Nội san

Giá trị văn hóa của nghệ thuật hát Xẩm trong xã hội hiện đại

16 Tháng Bảy 2018

Trần Thị Thanh Dung [*]

Hát Xẩm trong xã hội hiện đại là một sinh hoạt văn hóa dân gian có lịch sử lâu đời, mang tính nhân văn sâu sắc, và ngày càng được chú ý bảo vệ, giữ gìn. Văn hóa dân tộc ta có rất nhiều loại hình diễn xướng ca nhạc khác nhau, mỗi loại hình lại mang một đặc trưng riêng rất dễ phân biệt nhất là về vùng miền. Nhưng hát Xẩm không chỉ riêng ở một vùng đất, một khu vực mà nó xuất phát từ hình thức sinh hoạt hát rong, sau đó nó dần phát triển mà mang những dấu ấn, đặc trưng riêng về thể loại.

Xẩm được xem là một hình thức mưu sinh của những người dân nghèo khổ đặc biệt là người khiếm thị. Xẩm đa số được biểu diễn ở chợ, đường phố, nơi đông người qua lại nên rất ít người biết đến loại nhạc truyền thống này. Hiện nay, hát Xẩm có những giá trị quan trọng trong đời sống xã hội của thời kỳ hội nhập và phát triển, những giá trị đó được thể hiện trên một số mặt cơ bản sau:

Giá trị liên kết, tuyên truyền trong cộng đồng của nghệ thuật hát Xẩm

Khi mới xuất hiện, hát Xẩm chỉ là hình thức hát rong, hát dạo của một nhóm người nhằm đi xin ăn, họ dùng nó làm phương tiện để kiếm sống. Là môn nghệ thuật của những người khiếm thị nên mỗi một nhóm Xẩm gồm vài ba người và phải có ít nhất một người mù vừa đàn vừa hát chính. Trong điều kiện xã hội chưa có sự phát triển về công nghệ thông tin, Xẩm là loại ca nhạc phổ biến lan truyền tốt nhất những tục ngữ dân gian qua những truyện cổ, truyện nôm hay cổ tích, thần thoại. Cùng với thời gian, nhận ra một số tác dụng khác của hát Xẩm khi những ca từ được lưu truyền trong nhân dân rất gần gũi, dễ nhận biết, hát Xẩm cũng được vận dụng cho một số mục đích chính trị như tuyên truyền, trao đổi thông tin.

Do tính chất biểu diễn mà lời hát Xẩm cần được biên tập cho phù hợp với hoàn cảnh và người nghệ sĩ biểu diễn. Đó có thể là lời kể chuyện nhẹ nhàng, là lời răn dạy sâu sắc hoặc cũng có thể là tiếng nói châm biếm sâu cay. Nếu như trong xã hội cũ, những người dân lao động chất phác phải dùng lời ca tiếng hát bày tỏ nỗi niềm thì hát Xẩm cũng phản ánh phần nào những bất công xã hội, những thói hư tật xấu của con người. Trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra đầy gay go, khốc liệt thì Xẩm được dùng như một công cụ nhằm tuyên truyền chính sách. Lời Xẩm Địch vận cũng được ra đời từ đó và nó đã góp phần không nhỏ cho chiến thắng của quân và dân ta.

Giá trị trong ca từ

Về giá trị ca từ, nếu có ai từng nghe một làn điệu Xẩm bất kỳ, có thể dễ dàng nhận thấy nó chủ yếu là dạng thơ lục bát, hay có các tiếng đệm cho hợp vần như hát nói. Các làn điệu của Xẩm vừa gần gũi, vừa đặc sắc tới mức có những loại hình nghệ thuật cũng mượn tới nó như Chèo, Ca trù, Quan họ. Khi mới ra đời, Xẩm chủ yếu là những làn điệu kinh điển, mang tính chất răn dạy như Xẩm thập ân, Mục hạ vô nhân, Vợ chồng cờ bạc, Ngãi mẹ sinh thành… Giai đoạn hiện đại, Xẩm lại mang hơi hướng của thời cuộc với những sáng tác của Á nam Trần Tuấn Khải, Nguyễn Khuyến, Tú Mỡ, Tản Đà,…

Hát Xẩm là nghệ thuật biểu diễn dân gian, vì vậy nó cũng giống như nhiều thể loại âm nhạc truyền thống khác, các sáng tác được lưu truyền cho tới ngày nay được biết tới có hai dạng đó là những bài Xẩm có tên tác giả và bài Xẩm không có tên tác giả. Những bài Xẩm không có tên tác giả thường là những sáng tác được truyền miệng cho tới ngày nay, nội dung của nó gắn với cuộc sống hàng ngày của những người dân lao động. Sáng tác Xẩm có tên tác giả thường hoa mỹ hơn về từ ngữ, nó cũng được sáng tác có mục đích cụ thể cũng như đặc trưng riêng của tác giả. Trong quá trình biểu diễn, người nghệ sĩ Xẩm có thể thêm vào nội dung chính những bài thơ của tác giả nhằm làm phong phú hơn cũng như tạo nét riêng trong bài diễn của mình.

Môi trường diễn xướng của Xẩm chủ yếu tại các cổng chợ, gốc đa, nơi có nhiều người, nội dung một bài Xẩm sẽ rất dài, nó gần như một câu chuyện mà người nghệ sĩ khéo léo trình bày nhằm cuốn hút người xem. Trong môi trường diễn xướng có nhiều sự pha tạp như của hát Xẩm, việc kéo dài nội dung bài Xẩm là hết sức cần thiết. Làn điệu “trường thiên” của Xẩm phải kể tới Thập ân - đây là một trong những làm điệu chính mang nét riêng của Xẩm.

Giá trị hướng về cội nguồn

Mọi hình thức văn hóa dân gian đều hướng về cội nguồn. Đó là nguồn cội nơi mà con người từ đó sinh ra và nay vẫn là một trong những bộ phận không thể tách rời như dân tộc, đất nước, tổ tiên, xóm làng, văn hóa… Hơn thế nữa, ý thức cội nguồn luôn gắn cùng với con người trong mọi sinh hoạt hàng ngày, nó ăn sâu vào tâm thức của người Việt. Không phải ngẫu nhiên mà những câu ca dao, tục ngữ trở thành câu nói cửa miệng hàng ngày của mỗi chúng ta: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Con người có tổ có tông/Như cây có cội như sông có nguồn”,… Do đó, ngay trong các làn điệu của hát Xẩm, tinh thần hướng về cội nguồn, nhớ ơn người đi trước hết sức được chú trọng. Đó là cuộc sống lao động sáng tạo và khát khao mong mỏi những điều tốt đẹp thể hiện trong ca từ, trong nội dung các làn điệu của hát Xẩm. Thông qua hình thức hát nói, con người được hiểu hơn về cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày, hòa vào môi trường thiên nhiên, tìm lại cội nguồn và bản sắc văn hóa của mình trong cái chung của văn hóa nhân loại. Ngày nay, trong thời đại của cách mạng khoa học công nghệ, truyền thống văn hóa đang có nguy cơ bị mai một. Trong hoàn cảnh, môi trường này, con người càng có nhu cầu tìm về với cội nguồn. Đây cũng chính là tính nhân bản bền vững và sâu sắc giúp cho hát Xẩm có thể lưu truyền cùng với văn hóa dân tộc, xứng đáng được gìn giữ và phát huy trong hệ thống di sản văn hóa còn lại đến ngày nay.

Giá trị tích lũy, sáng tạo văn hóa tinh thần

Hát Xẩm là một hình thức diễn xướng dân gian, bằng nghệ thuật hát nói, người dân lao động đã đem đến cho người nghe những làn điệu, những câu hát mang đậm tính dân gian. Nghệ nhân dân gian hát Xẩm với bề dày về vốn sống, kinh nghiệm, hiểu biết về những tinh hoa văn hóa đã tích lũy được trong suốt cuộc đời, đã và đang lưu giữ cho con cháu những giá trị văn hóa truyền thống. Xã hội phát triển, những phường Xẩm dần tan rã, những nghệ nhân vắng bóng, nhưng giá trị văn hóa tinh thần của Xẩm vẫn được giữ nguyên. Thế hệ trẻ ngày nay đang chung tay bảo tồn giá trị di sản văn hóa dân tộc đáng quý ấy, để vẫn còn đó những câu hát mang đậm tính giáo dục, tính nhân văn sâu sắc. Nghe hát Xẩm, ta không chỉ cảm nhận câu từ của những làn điệu, mà còn thấu hiểu những mảnh đời, số phận, những kinh nghiệm sống quý báu,… Nghệ sĩ Khương Cường, nhóm Xẩm Hà Thành chia sẻ: “Về việc bảo tồn hát Xẩm, mình thấy rằng cần phải làm một cái gì đó cụ thể hơn để Xẩm có thể tiếp cận gần hơn với nhóm khán giả trẻ, nên mình đã đưa vào Xẩm những đề tài và cách thể hiện mới. Ngoài cách thể hiện làm sao giữ được phong cách Xẩm ngày xưa thì phải cho giới trẻ biết được tính sáng tạo của người Việt Nam trong văn hóa” [2]. Bảo tồn và phát huy một cách bền vững là vấn đề chung của các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát Xẩm. Những nỗ lực tìm tòi, cách tân để thu hút giới trẻ theo dõi và tham gia biểu diễn đang thực sự giúp cho loại hình nghệ thuật này tìm được chỗ đứng trong đời sống hiện đại.

Giá trị bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Thực tế cho thấy, những nghệ nhân Xẩm đều đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, hầu hết họ không có lương nhưng bằng niềm đam mê, sự tâm huyết, các nghệ nhân vẫn miệt mài sưu tầm, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc và truyền lại cho mai sau “hồn cốt’ của dân tộc là việc làm rất đáng trân trọng. Trải qua nhiều thăng trầm, tuy không gian hát Xẩm không còn như ngày xưa, nhưng nghệ thuật hát Xẩm vẫn còn trong dân gian, ở đâu đó trong các nghệ nhân cao tuổi, trong sinh hoạt nghệ thuật đương đại, trong đó có vai trò của những người trẻ tuổi đã tiếp bước cha ông bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm. Nghệ nhân Hà Thị Cầu - là nghệ nhân Xẩm cuối cùng cũng mới qua đời, chính vì vậy, việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của hát Xẩm là việc làm quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, Ninh Bình được coi là cội nguồn của hát Xẩm với nghệ nhân là cụ Hà Thị Cầu và chồng là Chánh xứ Trương Mậu. Nằm trên địa bàn đặc thù có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, thanh niên Ninh Bình với vị trí là thế hệ kế thừa, phát huy đã luôn tích cực trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị di sản, bản sắc văn hóa dân tộc. Hát Xẩm từ lâu đã được các thế hệ thanh niên chú trọng gìn giữ và tiếp nối phát huy giá trị văn hóa.

Cho tới nay, mặc dù đã mai một đi nhiều, nhưng Xẩm vẫn giữ được những nét riêng đặc trưng khiến cho những người mộ điệu vẫn nhớ da diết khôn nguôi. Mong rằng nó sẽ còn được lưu lại những giá trị di sản văn hóa nhằm gìn giữ cho các thế hệ về sau.

Tài liệu tham khảo

  1. Phan Kế Bính (2005), Việt Nam phong tục, Nxb Văn hóa Thông tin.
  2. Khương Văn Cường (2009), Nghệ thuật hát Xẩm, Nxb Nghệ thuật.
  3. Bùi Trọng Hiến (2010), Hát Xẩm, 1000 năm Thăng Long Hà Nội, quyển 2, nhạc cổ truyền, Nxb Âm nhạc.
  4. Trần Việt Ngữ (2002), Hát Xẩm, Nxb Âm nhạc Hà Nội.
  5. 1000 năm Âm nhạc Thăng Long Hà Nội (2010), (quyển II, Nhạc cổ truyền), Nxb Âm nhạc Hà Nội.
  6. Bùi Đình Thảo (1995), Hát Xẩm, Sở VHTT tỉnh Ninh Bình.

  -----------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa