Nội san

Âm nhạc cổ truyền trong sự phát triển cùng thời đại

02 Tháng Năm 2007

ÂM NHẠC CỔ TRUYỀN

TRONG SỰ PHÁT TRIỂN CÙNG THỜI ĐẠI

 

  TSKH. Phạm Lê Hòa

 

1.    Đối với mỗi dân tộc trên thế giới, âm nhạc cổ truyền bao giờ cũng giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Đó là di sản vô cùng quí báu/tinh hoa sáng tạo nghệ thuật của bao thế hệ tiền nhân/cơ sở cho sự phát triển nền văn hóa âm nhạc của một dân tộc trong tương lai. Khi nhìn nhận vấn đề này bao giờ tôi cũng cảm thấy may mắn được sinh ra trên một đất nước mà các thế hệ cha anh đã từ lâu luôn coi trọng những di sản văn hoá của ông bà để lại. Và các thế hệ cha anh chúng ta đã bằng trí tuệ và sức lực của mình tiếp tục tạo dựng khuôn diện một nền âm nhạc mới cách mạng Việt Nam trên cơ sở những âm điệu của âm nhạc truyền thống. Những điều này tưởng chừng như đơn giản bởi chúng ta hàng ngày được sống trong một không gian văn hóa như vậy. Nhưng đối với không ít dân tộc trên thế giới đây là cả một vấn đề lớn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tìm tòi con đường phát triển của nền âm nhạc truyền thống nước mình. Nhất là trong thời đại hiện nay, thời đại của công nghệ thông tin, thời đại mà nền kinh tế nước ta được xác định là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thời đại mà toàn cầu hóa đã được Đảng ta khẳng định là một tất yếu của lịch sử phát triển xã hội loài người, thì vấn đề bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia càng giữ vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Chính văn hóa là “tấm hộ chiếu” của mỗi dân tộc trong sự hội nhập/giao lưu với thế giới. Và hoàn toàn chính xác khi có người cho rằng văn hóa chính là biểu tượng chứng tỏ sự tồn tại của một dân tộc.

Vì vậy, có thể một lần nữa khẳng định: phát triển âm nhạc truyền thống là một vấn đề mang tính sống còn đối với nền văn hóa âm nhạc của một dân tộc. Điều đó cũng có nghĩa: “Phát triển âm nhạc truyền thống - ý nghĩa văn hóa và thành tựu nghệ thuật” là một ý tưởng hay/sự cần thiết để có một định hướng đúng đắn cho phát triển của âm nhạc truyền thống trong tương lai.

2.    Đối với lịch sử âm nhạc thế giới, âm nhạc truyền thống được nhìn nhận như một khái niệm gồm 2 thành tố: âm nhạc dân gian và âm nhạc chuyên nghiệp. Vì những lý do nhất định, trong nhiều năm qua, khái niệm âm nhạc truyền thống Việt Nam được nhiều người cho là đồng nghĩa với âm nhạc dân gian Việt Nam. Điều này cũng có lý khi ở Việt Nam, cùng tiến trình lịch sử, âm nhạc dân gian thực sự gần gũi với đông đảo người dân lao động và giữ vai trò quan trọng trong đời sống âm nhạc. Nhưng nếu chỉ nhìn nhận như vậy, chúng tôi sợ sẽ là một thiếu sót khi nói một cách đầy đủ về bức tranh tổng thể của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Bởi như trên đã trình bày: âm nhạc dân gian Việt Nam chỉ là một từ những thành tố cấu thành của khái niệm âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy điều đó cũng phản ánh một thực trạng là hiện nay ở Việt Nam, việc sử dụng các thuật ngữ âm nhạc trong nhiều trường hợp còn chưa được thống nhất, tất nhiên ở một mức độ tương đối, trong giới những người làm công tác nghiên cứu-lý luận âm nhạc Việt Nam. Chính sự không thống nhất về phương diện khái niệm các thuật ngữ âm nhạc cùng với thói quen không khái niệm các thuật ngữ được sử dụng khi cần thiết đã tạo cho môi trường lý luận âm nhạc những bất cập nhất định lúc luận bàn/kiến giải các vấn đề lý luận của nghệ thuật âm nhạc. Có lẽ cũng đã quá đến lúc những người làm công tác âm nhạc cần có một sự thống nhất dù ở mức độ tương đối các khái niệm cơ bản của nghệ thuật âm nhạc. Hay ít ra, khi chưa có sự thống nhất các khái niệm lý luận âm nhạc thì cần hình thành thói quen khái niệm các thuật ngữ chuyên biệt khi sử dụng.

