Tin tức

Dạy học tích hợp môn Mỹ thuật ở trường Trung học cơ sở Xuân Phú, Phúc Thọ, Hà Nội

04 Tháng Sáu 2018

Trần Anh Hoàng [*]

Dạy học tích hợp là một trong những xu hướng dạy học tất yếu và phù hợp với định hướng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo hướng phát triển năng lực người học. Việc nắm bắt được đặc điểm, tâm lý lứa tuổi học sinh trong quá trình phát triển ngôn ngữ tạo hình cũng như xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung dạy môn Mỹ thuật ở trường Trung học cơ sở (THCS) là nền tảng giúp cho việc sử dụng các biện pháp dạy học tích cực, tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm phát huy cao tính chủ động, sáng tạo học tập của học sinh với môn Mỹ thuật ở trường THCS Xuân Phú, Phúc Thọ, Hà Nội ngày càng đạt được kết quả cao hơn; đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện đối với học sinh.

1. Vài nét về thực trạng dạy học Mỹ thuật ở trường THCS Xuân Phú, Phúc Thọ, Hà Nội

Trước đây bộ môn Mỹ thuật được coi là bộ môn phụ, nên chưa được đầu tư, quan tâm. Nhưng đến nay, đa số các trường THCS đã có giáo viên về Mỹ thuật giảng dạy, bởi vì đặc thù của môn học đã được nhận thức hơn so với trước đây, là môn học góp phần vào giáo dục toàn diện cho học sinh. Xuất phát từ nhận thức đó, cũng như được sự quan tâm từ nhiều phía, Ban Giám hiệu nhà trường hàng năm đều lên kế hoạch trang bị đồ dùng cho môn học Mỹ thuật như: tranh, ảnh, sách tham khảo cho học sinh. Ngoài ra, tổ chuyên môn, Ban Giám hiệu cũng thường xuyên dự giờ, thăm lớp, xây dựng và góp ý cho giáo viên, động viên kịp thời cả giáo viên và học sinh vào những dịp thi đua đạt thành tích cao. Bên cạnh đó, để phát huy khả năng, ý tưởng sáng tạo, tìm tòi của học sinh, nhà trường còn tổ chức các cuộc thi vẽ tranh theo chủ đề như: Môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn giao thông, ý tưởng trẻ thơ… Qua các cuộc thi này, các em có cơ hội để thể hiện năng khiếu của mình, bộc lộ những ý tưởng sáng tạo của mình về cuộc sống xung quanh. Từ đây, giáo viên cũng phát hiện ra các em có năng khiếu vẽ và lập kế hoạch bồi dưỡng nâng cao, tạo cơ hội cho các em phát triển hơn nữa.

Chính vì được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo nhà trường nên việc giảng dạy bộ môn Mỹ thuật có nhiều thuận lợi, giúp các em thấy được Mỹ thuật là môn học bổ ích, lý thú, từ đó các em nhận thức, cảm nhận được vẻ đẹp xung quanh mình.

2. Quy trình xây dựng một chủ đề tích hợp

Bước 1: Nghiên cứu lí luận về nội dung dạy học tích hợp.

Bước 2: Khi thiết kế một chủ đề, bài học tích hợp liên môn người giáo viên tiến hành phân tích nội dung chương trình và sách giáo khoa để đưa ra được các nội dung dạy học gần giống nhau, các vấn đề thời sự của địa phương và những vấn đề nóng đang được quan tâm của toàn cầu, các mối quan hệ giữa các môn học trong chương trình hiện hành để xây dựng chủ đề tích hợp.

Bước 3: Dựa vào tên bài học và những đóng góp của những môn học có nội dung liên quan vào bài học đó để xác định chủ đề tích hợp.

Bước 4: Xác định mục tiêu của bài tích hợp bao gồm: kiến thức, kĩ năng, thái độ cần được hình thành cho học sinh.

Bước 5: Xây dựng những nội dung chính trong bài học tích hợp. Căn cứ vào các yếu tố liên quan để xây dựng nội dung cho phù hợp.

Bước 6: Tìm kiếm các nguồn tài liệu hỗ trợ, những phương tiện kĩ thuật cho học sinh thực hành nội dung các chủ đề tích hợp, thông qua đó tiến hành thiết kế bộ câu hỏi định hướng bài học cho học sinh.

Bước 7: Xây dựng những tiêu chí để đánh giá các chủ đề tích hợp đã xây dựng và tính hiệu quả của chúng trong việc hình thành và phát triển năng lực cho học sinh. Đề xuất những cải tiến cho thích hợp với thực tế.

3. Tổ chức dạy học tích hợp

Khi tiến hành xây dựng kế hoạch bài học các chủ đề tích hợp liên môn, người giáo viên, tổ chuyên môn và nhà trường phải đưa ra một kế hoạch thực hiện. Muốn làm được điều đó chúng ta phải quan tâm tới chương trình học hiện hành mà trong đó lượng kiến thức được nhắc đến trong hai hay nhiều môn học sẽ được thiết kế dạy học theo hai hướng: Một là chỉ dạy kiến thức trong một môn học trung tâm mà không dạy lại ở những môn học khác (chỉ bổ sung những kiến thức có liên quan). Hai là thiết kế các chủ đề tích hợp liên môn dựa trên những kiến thức có liên quan để tiến hành dạy học vào một thời điểm thích hợp đồng thời với quá trình dạy học các môn liên quan.

 Sau khi tách một lượng kiến thức liên quan để xây dựng thành những chủ đề tích hợp, giáo viên tiến hành thiết kế kế hoạch dạy học của các môn học có liên quan. Để đảm bảo tính phù hợp và hài hòa chung giữa các môn học, giáo viên cần phải tính đến thời điểm dạy học các chủ đề đã thiết kế khi tiến hành xây dựng tiến trình dạy học của mỗi môn học. Trong một số trường hợp đặc biệt, chúng ta có thể phải hy sinh một phần logic hình thành kiến thức để nâng cao cơ hội ứng dụng kiến thức vào các bài học cho học sinh. Bên cạnh đó, để đảm bảo bổ sung đầy đủ kiến thức cho học sinh, ngoài phần kiến thức chung đã được xây dựng thành những chủ đề tích hợp liên môn thì phần kiến thức còn lại của bài học cần được sắp xếp dạy học lồng ghép có thể là các bài học liền kề trước hoặc sau sao cho hợp lý để học sinh có thể tổng hợp được kiến thức một cách tốt nhất.

Căn cứ vào nội dung kiến thức môn học và thời lượng dạy học, giáo viên lựa chọn thời gian tổ chức hình thức dạy học các chủ đề tích hợp phù hợp với quá trình dạy học của các môn học có liên quan. Các tổ/nhóm chuyên môn sẽ cùng thống nhất đưa ra các thời điểm trong năm học để tổ chức dạy học các chủ đề tích hợp cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong thời gian đầu tiến hành thử nghiệm, có thể chỉ lựa chọn để thiết kế và tổ chức dạy học từ 01 đến 02 chủ đề/học kỳ.

Trong dạy học, công việc thiết kế tiến trình dạy học có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến kết quả dạy học, để giờ học diễn ra tốt đẹp thì phải có công tác tổ chức dạy học khoa học.  Tổ chức dạy học dù là cho một môn học hay sử dụng cho liên môn thì đều phải quan tâm đến việc ứng dụng kiến thức của chủ đề đang dạy học vào thực tế và vào các môn học khác. Như vậy không có sự khác biệt hay phân biệt giữa dạy học một chủ đề đơn môn hay dạy học có tích hợp liên môn. Điều quan trọng khi tiến hành thiết kế tiến trình dạy học thì phải quan tâm đến việc nâng cao năng lực của học sinh. Muốn có kết quả đó thì phải tổ chức được một giờ học có các hoạt động tích cực, sáng tạo cho học sinh với nhiều không gian dạy học khác nhau, có thể là: trong lớp, ngoài lớp, trong trường, ngoài trường; hay như ngay chính ở nhà và ngoài cộng đồng. Khi thực hiện được sự đa dạng về không gian dạy học thì có thể hiệu quả học tập được tăng cao, kiến thức các em tiếp nhận được có thể được áp dụng ngay vào thực tiễn.

Các bước tiến hành dạy học tích hợp:

Bước 1: Kiểm tra sự chuẩn bị các điều kiện cho quá trình dạy học (giáo án, cơ sở vật chất, tình hình lớp học...)

Bước 2: Giáo viên tiến hành giảng dạy theo phương án thực nghiệm đã được thiết kế ở lớp thực nghiệm và giảng dạy bình thường ở lớp đối chứng (với cùng một bài dạy).

Bước 3: Tổng kết, kiểm tra, đánh giá kết quả thực nghiệm thông qua các nội dung như: kết quả nhận thức, kỹ năng vận dụng kiến thức và kỹ năng thực hành của học sinh; mức độ hoạt động của học sinh trong giờ học; mức độ hứng thú; thái độ; tính tích cực, sáng tạo của học sinh trong giờ học; điểm số qua các bài vẽ...

Trong đổi mới dạy học theo hướng phát huy tính tích cực học tập của học sinh  trường THCS Xuân Phú thì phương pháp dạy học/các hình thức tổ chức dạy học luôn gắn kết, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau. Xuất phát từ thực tiễn dạy học môn Mỹ thuật, đề xuất các biện pháp/hình thức tổ chức dạy học phù hợp chắc chắn sẽ có được kết quả giáo dục tốt hơn, thu hút và tạo điều kiện được hưng phấn hơn trong học tập; sự yêu mến và mong muốn thể hiện năng lực sáng tạo nhiều hơn của học sinh.

Thực nghiệm ở trường THCS Xuân Phú tuy giới hạn trong một thời gian, đối tượng hẹp song qua đó thấy được sự cuốn hút, thích thú của học sinh trong học tập, tạo được sự tương tác giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh, với không khí học tập thân thiện, cởi mở; học sinh thu nhận được nhiều kiến thức hơn. Từ những thực nghiệm sẽ rút ra được nhiều bổ ích trong dạy học môn Mỹ thuật theo hướng tích hợp.

Nghị quyết 29 đã khẳng định quan điểm cơ bản hết sức quan trọng, chỉ đạo toàn bộ các biện pháp là: “Giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”. Người giáo viên có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục cũng như phát triển nhân cách của học sinh. Còn đối với giáo viên Mỹ thuật nói riêng có nhiệm vụ nâng cao năng lực thẩm mỹ nghệ thuật. Giúp các em thường thức, khám phá, sáng tạo nghệ thuật, làm giàu thêm vốn tri thức thẩm mỹ từ cuộc sống đúc kết thành tác phẩm. Qua giáo dục, giáo viên đã tạo dựng được ở các em một năng lực thẩm mỹ về cái đẹp, giúp các em biết vận dụng vào cuộc sống, sinh hoạt, học tập, vui chơi, giải trí. Ngoài ra, giáo viên dạy Mỹ thuật còn có nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nền văn hóa nghệ thuật làm giàu thêm vốn sống của bản thân và xã hội.

Đặc biệt là giáo viên trong thời đại ngày nay cần phải nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật liên tục các vấn đề của xã hội cũng như cập nhật liên tục về những yêu cầu đổi mới dạy học hiện nay. Đáp ứng với những xu hướng trên, thông qua các nghiên cứu của bản thân, tác giả hy vọng sẽ mang lại hiệu quả cao trong công tác dạy và học môn mỹ thuật tại trường sở tại.

 

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Văn Cường - Bernd Meier(2007),Một số vấn đề chung về đổi mới Phương pháp dạy học ở trường phổ thông, Dự án phát triển Giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội.

2. Nguyễn Quốc Toản (2008), Giáo trình phương pháp dạy - học Mỹ thuật,Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

3. Đỗ Hương Trà (2015), Dạy học tích hợp phát triển năng lực học sinh, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.

4. Trường Trung học cơ sở Xuân Phú (2016), “50 năm Xây dựng và Trưởng thành”, Kỷ yếu.

5. Nguyễn Thu Tuấn, Giáo trình phương pháp dạy học Mỹ thuật -Tập 1, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. 

   ----------------------------------------------

 

 

 

  Lớp Cao học K1 - Chuyên ngành  Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật