảo tàng; Kiểm kê khoa học các tài liệu, hiện vật trong Bảo tàng; Bảo quản tài liệu hiện vật; Tổ chức trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng và trưng bày triển lãm lưu động tại các địa phương trong tỉnh; Tuyên truyền, giáo dục truyền thống, biên soạn, xuất bản các tài liệu nghiệp vụ, ấn phẩm khoa học có liên quan đến nội dung hoạt động của Bảo tàng; Tổ chức khai quật các di tích khảo cổ học để góp phần nghiên cứu lịch sử địa phương và trưng bày Bảo tàng.

Thứ hai, tạo điều kiện và phục vụ các đối tượng được phép khai thác sử dụng các tài liệu của Bảo tàng hiện đang lưu giữ. Phục vụ tốt khách đến tham quan trưng bày bảo tàng và liên hệ công tác.

Thứ ba, tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học có nội dung liên quan tới nghiệp vụ bảo tàng. Trao đổi, hợp tác khoa học với các cơ quan hoạt động bảo tồn Bảo tàng ở trong nước và quốc tế.

Thứ tư, hướng dẫn nghiệp vụ bảo tàng cho các Bảo tàng, Nhà truyền thống của các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn và các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh.

Thứ  năm, tạo cảnh quan, môi trường sạch đẹp; bảo vệ, giữ gìn an toàn cho tài sản, hiện vật bảo tàng và khách tham quan.

Thứ sáu, tổ chức các dịch vụ văn hóa phù hợp với hoạt động của Bảo tàng và tổ chức vận động các nguồn tài trợ cho Bảo tàng. Được thu lệ phí tham quan và cáo lệ phí được phép theo quy định hiện hành từ các hoạt động dịch vụ văn hóa tại Bảo tàng. Việc quản lý, sử dụng các nguồn thu nói trên thực hiện theo quy định và hướng dẫn của Sở Tài Chính.

 Từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng Ninh Bình thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Ninh Bình, đã kịp thời ban hành được một số quy định, nội quy làm việc và thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định của nhà nước đối với cán bộ viên chức trong bảo tàng. Trước mắt đã khắc phục được nhiều khó khăn về cơ cấu tổ chức, nhân sự trong bảo tàng từ nhân sự trong Ban giám đốc đến các phòng để hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ công tác hàng năm của mình. Ban lãnh đạo Bảo tàng Ninh Bình luôn có sự đoàn kết nhất trí, có nhiều cố gắng và đạt được những thành tích đáng khích lệ. Thông qua phương tiện giáo dục trực quan sinh động, Bảo tàng đã góp phần giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng cho thể hệ trẻ, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của lãnh đạo tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao của tỉnh Ninh Bình nói riêng, đất nước nói chung.

Trưng bày bảo tàng là công tác tổ chức sắp xếp và trình bày hiện vật bảo tàng theo hệ thống các chủ đề, sử dụng trang thiết bị cần thiết để làm rõ ý tưởng, thông điệp mà bảo tàng muốn truyền đạt tới công chúng. Trưng bày được coi là một dấu hiệu, đặc trưng quan trọng nhất để phân biệt bảo tàng với các thiết chế giáo dục, văn hóa khác. Trưng bày là bộ mặt của bảo tàng, là cầu nối giữa bảo tàng với xã hội, công chúng, và là khâu giao tiếp quan trọng nhất của bảo tàng. Trưng bày bảo tàng là hình thức để công chúng thụ cảm, thưởng thức các giá trị lịch sử, văn hóa hàm chứa trong hiện vật bảo tàng. Không có trưng bày thì bảo tàng chỉ là kho bảo quản, lưu trữ các hiện vật. Những hiện vật bảo tàng quý hiếm, bằng chứng vật chất cho sự kiện, hiện tượng của tự nhiên, xã hội được sưu tầm, nghiên cứu, bảo quản chỉ được tiếp xúc với công chúng thông qua trưng bày. Vì vậy có thể nói, công tác trưng bày có vai trò rất quan trọng trong hoạt động của bảo tàng.

Trải qua hơn 25 năm hình thành và phát triển, công tác trưng bày, tuyên truyền thu hút khách tham quan của Bảo tàng Ninh Bình đã đạt được những thành tựu sau:

Công tác trưng bày đã được thực hiện nghiêm túc theo các phần việc như: lập ý tưởng, xây dựng đề cương trưng bày, thiết kế market, thi công trưng bày, bảo dưỡng không gian trưng bày và tổ chức trưng bày lưu động...

Trưng bày nội thất của bảo tàng có diện tích khoảng 500m2, trưng bày, thông qua các tài liệu, hiện vật, hình ảnh, bảo tàng đã phản ánh sinh động vẻ đẹp một vùng đất cổ “non nước hữa tình” và quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước oanh liệt của nhân dân Ninh Bình. Phần trưng bày này gồm có 3 tầng với các chủ đề như: Ninh Bình - dấu ấn một vùng đất cổ; Ninh Bình trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Ninh Bình trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Ngoài các chủ đề trưng bày trên đây, trong Bảo tàng Ninh Bình còn trưng bày chuyên đề Đá chủ quyền quần đảoTrường Sa.

Cùng với nội dung trưng bày nội thất, Bảo tàng Ninh Bình còn sử dụng không gian ngoài trời để trưng bày những hiện vật thể khối lớn chiếm nhiều diện tích đó là máy bay MIG21-F94. Đây chính là bằng chứng sinh động về chiến công của quân và dân Ninh Bình đã chiến thắng Đế quốc Mỹ xâm lược.    

Hệ thống trưng bày của Bảo tàng Ninh Bình có sự liên kết chặt chẽ giữa nội dung và hình thức trưng bày, hài hòa. Thông qua các giải pháp Mỹ thuật như: Sa bàn, mô hình, tài liệu khoa học phụ bổ trợ, đã tôn lên các hiện vật trưng bày, tập trung thể hiện nội dung chủ đạo của một bảo tàng địa phương - Bảo tàng Ninh Bình. Về hướng tuyến tham quan của Bảo tàng Ninh Bình đã chỉ dẫn theo tuyến tham quan từ gian khánh tiết tầng 1 lên tầng 3 rồi xuống tầng 2 rồi lại xuống tầng 1.

Ngoài phần trưng bày trong nhà và ngoài trời, Bảo tàng Ninh Bình còn tổ chức thực hiện các hoạt động trưng bày chuyên đề và triển lãm lưu động hàng năm nhân kỷ niệm những ngày lễ lớn, những sự kiện lịch sử trọng đại của tỉnh, thực hiện các cuộc triển lãm lưu động phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của quần chúng, tuyên truyền, giáo dục truyền thống trong nhân dân. Kết quả từ năm 2001-2016 tổ chức được 18 cuộc trưng bày chuyên đề và triển lãm lưu động.

Một số chuyên đề trưng bày và triển lãm lưu động tiêu biểu mà Bảo tàng Ninh Bình đã tổ chức thực hiện tại bảo tàng và ở một số địa phương trong thời gian vừa qua như: Tổ chức trưng bày tại cố đô Hoa Lư chuyên đề “Kinh đô Hoa Lư thế kỷ X” nhân dịp lễ hội truyền thống cố đô Hoa Lư diễn ra vào tháng 3 âm lịch hàng năm; Tổ chức trưng bày tại Nhà thi đấu tỉnh Ninh Bình chuyên đề “Cổ vật thời Đông Sơn, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn” nhân kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh vào năm 2012; Tổ chức trưng bày chuyên đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại thư viện tỉnh năm 2016 và tại huyện Nho Quan, Kim Sơn năm 2017.

Năm 2013 thực hiện Hướng dẫn liên ngành số 73/HD-BGDĐT-BVHTT&DL ngày 16/01/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Về việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông và các trung tâm giáo dục thường xuyên, Ban Giám đốc Bảo tàng Ninh Bình đã xây dựng chương trình, kế hoạch kết hợp với Sở Giáo dục đào tạo Ninh Bình thực hiện việc đưa học sinh đến tham quan học tập tại Bảo tàng. Bên cạnh đó, năm 2016, Bảo tàng bắt đầu mở thêm cuộc trưng bày lưu động tại Thư viện tỉnh với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý” đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân và học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh tham quan.

Nhìn chung, các cuộc trưng bày chuyên đề và triển lãm lưu động do Bảo tàng Ninh Bình tổ chức thực hiện đều được lập kế hoạch, đề cương trưng bày nghiêm túc cùng dự toán kinh phí trình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch  nay là Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình phê duyệt. Cán bộ được phân công phụ trách chính sẽ chịu trách nhiệm về chuyên môn của cuộc trưng bày, triển lãm và phải thường xuyên trực tại các địa điểm triển lãm đồng thời thuyết minh, giới thiệu cho khách tham quan. Nội dung các cuộc trưng bày chuyên đề, triển lãm lưu động và các tài liệu, hiện vật trưng bày đã có tác dụng giáo dục sâu sắc đến công chúng, học sinh và bộ đội ở các địa phương.

Công tác giáo dục, tuyên truyền là một bộ phận quan trọng của sự giao tiếp Bảo tàng, phát huy giá trị của hiện vật Bảo tàng đến với công chúng, góp phần giáo dục tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ, củng cố niềm tin và nhận thức của con người. Trong thời gian qua, Ban Giám đốc Bảo tàng Ninh Bình luôn cố gắng chỉ đạo, theo dõi về việc thực hiện công tác tổ chức, quản lý hoạt động giáo dục - tuyên truyền để đạt hiệu quả cao nhất. Trước hết, phòng chức năng đã bám sát tổ chức hướng dẫn tham quan cho công chúng, cho nên, phần lớn khách đến tham quan Bảo tàng khi được hướng dẫn thuyết minh đều có chung cảm nhận: Bảo tàng Ninh Bình đã làm tốt công tác giáo dục tuyên truyền cán bộ của bảo tàng có thái độ hòa nhã, ân cần, lịch sự, các cán bộ thuyết minh có giọng nói truyền cảm, phục vụ  từ thứ Hai đến thứ Sáu còn thứ Bảy và Chủ nhật, ngày lễ và ngoài giờ hành chính khi khách có nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu tại bảo tàng, Giám đốc bảo tàng sẽ phân công cụ thể cho cán bộ phục vụ các ngày đó. Tùy từng đối tượng và thời gian khách tham quan mà cán bộ thuyết minh viên của Bảo tàng Ninh Bình có cách giảng giải những nội dung và hiện vật trọng tâm với phương pháp hướng dẫn phù hợp giúp khách tham quan hiểu rõ nội dung và hiện vật trưng bày trong Bảo tàng.

Cùng với việc sưu tầm tài liệu hiện vật, Ban Giám đốc Bảo tàng Ninh Bình cũng luôn quan tâm sát sao đến công tác trưng bày tuyên truyền giáo dục nên bảo tàng đã phục vụ nhiều đoàn khách, các tổ chức, đoàn thể, cá nhân trong và ngoài nước. Một hình thức mà Bảo tàng Ninh Bình đã bắt tay vào triển khai thực hiện từ ngày mới thành lập đó là hình thức triển lãm lưu động, đây là hình thức hiệu quả phù hợp với bảo tàng. Từ năm 2005 đến nay, Bảo tàng đã tổ chức 14 cuộc trưng bày lưu động. Các cuộc trưng bày lưu động của Bảo tàng Ninh Bình ở quy mô lớn hay nhỏ cũng đã tạo nên ấn tượng, chuyển tải được nhiều thông điệp có ý nghĩa chính trị vô cùng thiết thực.

Cán bộ hướng dẫn của Bảo tàng Ninh Bình luôn sẵn sàng phục vụ thuyết minh cho các cá nhân hay đoàn khách tham quan có nhu cầu tại bảo tàng hay tại các phần trưng bày lưu động. Đội ngũ thuyết minh gồm 5 người, được trang bị kỹ năng nghiệp vụ thuyết minh đầy đủ và luôn học tập để nâng cao trình độ, phục vụ khách tham quan ngày một tốt hơn.

Thành công trong công tác quản lý hoạt động giáo dục tuyên truyền của bảo tàng Ninh Bình đã thực sự trở thành tiền đề thu hút khách tham quan. Năm 2016, Bảo tàng Ninh Bình đón 11.786 lượt khách trong đó có 508 lượt khách quốc tế và 11.278 lượt khách nội địa.

Với những thành tựu đó, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử và tự nhiên của tỉnh, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Hy vọng rằng, trong tương lai, Bảo tàng Ninh Bình sẽ phát huy những thành tựu, khắc phục hạn chế để trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Tài liệu tham khảo

  1. Bảo tàng Ninh Bình (2012), Đề cương trưng bày bảo tàng Ninh Bình, Lưu giữ tại Kho Tư liệu bảo tàng Ninh Bình.
  2. Bảo tàng Ninh Bình (2016), Báo cáo tổng kết năm 2016, Lưu giữ tại Phòng Hành chính bảo tàng Ninh Bình.
  3. Nguyễn Thị Huệ (2008), Cơ sở bảo tàng học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  4. Nguyễn Thị Huệ (2008), Hiện trạng và giải pháp đổi mới hoạt động của bảo tàng tỉnh (thành phố) vùng đồng bằng Bắc Bộ, Đề tài cấp bộ.
  5. Nguyễn Thịnh (2004), Quản lý bảo tàng, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
  6. Nguyễn Văn Trò (1995), Bảo tàng Ninh Bình, Sở Văn hóa Thông tin Ninh Bình, Ninh Bình.
  7. UBND tỉnh Ninh Bình (2008), Quyết định số 1405/2008/QĐ-UBND về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bảo tàng Ninh Bình

[1] UBND tỉnh Ninh Bình (2008), Quyết định số 1405/ 2008/ QĐ-UBND về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bảo tàng Ninh Bình

      --------------------------------------------------------------------------

 

 

 

Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành  Quản lý văn hóa