Nội san

Vai trò cộng đồng trong lễ hội Cổ Loa huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

04 Tháng Bảy 2018

Nguyễn Thị Phương Thảo [*]

Lễ hội là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đã có hàng ngàn năm lịch sử, đó là nơi hội tụ những nét đẹp truyền thống, giúp con người nhớ về cuội nguồn ông cha, từ đó hun đúc nên cốt cách văn hoá của dân tộc Việt Nam. Lễ hội Cổ Loa là một trong số đó, lễ hội còn có tên gọi khác là lễ hội Đền An Dương Vương hay lễ hội Bát xã.

Lễ hội Cổ Loa là hội lớn nhất trong năm của huyện Đông Anh với sự tham gia của Bát xã, bao gồm: Cổ Loa, Văn Thượng, Ngoại Sát, Mạch Tràng, Đài Bi, Cầu Cả, Sằn Giã, Thư Cưu, làng Hà Vĩ, hay còn gọi là Quậy - một làng gốc ở Cổ Loa.  Tương truyền khi xưa đã dời đến vùng Hà Vĩ (cuối sông), nhường đất để Vua Thục xây thành, được Bát xã tôn làm anh Cả. Lễ hội Cổ Loa được tổ chức trong hai ngày mồng 5, 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội diễn ra nhằm tưởng niệm và tôn vinh Đức vua An Dương Vương - Người sáng lập ra nhà nước Âu Lạc và có công xây thành Cổ Loa. Người dân Cổ Loa, từ xưa đã có câu ca : “Chết thì bỏ con bỏ cháu, sống không bỏ mồng 6 tháng Giêng”.

Lễ hội Cổ Loa có tham gia tích cực của chính quyền cấp huyện, cấp xã và các cơ quan chuyên môn vào các hoạt động tổ chức lễ hội. Còn các hoạt động về nghi lễ, thực hành nghi lễ đều do cộng đồng dân cư nơi đây toàn quyền tổ chức, vai trò thực hành lễ hội của cộng đồng được phát huy tối đa. Sự tham gia của cộng đồng ở lễ hội Cổ Loa thể hiện đậm nét tính cố kết cộng đồng làng xã đây là giá trị tiêu biểu của lễ hội làm nên và quyết định đến sự thành công của lễ hội. Có thể xem đây là một mô hình điểm về phương thức quản lý và tổ chức lễ hội truyền thống hiện nay ở huyện Đông Anh. Ưu điểm nổi trội của mô hình dạng này là vừa phát huy được vai trò tự quản của cộng đồng, tận dụng tinh thần chủ động, sáng tạo của người dân, đồng thời có sự giám sát, điều chỉnh kịp thời của các cơ quan chức năng khi có những vấn đề nổi cộm xảy ra.

Từ xưa đến nay, lễ hội dù ở quy mô lớn hay nhỏ luôn là công việc của cộng đồng, cộng đồng đứng ra đóng góp tài chính và tổ chức lễ hội. Chính vì vậy, để tổ chức một lễ hội thành công, không thể thiếu sự tham gia của cộng đồng. Vai trò của cộng đồng được thể hiện trên nhiều phương diện từ chuẩn bị tài chính, chuẩn bị nhân lực, thực hiện các nghi thức nghi lễ, tổ chức các trò chơi, trò diễn. Bản thân mỗi người trong cộng đồng đều cảm nhận được sự vinh dự và trách nhiệm khi được tham gia vào công việc chung. Có thể nhận thấy, người dân tham gia tích cực vào các trò chơi, trò diễn ví dụ như tổ chức bắn nỏ, đấu vật… Theo một người dân tham gia giải đấu vật trong lễ hội Cổ Loa năm 2017 cho biết: “Tôi rất thích môn thể thao này, không vào dịp lễ hội tôi vẫn tham gia với các đô vật ở các địa phương trong vùng. Nhưng đến vật ở lễ hội vui hơn và nếu thắng còn có giải” .

Trò chơi bắn cung tên có tính chất tái hiện sự tích lịch sử được tổ chức trong lễ hội. Hầu hết những người tham gia ở đây là những cộng đồng địa phương, họ có luyện tập và tham gia rất tích cực góp phần tạo nên diện mạo riêng của lễ hội Cổ Loa. Một người dân tham gia bắn cung nỏ cho biết: “Tôi rất thích trò bắn nỏ trong lễ hội này, trò này có ý nghĩa truyền thống lịch sử, năm nào lễ hội Cổ Loa cũng tổ chức, tôi đã tham gia nhiều năm ” .

Có thể thấy, trong nhiều hoạt động của lễ hội có sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt trong các cuộc rước của Bát xã, sự tham gia của các xã đã tạo nên diện mạo đặc trưng của lễ hội Cổ Loa. Ngoài việc tham gia vào lễ hội với tư cách cá nhân, cộng đồng còn cử đại diện của họ vào các tổ chức (ban khánh tiết, ban hậu cần, ban tế lễ…) để điều hành chung của lễ hội. Trong các cuộc họp thành phần tham dự bao gồm: đại diện chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội (Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội chữ thập đỏ…). Khi đó, những người tham dự các cuộc họp sẽ là những người thay mặt cộng đồng để nói lên tiếng nói của tổ chức mà mình đại diện. Theo Hội trưởng hội người cao tuổi cho biết: “Hội người cao tuổi ở địa phương chúng tôi khá đông. Trong lễ hội hội người cao tuổi được tham gia trong các lĩnh vực khác nhau nhất là ban tế lễ, ban rước … Tôi có trách nhiệm phải truyền đạt lại tinh thần phân công của BTC lễ hội để các thành viên tích cực tham gia. Tôi thấy các cụ ông, cụ bà đã già nhưng rất có ý thức, trách nhiệm trong các công việc được giao” . Chính vì vậy, mặc dù không tham gia cuộc họp, nhưng những thành viên tham gia lễ hội vẫn đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Việc tham gia với tư cách cá nhân của các thành viên trong các tổ chức thực chất đây là việc cụ thể hóa những công việc đã được bàn của đại diện ban tổ chức mà thôi. Vì vậy, dù với tư cách nào thì vẫn là cộng đồng, những người nắm giữ các giá trị văn hóa đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể.

                    Ảnh: Lễ hội Cổ Loa( nguồn: tác giả)

Để tổ chức thành công lễ hội không thể thiếu sự chuẩn bị chu đáo về tài chính. Trong xã hội xưa kinh phí tổ chức lễ hội chủ yếu được lấy từ hoa lợi của ruộng công của làng, tùy theo từng địa phương và vị thần được thờ mà nhà nước cấp cho 3 đến 5 mẫu ruộng công. Từ việc trồng hoa màu trên ruộng công đó, lợi tức từ ruộng sẽ để vào việc tổ chức lễ hội. Trong điều kiện còn thiếu thì phân bổ cho các giáp hay các dân đinh trong làng đóng góp. Ngày nay, nguồn tài chính để chi cho việc tổ chức lễ hội là do đóng góp tự nguyện của người dân gọi chung là nguồn xã hội hóa. Các khoản tiền công đức tại di tích trong các ngày rằm, mồng một hoặc các dịp lễ tết trong năm được nhập vào quỹ của nhà đền, một phần được chi lại cho nhà đền để tu lễ cả năm, còn có thể có những tu sửa nhỏ cũng được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa. Tổ chức lễ hội đòi hỏi một số tiền không nhỏ, thông tin từ BTC lễ hội cho biết số chi tiêu lên tới gần hoặc trên một tỷ đồng. Vì vậy, các khoản đóng góp của dân, của các tổ chức và cá nhân là nguồn thu quan trọng cho BTC trong việc đảm bảo cho lễ hội diễn ra thành công.

Toàn bộ số tiền thu được từ nguồn xã hội hóa sẽ được ban thư ký chuyển cho ban tổ chức để dùng vào việc sắm sửa lễ vật, trao giải thưởng cho các trò chơi, chi cho khánh tiết, hậu cần, vệ sinh môi tường, an ninh an toàn lễ hội và nhiều việc khác nữa như trang trí, tuyên truyền… Trên thực tế hội làng ngày nay là một sinh hoạt văn hóa của cộng đồng thu hút đông đảo người tham gia mà trước hết là những người sống trong địa bàn diễn ra lễ hội.

Ngoài sự đóng góp về tài chính của cộng đồng,  đó còn là sự đóng góp công sức khó có thể đo lường được chính xác. Khoảng thời gian của cá nhân các thành viên trong làng xã tham gia đóng góp khó có thể tính được bằng tiền. Lễ hội Cổ Loa là lễ hội của bát xã, các xã đều tổ chức rước kiều về vùng trung tâm của lễ hội . Để đảm bảo cho các cuộc rước thành công đòi hỏi phải có nguồn nhân lực khá lớn với các thành phần khác nhau: đội khiêng kiệu, đội rước nghi trượng, người đánh chiêng, trống, cầm cờ, khiêng nhang án … Đây là công việc khá vất vả bởi các đồ rước khá nặng, mặc dù quãng đường đi không xa, nhưng thời gian kéo dài và quá trình chuẩn bị cũng rất phức tạp. Để làm tốt công việc này đòi hỏi phải có luyện tập để mọi việc của đám rước đảm bảo đúng quy trình, quy phạm và nguyên tắc.

Thực tế cho thấy, mọi công sức bỏ ra đều vì mọi người mong đợi là sự thành công của lễ hội. Theo một người dân tham gia vào đội hình khiêng kiệu cho biết: “Tôi đã tham gia trong đội khiêng kiệu 5 năm nay, công việc này tương đối vất vả, để có được sự đồng bộ trong đội chúng tôi cũng tập duyệt một vài lần. Tôi rất phấn khởi vì được tham gia vào cuộc rước và xem đó là một vinh dự”). Hay một người dân trong hội phụ nữ cho biết: “Tôi tham gia vào tổ hậu cần và thường xuyên làm việc tại khu nhà văn hóa Việt. Công việc ở đây rất nhiều chủ yếu là thu dọn bát, chén và quét các khu nhà cho sạch sẽ. Tôi tham gia đã nhiều năm và cảm thấy rất phấn khởi vì đã đóng góp công sức của mình cho tổ chức lễ hội” .

Hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội Cổ Loa hiện nay cần tích cực huy động sự tham gia của cộng đồng với nhiều vai trò vừa tham gia sáng tạo, lại vừa tham dự để hưởng thụ các giá trị văn hoá trong lễ hội. Mặt khác, chính cộng đồng lại cùng với chính quyền địa phương cùng nhau quản lý và tổ chức lễ hội tại cơ sở. Đồng thời, chính quyền địa phương cần nâng cao tính tích cực của cộng đồng đồng trong việc tổ chức và quản lý lễ hội truyền thống, đó là việc tích cực tham gia vào các hoạt động của lễ hội, phát hiện, ngăn chặn các yếu tố tiêu cực, giữ gìn tính nguyên gốc của lễ hội trong quá trình tái cấu trúc. Song song với đó là việc cần phải tăng cường sự giám sát của cộng đồng trong việc tổ chức và quản lý lễ hội truyền thống. Việc giám sát của cộng đồng được biểu dưới nhiều hình thức khác nhau.

Trước hết, trong hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội, cần phải tôn trọng cộng đồng, các cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến xã, Phòng VH&TT cần triển khai các chương trình giáo dục di sản văn hóa (DSVH) cho cộng đồng, phối hợp với cơ quan chức năng có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến kiến thức giúp người dân hiểu đúng giá trị văn hoá, hướng tới những mục tiêu, hành vi đúng đắn trong các hoạt động lễ hội tại Cổ Loa.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình quản lý có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với cộng đồng cư dân, giúp họ hiểu được vai trò là chủ thể sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hoá truyền thống trong lễ hội. Đó là thể hiện sự tôn trọng các chủ thể văn hóa, trao quyền tự quyết và tự quản cho cộng đồng, nhưng có sự quản lý, điều tiết của các cơ quan Nhà nước.

Các cơ quan, đơn vị chức năng tránh không can thiệp quá sâu vào hoạt động tổ chức lễ hội, làm thay cho cộng đồng. Tùy theo quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội sẽ có sự can thiệp phù hợp. Ở một góc độ nào đó, Nhà nước cần chú trọng quản lý về mặt hành chính, pháp luật, định hướng và giám sát hoạt động, còn việc tổ chức cụ thể nên để cộng đồng tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Như vậy, mới phát huy được tính chủ động, sáng tạo, tự nguyện của cộng đồng, từ đó khích lệ người dân thấy lễ hội thực sự mang lại lợi ích cho họ, sẽ nỗ lực làm cho lễ hội ngày một phát triển tốt hơn.

Hơn nữa cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện tốt tinh thần và nội dung của Luật Di sản văn hóa và các quy định của Nhà nước về các khía canh như: Quản lý và tổ chức lễ hội; về giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống; mục đích, ý nghĩa của lễ hội Cổ Loa; hoạt động của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong quản lý và tổ chức, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống… Từ đó, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy trách nhiệm của toàn xã hội đối với việc đưa các hoạt động lễ hội vào nề nếp, góp phần phát huy sự độc đáo, bản sắc văn hóa của mỗi địa phương được trình diễn trong không gian di tích.

Đồng thời, UBND huyện Đông Anh kịp thời biểu dương các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH. Đây là một hình thức ghi nhận, tuyên truyền về ý thức của người dân, tạo động lực để các tầng lớp nhân dân tiếp tục cống hiến sức lực của mình cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội Cổ Loa cần có sự tham gia và đóng góp tích cực của cộng đồng cư dân - chủ thể sáng tạo và hưởng thụ giá trị văn hoá.Trong lễ hội Cổ Loa, sự tham gia của cộng đồng ở lễ hội Cổ Loa đóng vai trò quan trọng trong thành công của lễ hội, qua đó thể hiện đậm nét tính cố kết cộng đồng làng xã. Đây chính là giá trị tiêu biểu của lễ hội.  

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Chí Bền (Chủ biên) (2002), Kho tàng lễ hội cổ truyền, Nxb Văn hóa dân tộc và tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội.

2. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh, Báo cáo tổng kết công tác tổ chức Lễ hội Cổ Loa - Đền Sái 2016, Đông Anh.

               --------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa