Tin tức

Truyền thông giáo dục: Chủ động kết nối

21 Tháng Sáu 2018

Đẩy mạnh công tác truyền thông được ngành Giáo dục coi là một trong 5 giải pháp trọng tâm thực hiện nhiệm vụ năm học. Thời gian qua, công tác này đã thể hiện được vai trò, vị trí quan trọng trong việc chuyển tải các chính sách, chủ trương, định hướng của ngành, cũng như định hướng được dư luận về các vấn đề về GD-ĐT, quan tâm việc xử lý thông tin, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Truyền thông chủ động

Luôn trong tâm thế chủ động là điều tạo nên hiệu quả rõ rệt cho công tác truyền thông về GD-ĐT. Các vấn đề trọng tâm của ngành luôn được đội ngũ làm truyền thông, từ Văn phòng Bộ GD&ĐT, Văn phòng Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục tuyên truyền theo hướng chủ động gặp gỡ, trao đổi trước nhằm cung cấp thông tin, định hướng dư luận; phối hợp xử lý trả lời các vụ việc với nhiều hình thức đa dạng.

Đồng thời đẩy mạnh công tác phân tích và xử lý thông tin; chủ động sản xuất chương trình và viết tin, bài để truyền thông. Báo Giáo dục và Thời đại - một kênh truyền thông chính thống của Bộ GD&ĐT - cũng vào cuộc mạnh mẽ trong việc này.

Hiệu quả truyền thông cũng đến từ sự kết nối chặt chẽ giữa Văn phòng Bộ GD&ĐT, Văn phòng Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục trong thực hiện nhiệm vụ truyền thông. Quy trình tiếp nhận, phối hợp và xử lý thông tin, xử lý khủng hoảng truyền thông cũng vì thế đi vào nền nếp và có hiệu quả.

Năm học 2017 - 2018, một số vụ việc tại địa phương được báo chí phản ánh, song với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, ban, ngành tại địa phương nên những vụ việc này được giải quyết kịp thời, thấu đáo và dư luận xã hội đánh giá cao. Nhiều Sở GD&ĐT đã chủ động đưa nội dung truyền thông trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tiêu chí bắt buộc để xét thi đua trong năm học.

Có thể nói, công tác truyền thông đã giúp dư luận hiểu hơn về giáo dục, thấy được rõ hơn những nỗ lực của ngành trong thời gian qua, cũng như những nhiệm vụ sẽ triển khai trong thời gian tới. Đồng thời, tăng cường công tác phản biện xã hội để kịp thời điều chỉnh chính sách, điều chỉnh công tác quản lý, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và các cấp quản lý giáo dục.

Cán bộ truyền thông giáo dục phủ 63 tỉnh/ thành

Hiện nay, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, khoảng 90% các Sở GD&ĐT kết nối và hoạt động hiệu quả qua Cổng thông tin điện tử của Sở GD&ĐT đến các trang web của các Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn. 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập được bộ phận hoặc cử cán bộ chuyên trách phụ trách về công tác truyền thông. Cán bộ đầu mối phụ trách truyền thông của các Sở GD&ĐT đều là Chánh Văn phòng hoặc Phó Chánh Văn phòng.

Bộ phận truyền thông và cán bộ đầu mối phụ trách truyền thông của các Sở GD&ĐT là đầu mối liên hệ trực tiếp với Trung tâm Truyền thông giáo dục của Văn phòng Bộ để triển khai công tác truyền thông từ Bộ về địa phương, kịp thời xử lý khi có vấn đề phát sinh, đảm bảo công tác truyền thông trong nội bộ ngành thông suốt và kịp thời.

Nhận định của Văn phòng Bộ GD&ĐT, hầu hết cán bộ phụ trách truyền thông của các Sở GD&ĐT đều đã kết nối với Trung tâm Truyền thông giáo dục để trao đổi và cung cấp thông tin. Nhiều thông tin “nóng” đã được phối hợp xử lý nhanh, kịp thời.

Các Sở GD&ĐT tiếp tục củng cố mạng lưới đội ngũ truyền thông của ngành Giáo dục, từ Sở GD&ĐT đến Bộ GD&ĐT và các địa phương; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền; chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; thường xuyên viết bài phản ánh gương điển hình nhà giáo, học sinh, sinh viên, phụ huynh có những đóng góp cho sự phát triển GD-ĐT...

Điển hình như tại Lào Cai, Văn phòng Sở GD&ĐT phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh mở 3 chuyên mục về giáo dục phát sóng hằng ngày/tuần. Trong năm có trên 1.000 tin bài, phóng sự của các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương đưa tin về giáo dục Lào Cai, trong đó có nhiều bài viết, phóng sự có giá trị góp phần tuyên truyền, cổ vũ cho phong trào dạy và học; đồng thời, góp phần làm chuyển biến nhận thức của các cấp lãnh đạo và nhân dân về sự nghiệp giáo dục của tỉnh và cả nước, không có hiện tượng bức xúc trong dư luận về GD-ĐT trên địa bàn.

Phân cấp mạnh hơn trong thực hiện truyền thông giáo dục

Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông giáo dục được Văn phòng Bộ GD&ĐT coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác văn phòng năm học 2018 - 2019. Trong đó nhấn mạnh cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ GD&ĐT và các Sở GD&ĐT, thực hiện phân cấp mạnh hơn nữa để mỗi địa phương tự thấy được vai trò, trách nhiệm với công tác truyền thông.

Thực hiện nhiệm vụ này, Văn phòng Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng các Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch truyền thông chung cho năm học, kế hoạch truyền thông chi tiết cho từng vấn đề cụ thể. Xây dựng kịch bản cho từng vấn đề lớn cần truyền thông của ngành.

Văn phòng Bộ là đơn vị đầu mối tổ chức tập huấn cán bộ truyền thông các Sở GD&ĐT. Rà soát tình hình báo chí hàng ngày cập nhật thông tin, cùng xử lý các vấn đề “nóng” mà dư luận quan tâm. Phối hợp biên tập các bài viết tuyên truyền về GD-ĐT, các tấm gương sáng, điển hình của địa phương, biên tập đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, của Sở GD&ĐT và các báo đài khác.

Văn phòng các Sở GD&ĐT được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch truyền thông về GD-ĐT. Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, tham mưu với lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Sở GD&ĐT quan tâm truyền thông những vấn đề trọng tâm của ngành. Chủ động viết bài phản ánh về các hoạt động GD-ĐT; cung cấp thông tin giới thiệu nhân tố điển hình, hoạt động đổi mới, sáng tạo, tấm gương người tốt, việc tốt của địa phương...

Năm học 2017 - 2018, ngành Giáo dục đã thực hiện truyền thông tích cực về Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ; Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học... Tổng hợp, dự báo, tham mưu xử lý các vấn đề về truyền thông, các vấn đề có thể xảy ra khủng hoảng truyền thông. 

(Nguồn: http://giaoducthoidai.vn-Nguyễn Nhung)