3.    Để 'phát triển âm nhạc truyền thống', theo chúng tôi, trước hết cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn các giá trị văn hóa âm nhạc truyền thống. Trong nhiều chục năm vừa qua, giới những người làm công tác âm nhạc (các nhạc sĩ sáng tác, các nhà nghiên cứu/lý luận, các nhạc sĩ biểu diễn . . .), đặc biệt nhiều thế hệ nhạc sĩ/các nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu âm nhạc đã rất cố gắng và đạt được nhiều thành tựu trong việc sưu tầm/bảo tồn âm nhạc dân gian các dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, một hiện tượng âm nhạc dân gian bao giờ cũng tồn tại trong không gian văn hóa của nó. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc không thể nghiên cứu một hiện tượng âm nhạc dân gian chỉ là nghiên cứu thuần tuý về phương diện các âm thanh của hiện tượng âm nhạc dân gian đó. Nghiên cứu âm nhạc dân gian phải là nghiên cứu một cách đầy đủ/toàn diện những thành tố cấu thành trong không-thời gian tồn tại của hiện tượng văn hóa âm nhạc dân gian đó. Chính vì vậy, theo chúng tôi, ngay trong khi sưu tầm để bảo tồn âm nhạc dân gian cũng đã đòi hỏi ở nhà sưu tầm những tư duy ở một mức độ cao của người làm công tác nghiên cứu âm nhạc. Chỉ có như vậy, người sưu tầm mới có thể hiểu rõ và bảo tồn một cách hiệu quả nhất những giá trị đích thực mang tính bản chất của hiện tượng văn hóa âm nhạc dân gian.

Tóm lại, nghiên cứu âm nhạc dân gian phải là sự nghiên cứu đồng thời dưới nhiều giác độ khác nhau/nghiên cứu mang tính chất liên ngành, bởi một hiện tượng âm nhạc dân gian luôn mang trong nó thuộc tính tổng thể nguyên hợp của một hiện tượng văn hóa dân gian.

4.    Trong thực tế của công tác lý luận âm nhạc có những ý kiến rất khác nhau về phương thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa âm nhạc truyền thống Việt Nam. Mỗi nhóm ý kiến chắc chắn là có những lý do/những cơ sở lý luận khác nhau xuất phát từ thực tiễn của công tác bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống nhiều năm qua. Phải nhìn nhận rằng những tác giả của các nhóm ý kiến khác nhau đó đã rất có lý khi đặt vấn đề và kiến giải quan điểm của nhóm mình về tương lai của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Điều này không có gì lạ với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trên thế giới nhiều thế kỷ qua. Những tìm tòi/những tranh luận/những thể nghiệm về một hướng đi hữu hiệu cho việc phát triển âm nhạc truyền thống là điều luôn tồn tại. Chính vì vậy, dù không phải là người chủ trương chung hòa giữa hai nhóm ý kiến đó, tôi vẫn cho rằng cần phải có sự kết hợp giữa hai quan điểm đó cùng sự tiếp thu một cách có chọn lọc kinh nghiệm công tác này trên thế giới trong từng trường hợp cụ thể.

Nhưng trước hết, phải gấp rút sưu tầm, lưu giữ những giá trị giá trị văn hóa âm nhạc truyền thống đang có nguy cơ ngày càng mai một trong sinh hoạt âm nhạc truyền thống. Đây là một công việc vô cùng quan trọng bởi thời đại chúng ta đang sống là thời đại mang trong nó những tiêu chí mới của giá trị cuộc sống xã hội loài người. Đó là một thời đại mang tính phát triển cao, thời đại của sự giao lưu và hội nhập giữa các nền văn hóa, với nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trên toàn thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng. Chính vì vậy, việc nhanh chóng bảo tồn một cách hệ thống ở tầm nhìn chiến lược đang là vấn đề nóng bỏng/là cơ sở cho sự phát triển của âm nhạc truyền thống trong tương lai.

Tuy nhiên, một hiện tượng âm nhạc dân gian cũng như một hiện tượng văn hóa dân gian không tồn tại một cách độc lập mà nó luôn chịu tác động mạnh mẽ của không-thời gian mà nó tồn tại. Sự giao lưu giữa các vùng văn hóa luôn là điều hiện hữu trong thế giới của chúng ta. Chính vì vậy, hiện nay trên thế giới luôn đồng hành nhiều quan điểm khác nhau về cách bảo tồn các hiện tượng văn hóa dân gian nói chung, âm nhạc dân gian nói riêng. Ngay thẩm mỹ của con người cũng thay đổi cùng không-thời gian. Vì vậy, việc bảo tồn trong phát triển các giá trị âm nhạc truyền thống cũng đang là một hướng để phát triển âm nhạc truyền thống cần được nghiên cứu cẩn thận/khoa học để có thể tiến hành trong những trường hợp có thể.

Điều đó cũng có nghĩa, trước khi sử dụng phương pháp nào để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa âm nhạc cũng cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm được phương pháp phù hợp.

5.    Phát triển âm nhạc truyền thống trong công tác đào tạo là một vấn đề lớn và phức tạp. Đã nhiều năm Nhạc viện Hà Nội (Trường âm nhạc Việt Nam trước đây) có khoa âm nhạc truyền thống và đào tạo được nhiều thế hệ các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ truyền thống với những thành công vang dội trong nước và trên thế giới. Các nghệ sĩ đã có nhiều công sức trong việc truyền bá những âm hưởng dân gian Việt Nam đến với bàu bạn thế giới. Những thành công của Khoa âm nhạc truyền thống Nhạc viện Hà Nội nhiều năm qua là điều đã được khẳng định.

Một số nhạc sĩ có lý khi cho rằng việc dùng lối ký âm 5 dòng kẻ thay thế cho chữ nhạc cổ truyền là không thể ký âm đúng những âm thanh vốn mang tính bản chất của âm nhạc truyền thống. Tôi nhớ vào năm 1961 Ali-Nagy Vadiri, nhà hoạt động âm nhạc nổi tiếng, tác giả của nhiều công trình lý luận âm nhạc người Iran, trong một cuộc Hội thảo khoa học về âm nhạc ở Iran đã có tham luận dưới tiêu đề: “Ký âm trên khuông nhạc 5 dòng kẻ: phương tiện bảo tồn hay sự phá huỷ âm nhạc dân gian, theo truyền thống không thể ghi được”.

Phải nhìn nhận vấn đề ký âm trong âm nhạc truyền thống vốn chưa bao giờ là đơn giản trong lịch sử phát triển âm nhạc thế giới nhiều nghìn năm qua. Và cho đến hôm nay cũng vậy, phương pháp ký âm bao giờ cũng là vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu/lý luận âm nhạc quan tâm. Nhiều nhà nghiên cứu/sưu tầm trong các công trình của mình đã sáng tạo ra nhiều phương pháp ký âm mới với hy vọng có thể ký âm chính xác nhất những âm thanh của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Song rất tiếc cho đến hôm nay vẫn chưa có một phương pháp ký âm được đông đảo các nhà nghiên cứu chấp nhận.

Tuy nhiên, một điều mà cho đến hiện nay, theo chúng tôi, có thể lấy làm cơ sở cho các cách ký âm là dựa trên khuông nhạc 5 dòng kẻ với những ký hiệu bổ sung để có thể ghi lại chính xác hơn những âm thanh cần ghi lại. Cách làm này cũng không thể ký âm chính xác hoàn toàn các âm thanh của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Song cũng là một điều kỳ diệu khi ở thời đại của chúng ta, bằng các phương tiện ghi âm và ghi hình hiện đại, chúng ta có thể ghi lại một cách trung thực những âm thanh của âm nhạc truyền thống. Vì vậy, theo chúng tôi, để bảo tồn các di sản văn hóa âm nhạc truyền thống cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để có thể lưu giữ lại một cách trung thực nhất các giá trị âm nhạc cho công tác nghiên cứu/đào tạo sau này.

Điều đó cũng đặt ra một đòi hỏi cho phương pháp giảng dạy âm nhạc truyền thống ở các Nhạc viện: gắn chặt hơn nữa với không-thời gian của những làn điệu mang tính bản sắc của văn hóa truyền thống Việt Nam. Hay nói cách khác, người thày/người nghệ sỹ biểu diễn/nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống cần phải luôn trang bị cho mình tri thức phong phú của nhiều ngành khoa học hữu quan.

6.    Phát triển âm nhạc truyền thống - ý nghĩa văn hóa và thành tựu nghệ thuật” là một vấn đề khoa học có vị trí và vai trò rất quan trọng trong một thời đại đầy thuận lợi và thách thức như chúng ta đang sống. Vấn đề đặt ra là rất lớn chắc chắn đòi hỏi những người làm công tác nghiên cứu âm nhạc, các cơ quan quản lý văn hóa âm nhạc phải tiếp tục có những giải pháp hữu hiệu mang tính khả thi cao. Đó luôn là điều rất khó mang tính trách nhiệm cao của những người làm công tác âm nhạc. Nhưng với nhiệt tình và ý thức trách nhiệm của nhiều thế hệ nhạc sĩ trong thời gian vừa qua, chúng tôi tin rằng việc phát triển âm nhạc truyền thống trong thời gian tới sẽ thu được nhiều thành công rực rỡ.