Nội san

Quan họ Bắc Ninh trong đời sống xã hội đương đại

20 Tháng Tư 2007

QUAN HỌ BẮC NINH TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI ĐƯƠNG ĐẠI

 

Thạc sĩ Trịnh Hoài Thu

 

            1. Vài nét về nghệ thuật quan họ Bắc Ninh

Quan họ Bắc Ninh là một loại dân ca đặc sắc, nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa, nay là tỉnh Bắc Ninh. Quan họ gắn liền với đời sống văn hóa và tinh thần của người dân vùng này.

Theo sự điều tra của Sở văn hóa Hà Bắc (thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay) thì trước cách mạng tháng Tám năm 1945 có 49 làng quan họ rải rác ở các huyện Tiên Sơn, Yên Phong, Quế Võ, Việt Yên và thị xã Bắc Ninh. Mỗi làng quan họ ở Bắc Ninh lại có nét độc đáo riêng. Theo Giáo sư Vũ Ngọc Khánh và Phạm Minh Thảo trong sách “Kho tàng diễn xướng dân gian Việt Nam” thì có thể chia hát quan họ thành những dạng sau:

        -          Hát quan họ ở hội còn gọi là hát hội.

        -          Hát quan họ ở đám còn gọi là hát mừng.

        -          Hát quan họ ở cửa đình, cửa đền còn gọi là hát thờ hát cầu.

        -          Hát quan họ tại nhà giữa hai nhóm quan họ trai gái mời nhau còn gọi là hát canh.

Trong các dạng hát quan họ kể trên, hát hội và hát canh là hai hình thức hát quan họ nổi bật có giá trị văn hóa cao.

Về trang phục trong hát quan họ: Trai thường mặc áo lụa, áo the, quần sớ, khăn xếp; gái thì mặc mớ bảy mớ ba, áo tứ thân nhiều điều nhiều tía, yếm đào xẻ con nhạn, thắt lưng hoa đào, hoa lý, đeo khuyên vàng xà tích. Khi hát ở ngoài trời, nam thường che ô còn nữ che nón thúng quai thao để tăng thêm vẻ lịch sự duyên dáng.

Về cách hát: nhìn chung trong quan họ, người ta bao giờ cũng hát đôi. Khi một đôi trong quan họ bạn hát thì bên kia cũng chuẩn bị một đôi để hát đối lại. Chính vì vậy hát quan họ là loại hát đối đáp, hát giao duyên. Những người hát quan họ thường được gọi là liền anh, liền chị.

Ở vùng quan họ việc truyền lại cho thế hệ kế tiếp những hệ thống bài bản là trách nhiệm của những người quan họ lớp trước. Khi lớp quan họ đàn em đã có một số vốn liếng bài bản tương đối thì việc đầu tiên là họ tìm người để kết bạn (mỗi nhóm khoảng từ 5 đến 6 người).

Trong đám hội, quan họ nam mời trầu quan họ nữ. Sau đó họ hát với nhau những lời ướm hỏi, nếu ý hợp tâm đầu họ sẽ hẹn hò nhau ở làng bên nữ để tổ chức lễ kết nghĩa. Nơi tổ chức kết nghĩa có thể ở đình hoặc ở nhà bố mẹ chị Cả, chị Hai và do cụ Đám (còn gọi là ông trùm hoặc bà trùm) đứng ra làm chủ sự.

Lễ kết nghĩa được bắt đầu bằng những lời thăm hỏi tận tình hoặc những lời thề thốt. Sau đó, họ lại có buổi gặp nhau ở bên nam. Tại đây họ có thể hát thâu đêm suốt sáng để thổ lộ với nhau về tình cảm. Căn cứ vào sự đồng nhất về cữ giọng, âm sắc, họ xếp thành từng cặp: Anh Cả - Chị Cả, anh Hai- chị Hai, anh Ba – chị Ba, anh Tư – chị Tư... Lời ca trong quan họ chủ yếu nói về tình yêu nam nữ, sự gắn bó thủy chung. Nhưng trên thực tế họ không hề nghĩ đến chuyện yêu nhau mà chỉ quan hệ trên cơ sở bình đẳng tôn trọng lẫn nhau. Họ gọi nhau bằng anh, chị và xưng em hoặc tôi. Thời gian kết nghĩa của người quan họ có thể từ đời này sang đời khác hay có khi chỉ một vài năm. Địa điểm ca hát quan họ thường là ở sân nhà, trước cửa đình , cửa chùa,  dưới gốc đa, bên sườn đồi, trên thuyền, bến nước...

Quan họ rất phong phú về làn điệu. Các bài hát quan họ được sắp xếp theo các giọng đó là:

            - Giọng lề lối: Đây là giọng hát mở đầu, được diễn xướng với tốc độ chậm, nhiều luyến láy, nhiều tiếng đệm. Đôi lúc nhịp phách không rõ ràng, âm điệu thường ở âm khu thấp tầm cữ hẹp, ví dụ như các bài: Hừ la, Cây gạo, Tình tang, Cái ới cái ả...

            - Giọng sổng: Là giọng chuyển tiếp từ giọng lề lối sang giọng vặt. Ngoài chức năng nối giữa hai phần nó còn là tiêu đề cho sự phát triển khá độc đáo của hát quan họ. Giọng sổng với tính chất khoan thai mực thước nên có ảnh hưởng tới những giai điệu tiếp theo ở giọng vặt.

            - Giọng vặt: Là các giọng thuộc phần chính của buổi ca hát. Có thể nói tính chất nghệ thuật của quan họ được thể hiện rõ ở giọng này. Âm nhạc ngắn gọn, bố cục chặt chẽ, tiết tấu linh hoạt chứ không đơn điệu như ở giọng lề lối. Nội dung lời ca khá phong phú, số lượng bài bản tương đối nhiều. Ví dụ như các bài: Trống cơm, Qua cầu gió bay, Tương phùng – tương ngộ, Ngồi tựa mạn thuyền, 36 thứ chim...

            - Giọng giã bạn: Là giọng hát trước lúc chia tay. Số lượng bài bản ở giọng giã bạn không nhiều nhưng chất lượng nghệ thuật của các bài ở giọng này khá cao. Chủ đề chính của giọng này là tiễn biệt. Vì vậy giai điệu thường buồn, nhưng rất mặn nồng đắm say như tình cảm nhớ thương của các liền anh liền chị quan họ. Ví dụ như các bài: Người ở đừng về, Chuông vàng gác cửa tam quan, Kẻ bắc người nam, Chia rẽ đôi nơi, Con nhện giăng mùng...

Khi nghe hát quan họ, chúng ta thường có cảm nhận đặc biệt về loại hát dân ca này bởi tính chất âm nhạc trữ tình mượt mà đằm thắm. Họ mượn câu hát để bày tỏ tình yêu nhưng rất ý nhị, lời ca đầy chất thơ. Lối hát quan họ giàu tính kỹ thuật như: hát ngắt, lảy hạt (hay còn gọi là nhả hột), rung giọng, ngân nga, nhiều luyến láy. Ngoài ý thơ chính, lời ca của bài hát quan họ còn có nhiều từ phụ, tiếng đệm... tăng thêm vẻ ngọt ngào làm say đắm lòng người.

Một cuộc hát quan họ hay một canh hát bao giờ cũng có ba chặng. Chặng mở đầu thuộc về giọng lề lối, hát chừng mười bài giọng lề lối họ chuyển sang giọng sổng để vào chặng giữa,  các bài ở chặng giữa là ở giọng vặt, chặng cuối là giọng giã bạn.

 

             2. Quan họ Bắc Ninh trong đời sống xã hội

Quan họ Bắc Ninh vốn là một đặc sản của người dân Kinh Bắc. Đời sống của người dân nơi đây đã gắn liền với những làn điệu quan họ. Nói đến Bắc Ninh là nói đến quan họ, cũng như nói về nơi khởi đầu của quan họ thì người ta phải nói đến Bắc Ninh. Quan họ không chỉ là lời ca, câu hát mà quan họ còn là máu thịt của người dân Bắc Ninh. Từ khi sinh ra và lớn lên, mỗi người dân nơi đây ít nhiều cũng biết hát quan họ. Đó chính là điểm mạnh của tính lưu truyền. Trước đây, việc truyền dạy dân ca quan họ là trách nhiệm của thế hệ trước. Mỗi làng quan họ lại có bản sắc riêng và họ có nhiệm vụ truyền dạy quan họ cho con em mình. Ngày nay, bên cạnh việc truyền dạy mang tính địa phương như vậy, ở Bắc Ninh đã có cơ sở đào tạo nghệ sĩ hát quan họ chuyên nghiệp đó là trường “Trung cấp văn hóa nghệ thuật Bắc Ninh”, đồng thời ở Bắc Ninh cũng đã thành lập “Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh” chuyên biểu diễn quan họ phục vụ trong nước và quốc tế.  

            Ở Bắc Ninh, sinh hoạt ca hát quan họ được diễn ra thường xuyên. Khi nhắc đến ngày hội hát quan họ là nhắc tới hội Lim. Hội được mở trên đồi Lim, tên nôm của xã Lũng Giang, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh; nơi có chùa Lim thờ ông Trung Hiếu Hầu là người sáng lập ra tục hát quan họ. Hội Lim mở vào ngày 13 tháng giêng âm lịch hàng năm. Theo sách “Diễn xướng dân gian Việt Nam” của giáo sư Vũ Ngọc Khánh và Phạm Minh Thảo, vào ngày tổ chức hội lim, có một ông trùm hoặc bà trùm đứng ra làm “cơm quan họ” và sửa soạn chuẩn bị cho hát quan họ tại gia đình mình. Mờ sáng, các liền anh liền chị đến giúp gia chủ têm trầu, làm gà, thổi xôi rồi lên chùa chờ khách. Quan họ bạn mặc lễ phục ngày hội, đi thành từng nhóm tới chùa Lim. ở đây, quan họ chủ và khách vào lễ Phật rồi kéo về gia đình ông trùm tổ chức hát. Vào đến cổng, quan họ bạn cất tiếng hát mừng làng đầu năm, mừng nhà, mừng bạn. Quan họ chủ đứng giữa sân hát “đón nhời”, chúc và chào bạn. Quan họ chủ đỡ ô, đỡ nón cho quan họ bạn, đón quan họ bạn vào phản hoặc tràng kỷ rồi mời quan họ bạn xơi trầu, uống nước. Quan họ bạn liền hát đáp lời cảm ơn. Hát đến trưa thì cỗ bàn làm xong, quan họ chủ hát mời quan họ bạn ăn cơm, nâng chén. Quan họ bạn hát cảm ơn và hát mời quan họ chủ ngồi. Buổi chiều, mọi người cùng đi xem hội. ở đây, họ có thể hát với nhau đôi câu, thành từng đám. Nếu hợp thì hát tiếp, còn không hợp thì họ chào nhau rồi đi tìm bạn hát khác. Đến tối, cuộc hát quan họ lại tiếp tục ở nhà, các quan họ hát từ bài “Hừ la” giọng lề lối trở đi. Nửa đêm, họ tạm nghỉ xơi tiệc nước rồi lại hát tiếp tục đến sáng mới giải tán.

Cho tới nay, hằng năm cứ từ ngày mồng 4 tháng giêng âm lịch, các làng quan họ ở Bắc Ninh bắt đầu rộn ràng tiếng hát của các liền anh liền chị để chuẩn bị cho ngày hội quan họ. Những câu ca quan họ mộc mạc, nhưng rất trọng nghĩa tình giống như con người của vùng quê Kinh Bắc. Ngày 10 và 11 tháng giêng âm lịch, ở Bắc Ninh thường tổ chức những cuộc thi hát quan họ. Với các giọng hát quan họ trẻ các thí sinh phải thuộc trăm làn điệu, còn với các liền anh liền chị lớp trước, họ phải thuộc từ 150 làn điệu trở lên. Ngày mở hội, khách về dự hội Lim rất đông để được xem các liền anh liền chị hát quan họ, họ hát ở sau chùa, hát trên đồi, hát đối đáp từng cặp đôi, hát trên thuyền... Tuy nhiên trong những năm gần đây, hát quan họ tại hội Lim cũng có nhiều thay đổi. Chủ yếu mang tính chất biểu diễn chuyên nghiệp chứ không còn tính chất diễn xướng dân gian nên đã làm giảm đi bản sắc độc đáo của hát quan họ.

 

            3. Quan họ Bắc Ninh trong bối cảnh của âm nhạc Việt Nam đương đại

Cũng như nhiều nước trên thế giới, âm nhạc dân gian Việt Nam là nguồn cội để nền âm nhạc Việt Nam phát triển. Quan họ Bắc Ninh là một sinh hoạt văn hóa nghệ thuật đặc sắc của văn hóa dân gian Việt Nam. Cùng với thời gian, quan họ Bắc Ninh không còn chỉ bó gọn là “quan họ làng” mà đã lan tỏa tới khắp mọi miền của tổ quốc, thậm chí còn bay qua biên giới tới bè bạn năm châu. Việc giới thiệu truyền bá cho dân ca quan họ là rất nên làm, bởi chúng ta đã biết và có ý thức đến việc bảo tồn lưu giữ vốn cổ của dân tộc. Chúng ta cũng đã biết dùng vốn cổ đó để làm niềm tự hào cho nghệ thuật nước nhà. Trước kia, các liền anh liền chị quan họ chỉ được hát trong sinh hoạt của “quan họ làng”, còn nay, tiếng hát của họ đã được phát trên làn sóng đài phát thanh, trên làn sóng truyền hình- trên các phương tiện thông tin đại chúng. Quan họ không chỉ là các cuộc thi hát giữa các làng với nhau mà đã trở thành những cuộc thi hát dân ca tiêu biểu của đất Bắc, trở thành những làn điệu quen thuộc của người Việt Nam. Tuy vậy, chúng ta cũng cần mạnh dạn nhìn nhận lại một số vấn đề về việc bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca quan họ.

            - Thứ nhất: Về việc sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng

Khi còn là sinh viên lý luận âm nhạc của Nhạc viện Hà Nội, năm 1993, lớp chúng tôi đã được Nhạc viện cho đi thực tế tại làng Thị Cầu- Bắc Ninh để nghe một canh hát quan họ, 8 giờ tối chúng tôi đi bộ vào làng và được nghe các nghệ nhân hát. Người trẻ nhất cũng vào khoảng trên 50 tuổi. Thầy trò chúng tôi cứ thế nghe các cụ hát một cách say sưa các chặng hát quan họ cho đến nửa đêm mới nghỉ. Điều mà tôi muốn nói ở đây là các cụ hát thật, hát mộc không có micro. Đồng thời khi nghe các cụ hát ngồi trên phản không hề có một động tác diễn nào nhưng chúng tôi rất hiểu những ý tứ sâu xa của từng câu hát. Vì vậy, khi xem hát quan họ trên truyền hình, quan họ đã hoàn toàn khác. Người hát quan họ được dàn dựng động tác diễn, phối hợp với dựng hình dựng cảnh nên đã làm mất đi vẻ đẹp vốn có của nghệ thuật dân gian. Sử dụng phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền là rất tốt nhưng cũng không thể sử dụng một cách tùy tiện, làm méo mó, thay đổi cả nghệ thuật dân gian. Chính vì vậy mà giáo sư tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh, thầy của chúng tôi thường nói vui khi dạy chúng tôi học là phải phân biệt “quan họ của các cụ” chứ không phải “quan họ đài”.

            - Thứ hai: Về việc sử dụng âm nhạc quan họ, hát quan họ.

Ngày nay, ở hầu khắp các hiệu sách, chúng ta đều có thể tìm thấy những quyển: dân ca Việt Nam, Tuyển tập các bài hát dân ca quan họ Bắc Ninh... được ghi âm lại bằng các nốt nhạc trên 5 dòng kẻ. Đây quả thật là một công trình đáng quí và mất nhiều công sức mà lâu nay các nhà nghiên cứu âm nhạc, các nhạc sĩ đã dày công sưu tầm, ghi âm và biên soạn. Dân ca quan họ đã trở nên phổ cập hơn một phần do sự xuất hiện của các loại sách nhạc quan họ kể trên. Tuy nhiên, mặt hạn chế của sách nhạc này là khi viết dân ca quan họ bằng nốt nhạc thì thực tế họ mới chỉ ghi lại một cách tương đối chứ chưa thể hiện được những âm thanh trầm bổng, những quãng non, già, những chữ rung, nhấn, luyến, láy của bài dân ca mà các cụ hát. Đồng thời mỗi người hát quan họ dù là cùng hát một bài nhưng vẫn có sự khác nhau trong cách hát, trong sự thể hiện bài hát…

Về lối hát quan họ hay có thể gọi là kỹ thuật hát quan họ như đã trình bày ở phần trên là một lối hát đặc biệt. Bởi khi hát, các liền anh liền chị quan họ phải hát lảy hạt, rung giọng... Còn khi các nghệ sĩ biểu diễn bài dân ca quan họ, họ lại sử dụng kỹ thuật thanh nhạc với lối hát Belcato thì thực sự chưa thể hiện được sự thâm thúy, tinh tế của dân ca quan họ Bắc Ninh. Các liền anh liền chị quan họ trước kia hát quan họ không nhạc đệm, còn nay, các bài hát quan họ được biểu diễn với nhạc cụ dân tộc đệm cũng ít nhiều đã làm mất đi vẻ tự nhiên của ca hát quan họ. Mặt khác, việc sử dụng khai thác chất liệu dân ca quan họ Bắc Ninh trong sáng tác của các nhạc sĩ Việt Nam đương đại cũng là vấn đề cần được quan tâm. Thiết nghĩ, các nhạc sĩ cũng không nên quá lạm dụng khi biến tấu dân ca để viết theo cái gọi là “phong cách nhạc mới”. Bởi vì bản thân dân ca quan họ đã có sức sống và sức thu hút riêng, nên đôi khi cải biến nó chỉ làm nó biến dạng, hay nói vui là như một cơ thể không còn được lành lặn nữa thôi.  Tôi chợt nhớ tới một bộ phim mà tôi đã xem trên làn sóng đài truyền hình Việt Nam, phim âm nhạc của Trung Quốc với tiêu đề “Bản nhạc Mùa xuân”. Bộ phim nói về cuộc đời của một nhạc sĩ sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp. Khi ông sáng tác vở nhạc kịch với đề tài cổ “ hoa Mộc lan”, lúc đầu ông đã giao vai Mộc Lan cho giọng hát soprano kinh điển thể hiện, trong khi ý đồ sáng tác của ông là viết nhạc kịch theo kiểu kinh kịch. Tác phẩm đã không thành công ngay từ lúc tập, vì lối hát thanh nhạc Belcato không thể hiện được màu sắc cũng như tính chất âm nhạc mà ông muốn. Sau đó, ông đã đi tìm một nghệ sĩ hát kinh kịch, người thường hát vai “Mộc Lan” để diễn tác phẩm của ông và hát theo kiểu kinh kịch thì tác phẩm đã thành công rực rỡ. Điều đó cho thấy tác phẩm âm nhạc đương đại thành công cũng vẫn phải dựa trên cơ sở của nền tảng âm nhạc cổ truyền dân tộc, đồng thời người nhạc sĩ khai thác âm nhạc cổ truyền dân tộc cũng phải biết cách sử dụng nó, phải có sự rung động và hiểu về âm nhạc cổ truyền của đất nước mình một cách nghiêm túc thì mới tạo nên những tác phẩm hay, mang ý nghĩa kế thừa và phát huy nền âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Nên chăng, các nhạc sĩ sáng tác đương đại Việt Nam cũng cần có định hướng cho việc lưu truyền, bảo vệ âm nhạc cổ truyền Việt Nam chứ đừng chỉ coi trọng xu hướng viết nhạc mới theo kiểu ngoại lai và coi nhạc cổ truyền dân tộc là nhạc “âm lịch” thì thật đáng buồn.

              Thứ ba: Về công tác giáo dục- đào tạo.

              Ngoài trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Bắc Ninh là nơi đào tạo nghệ sĩ hát quan họ chuyên nghiệp, thì hiện nay trong các trường nghệ thuật chuyên nghiệp cũng như các trường có đào tạo ngành âm nhạc đều giảng dạy môn hát dân ca, trong đó có dạy hát quan họ. Qua thực tế làm công tác giảng dạy âm nhạc, chúng tôi thấy thường là khi dạy hát dân ca nói chung, dân ca quan họ nói riêng, các thầy - cô giáo mới chỉ dạy học sinh hát đúng nhạc bài dân ca, còn chưa cung cấp cho học sinh – sinh viên những hiểu biết về nghệ thuật thể hiện, về cách trình diễn... do đó người học chỉ biết hát các bài dân ca còn nói về sự hiểu biết để phân biệt các loại hình dân ca nói chung, có sự hiểu biết về dân ca quan họ Bắc Ninh nói riêng thì rất it ỏi. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn đổi mới dạy học hát dân ca trong các trường âm nhạc chuyên nghiệp, trong hệ thống giáo dục phổ thông để góp phần phổ cập dân ca Việt Nam trong đó có quan họ Bắc Ninh một cách toàn diện hơn.

Với kiến thức còn hạn chế, bài viết chắc chắn sẽ có nhiều khiếm khuyết, kính mong các nhà khoa học chỉ bảo thêm.