Nội san

Kết quả thực hiện quyết định 329 của Thủ tướng Chính phủ về văn hóa đọc của học sinh THPT tại thành phố Ninh Bình giai đoạn 2014-2018

14 Tháng Sáu 2018

 Đỗ Thị Thu Hà [*]

Văn hóa đọc là khái niệm được ghép bởi hai thuật ngữ “văn hóa” và “đọc”. Theo GS.VS.TSKH. Trần Ngọc Thêm “Văn hoá” là một hệ thống hữu cơ của các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích luỹ qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội của mình.

Thông qua hoạt động “đọc” loài người tiếp nhận, xử lý thông tin, góp phần nâng cao nhận thức và các kỹ năng áp dụng vào cuộc sống, vào học tập lao động, góp phần hoàn thiện con người trên nhiều phương diện.

Do đó “văn hóa đọc” được hiểu là một hoạt động văn hóa ở tầm cao của loài người. Vì thế, phát triển “văn hóa đọc” trong bất kỳ thời điểm nào, ở bất cứ quốc gia nào cũng luôn là một vấn đề quan trọng, góp phần nâng cao trình độ văn hóa, nâng cao nhận thức về tự nhiên, xã hội và kỹ năng trong lao động, học tập, từ đó góp phần phát triển bền vững xã hội,  phát triển nguồn nhân lực - nhân tố quyết định mọi thành công của xã hội và đất nước, quốc gia đó.

Việt Nam đang trên con đường xây dựng đất nước ngày càng “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu”, thì việc phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao luôn là một ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Hơn thế nữa, khi đất nước tham gia hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế thế giới thì việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc phải được chú trọng và triển khai tổ chức thực hiện từ trung ương đến các địa phương.

Hiện nay, cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật và công nghệ tiếp tục phát triển và tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã trở thành xu hướng của mọi quốc gia, điều đó đòi hỏi nguồn nhân lực phải không ngừng nâng cao trình độ, có kiến thức và kỹ năng phù hợp với một môi trường làm việc không ngừng biến đổi và đảm bảo cho việc hội nhập quốc tế thuận tiện hơn.

Trong thời gian gần đây, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, thư viện tỉnh Ninh Bình đã cùng các đơn vị trong tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, góp phần nâng cao chất lượng văn hóa đọc cho học sinh, sinh viên trên địa bàn.

Thực trạng tình hình học sinh các trường THPT, hệ thống thư viện tỉnh, thư viện nhà trường THPT trên địa bàn thành phố Ninh Bình

Trên địa bàn thành phố Ninh Bình có 5 trường THPT. Tổng số học sinh của các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Ninh Bình trung bình 1 năm là khoảng 4500 học sinh (năm học 2017-2018 có 4545 học sinh). Trong đó học sinh nam chiếm 54,3%, học sinh nữ chiếm 45,7%. Thành phần xuất thân đa dạng, song cơ bản là con em cán bộ công chức, viên chức Nhà nước (khoảng 75%).

Thư viện tỉnh được tái lập năm 1992. Hiện nay có 30 cán bộ, nhân viên (trong đó đại học là 26 cán bộ và trung cấp là 4 cán bộ; Đại học = 86,6%). Thư viện đã phát triển lớn mạnh trong những năm qua và phục vụ tốt bạn đọc (số thẻ trung bình là 1500 thẻ/1năm, số người đọc hàng năm tăng trung bình 100 thẻ = 6,6%/1 năm, luân chuyển sách hàng năm là 223.568 lượt sách, báo; bổ sung hàng năm là 200 - 300 triệu/1 năm).

Các trường THPT đều có hệ thống thư viện. 5/5 trường THPT đều có thư viện đạt chuẩn quốc gia. Số đầu sách đạt hơn 10.000 bản/1 thư viện, trong đó sách tham khảo là 6518 bản, 5/5 trường thủ thư đều có trình độ đại học, có 3/5 trường cán bộ thư viện học đúng chuyên môn. Riêng trường chuyên Lương Văn Tụy có thư viện điện tử với 25 máy tính được kết nối Internet.

Một số kết quả đạt được trong giai đoạn 2014-2018

Quá trình tổ chức đọc sách, phát triển văn hóa đọc của học sinh trong các trường trung học phổ thông trong những năm vừa qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như sau:

Một là, văn hoá đọc nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện phát triển của cấp ủy, chính quyền các cấp. Việc quan tâm phát triển văn hóa đọc được Cấp ủy Đảng các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” được thể hiện bởi Nghị quyết của Tỉnh ủy Ninh Bình, của Thành ủy Thành phố Ninh Bình và của cấp ủy các trường PTTH trên địa bàn thành phố.

Hàng năm Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông phối kết hợp tổ chức “Ngày sách Việt Nam”, đã thu hút được sự quan tâm của giáo viên, học sinh và đông đảo phụ huynh đến với sách báo và tuyên truyền, cổ vũ cho “văn hóa đọc”.

Thư viện tỉnh Ninh Bình và các thư viện nhà trường được cấp trên đầu tư ngày càng nhiều kinh phí hơn cho việc mua sắm các trang thiết bị và bổ sung hàng nghìn đầu sách mới hàng năm.

Hai là, văn hoá đọc ngày càng phát triển dưới nhiều hình thức. Các học sinh hiện nay không chỉ được tiếp cận với sách giấy, báo giấy, tạp chí, mà còn được tiếp cận với các ấn phẩm được xuất bản dưới dạng các sản phẩm số như ebook, audio book, video… Hiện ở thư viện tỉnh, thư viện trường có phòng thư viện điện tử với hàng chục ngàn tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu quý hiếm phục vụ cho việc học tập, tra cứu, nghiên cứu.

Ba là, thu hút được ngày càng nhiều hơn độc giả là đối tượng học sinh, sinh viên trên địa bàn.

Bốn là, văn hoác đọc đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách của lớp học sinh - thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước, góp phần làm nên xã hội học tập.

Năm là, văn hóa đọc đã góp phần nâng cao trình độ, chất lượng học tập cho các em học sinh, tạo tiền đề tốt để các em phát triển, trở thành con người có ích cho xã hội.

Tuy nhiên nhìn thẳng vào thực trạng hiện nay, chúng ta thấy vẫn còn một số điểm yếu, tồn tại và hạn chế như sau: Một số Đảng ủy - Ban giám hiệu, cán bộ ngành văn hóa chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của Văn hóa đọc đối với sự hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh nói riêng và con người nói chung, dẫn đến việc công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn lúng túng, hời hợt, qua loa, hiệu quả chưa cao; Việc quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa nhất là các thiết chế liên quan đến văn hóa đọc chưa được quan tâm một cách thích đáng và đầy đủ. Các hoạt động cổ vũ, động viên cho phát triển văn hóa đọc chưa được tổ chức nhiều, chưa thường xuyên với quy mô thích hợp; Công tác tuyên truyền, giáo dục phát triển và nâng cao tình yêu của giới trẻ nhất là học sinh từ khi còn nhỏ làm chưa tốt, chưa được quan tâm đúng mức từ gia đình đến nhà trường; Đội ngũ làm công tác tuyên truyền, thực hiện các nội dung liên quan đến văn hóa đọc còn chưa đáp ứng được với yêu cầu; Sự quan tâm của giới trẻ và học sinh dành cho văn hóa đọc ngày càng có xu hướng giảm đi.

Việc nâng cao chất lượng “văn hóa đọc” là một điều vô cùng cần thiết đối với học sinh THPT - thệ hệ trẻ, thế hệ đóng vai trò quyết định đối với việc xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, vì vậy nâng cao chất lượng, hiệu quả “văn hóa đọc”, thực hiện có hiệu quả là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có trách nhiệm của Đảng ủy - Ban giám hiệu các trường THPT và các cơ quan, đoàn thể có liên quan.

Để thực hiện tốt các nội dung của quyết định trong giai đoạn 2018-2020, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cùng với các cơ quan, đơn vị chuyên môn, nhà trường THPT cần phải thực tốt một số nội dung, biện pháp sau:

1. Đối với cấp ủy Đảng, Chính quyền, lãnh đạo csac cơ quan, đoàn thể, Đảng ủy, Ban giám hiệu các trường THPT cần lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức cho nhân dân và nhất là học sinh về vị trí, vai trò của văn hóa đọc, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, xây dựng các thiết chế văn hóa phù hợp, tạo điệu kiện về kinh phí để bổ sung sách, báo, tạp chí, máy tính nối mạng Internet….

2. Đối với các Sở, Ban ngành có liên quan như Sở GD&ĐT, Sở VH&TT, Sở TT&TT cần tích cực, tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu sách, tổ chức đưa sách đến học sinh.

3. Thư viện tỉnh và các thư viện của các trường THPT, trung tâm thông tin, nhà sách… cần tích cực phổ biến, quảng bá các sản phẩm xuất bản trong nước, tăng cường thực hiện công tác luân chuyên sách, đưa sách về cơ sở, đưa sách đến học sinh, tạo mọi điều kiện cần thiết để cho học sinh được tiếp cận với sách báo.

4. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để các cá nhân, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp… tích cực chung tay hỗ trợ công tác xuất bản, in, phát hành và công tác thư viện, xây dựng cộng đồng trách nhiệm trong việc phát triển văn hóa đọc và xã hội học tập.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Hoàng Dung (2014), “Văn hóa đọc trong trường phổ thông trung học (Trường hợp huyện Cần Đức, tỉnh Long An)”, Tạp chí Khoa học Xã hội, số 12.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng.
  5. Vũ Thị Thu Hà (2013), “Văn hóa đọc ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển”, Tạp chí Thư viện Việt Nam, số 3.
  6. Nguyễn Trọng Hoàn (2016), “Phát triển văn hóa đọc thông qua đổi mới tổ chức hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học”, Tạp chí Khoa học ĐHPTP Hồ Chí Minh, số 4.
  7. Trần Thị Minh Nguyệt (2009), “Văn hóa đọc trong xã hội thông tin”, Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật, số 297.
  8. Lê Thị Tuyết Nhung (2016), “Một số giải pháp phát triển văn hóa đọc cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay”, Tạp chí Giáo dục Số đặc biệt, số 6.
  9. Nguyễn Thị Quỳnh (2015), “Vai trò của Thư viện trường THCS đối với việc hình thành văn hóa đọc cho học sinh”, Tạp chí Thiết bị Giáo dục, số 119.
  10. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 329/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
  11. Thủ tướng Chính phủ (2014), Quyết định số 284/QĐ-TTg về ngày sách Việt Nam, Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2014.
  12. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình (2017), Kế hoạch số 120/ KH - UBND, về việc thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ngày 25/10/2017.

      --------------------------------------------

       [*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa