Nội san

Luận bàn về phương pháp dạy hát ở tiểu học thời đại công nghệ 4.0

16 Tháng Bảy 2018

Nguyễn Thị Tuyết Hạnh [*]

Trên thế giới hiện nay, tốc độ sử dụng máy tính và mạng internet phát triển nhanh chóng và không ngừng. Các mạng lưới 3G, 4G phủ sóng toàn cầu khiến cho công việc truy cập diễn ra nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi. Ở Việt Nam, bên cạnh xu thế chung đó, “cuộc cách mạng công nghệ bốn chấm không (4.0)” càng kích thích công nghệ thông tin phát triển vượt bậc. Các ứng dụng và các phần mềm được sáng tạo ra hàng ngày theo cấp số nhân nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Công nghệ thông tin đã làm thay đổi thế giới hàng giờ, hàng phút trong mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa và đời sống xã hội. Hòa cùng xu thế chung của thê giới, ngành Giáo dục Việt Nam khuyến khích các giáo viên khai thác sử dụng các bài giảng điện tử, bài giảng E - learning vào dạy học. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng giúp cho các giáo viên khai thác, tìm kiếm nguồn tư liệu dạy học “khổng lồ” của nhân loại để sử dụng hiệu quả vào các bài dạy của mình.

Trong âm nhạc ở tiểu học cũng vậy, mỗi tiết học giờ đây không chỉ còn là giáo viên nói - học sinh làm; hoặc sử dụng các đồ dùng trực quan đơn giản như bảng phụ, tranh ảnh, mô hình… Giáo viên Âm nhạc đã khai thác và sử dụng Tin học như một công cụ hữu hiệu nhất để giờ học âm nhạc hấp dẫn hơn và thu hút học sinh hơn. Phương pháp đảm bảo tính giáo dục cao và hiệu quả nhất đó chính là phương pháp sử dụng bài giảng điện tử hoặc các phần mềm âm nhạc vào giờ học.

 Ở tiểu học, chương trình âm nhạc được chia thành hai nhánh, lớp 1- 2 - 3 có nội dung chính là Học hát (chiếm hơn 50%) tổng số tiết học. Nội dung còn lại dành cho Âm nhạc thường thức. Lớp 4 - 5 có thêm nội dung Tập đọc nhạc. Chương trình âm nhạc tiểu học góp phần chuẩn bị những kiến thức cơ bản nhất làm hành trang cho học sinh tự tin bước tiếp vào các cấp học sau.

Tương ứng với phần nội dung, việc soạn bài giảng điện tử ở hai nhóm cũng có những điểm riêng biệt cho phù hợp với đối tượng học sinh. Khối lớp 1-2 - 3, các bài giảng điện tử đòi hỏi phải đáp ứng tiêu chí “3 dễ” (dễ nhìn, dễ hiểu và dễ nghe). Dễ nhìn: giao diện phải đẹp, nhiều màu sắc, hiệu ứng hấp dẫn học sinh; câu chữ ngắn gọn, súc tích, hạn chế nhiều chữ và cỡ chữ bé. Dễ hiểu: mọi hoạt động hoặc yêu cầu đều phải trình bày rõ ràng, không nối tiếp liên tục; ở nhóm lớp này, không cần thiết phải đưa các bản nhạc bài hát vào trang trình chiếu vì dễ khiến học sinh khó hiểu, khó biết cách nhìn lời (nhất là với những bài có nhiều lời ca). Dễ nghe: các đoạn nhạc hoặc tác phẩm phải rõ ràng, phần dạo đầu hoặc dạo giữa không quá dài, nhấn nhịp phách rõ; tiết tấu vừa phải, không quá nhanh, ưu tiên những đoạn nhạc có tiết tấu sôi nổi, dồn dập ngay từ đầu giúp học sinh tập trung.

Các bài giảng điện tử soạn cho khối 4 - 5 đòi hỏi giáo viên cần phải đầu tư hơn vì thường có nhiều nội dung trong mộtu tiết học hơn nhóm lớp 1 - 2 - 3. Tiêu chí để thiết kế một bài giảng điện tử thích hợp cho âm nhạc lớp 4 - 5 là “3C” (Chất - Chính - Chuyên).

“Chất” tức là chất lượng, mỗi bài giảng điện tử âm nhạc lớp 4 - 5 luôn phải đảm bảo tính chất đẹp - độc - lạ. Mỗi thiết kế giao diện cần đơn giản nhất, tránh hoa lá cành và màu sắc quá nhiều, nhưng lại cần tính thẩm mĩ cao. Hơn nữa, mỗi bài giảng điện tử cần độc đáo, không bài nào giống với bài nào tránh học sinh nhanh cảm thấy nhàm chán. Bởi học sinh lớp 4 - 5 rất nhạy cảm, các em có thể nhận ra ngay sự giống nhau giữa các bài học và cảm thấy ít hứng thú nếu bài học đó không có gì mới lạ.

“Chính” tức là chính xác, giáo viên thiết kế bài giảng điện tử cần tôn trọng nội dung, chính xác từng hoạt động, từng câu chữ, từng nốt nhạc, từng kí hiệu âm nhạc. Đặc biệt với các bài Tập đọc nhạc đòi hỏi phải có bản nhạc đầy đủ, các bài hát cũng có thể đưa hẳn bản nhạc vào trình chiếu chứ không chỉ còn là lời ca.

“Chuyên” tức là chuyên nghiệp, các bài học âm nhạc ở lớp 4 - 5 không còn là các bài hát ngắn hoặc quen thuộc nữa mà nó là các bản nhạc có nhiều kĩ thuật hơn, nhiều kí hiệu âm nhạc hơn. Cả giáo viên và học sinh phải giải quyết bài học một cách khoa học, chuyên nghiệp hơn, nhiều kĩ năng hơn. Thiết kế mỗi bài giảng này cần thể hiện rõ hệ thống kiến thức từng nội dung đầy đủ.

Ứng dụng soạn bài giảng điện tử vào các nội dung âm nhạc thực tế sẽ thấy được sự linh hoạt của các phương pháp mà giáo viên sử dụng. Trước hết ở phân môn Học hát. Đây là phân môn cơ bản nhất trong chương trình âm nhạc tiểu học, nó chiếm thời lượng nhiều nhất trong các phân môn.

Học hát giúp học sinh được tiếp xúc với âm nhạc có lời. Mỗi bài hát trong chương trình có chủ đề, nội dung riêng mang lại cho các em những cảm xúc khác nhau. Ngoại trừ những bài hát hai, ba lời ca như “Quả” (âm nhạc lớp 1), “Bắc kim thang” (âm nhạc lớp 2), “Em yêu trường em” (âm nhạc lớp 3)... Còn lại mỗi bài hát sẽ được phân bổ dạy trong một tiết học và ôn lại ở một vài tiết học sau.

Mục tiêu cần đạt ở các tiết học hát đó chính là về kiến thức, về kĩ năng và về thái độ. Trong đó, mục tiêu về kĩ năng được coi là mục tiêu trọng tâm đối với âm nhạc tiểu học. Về kiến thức: qua mỗi bài hát, học sinh hiểu và biết thêm về một vấn đề trong cuộc sống, các em biết bài hát do ai sáng tác hoặc dân ca vùng miền nào. Bên cạnh đó, lời ca của bài hát còn giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ, vốn từ phong phú hơn. Về kĩ năng: các tiết học hát giúp học sinh biết hát đúng giai điệu, tiết tấu, lời ca. Các em biết hát có sắc thái biểu cảm; hát kết hợp với gõ đệm hoặc vận động phụ họa đơn giản. Hơn thế nữa, các em còn mạnh dạn trình bày bài hát theo nhiều hình thức biểu diễn như đơn ca, song ca, tốp ca. Về thái độ: thông qua học hát, giáo dục học sinh thêm yêu quê hương đất nước; yêu mái trường - thầy cô - bạn bè; yêu thương gia đình và các sự vật, hiện tượng xung quanh mình…Bên cạnh đó, các em thêm hiểu vai trò của âm nhạc trong cuộc sống và yêu thích âm nhạc hơn, tự tin tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ.

Thiết kế một giáo án điện tử đảm bảo các mục tiêu của phân môn Học hát, tránh nhàm chán cho học sinh. Ở cách dạy truyền thống, trong tiết Học hát, giáo viên thường sử dụng tranh ảnh minh họa lời ca bài hát, bảng phụ chép lời ca bài hát và treo lên bảng trong suốt tiết học. Mới mẻ lắm là với những bài dân ca, giáo viên sử dụng thêm những tấm bản đồ thế giới hoặc Việt Nam, nhưng hiệu quả không cao và chỉ sử dụng 1 đến 2 phút. Cách này sẽ gây nhàm chán cho học sinh vì nó quá quen thuộc, chưa kể nếu hình ảnh nhỏ, mờ học sinh sẽ tập trung nhìn vào sách nhiều hơn là bảng phụ. Vậy tại sao người giáo viên âm nhạc không biến đổi nó đi một chút để tạo hiệu quả hơn?

Thực tế với cách giới thiệu bài vẫn bằng tranh ảnh minh họạ nhưng chất lượng ảnh cao và lại là ảnh động thì hiệu quả chất lượng hiệu quả hơn cách dạy truyền thống. Ví dụ: Phần giới thiệu bài hát “Trên ngựa ta phi nhanh” (nhạc sĩ Phong Nhã):

Hình 1. Giới thiệu bài hát, tiết 8 - lớp 4

 

Giáo viên đưa ra các bức tranh, ảnh giới thiệu về tác giả, tác phẩm trên màn hình. Với các hiệu ứng trình chiếu của PowerPoint thì chúng trở thành các bức tranh động cùng phần giai điệu của bài được lồng ghép phát ra trực tiếp nhờ phần mềm thu âm

SoundForge. Đó sẽ là điều bất ngờ cho học sinh, các em vừa quan sát tranh, vừa đọc thông tin tìm hiểu sơ lược bài hát, vừa được thẩm thấu giai điệu bài hát trọn vẹn.

Ở phần dạy hát, giáo viên có thể làm nhiều slide trình chiếu khác nhau, đưa các phần nhạc và lời ca hoặc riêng lời ca có đánh dấu rõ ràng những chỗ cần gõ để hướng dẫn học sinh hát kết hợp theo ba cách: gõ phách, gõ nhịp, gõ tiết tấu lời ca. Làm như vậy sẽ thu hút học sinh bởi những chữ cần gõ bình thường ở ngoài sẽ biến thành những kí hiệu vui nhộn biết nhảy nhót, có màu sắc hấp dẫn khác nhau, giúp học sinh phân biệt.

Hình 2. Hát kết hợp gõ đệm, tiết 6 - lớp 2

 

Với phần rèn kĩ năng như vận động phụ họa hoặc tập biểu diễn thì giáo viên có thể lồng ghép các đoạn video clip trực tiếp hoặc các đoạn phim hoạt hình 3D được thực hiện bởi phần mềm Photoshop hoặc Core Draw. Nó

sẽ giúp học sinh hào hứng tự động thực hiện các động tác theo mà không thấy e dè hay ngại ngần khi đứng trước tập thể nữa. Đây cũng là cách nắm bắt tâm sinh lý học sinh tiểu học rất linh hoạt của người giáo viên âm nhạc.

Tóm lại, sử dụng phần mềm soạn bài giảng điện tử và ứng dụng trong dạy học hiện nay không phải là phương pháp mới nhưng nó lại là phương pháp hữu hiệu giúp phát huy tối đa năng lực và tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Mỗi giáo viên âm nhạc hãy biết kết hợp và sử dụng sao cho phù hợp nhất với đối tượng học sinh, nội dung bài học. Có như vậy giờ dạy hát nói riêng và dạy học âm nhạc nói chung ở tiểu học sẽ đạt hiệu quả khả quan.

Tài  liệu tham khảo

  1. Đỗ Thanh Hiên (2009), Dạy học điện tử môn âm nhạc 1- 2, Sở GD&ĐT Hà Nội, Hà Nội.
  2. Ngô Thị Nam (1993), Âm nhạc và phương pháp giáo dục âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  3. Lê Anh Tuấn, (2010), Phương pháp dạy học âm nhạc ở tiểu học và trung học cơ sở, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  4. Lê Anh Tuấn, Hoàng Long, Hàn Ngọc Bích, Trần thu Thủy (2012), Hướng dẫn giảng dạy theo phương pháp dạy học tích cực môn Âm nhạc, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  5. Võ Văn Lý (2011), Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát âm tiếng việt và đào tạo giáo viên âm nhạc (Chương 3 - luận án “Phát âm tiếng việt trong nghệ thuật ca hát”), Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hà Nội.

 -----------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K7 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc