Nội san

Tỉnh Quảng Ninh từng bước tiến tới quản lý hệ thống di tích bằng phần mềm số hóa di sản

06 Tháng Bảy 2018

Nguyễn Thị Giang [*]

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang là xu thế có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đồng thời có sự tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đó chính là sự hợp nhất về mặt công nghệ, cũng từ đó xóa bỏ ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học, đem lại sự kết hợp giữa hệ thống ảo và thực thể.

Tận dụng những lợi thế mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại, trong lĩnh vực quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh đang từng bước xây dựng và hoàn thiện Dự án số hóa di sản đem lại hiệu quả trong việc lưu trữ vào xử lý dữ liệu về di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Quang Ninh.

Hiện nay, do nhiều lý do khác nhau, trong đó có những lý do kinh tế - xã hội, rất nhiều di tích của chúng ta có nguy cơ bị mai một hay thậm chí bị biến mất hoàn toàn. Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý đang là sự lựa chọn hàng đầu cho các quốc gia, các tổ chức trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, phục vụ nghiên cứu, quảng bá du lịch, phát triển giáo dục... Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam các tỉnh, thành phố thực hiện số hoá di sản còn rất mới, chưa thực sự được hình thành và triển khai trong thực tiễn. Từ thực tiễn quản lý, nhận thấy những hạn chế trong vấn đề lưu trữ, quản lý hồ sơ di sản theo những cách truyền thống và lợi thế trong việc số hóa di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh đang từng bước xây dựng, hoàn thiện Dự án Số hóa di sản để đưa vào vận hành, khai thác phục vụ cho công tác quản lý di sản, trong đó có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh.

1. Những hạn chế của việc lưu trữ, quản lý hồ sơ di tích theo cách truyền thống

Đối với công tác quản lý di tích, công tác lưu trữ, bảo quản hồ sơ di tích rất quan trọng. Hồ sơ di tích cần bảo quản, lưu trữ lâu dài, vĩnh viễn phục vụ công tác quản lý, hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trong tương lai.

Tại Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh, hiện nay có 2 hình thức bảo quản, lưu trữ hồ sơ: Lưu trữ bản giấy và lưu trữ trên máy tính.

Hình thức thứ nhất là lưu trữ hồ sơ bản giấy có nhiều hạn chế:

Tài liệu, hồ sơ di tích chất liệu giấy trải qua thời gian dài dù được bảo quản khá cẩn thận cũng không tránh khỏi ố vàng, rách, mờ chữ, khó dịch mang lại khó khăn cho vấn đề khai thác dữ liệu để phục vụ công tác quản lý.

Lưu trữ tài liệu, hồ sơ bằng bản giấy khó tìm kiếm, mất thời gian, sau khi sử dụng xong phải trả lại về vị trí cũ do đó trong quá trình khai thác, sử dụng tài liệu sẽ làm mất thời gian của cán bộ quản lý.

Qua thời gian dài lưu trữ, bảo quản, khai thác khó tránh khỏi thất lạc, mất hồ sơ, tài liệu. Trong hoạt động quản lý di tích, đặc biệt quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cần phải tìm hiểu về di tích gốc để đưa ra phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cho phù hợp, đảm bảo giữ gìn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích vì vậy việc hồ sơ di tích bị mất, thất lạc là một việc gây khó khăn rất lớn cho hoạt động quản lý.

Tài liệu, hồ sơ giấy luôn luôn được bảo quản dưới dạng bản gốc, khó bổ sung, cập nhật những thay đổi, thông tin mới. Vì vậy, trong lĩnh vực quản lý di sản, đặc biệt là di tích mang lại khó khăn, hạn chế cho hoạt động quản lý vì di tích do có sự tác động của tự nhiên và con người nên theo thời gian sẽ có sự biến đổi. Kịp thời cập nhật những biến đổi đó sẽ giúp cho hoạt động quản lý có hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.

Hình thức thứ hai về quản lý, lưu trữ hồ sơ là lưu dữ liệu trong máy vi tính. Hiện nay các cơ quan đều có máy scans, các tài liệu bằng giấy vẫn có thể được scans để lưu vào máy vi tính của cán bộ quản lý. Tuy nhiên phải bố trí  nhân lực vào thời gian thực hiện việc scans để lưu trữ vào máy tính. Việc lưu trữ hồ sơ di tích trong máy vi tính có tính tiện lợi, dễ tìm kiếm, dễ sử dụng nhưng cũng dễ bị mất nếu như máy tính nhiễm vi rút hoặc bị lỗi ổ cứng và khi chuyển giao hoặc thay đổi cán bộ quản lý khó tìm thấy do mỗi người có cách lưu trữ và vị trí lưu trữ riêng.

2. Những lợi thế công nghệ Số hóa di sản mang lại

Số hóa di sản được đưa vào sử dụng sẽ chuyển đổi việc khai thác tài liệu lưu trữ ở dạng giấy sang khai thác dưới dạng file điện tử được hệ thống hóa, giúp cho việc khai thác thông tin được nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, góp phần cải cách thủ tục hành chính.

Nâng cao hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lưu trữ, đặc biệt tiếp thu và thực hiện theo tinh thần của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đồng thời giảm thiểu sự xuống cấp về mặt vật lý và hóa học của tài liệu gốc do phải lưu thông thường xuyên trong quá trình khai thác, sử dụng, lưu trữ. Phần mềm quản lý sẽ đảm bảo lưu trữ dữ liệu an toàn và cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ cho việc quản lý, bảo tồn di sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Số hóa di sản văn hóa là kênh thông tin quan trọng dành cho chính quyền, những người làm công tác quản lý và người dân trong việc quản lý, bảo vệ các di sản văn hóa, giúp cho việc tra cứu dữ liệu, hồ sơ di sản được nhanh chóng, gọn nhẹ, kịp thời cập nhật những thay đổi, bổ sung trong di tích để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Số hóa di sản còn đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá du lịch. Hiện nay, internet đã trở thành công cụ tìm kiếm thông tin phổ biến và hiệu quả nhất. Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số về các di tích và chia sẻ nó trên internet giúp cho việc quảng bá thông tin, hình ảnh về các di tích trở nên dễ dàng hơn. Trong bối cảnh tỉnh Quảng Ninh đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng phát triển dịch vụ du lịch thì việc xây dựng cơ sở dữ liệu số cho các di tích là rất cần thiết. Thông qua phần mềm quản lý di sản văn hóa, xây dựng hệ thống phần mềm phục vụ quảng bá, tuyên truyền, khai thác dữ liệu về hệ thống di sản văn hóa tỉnh Quảng Ninh phục vụ các đối tượng nghiên cứu, khách du lịch và người dân.

Hệ thống di tích được cập nhật trong phầm mềm quản lý di sản dễ dàng được chia sẻ giúp cho việc tìm kiếm thông tin của đội ngũ chuyên gia nghiên cứu, bảo tồn di tích, khách tham quan, du lịch được nhanh chóng, thuận lợi.

Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu về di tích trong và ngoài nước rất quan tâm đến việc tìm kiếm các hồ sơ, tài liệu cũng như những minh chứng (ảnh, di vật, cổ vật…) liên quan đến di tích. Số hoá di sản sẽ giúp cho việc tiếp cận các tài liệu, hồ sơ gốc, hình ảnh của di tích được nhanh chóng và chính xác nhất, do đó góp phần không nhỏ cho một bộ phận các nhà nghiên cứu về di tích có được những tài liệu, kiến thức, ảnh khảo tả một cách chân thực nhất.

3. Từng bước xây dựng Số hóa di sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Ngày 26/6/2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản số 3725/UBND-VX1 về việc chủ trương lập dự án số hóa di tích lịch sử, văn hóa và dnah lam thắng cảnh tỉnh Quảng Ninh, theo đó UBND tỉnh Quảng Ninh đã đồng ý về chủ trương và giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) xây dựng nhiệm vụ lập dự án lấy ý kiến của các Sở, ngành liên quan gửi Sở Tài chính thẩm định.

Tuy gặp một số khó khăn trong vấn đề triển khai dự án nhưng với ý chí quyết tâm của Sở Văn hóa và Thể thao hiện nay Báo cáo nghiên cứu khảo thi dự án Số hóa di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thiện và xin ý kiến các Sở: Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Ban quản lý điều hành dự án tỉnh Quảng Ninh. Tổng hợp ý kiến tham gia của các Sở, ban, ngành, Sở Văn hóa và Thể thao đã hoàn thiện dự án và trình Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định dự án thể hiện qua Tờ trình số 894/TTr-SVHTT, ngày 11/6/2018 của Sở Văn hóa và Thể thao về việc trình thẩm định sự án Số hóa Di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Tuy dự án Số hóa di sản văn hóa chưa hoàn thiện đưa vào vận hành nhưng để lại niềm tin cũng như sự mong chờ của các cán bộ quản lý trong lĩnh vực di sản văn hóa với một tương lai lĩnh vực quản lý di sản sẽ có nhiều khởi sắc, di sản văn hóa đặc biệt là hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ được quảng bá rộng khắp không chỉ ở Việt Nam và còn trên thế giới, đem lại nguồn thu lớn từ việc khai thác phát triển du lịch.

 

Tài liệu tham khảo

1. "Cách mạng công nghệ 4.0 là gì?” (2017), https://news.zing.vn/cach-mang-cong-nghiep-40-la-gi-post750267.html, truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2017.

2. “Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội hay thách thức?” (2018), https://eraweb.co/blog/cach-mang-cong-nghiep-4-0-co-hoi-hay-thach-thuc.html, truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2018.

3. Sở Văn hóa và Thể thao  (2018), Tờ trình số 894/TTr-SVHTT, ngày 11/6/2018 về việc trình thẩm định sự án Số hóa Di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

4. Sở Văn hóa và Thể thao (2017),Báo cáo nghiên cứu khảo thi dự án Số hóa di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

5. Sở Văn hóa và Thể thao (2017), Danh mục Di sản văn hóa tỉnh Quảng Ninh.

6. Sở Văn hóa và Thể thao (2017, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án số hóa di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh (2015),Danh mục di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

8. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh (2015), Văn bản số 3725/UBND-VX1, ngày 26/6/2015 về việc chủ trương lập dự án số hóa di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Ninh.

 --------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa