Nội san

Ngôn ngữ tạo hình người chiến sĩ trong tranh cổ động thông qua một số tác phẩm tiêu biểu giai đoạn 1945 – 1975

06 Tháng Bảy 2018

Nguyễn Mạnh Tiến [*]

Trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, tranh cổ động đã gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, có vị trí, vai trò to lớn và ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống của các tầng lớp nhân dân ta. Thông qua ngôn ngữ tạo hình, người chiến sĩ được thể hiện trong một số bức tranh cổ động giai đoạn này đã trở thành những vật chứng của một thời chiến tranh, là những trang tư liệu chân thực của lịch sử. Qua đó, các thế hệ sau sẽ có thể hình dung một cách sống động quá khứ hào hùng của dân tộc,  từ đó phát huy được giá trị cổ vũ động viên của các tác phẩm này.

Đứng trước một vấn đề xã hội, người sáng tác nghệ thuật nói chung đều có quan điểm của mình, họa sĩ sáng tác tranh cổ động lại càng phải có quan điểm lập trường chính trị vững vàng. Để có những tranh cổ động có giá trị cao, được đông đảo quần chúng nhân dân tiếp nhận, hưởng ứng thì nó phải được hình thành từ những ý tưởng cao đẹp, trong sáng, hướng tới giá trị thẩm mỹ đúng đắn với mục đích cao cả. Song song với việc hình thành ý tưởng về nội dung là ý tưởng về cách thức thể hiện. Ngay từ khi ra đời, tranh cổ động đã có vai trò to lớn, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị với các chủ đề tuyên truyền đấu tranh cách mạng, ca ngợi lòng yêu nước, vận động quân dân quyết tâm đánh giặc hay lao động quên mình và trở thành vũ khí tinh thần trong hành trình giành độc lập dân tộc. Bên cạnh đó, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là nguồn cảm hứng để các họa sĩ sáng tạo ra những bức tranh cổ động đẹp, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem như trong tác phẩm “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của Nguyễn Thụ - Huy Oánh, với lối tạo hình cô đọng, khúc chiết, thể hiện hình ảnh Bác Hồ kính yêu mặc bộ quân phục với tư thế nghiêm trang phía trước, nối tiếp là đoàn quân trùng trùng điệp điệp ra trận như lời thúc giục hào hùng của vị Tổng tư lệnh tối cao, động viên chiến sĩ khắc phục mọi gian lao, quyết tâm đánh thắng kẻ thù.

Đặc tính của tranh cổ động thời kỳ này còn phải đạt yêu cầu truyền tin nhanh, kịp thời, súc tích. Nội dung thông tin phải được chuyển hóa thành ngôn ngữ ngắn gọn, rõ ràng và bảo đảm ấn tượng trực quan, phải thu hút mọi người từ xa với mảng màu lớn, rõ ràng, đường nét khỏe khoắn, tính cách điệu cao. Vẽ người trong tranh cổ động với biểu hiện tình cảm vui buồn, tức giận là hết sức quan trọng, đó là linh hồn của tác phẩm. Vì vậy, tác giả phải chú ý đến các chi tiết miêu tả chân dung nhân vật cho rõ chính diện, phản diện, không những ở đường nét mà cả màu sắc nữa. Những chi tiết hình ảnh không phục vụ cho nội dung ý tưởng chính phải lọc bỏ. Một bức tranh cổ động hay phải toát lên được nội dung và đạt tới sự khái quát, chắt lọc về hình tượng, thể hiện được ý tưởng với nhiều sắc thái biểu cảm. Tác phẩm “Đâu có giặc là ta cứ đi” của họa sĩ Văn Đa được thể hiện hình ảnh hai người lính đội mũ ngụy trang, vai đeo ba lô, tay cầm súng trong tư thế hiên ngang hướng lên phía trước, khuôn mặt thể hiện sự lạc quan yêu đời của tuổi trẻ được lồng trên nền lá cờ đỏ sao vàng với dòng chữ "quyết chiến quyết thắng" như thúc giục toàn quân hăng hái lên đường lập chiến công.

Hình trong tranh cổ động cũng là yếu tố góp phần quyết định giá trị nghệ thuật, dựa vào tương quan có thể chia thành hình ảnh chính và hình ảnh phụ. Hình ảnh chính bao giờ cũng được đặt ở vị trí trung tâm với diện tích xứng đáng. Hình ảnh phụ với diện tích nhỏ hơn, sắc độ nhẹ nhàng hơn và không nên quá rườm rà, có tác dụng làm nổi bật hình ảnh chính, rõ nghĩa hơn cho chủ đề. Hơn nữa, cũng phải quan tâm đến sự hài hòa, cân đối giữa chi tiết và khoảng trống, giữa các sắc độ đậm nhạt, tỉ lệ khoảng trống trong bố cục. Hình ảnh người lính trong tranh cổ động giai đoạn 1945 - 1975 vừa mang nội dung chính trị, vừa mang hình thức nghệ thuật xuất hiện trong sự thống nhất chỉnh thể của hình tượng. Có những vấn đề, những nội dung có thể thể hiện bằng hình ảnh tiêu biểu của thực tế, nhưng cũng có những trường hợp phải sáng tạo ra hình tượng, nghĩa là dùng một hình tượng mang tính tượng trưng để biểu đạt một vấn đề cụ thể. Để hiệu quả nhất, chính là phải sáng tạo ra những hình tượng mới. Như tranh cổ động “Bắc - Nam một gốc” của họa sĩ Đỗ Xuân Doãn đã rất sáng tạo dùng hình tượng một cái cây để tượng trưng cho đất nước Việt Nam thống nhất, nhưng cái cây chỉ là ý, còn hình ảnh cụ thể của gốc cây lại là hình hai phụ nữ (Bắc - Nam) đang bế một đứa bé tượng trưng cho tương lai tràn đầy hy vọng, bao chùm cả tán cây là một mảng đỏ đơn giản - lá cờ đỏ sao vàng biểu tượng cho hình ảnh Tổ quốc.

Nghệ thuật biểu đạt không gian trong tranh cổ động giai đoạn này thường ước lệ, ít bị lệ thuộc bởi luật phối cảnh, xa gần. Cách tạo không gian này là sử dụng các yếu tố hình, nét, mảng mang tính gợi nhiều hơn đặc tả. Một hình thức biểu đạt khác là dạng không gian đa điểm nhìn, được thể hiện trong một số tác phẩm tạo cái nhìn toàn diện về sự vật, mang lại cảm giác lạ cho người thưởng thức. Trong tác phẩm “Tô thắm truyền thống vẻ vang” của họa sĩ Dương Tiến Luật, không gian được hiện lên qua cách sắp xếp các lớp nhân vật theo tiến trình lịch sử và không gian ý niệm. Toàn bộ các nhân vật được xếp theo hai chiều dọc, ngang trên một nền phẳng. Người lính và cô du kích, những con người của hiện tại đang nắm chắc súng, tiến về phía trước. Phía sau là hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa theo chiều ngang, thể hiện không gian lịch sử về nhân vật anh hùng. Sự đan xen này gợi lên ý nghĩa tiếp nối truyền thống đánh giặc hào hùng của dân tộc ta. Lối sử dụng không gian đồng hiện, cùng một lúc xuất hiện các sự vật, hiện tượng ở những thời điểm, không gian, hoàn cảnh khác nhau được sử dụng khá nhiều trong tranh cổ động giai đoạn này. Có thể thấy xu hướng bố cục dàn trải các hình tượng trên mặt phẳng tranh theo nhịp điệu, hay đối xứng, quy tụ vào tâm được sử dụng nhiều trong các tranh cổ động về đề tài lao động sản xuất. Những tranh thuộc mảng đề tài chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, hay ca ngợi Đảng, Hồ Chủ tịch thường được thể hiện theo bố cục lệch, tạo những mảng lớn hình tượng quân dân, người lính kết thành sức mạnh đoàn kết sẵn sàng chiến đấu, hay đang quây quần bên Người. Phía sau những hình tượng lớn đó có thể lệch phải hoặc lệch trái là những mảng phẳng tạo tương phản, tôn chủ đề của bức tranh, như trong các sáng tác “Luyện tập giỏi để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc” của tác giả Xuân Đông.

Việc sử dụng chữ trong tranh cổ động là một yếu tố rất quan trọng. Nếu hình ảnh, màu sắc được coi là linh hồn tạo nên vẻ đẹp của sản phẩm đồ họa thì chữ chính là phần nội dung truyền tải vẻ đẹp đó. Với sự sáng tạo của hoạ sĩ, chữ không chỉ đóng vai trò thông tin đơn thuần mà nó còn hỗ trợ cho hình ảnh cần tuyên truyền, mang tính biểu cảm và diễn đạt được đầy đủ nội dung thông tin trong tác phẩm đồ họa. Chữ trong tranh cổ động thời kỳ này được sử dụng rất linh hoạt, có thể được dùng cả một khổ thơ dài, nhưng đôi khi không được thể hiện mà người xem vẫn hiểu được nội dung truyền tải. Cụ thể bức “Giồng thêm khoai để tiết kiệm gạo” của tác giả Nguyễn Minh Mỹ sáng tác năm 1958. Phần chữ trong tranh cổ động không chỉ là những câu khẩu hiệu động viên hăng hái tăng gia sản xuất, tham gia kháng chiến mà còn có cả những vần thơ dễ nhớ, dễ hiểu, dân dã được gieo vần theo thể thơ lục bát như: “Còn trời còn nước, còn non / Còn một tấc đất ta còn tăng gia / Thêm khoai thì thóc để ra / Không lo đói kém cả nhà phởn phơ”. Còn ở một số tranh cổ động khác, mặc dù chữ được sử dụng với nội dung ngắn gọn súc tích song vẫn tạo được thông điệp tuyên truyền mạnh mẽ. Như bức Đã đi là quyết thắng của hoạ sĩ Tiến Hội sáng tác năm 1970, tác phẩm thể hiện tinh thần kháng chiến chống Mỹ cứu nước của những người chiến sĩ thông qua một câu “Đã đi là quyết thắng” rất ngắn gọn đầy cô đọng.

Trong giai đoạn đầu, tranh cổ động hầu hết chỉ có hai màu đen trắng, khổ tranh nhỏ do điều kiện kháng chiến thiếu thốn. Về sau, tranh cổ động được dùng nhiều màu hơn, nhưng đa số ta vẫn thấy được giới hạn trong hai hoặc ba màu. Nghệ thuật sử dụng màu sắc giai đoạn này tuy vẫn có tính chất cường điệu, ước lệ nhưng tươi vui, rực rỡ, tạo được sự hấp dẫn. Màu sắc trong tranh phụ thuộc vào nội dung cần tuyên truyền. Những tranh cổ động mang chủ đề về chiến đấu thường sử dụng màu đỏ là chủ đạo, gợi cảm giác mạnh mẽ. Gam màu cam vàng thường được thể hiện trong tranh có đề tài vui tươi, ấm no được mùa. Gam màu, tím vàng, lam da cam thường được sử dụng trong tranh cổ động về đề tài ca ngợi lãnh tụ, niềm vui sum họp, thống nhất đất nước. Gam màu xanh được dùng nhiều trong đề tài lao động, sản xuất, trồng trọt. Hòa sắc tương phản mạnh được sử dụng trong những tranh cổ động mang tính phản ánh tội ác chiến tranh... Các bức “Đảm bảo giao thông giữ vững mạch máu gia thông” của Nguyễn Tiến Cảnh đều sử dụng lối trang trí mảng phẳng với màu đỏ biểu cảm linh hoạt, lúc thì trên nền sáng, lúc lại trên nền tối đầy tính chất biểu trưng ấn tượng phong phú, sinh động về ý chí quyết tâm chiến đấu của chiến sĩ ta trên mọi mặt trận. Người lính trên mặt trận sản xuất lương thực với những sáng kiến mới trong lao động được thể hiện trong tranh “Gương mẫu sản xuất” của tác giả Trần Việt Sơn. Tác giả đã khéo léo sử dụng không gian xanh, mảng xanh từ trên bộ quân phục truyền thống của anh bộ đội tràn ra cả khắp cánh đồng thể hiện cho sự lan tỏa của lao động. Hình ảnh anh bộ đội tươi vui, hồ hởi trên mặt trận sản xuất đã tạo sức hút đến người xem và truyền tải thông điệp cải tiến canh tác, đẩy mạnh nông nghiệp phát triển.

Tranh cổ động là một tác phẩm nghệ thuật với tính thẩm mỹ cao, được thiết kế phục vụ nhiều mục đích khác nhau như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Bên cạnh đó, hình ảnh người chiến sĩ cũng luôn được thể hiện đậm nét mang trọng trách tuyên truyền nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, bồi dưỡng và phát huy lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc tìm hiểu, nâng cao khả năng cảm thụ và tập sáng tác về đề tài người lính trong tranh cổ động là việc rất cần thiết đối với sinh viên các trường mỹ thuật nói chung và sinh viên thiết kế đồ họa nói riêng. Với trách nhiệm là “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa, ngày nay vẫn có nhiều hoạ sĩ - trong số đó có sự góp mặt của sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa ở các trường mỹ thuật đã và đang cảm thụ được tính thẩm mỹ, vẻ đẹp, hiểu ý nghĩa và kế thừa hình tượng người chiến sĩ trong giai đoạn 1945 - 1975 để truyền tải vào các dạng tranh đồ họa khác nhau, nhất là tranh cổ động.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Báo Quân đội nhân dân (2014), Tòa soạn Tiền phương trong rừng Mường Phăng, Nxb Quân đội nhân dân.
  2. Bảo tàng quân đội (2002) Sưu tập tranh cổ động ở Bảo tàng quân đội, Nxb Quân đội nhân dân.
  3. Bộ Văn hóa Thông tin, Cục Văn hóa Thông tin cơ sở (2002), Tranh cổ động Việt Nam 1945 - 2000, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
  4. Cục Văn hóa Thông tin cơ sở (1998), Công tác thông tin cổ động triển lãm, Nxb Hà Nội.
  5. Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Anh Tuấn (2010) Những tác phẩm quan trọng và vô giá của hội họa Việt Nam và hiện đại (Important and priceless works of Vietnamese modern ART), Nxb Mỹ thuật.

_______________________

            [*] Lớp Cao học k2 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật