Nghiên cứu lý luận

Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu tại Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh Ninh Bình

10 Tháng Bảy 2018

Lê Hồng Phúc [*]

       Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục lứa tuổi thanh thiếu nhi là truyền thống tốt đẹp vốn có của dân tộc Việt Nam, là sự nghiệp của cộng đồng và sự chăm lo của toàn xã hội. Đối với thế hệ trẻ trong tương lai, công tác giáo dục và đào tạo luôn là định hướng được ưu tiên hàng đầu và vô cùng quan trọng được Đảng và Nhà nước ta thật sự quan tâm bằng nhiều chính sách tích cực. Quá trình giáo dục luôn gắn với những phương pháp giáo dục cụ thể, tùy vào lứa tuổi nhận thức và mục đích đào tạo... Trong số những phương pháp giáo dục hiện nay đang áp dụng ở nước ta thì giáo dục nghệ thuật là loại hình giáo dục đặc biệt.

       Trung tâm thanh thiếu nhi là một thiết chế văn hóa đặc thù có vai trò quan trọng trong hoạt động thực tiễn, là môi trường giáo dục ngoài nhà trường nơi các em học sinh có thể đến vui chơi, học tập, sinh hoạt tập thể. Đối với thiếu nhi, các em rất cần được học tập, vui chơi, học hỏi và tiếp thu kiến thức xã hội, kỹ năng đặc biệt là từ các bạn cùng trang lứa. Việc tham gia vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật lành mạnh giúp các em được rèn luyện về đức - trí - thể - mĩ, biết đoàn kết, biết giao lưu, chia sẻ. Trung tâm thanh thiếu nhi bao gồm nhiều chức năng trong đó một số chức năng nổi bật sau:

       Chức năng giáo dục: Cũng như các môi trường giáo dục khác nhưng Trung tâm thanh thiếu nhi còn có chức năng đa dạng hơn là giáo dục toàn diện đức - trí - thể - mĩ; khuyến khích các em học và tư duy, sáng tạo, khám phá.

       Chức năng giao tiếp: Được xem là chức năng đặc thù của Trung tâm thanh thiếu nhi, nó biểu hiện qua giao tiếp trực tiếp dưới nhiều hình thức phong phú như: Thầy cô giảng dạy và các bạn trong lớp học, thông qua các sinh hoạt chuyên đề, dã ngoại, các chương trình giao lưu, biểu diễn.

       Chức năng vui chơi giải trí: Hoạt động tại Trung tâm thanh thiếu nhi giúp cho các em học sinh giải tỏa căng thẳng sau giờ học thông qua các trò chơi, tiếp thu kiến thức văn hóa - xã hội, rèn luyện thể chất, góp phần tạo hứng thú tích cực cho các em phát triển, hỗ trợ tích cực cho phát triển tư duy, học tập.

       Chính bởi những chức năng và vai trò quan trọng trên cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu được vui chơi giải trí của các em càng cần được đổi mới nâng cao, đối với một tỉnh như Ninh Bình sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới nên càng cần được quan tâm, đầu tư nâng cao chất lượng văn hóa thiếu nhi.

       Nhà thiếu nhi Ninh Bình được ra mắt và đi vào hoạt động vào năm 1994, theo Quyết định số 128 của UBND tỉnh Ninh Bình, đến tháng 3 năm 2008, Nhà thiếu nhi Ninh Bình được đổi tên thành Trung tâm thanh thiếu nhi tỉnh Ninh Bình. Từ tháng 4 năm 2008 Trung tâm thanh thiếu nhi tỉnh được tổ chức các hoạt động tại 02 cơ sở: Cơ sở 1: Nằm trong khuôn viên của công viên Núi Thúy, thuộc phường Thanh Bình - thành phố Ninh Bình; Cơ sở 2: Được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng tại thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư.

Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu tại Trung tâm

       Trải qua hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành, Trung tâm thanh thiếu nhi đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên từng bước được nâng lên. Từ khi được thành lập đến nay, Trung tâm đã tổ chức nhiều khóa học hàng năm với trên 20 loại hình như: Ngoại ngữ, tin học, ca, múa, kịch, đàn, bóng bàn, võ thuật... Đặc biệt, năm 2016, Trung tâm đã đưa mô hình giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên toàn tỉnh, đã thu hút được trên 2.000 thanh thiếu niên tham gia sinh hoạt và học tập. Thông qua đó, Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh đã lựa chọn các em có năng khiếu, bồi dưỡng bổ sung vào các đội chuyên, các câu lạc bộ và tập trung xây dựng đội chuyên Nghệ thuật, đội chuyên Nghi thức để phục vụ các hoạt động trong tỉnh cũng như tham gia dự thi ở khu vực và toàn quốc.

       Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu ngay từ khi còn nhỏ được coi là cách giáo dục mang lại lợi ích cao, giúp lứa tuổi thanh thiếu nhi phát triển toàn diện. Nắm bắt được xu thế đó, Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh Ninh Bình đã mở nhiều lớp bồi dưỡng năng khiếu cho nhiều lứa tuổi khác nhau với các hình thức đa dạng và phong phú thu hút hàng nghìn lượt thanh thiếu nhi trên toàn tỉnh tham gia. Thực hiện chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi năm hàng năm của BCH Tỉnh Đoàn, Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh Ninh Bình đã xây dựng thành công các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu, câu lạc bộ vui chơi giải trí và hiện đang duy trì các lớp dạy năng khiếu thu hút đông đảo thanh thiếu nhi trên toàn tỉnh tham gia.

       Hàng năm, Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh Ninh Bình đã tổ chức tuyển sinh từ 3 đến 5 khóa học với 22 bộ môn học như: Hội họa, thanh nhạc, múa, đàn organ, đàn Piano, đàn ghi ta, âm nhạc dân tộc, bóng bàn, cầu lông, cờ vua, võ thuật, bơi lội, bóng rổ, khiêu vũ thể thao, thực hành nấu ăn... Đến tham gia sinh hoạt và học tập ở các bộ môn đều vượt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm đề ra thu hút hàng nghìn lượt thanh thiếu nhi trên toàn tỉnh đến học tập và sinh hoạt tại Trung tâm.

       Để thu hút thanh, thiếu nhi tham gia các lớp học năng khiếu, Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh Ninh Bình đã bố trí giờ học linh hoạt, phù hợp với thời gian của các cháu và phụ huynh đưa đón con em mình đi học. Học phí của từng bộ môn cũng hợp lý, không quá cao so với mặt bằng đào tạo chung của cả tỉnh dao động từ 300.000 đồng đến 1.000.000 đồng/khóa học. Các loại hình năng khiếu được giảng dạy tại trung tâm đều được chú trọng nâng cao về chất lượng, có nhiều bộ môn đã đạt được những thành tích cao, góp phần phát hiện nhân tố mới cho tỉnh như bộ môn cờ vua, hội họa, khiêu vũ thể thao, thanh nhạc… Sau mỗi khóa học các thầy cô đều tổ chức thi kiểm tra, đánh giá, tổng kết, xếp loại, động viên khen thưởng kịp thời đối với các em thanh thiếu nhi có thành tích xuất sắc. Đặc biệt, thông qua các lớp học đại trà Trung tâm đã phát hiện, tuyển chọn các em thiếu nhi có khả năng vào các lớp năng khiếu để bồi dưỡng và phát triển cho các em về Âm nhạc, Múa, Thanh nhạc, Bóng bàn, Cờ vua, Bơi lội...

       Trung tâm thanh thiếu nhi tỉnh Ninh Bình cũng chú trọng đến công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên tại Trung tâm, đặc biệt là các bộ môn mới như: kĩ năng sống, thực hành nấu ăn... Công tác quản lý các lớp học đã được nghiên cứu, rút kinh nghiệm để tiếp tục đổi mới về phương pháp, nội dung và hình thức quản lý, phát huy tối đa sức sáng tạo chủ động của giáo viên trong việc hướng dẫn, giảng dạy từng bộ môn.

       Để phân tích thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu tại Trung tâm thanh thiếu nhi tỉnh Ninh Bình, chúng tôi đã thực hiện bảng hỏi để thăm dò ý kiến của 150 phụ huynh đang có con tham gia học các môn năng khiếu tại Trung tâm, để từ đó có thể hiểu nguyện vọng và nhu cầu của phụ huynh khi đã tin tưởng lựa chọn Trung tâm là nơi cho con mình học tập và sinh hoạt. Qua số liệu điều tra cho thấy, tỉ lệ phụ huynh lựa chọn hình thức đào tạo tốt nhất cho con chính là mời giáo viên về nhà dạy, để hiểu rõ hơn quan điểm của phụ huynh về vấn đề này, tác giả đã thực hiện phỏng vấn chị Đinh Thị Hồng Hạnh - phụ huynh của cháu Nguyễn Thu Hương, 10 tuổi đang theo học bộ môn Piano tại Trung tâm, chị bày tỏ quan điểm: “Các bộ môn năng khiếu đòi hỏi sự tập trung cao nên chỉ có phương pháp một thầy một trò mới đem lại hiệu quả cao nhất, con mình sẽ không bị chi phối bởi các bạn cùng lớp khi thầy chỉ dạy kèm mình cháu, đặc biệt là đàn Piano. Nhưng do điều kiện gia đình chỉ ở mức thu nhập trung bình nên mình đã lựa chọn cho cháu đến Trung tâm thanh thiếu nhi để học, sau này khi cháu đã có trình độ nhất định tôi sẽ mời thầy về nhà dạy kèm riêng cho cháu…”.

       Hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, các cơ sở tư nhân đào tạo về các bộ môn năng khiếu còn hạn chế về số lượng và chất lượng chưa cao nên tỉ lệ phụ huynh lựa chọn cho con mình theo học tại các cơ sở này chiếm tỉ lệ khá thấp chỉ chiếm 17%. Trong số 150 phiếu thăm dò ý kiến, có 10% số phụ huynh lại có ý kiến khác, đa phần đây là những gia đình có truyền thống về một bộ môn nghệ thuật nào đó nên đã tự dạy con mình theo phương pháp riêng, tuy nhiên vào những dịp hè họ vẫn cho con tham gia học tập và sinh hoạt hè cùng các bạn có cùng đam mê bộ môn năng khiếu chung để có một sân chơi bổ ích cho con mình.

       Những kết quả đáng ghi nhận trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu tại Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh Ninh Bình:

       Năm 2015, tham gia liên hoan võ thuật mở rộng tỉnh Nam Định lần thứ VI, đạt kết quả: CLB võ thuật Thiếu lâm nam phái: Giải ba quyền tập thể; Giải ba quyền đồng đội; và giải khuyến khích đối luyện.

       Năm 2016, tham gia liên hoan các Trung tâm Thanh thiếu niên toàn quốc tại Huế đạt giải xuất sắc toàn đoàn.

       Năm 2016, tham gia liên hoan Trống kèn do Hội đồng đội trung ương tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh đạt giải xuất sắc toàn đoàn.

       Năm 2017, tham gia liên hoan festival các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm Thanh thiếu nhi toàn quốc tại tỉnh Khánh Hòa đạt giải A toàn đoàn. Hội họa đạt giải xuất sắc. Nghệ thuật đạt 02 tiết mục huy chương vàng; 03 tiết mục huy chương bạc.

       Năm 2017, tham gia liên hoan “Tiếng kèn đội ta” các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm thanh thiếu nhi khu vực phía Bắc tại tỉnh Quảng Ninh đạt giải xuất sắc toàn đoàn, Chỉ huy đội đạt giải xuất sắc.

       Trong thời gian tới, Trung tâm thanh thiếu nhi tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục nghiên cứu để tổ chức giảng dạy các bộ môn năng khiếu mới để đáp ứng nhu cầu của thanh, thiếu nhi trong toàn tỉnh, hứa hẹn là địa chỉ tin cậy giúp các em nuôi dưỡng ước mơ, rèn luyện đạo đức để trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội trong tương lai.

Tài liệu tham khảo
       1. Ban Dân vận Trung ương (2006), Kết quả điều tra khảo sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương IV khoá VII về công tác thanh niên trong tình hình mới, Hà Nội.

       2. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình (2017), Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/6/2017 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

       3. Bộ Chính trị (2012), “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, Chỉ thị số 20 ngày 05 tháng 11 năm 2012, Hà Nội.

       4. Bộ Giáo dục và đào tạo (1998), Giáo dục hệ thống giá trị đạo đức - nhân văn, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

       5. Hội đồng Đội Trung ương (2004), Những điều cần biết về công tác Nhà thiếu nhi, Nxb Thanh niên, Hà Nội.

       6. Hội đồng Đội Trung ương (2016), Báo cáo hoạt động Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi toàn quốc năm 2015, Hà Nội.

------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa