Nội san

Nhạc sĩ, nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan - một tình yêu lớn với cây đàn Tranh và tác phẩm đàn Tranh độc tấu “Mùa thu quê hương”

16 Tháng Bảy 2018

Trần Thị Phương Anh [*]

Nhạc sĩ, NGƯT Phạm Thúy Hoan được tặng nhiều danh hiệu, huy chương, nhiều bằng khen của thành phố và trung ương như: danh hiệu Nhà giáo ưu tú, huy chương Vì sự nghiệp giáo dục… Trong giảng dạy, NGƯT Phạm Thuý Hoan dành nhiều tâm huyết đào tạo các thế hệ nghệ sĩ đàn Tranh trẻ, đồng thời sáng tác nhiều tác phẩm cho đàn Tranh.

1. Nhạc sĩ, nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan - một tình yêu lớn với cây đàn Tranh

Nhà giáo ưu tú Phạm Thuý Hoan sinh năm 1942 tại Nam Định. Năm 10 tuổi, gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Năm 1962 ­- 1963, tốt nghiệp thủ khoa môn đàn Tranh và thủ khoa môn âm nhạc phổ thông, bà trở thành giảng viên giảng dạy môn đàn Tranh của trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (QGÂN & KN). Năm 1968, là giảng viên biệt phái của Sài Gòn ra dạy tại trường QGÂN & KN Huế. Sau ngày giải phóng, bà tiếp tục giảng dạy tại Nhạc viện Tp.HCM cho đến ngày nghỉ hưu (1997).

Nhạc sĩ, NGƯT Phạm Thúy Hoan từng ước mơ trở thành một giáo viên dạy văn, mong muốn đem hết tình yêu văn chương của mình để chia sẻ cùng thệ hệ đi sau và luôn trăn trở làm sao có thể tìm một cách tối ưu nhất để truyền đạt văn chương đến với các em học sinh sao cho thật sinh động. Nhạc sĩ đến với đàn tranh như một cái duyên, rồi trở nên say mê cây đàn này và bắt đầu gắn bó với nó từ năm 14 tuổi. Bà thấy rằng, nhờ đàn tranh bà có thể truyền cảm hứng yêu văn chương đến với các em học sinh, thay vì đọc những bài ca dao, những câu thơ lục bát một cách bình thường bà đã dùng đàn tranh lồng vào đó những  giai điệu dân ca quen thuộc, đi vào lòng người một cách dễ dàng, nhẹ nhàng và thấm thía hơn. Bà nói: “Đối với bộ môn nào, thể loại nào cũng vậy, người khác có dễ dàng tiếp nhận hay không thì một phần lớn là do người truyền đạt có tạo được cảm hứng cho họ hay không. Vì vậy, phương pháp truyền đạt là yếu tố rất quan trọng”.

Trở thành một nhà giáo ưu tú, tuy dạy về âm nhạc dân tộc, về đàn tranh nhưng nhờ đó mà những câu ca dao, dân ca lại in sâu hơn trong lòng bao thế hệ học trò của bà. Những hình ảnh quê hương đất nước dân dã, tình cảm tốt đẹp của con người, tất cả đều có trong những giai điệu đàn tranh như hình ảnh cánh cò lả, nghiêng nghiêng vành nón lá, mái chèo, con đò… Cây đàn tranh có thể thể hiện đầy đủ các cung bậc cảm xúc của con người như vui buồn, giận hờn, thương yêu, hỉ nộ ái ố… từ nhẹ nhàng, sâu lắng đến cao trào, kịch tính.

Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan trong lần giao lưu biểu diễn ở Hàn Quốc

 năm 2002 (Nguồn: Sưu tầm)

Suốt 42 năm làm nhà giáo, bà đã đào tạo rất nhiều thế hệ trẻ đàn Tranh. Học trò của bà có nhiều người đoạt giải thưởng cao trong nước và đã biểu diễn rất nhiều tại các liên hoan âm nhạc dân gian quốc tế, đặc biệt nghệ sĩ ưu tú đàn Tranh nổi tiếng Hải Phượng là con gái và là học trò xuất sắc của nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan.

Tác phẩm đàn Tranh của nhạc sĩ, NGƯT Phạm Thúy Hoan được đưa vào sử dụng trong giáo trình giảng dạy tại hầu hết các cơ sở đào tạo nhạc cụ dân tộc trên toàn quốc. Nhạc sĩ biên soạn rất nhiều tác phẩm làm phong phú thêm cho giáo trình giảng dạy như: Phương pháp đàn Tranh (tập I, II, III, IV), Ca khúc soạn cho đàn Tranh (I, II, III, IV, V), Dân ca soạn cho đàn Tranh (I, II, III), cuốn bài hát dân ca gồm 70 bài và một cuốn CD dạy học đàn Tranh dành cho cuốn I, II.

Những tác phẩm viết cho đàn Tranh tiêu biểu như: Mùa thu quê hương năm 1978, Tình ca xứ Huế năm 1980, Tình ca đất Bắc năm 1981, Tình ca miền Nam năm 1983, biến tấu Chim quyên, biến tấu Qua cầu gió bay, Mơ về  Bến Ngự, các bài Vui đi học, Vui trong lớp, Vui tan lớp (trong bộ Học đường ca) năm 1979. Trong bộ Tình ca Quê hương gồm ba bài Tình ca đất Bắc, Tình ca xứ HuếTình ca miền Nam.

Tác giả luận văn có dịp gặp gỡ và phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan, bà có trao đổi rằng: Ba bài Tình ca đất Bắc, Tình ca Xứ HuếTình ca miền Nam. Cả ba bài đều viết theo hình thức ba đoạn đơn ABA' hoặc ABC, đoạn B là đoạn Cadenza (gian tấu), thể hiện câu hò (Hò mái nhì miền Trung, ngâm thơ Anh Khóa miền Bắc và Hò miền Nam). Đây là những giai điệu đòi hỏi người đàn phải nắm vững hơi nhạc của từng miền thì khi đàn khán giả mới có cảm giác như đi từ miền này qua miền khác. Trước khi vào bài, người đàn thường tự do Dạo đàn hoặc Rao để giới thiệu sơ hơi nhạc sắp đàn. 

Lúc đầu tác giả định viết 3 bài theo thứ tự trên, nhưng rồi Tình ca xứ Huế lại hoàn thành trước. Có lẽ, những cảm xúc trước khung cảnh thơ mộng, những điệu nhạc thanh cao, sâu lắng và với biết bao kỷ niệm những ngày dạy nhạc ở Huế đã giúp dòng nhạc xuất hiện nhẹ nhàng, đơn giản, tự nhiên, trôi chảy. Một chút kỹ thuật để thêm duyên cho bản nhạc, đó là kỹ thuật trémolo (vê dây) trong khi tay trái lướt nhẹ trên dây tạo cảm giác nước chảy, đồng thời dùng tay ngón áp út của tay phải khảy dây đàn theo lời thơ, nhờ không đeo móng nên tiếng đàn ấm như tiếng người đang hò “Chiều chiều trước bến Vân Lâu…”. 

 Khác với sự nhẹ nhàng, đơn giản của bài Tình ca xứ Huế, ngay vào bài Tình ca đất Bắc, chúng ta gặp nhịp 6/8 và 2/4 xen kẽ nhau, các ngón nhấn phức tạp hơn, đồng thời tay trái cũng khó hơn... Dựa trên điệu ngâm thơ Anh Khóa của Á Nam Trần Tuấn Khải:

“Anh Khóa ơi, Em tiễn chân anh ra tận bến tầu. Hai tay em đỡ cái khăn trầu, Em lấy đưa anh…”, nguyên đoạn thơ này được thể hiện trong phần Cadenza. Trong đoạn C có dùng kỹ thuật gõ trên đàn đồng thời vỗ trên dây đàn tạo âm thanh lạ (đây cũng là một trong những lý do tại sao ta nên dùng móng giả để gảy đàn).

Bài Tình ca miền Nam được đàn trên đàn Tranh 21 dây thêm 1 bát độ trầm đối với đàn 17 dây. Chuẩn bị đàn bài này, phải tập trước kỹ thuật khảy 1 dây như đàn bầu nghĩa là phải tìm điểm phát âm trên sợi dây trầm nhất, sao cho có được câu “chầu”  tức là câu sẽ lập lại rất nhiều lần trong bài. Kỹ thuật bài này khó hơn hai bài trước nhất là đoạn Cadenza, phải chuyển từ hệ thống dây ban đầu: G - H - C - D - E (hò 1) sang C - E - F - G - A (hò 3). Đoạn C vào lại bài cũng trên dây Hò 3 sau câu chầu (giống tiếng đàn bầu), trở lại Hò 1 như ban đầu nhưng tốc độ nhanh hơn và song loan cũng dồn dập hơn.

Ba bài này được sử dụng trong Giáo trình đàn Tranh của Nhạc viện TP.HCM, thường được các nghệ sỹ biểu diễn trên sân khấu, trên truyền hình và được thu trong đĩa của hãng OCORA France và đĩa Tiếng đàn Hải Phượng của hãng Bến Thành Audio. Những tác phẩm này được phổ biến rộng rãi trong các giáo trình giảng dạy đàn Tranh hầu hết các cơ sở đào tạo nhạc cụ dân tộc trên toàn quốc.

2. Tác phẩm tiêu biểu Mùa thu quê hương

Tác phẩm Mùa thu quê hương được viết năm 1978. Đây là tác phẩm được công chúng nghe nhạc và các nghệ sĩ đàn Tranh yêu thích. Tác phẩm được giải Nhất của Học Viện Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng cho nghệ sĩ Phạm Thúy Hoan. Bản nhạc mang âm hưởng của nhạc Chèo, được viết trên điệu ngâm thơ sa mạc dựa trên hai câu thơ của thi hào Nguyễn Du:

“Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”

Tác phẩm được chia thành ba phần với các tính chất khác nhau:

Phần mở đầu với tính chất tự do, khoan thai, chủ đề chính của bài nằm ở phần này. Phần 2, đoạn Cadenza là phần dạo tự do theo điệu ngâm thơ sa mạc, đoạn vào nhịp tính chất êm ái, chậm rãi trữ tình. Phần 3 là phần phát triển từ chất liệu của phần 1 với tính chất sôi nổi hào hung.

Trong phần mở đầu, 8 ô nhịp đầu tiên với chuỗi kĩ thuật ngón Á vuốt nhẹ trên dây đàn, tốc độ chậm rãi thư thái như cơn gió mùa thu lướt nhẹ trên mặt nước. Những nốt nhạc dạo đầu mang tính chất tự sự, như một lời giới thiệu về quê hương của mình. Những nốt vuốt chuẩn bị vào nhịp thể hiện dào dạt hơn, tốc độ tăng dần lên. Chủ để của bài được nhắc lại ba lần với tính chất khoan thai, tự do. Trong đoạn nhạc này có thể tưởng tượng ra hình ảnh làng quê yên bình, với biết bao khung cảnh mây trời, sông nước êm đềm thân thuộc, những ngôi nhà và con người bình dị thân quen.

Phần hai là đoạn Cadenza, phần dạo tự do theo điệu ngâm thơ sa mạc, đoạn vào nhịp tính chất êm ái, chậm rãi trữ tình. Tốc độ chậm ở những ô nhịp  đầu, cuộn nhanh ở giữa và chậm lại những nốt cuối, âm nhạc êm đềm, trữ tình với nét nhạc to nhỏ rõ ràng thể hiện tính chất dạo sa mạc tự do, tha thiết với kĩ thuật tay trái như miết, vỗ, nảy làm cho câu nhạc mềm mại, duyên dáng. Sau đoạn Cadenza, tính chất âm nhạc trở lại êm ái và tươi vui.

Phần ba phát triển từ chất liệu của phần một với tính chất sôi nổi, hào hùng, tốc độ nhanh tương phản so với phần 1. Âm thanh sáng khỏe nhờ các kĩ thuật như song long, các hợp âm quãng 8 với tiết tấu nhanh và nhấn vào đầu ô nhịp, giai điệu lúc này tươi vui, rộn ràng.

Tác phẩm Mùa thu quê hương là một trong những tác phẩm nổi bật của nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan, cho đến nay nó vẫn chiếm vị trí đặc biệt trong các chương trình biểu diễn đàn Tranh.

Tài liệu tham khảo

  1. Trọng Ánh (2000), Âm nhạc Quan họ, Viện Âm nhạc, Hà Nội.
  2. Ngọc Đại (2000), Tâm lý dạy học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  3. Tuấn Giang (1996), Âm nhạc sân khấu và dân tộc, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
  4. Phạm Đình Hổ (1989), Vũ Trung tùy bút, Nxb Trẻ và Hội nghiên cứu giảng dạy Văn học thành phố Hồ Chí Minh liên kết sản xuất.
  5.  Phạm Thúy Hoan (1984),  Một số tiểu phẩm viết cho đàn Tranh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

________________________

[*] Lớp Cao học K7 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc