Nội san

Thực trạng và giải pháp xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở phường Hà Lầm, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

16 Tháng Bảy 2018

Phạm Thị Tuyết Nhung [*]

Hà Lầm là một phường của thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. So với các phường khác trên địa bàn, điều kiện kinh tế của người dân nơi đây còn thấp và gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, người dân Hà Lầm rất quan tâm đến xây dựng đời sống văn hóa.

Phường Hà Lầm cách trung tâm thành phố Hạ Long 4km về phía Đông Bắc, nối liền với quốc lộ 18A bằng đường 336. Phường có 06 khu phố, 53 tổ dân, 11 chi bộ đảng. Nhân dân trên địa bàn phần lớn là công nhân đã và đang làm trong ngành than chiếm 85% số người trong độ tuổi lao động và người già, số còn lại chủ yếu sống bằng nghề kinh doanh buôn bán nhỏ và chăn nuôi trồng trọt.

Thực trạng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phường Hà Lầm

Mặc dù không phải là phường trung tâm của thành phố Hạ Long, lại ít tiềm năng, lợi thế, nhưng trong những năm gần đây, Hà Lầm đã có sự bứt phá mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, hệ thống chính trị được củng cố vững chắc, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng bền chặt. Xác định đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát huy phẩm chất cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, Đảng bộ phường đã xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để quán triệt, triển khai thực hiện. Công tác quán triệt được lồng ghép với tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về xây dựng Đảng và chủ đề công tác năm của tỉnh và địa phương.

Cùng với đó, Đảng ủy phường tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và chi bộ, noi gương của người đứng đầu. Trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, phường Hà Lầm đã thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân đóng góp, dân kiểm tra”.

Thời gian qua, bên cạnh bám sát các văn bản hướng dẫn của các cấp, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường Hà Lầm đã chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền tới người dân thực hiện tốt Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn thành phố Hạ Long.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã thực sự đi vào đời sống của nhân dân thể hiện qua các hoạt động văn hóa diễn ra trên địa bàn. Những giá trị di sản văn hóa dân tộc đã được giữ gìn và phát huy, thuần phong mỹ tục được khôi phục và phát triển, các hủ tục lạc hậu trong đám cưới, đám hỏi, ma chay từng bước được xóa bỏ. Việc tổ chức đám cưới, đám tang và các hoạt động tín ngưỡng của nhân dân trên địa bàn được thực hiện theo Quy chế của thành phố đã ban hành. Quan hệ hàng xóm, láng giềng đã được thắt chặt, có tinh thần tương trợ giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa. Các quy ước của khu phố được thực hiện tốt, đặc biệt đã phát huy truyền thống của gia đình.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, hàng năm 100% các khu phố đã tổ chức cho nhân dân đăng ký xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hoá”; Phong trào xây dựng danh hiệu “Khu phố văn hóa” đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, các tổ dân phố, khu phố đã phát huy vai trò tự quản, ý thức chủ động, tích cực của cộng đồng. Đặc biệt là ý thức tự giác, tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, trợ giúp các gia đình khó khăn, xoá nghèo bền vững.

Hiện nay trên địa bàn phường Hà Lầm có các thiết chế văn hóa, thể thao là: 01 sân vận động Hà Lầm, 01 nhà thi đấu, 01 nhà đa năng trường học, 01 điểm Bưu điện Hà Lầm, 06 nhà văn hóa khu phố. Trong đó có sân vận động và nhà thi đấu Hà Lầm do Công ty Than Hà Lầm quản lý.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở vẫn còn tồn tại một số hạn chế bất cập như: Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) đã được quan tâm song chưa thường xuyên, có nơi phong trào chưa có chiều sâu, sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể vẫn còn có hạn chế, chưa đồng bộ. Hoạt động của Ban Chỉ đạo phong trào phường còn hạn chế. Một số nội dung của phong trào thực hiện còn mang tính hình thức.

Giải pháp nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy hiệu quả của Phong trào TDĐKXDĐSVH tại phường, tác giả đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của xây dựng đời sống văn hóa. Để nâng cao nhận thức về vai trò của việc xây dựng đời sống văn hóa cho đội ngũ cán bộ và nhân dân đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan ban ngành đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn phường Hà Lầm nói riêng và cấp trên nói chung cần quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối và nhiệm vụ cụ thể về văn hóa mà các nghị quyết cấp trên đề ra. Nhanh chóng tổ chức học tập và triển khai thực hiện sâu rộng trong quần chúng nhân dân những văn bản mới ban hành về lĩnh vực văn hóa.

Hai là, hoàn thiện các văn bản quản lý. Để việc xây dựng các văn bản quản lý đạt hiệu quả cần bố trí cán bộ thực sự có năng lực và hiểu phong trào xây dựng dự thảo các văn bản (kế hoạch, hướng dẫn…), Ban Chỉ đạo (BCĐ) thống nhất, xin ý kiến của các khu phố, cuối cùng xem xét tiếp thu hay không tiếp thu các ý kiến để thống nhất đưa ra văn bản triển khai cuối cùng.

Ba là, tăng cường nguồn lực xây dựng đời sống văn hóa. Nguồn lực ở đây được hiểu bao gồm nguồn  lực con người và nguồn lực cơ sở vật chất. Trước hết chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; lãnh đạo, đại diện các doanh nghiệp nhà nước và các chủ doanh nghiệp ngoài công lập; đội ngũ tình nguyện viên và cộng tác viên.

Cần bổ sung, đầu tư, phát huy có hiệu quả của các thiết chế văn hóa thể thao. Bên cạnh nguồn kinh phí của Nhà nước cấp thì phường Hà Lầm cần đưa ra những chương trình, hoạt động nhằm tăng thêm kinh phí cho việc xây dựng, đầu tư và nâng cấp các thiết chế văn hóa với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “lấy sức dân chăm lo đời sống văn hóa của dân”…  

Bốn là, đổi mới hoạt động các phong trào văn hóa. Cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với xây dựng đời sống văn hóa thông qua hiệu quả hoạt động của phong trào TDĐKXDĐSVH.  Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cần chống bệnh hình thức, chạy theo thành tích mà coi nhẹ chất lượng. Đổi mới mạnh mẽ công tác thi đua khen thưởng. Xây dựng tiêu chuẩn đánh giá thi đua cần lồng ghép các nội dung kinh tế xã hội vì xét đến cùng hiệu quả của các phong trào văn hóa cũng đều hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Năm là, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa. Cần chủ động trong việc tổ chức triển khai các hoạt động về xây dựng đời sống văn hóa. Đề xuất việc bổ sung hoặc điều chỉnh tổ chức bộ máy BCĐ cho phù hợp, tạo được sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện. Kiểm điểm, đánh giá nghiêm túc việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công của các thành viên trong BCĐ.

Sáu là, phát huy vai trò của cộng đồng, đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng đời sống văn hóa. Để phát huy tốt vai trò của cộng đồng thì chính quyền cấn phát huy dân chủ, tạo điều kiện để nhân dân tự quản, tự bàn bạc quyết định phương thức xây dựng đời sống văn hóa của địa phương trên cơ sở định hướng của chính quyền. Chỉ khi nào cán bộ chính quyền lấy công khai, minh bạch làm đầu, phát huy tính dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho người dân có quyền quyết định việc sử dụng nguồn vốn do mình đóng góp, giám sát việc sử dụng nguồn vốn đó thì người dân mới tích cực, hăng hái đóng góp tiền của để phát triển văn hóa.

Bảy là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thi đua khen thưởng. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biển, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào TDĐKXDĐSVH trên các phương tiện thông tin đại chúng. Định kỳ tổ chức hội nghị tuyên dương các cá nhân, tập thể xuất sắc trong phong trào ở các cấp. Lấy kết quả thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH là một trong các tiêu chuẩn để bình xét các danh hiệu thi đua của các cá nhân và tập thể hàng năm. Chú trọng công tác khen thưởng, động viên, cổ vũ phong trào phù hợp với các quy định của Luật thi đua - khen thưởng.

Nếu các công việc nêu trên được triển khai tốt, chắc chắn việc xây dựng đời sống văn hóa phường Hà Lầm sẽ còn có nhiều đóng góp cho việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cũng như công tác phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. 

Tài liệu tham khảo

1. Ban chấp hành đảng bộ phường Hà Lầm - Thành phố Hạ Long (2015), Lịch sử đảng bộ phường Hà Lầm, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

2. Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phường Hà Lầm (2015), Báo cáo kết quả 15 năm thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phường Hà Lầm.

3. Ban Chỉ đạo Trung ương (2001), Hỏi và đáp phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

4. Ban Tuyên giáo Trung ương (2008), Những giải pháp thúc đẩy phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đưa kết luận Hội nghị Trung ương 10 khóa 9 về văn hóa đi nhanh vào trong cuộc sống, Hà Nội.

5. Nguyễn Hữu Thức (2005), Về văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

6. Nguyễn Hữu Thức (chủ biên) (2009), Về cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Nxb Từ điển bách khoa và viện văn hóa, Hà Nội.

7. UBND phường Hà Lầm (2015), Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và 20 năm Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

-----------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa