Nội san

Lễ hội đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn - nét văn hóa đặc sắc bên bờ Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long

03 Tháng Bảy 2018

                                                                   Nguyễn Thị Hồng Hạnh [*]

                                                                                                                  

Lễ hội đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn là một trong những lễ hội mang nét đặc sắc riêng của vùng đất Quảng Ninh. Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn thường được tổ chức vào ngày 24/3 âm lịch. Lễ hội được phục dựng gắn với Lễ hội Du lịch Hạ Long nhằm nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân, ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau lòng tự hào về quê hương đất nước. Tuy nhiên, lễ hội đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn còn hạn chế về nội dung, hình thức chưa được khai thác tối đa các giá trị văn hoá và lịch sử. Do đó, cần phải nghiên cứu, tìm hiểu về công tác quản lý lễ hội để đưa lễ hội trở thành một sản phẩn du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách gần xa.

Đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn - người con trai cả của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - được hình thành từ cuối thế kỷ XIII. Năm Quý Sửu 1913, đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được trùng tu lại, trong văn bia tại đền có ghi: “Xét thấy nơi đây (núi Bài Thơ) sơn thuỷ hữu tình, đền đài tráng lệ quả là nơi linh thiêng đệ nhất thiên hạ mà ai nấy phải tôn kính, nay chúng tôi (các chủ thuyền) từ xa xôi ngàn dặm đến đây, vượt qua bao sông, bao biển nếu không nhờ cậy vào sức phù giúp của Đại Vương thì làm sao được như thế, nhưng vì ngôi đền cổ xưa bị gió dập, mưa vùi mà thấy bùi ngùi không nguôi, tôi họp các bạn thuyền cùng đồng tâm hiệp lực xây lại ngôi đền cổ để việc phụng thờ Thần được lâu dài...”.

Đây là một ngôi đền đẹp, linh thiêng, nằm trong Cụm Di tích Lịch sử - Văn hoá và Danh thắng núi Bài Thơ. Quần thể di tích của hội gồm có khu vực đền với một mái đình và bốn cây đa cổ thụ nhưng hiện nay chỉ còn hai cây. Đây là khu vực cử hành lễ tạ ơn các vị thần linh và cầu mong đạt được ước vọng của người dân.

Đến lễ hội du khách được thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh với các nghi lễ: lễ Mộc dục (rước đuốc thiêng; tắm tượng); lễ Bạch văn khai hội và rước đuốc thiêng quanh Đền; lễ rước Đức Ông từ đền Đức Ông (phường Hồng Gai) ra đường Lê Thánh Tông - đến chùa Long Tiên - đi đến cột Đồng Hồ, qua vòng xuyến - rẽ vào đườ̀ng 25/4 - đi thẳ̉ng đến đoạn giao giữa hai đườ̀ng 25/4 và Lê Thánh Tông - rẽ vào đường Bến Đoan - hồi cung đền Đức Ông.

Tại đây, du khách cũng được hòa mình vào tất cả các trò chơi dân gian trong phần hội như: thi cờ người, đẩy gậy, kéo co và tổ chức biểu diễn văn nghệ tại sân Cung Văn hoá Lao động Việt Nhật.

Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn là sự kiện lớn của người dân thành phố Hạ Long để tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân công đức của vị tướng Trần Quốc Nghiễn đối với cộng đồng, dân tộc. Lễ hội còn là dịp con người được trở về với nguồn cội tự nhiên hay nguồn cội của dân tộc đều có ý nghĩa thiêng liêng trong tâm trí mỗi người. Lễ hội không chỉ có người dân trong phường Hồng Gai tham gia mà cả khách thập phương đều đến thể hiện sự tôn sùng và thành kính mong muốn vị thần dân làng đang thờ che chở bảo vệ, ban phúc lộc cho họ trong cuộc sống hàng ngày. Tham gia vào lễ hội, con người sẽ cảm thấy vừa thiêng liêng, vừa trang nghiêm, cởi bỏ những lo toan của cuộc sống đời thường…

Từ những giá trị của lễ hội đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn người dân Thành phố đã ý thức được trách nhiệm trong công cuộc bảo vệ di tích, đi đôi với phát triển kinh tế du lịch, tạo điều kiện cho một bộ phận nhỏ cộng đồng cư dân nơi đây được ấm no, hạnh phúc.

Để quản lý lễ hội đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn một cách khoa học, thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, giải trí của người dân và phát huy hết được tài sản văn hóa vô giá bên bờ Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long là việc làm hết sức quan trọng. Chính vì vậy, ban chỉ đạo, ban tổ chức lễ hội cần quan tâm thực hiện một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý lễ hội đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn như sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích và lễ hội.

Để bảo tồn lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn, các cấp chính quyền thành phố cần tiếp tục quan tâm nghiên cứu, phục dựng hoàn toàn các nội dung, chương trình, những giá trị của lễ hội trước khi bị mai một, hoàn thiện, nâng cao các giá trị đã và đang phục dựng lại; đồng thời tiến hành sưu tầm, chụp ảnh các tư liệu viết bằng chữ Hán Nôm, chữ quốc ngữ như sắc phong, các bài văn cúng tế, những bài ca dao, tục ngữ, các di vật, cổ vật liên quan đến lễ hội là phương thức bảo tồn một cách hữu hiệu các giá trị trong lễ hội. Bên cạnh đó, cần có chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân dân gian, để họ có điều kiện cống hiến tài năng, trí tuệ và kinh nghiệm cho phường, truyền dạy những kiến thức, kỹ năng mà họ tích luỹ được trong quá trình tổ chức lễ hội trước đây cho thế hệ trẻ.

Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng để mọi người hiểu được giá trị lịch sử - văn hóa của lễ hội. Cần làm cho mỗi người dân hiểu rõ được những giá trị, bản sắc riêng của lễ hội truyền thống ở chính làng xã của mình, để từ đó có ý thức và trách nhiệm cao trong việc trực tiếp tham gia vào các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc lễ hội của quê hương mình.

Thứ hai, tăng cường quản lý dịch vụ, môi trường, trật tự an toàn trong lễ hội: cần có phương án quy hoạch khu dịch vụ quanh đền Đức ông, không để cho người dân tự phát, lấn chiếm hành lang, vỉa hè để làm kinh doanh nhỏ lẻ như: bán nước chè, hàng ăn, hương nến,… dọc tuyến đường chính vào khu vực di tích nơi diễn ra lễ hội.

Thực hiện việc đăng ký, kiểm duyệt, cam kết giữa các chủ cơ sở kinh doanh với chính quyền và ban tổ chức lễ hội nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham dự lễ hội, thụ hưởng các dịch vụ phục vụ lễ hội với chất lượng cao. Đồng thời phòng Y tế thành phố cần tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm,hànghóavănhóaphẩmkinhdoanhtronghội;cóbảnggiániêm yết các mặt hàng tránh tình trạng lợi dụng khách đông để chèn ép khách.

Thứ ba, chú trọng đào tạo, phát huy nguồn nhân lực. Trước hết cần đào tạo cán bộ văn hóa ở phòng Văn hóa - Thông tin và cán bộ văn hóa hai phường Hồng Gai, Bạch Đằng phải am hiểu về đền Đức ông và lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn cũng như các kiến thức chung khác. Để cán bộ văn hóa nhiệt huyết, dốc tâm sức tổ chức lễ hội thì các nhà quản lý cũng cần có chính sách ưu đãi, ngoài chế độ được hưởng lương từ ngân sách của Nhà nước cần bồi dưỡng cho những người tham gia ban tổ chức, những người có trách nhiệm trong việc quản lý lễ hội, hay những người tham gia phục vụ trực tiếp lễ hội.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm trong lễ hội. Đối với công tác tổ chức lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn, công tác thanh tra của ngành cũng tập trung việc chấp hành các quy định, chính sách của Nhà nước về tổ chức lễ hội; hoạt động kinh doanh, các vấn đề về đảm bảo môi trường, an ninh trật tự và kiểm tra hoạt động dịch vụ thể dục, thể thao, tổ chức giải thi đấu. Song song với công tác thanh tra, kiểm tra thì công tác thi đua khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội cần được làm thường xuyên. Trong công tác thi đua khen thưởng cũng phải xây dựng được định mức khung khen thưởng, minh bạch, rõ ràng tránh bệnh thành tích.

Thứ năm, nâng cao vai trò của cộng đồng trong quản lý lễ hội. Trong lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vai trò chủ thể của cộng đồng trong tổ chức lễ hội chưa được coi trọng, người dân chưa được tham gia, được trao quyền vào các quá trình tổ chức lễ hội do đó cần nâng cao vai trò của nhân dân địa phương đặc biệt là nhân dân hai phường Hồng Gai, Bạch Đằng trong tuyên truyền về lễ hội; đẩy mạnh việc trang bị nền tảng kiến thức văn hóa lễ hội cho người dân, nhất là việc thông tin, giảng giải về giá trị, ý nghĩa, các biểu tượng của lễ hội cổ truyền. Qua đó, biến mỗi người dân thành một tuyên truyền viên cho lễ hội truyền thống của địa phương.

Thứ sáu, quản lý lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn gắn liền phát triển kinh tế du lịch địa phương. Hạ Long là thành phố du lịch có di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Hiện nay, các cấp chính quyền địa phương còn tập trung phát triển du lịch tâm linh. Để có thể đưa lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn theo hướng phát triển du lịch tâm linh trước hết cần quan tâm đến việc xây dựng hoàn thiện quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản và quy hoạch phát triển du lịch cùng các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tại di tích. Các hoạt động phát triển, dịch vụ du lịch nhà nước và cộng đồng cần được thực hiện theo đúng quy hoạch và đúng luật; tăng cường công tác quản lý để bài trừ những hoạt động biến tướng làm xấu đi hình ảnh và ý nghĩa của lễ hội.

Trong bài viết, tác giả đã đưa ra một số giải pháp nhằm quản lý tốt hơn nữa lễ hội đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn để đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách, đồng thời làm cho lễ hội trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Đương nhiên để khai thác các tiềm năng, lợi thế và vượt qua các thách thức đang đặt ra nhằm phát triển du lịch, ngoài sự nỗ lực của địa phương, còn cần sự hỗ trợ, đầu tư của tỉnh Quảng Ninh, của trung ương cũng như của các đơn vị kinh doanh du lịch trong và ngoài nước.

Tài liệu tham khảo

  1. Hồ Hoàng Hoa (1998), Lễ hội một nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  2. Hoàng Giáp (2000), Bài viết Trần Quốc Nghiễn và đền thờ ông ở núi Bài Thơ, Báo Quảng Ninh.
  3. Phạm Thị Thanh Quy (2009), Quản lý lễ hội cổ truyền hiện nay, Nxb Lao động, Hà Nội.
  4. Dương Văn Sáu (2004), Lễ hội Việt Nam trong sự phát triển du lịch, Trường Đại học Văn hoá, Hà Nội.
  5. Bùi Hoài Sơn (2009), Quản lý lễ hội truyền thống của người Việt, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
  6.  Bùi Hoài Sơn (2009), Quản lý lễ hội truyền thống của người Việt ở châu thổ Bắc Bộ từ năm 1945 đến nay, Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
  7. Nguyễn Phương Thảo, Văn hóa vùng biển đảo Quảng Ninh qua các Lễ hội truyền thống, Nxb khoa học xã hội.
  8.  Đinh Thị Minh Tuyết (2010), Bảo tồn lễ hội truyền thống - nhìn từ góc độ quản lý, Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ, (số 11/2010).

       --------------------------------------------------------

       [*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa