Nội san

Một số giải pháp quản lí cụm di tích đình - đền Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội

16 Tháng Bảy 2018

Vũ Chí Kông [*]

Đình - đền Hào Nam là một trong những cụm di tích hiếm hoi của đất Thăng Long ngàn năm tuổi vừa là di tích văn hoá lịch sử, vừa là di tích cách mạng. Đình là một trong 13 nơi thờ Thánh Linh lang Đại vương, còn đền là nơi thờ Vạn ngọc Thuỷ tinh công chúa.

Trong thời gian qua, công tác quản lý cụm di tích đình - đền Hào Nam đã được các cấp, các ngành quan tâm và đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, việc hưởng ứng tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện của người dân còn nhiều tồn tại. Do đó cần có những giải pháp thích hợp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của cụm di tích đình - đền Hào Nam trong giai đoạn hiện nay.

1. Nâng cao năng lực và cơ chế phối hợp quản lý di tích cụm di tích đình - đền Hào Nam           

Mô hình quản lý di tích ở cụm di tích đình - đền Hào Nam cần có sự kết hợp giữa chính quyền và cộng đồng của người dân để nâng cao hiệu quả quản lý di tích. Thực hiện phân cấp, phân công rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để một mặt, các tổ chức, cá nhân nhận thức và thực thi đúng đắn trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, mặt khác, các cơ quan có thẩm quyền có căn cứ pháp luật rõ ràng trong việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm. Muốn vậy, cần thực hiện có chất lượng và hiệu quả việc phối hợp giữa các cấp, các ngành, đặc biệt phối hợp liên ngành, trong quá trình thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về di sản văn hóa, đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời, dứt điểm các vi phạm, không để tồn tại việc xử lý kéo dài, rơi vào im lặng, trốn tránh trách nhiệm.

2. Tăng cường thực thi các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các văn bản qui phạm pháp luật

Có thể nói, trước khi Luật Di sản Văn hóa được ban hành, văn bản mang tính pháp lý được sử dụng làm căn cứ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa là Pháp lệnh sử dụng và bảo vệ Di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Năm 2001, Luật Di sản Văn hóa được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua và được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Luật này đã trở thành văn bản có tính pháp lý cao nhất để các cấp, các ngành có căn cứ thực hiện. Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan tham mưu giúp UBND thành phố Hà Nội xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa phù hợp, đúng với đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban quản lý di tích đình - đền Hào Nam và Ban quản lý di tích phường Ô Chợ Dừa. Xây dựng quy chế phân cấp quản lý Di tích lịch sử văn hóa của huyện Thường Tín trên cơ sở quyết định của UBND thành phố Hà Nội. Tham mưu cho cấp trên về việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với đặc thù của bộ máy quản lý tại cụm di tích đình - đền Hào Nam.

3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm kịp thời

Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tại cụm di tích để phát hiện sớm những sai phạm và có biện pháp xử lý kịp thời. Để thực hiện được công tác này cần phải có cán bộ chuyên môn làm công tác thanh tra phụ trách tại cụm di tích, phối hợp với UBND phường Ô Chợ Dừa trong việc thanh tra, kiểm tra tại khu di tích. Theo Nghị định 56/2006/NĐ-CP của Chính phủ, áp dụng các hình thức xử phạt thích đáng, đúng đối tượng khi có hành vi lấn chiếm, phá hoại và làm ảnh hưởng đến không gian cảnh quan gây ô nhiễm môi trường xung quanh di tích, các hiện tượng hành nghề mê tín dị đoan tại các di tích gắn với tôn giáo, tín ngưỡng.

Xây dựng kế hoạch cụ thể về thanh tra, kiểm tra ngắn, dài hạn một cách thường xuyên trong việc chấp hành thực hiện theo Luật Di sản Văn hóa, thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích theo Nghị định 70/2012/NĐ-CP. Thanh tra, kiểm tra việc thu, chi và sử dụng nguồn kinh phí cấp theo chương trình, mục tiêu chống xuống cấp tại cụm di tích đình - đền Hào Nam.

Công tác thi đua khen thưởng và xử lý vi phạm cần phải được làm thường xuyên, định kỳ theo từng quý, 6 tháng, một năm, hoặc theo vụ việc. Qua đó, có thể tuyên truyền, động viên, khích lệ hoặc răn đe kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm tới khu di tích, đồng thời nâng cao trách nhiệm tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của khu di tích ngày hiệu quả cao hơn.

 4. Nâng cao vai trò của cộng đồng trong quản lý di tích

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền Luật Di sản văn hóa, các văn bản về bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm đưa các văn bản này vào cuộc sống và có hiệu lực trong thực tế, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân, hình thành ý thức, thái độ trân trọng đối với các loại hình di sản văn hóa truyền thống trên quê hương.

Việc tuyên truyền di tích để người dân có cách ứng xử tích cực, phù hợp là vấn đề cần thiết nhất. Trong quá khứ cũng như hiện nay, truyền thống đấu tranh, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc luôn là vấn đề được coi trọng hàng đầu. Lịch sử hào hùng của dân tộc ngày nay được lắng đọng, thể hiện qua các di tích. Do vậy cần tuyên truyền, định hướng giúp cho người dân nhận thức đúng vai trò, giá trị của loại hình di tích này từ đó họ có sự quan tâm, đầu tư hợp lý, tránh tình trạng quá thiên về các di tích gắn với tôn giáo tín ngưỡng.

Đặc điểm của các di tích là thường gắn bó chặt chẽ với một cộng đồng cụ thể (làng xóm, khu phố, cụm dân cư...), do vậy cần tạo điều kiện để người dân tham gia bảo vệ, sử dụng và khai thác giá trị của di tích. Việc trao cho cộng đồng quyền chủ động quản lý các di tích, thành lập các ban quản lý di tích do chính người dân địa phương bầu chọn cũng làm cho người dân cảm thấy được quyền làm chủ của mình, từ đó tạo niềm tự hào, có ý thức trách nhiệm đối với các di tích. Ban quản lý di tích cụm di tích đình - đền Hào Nam là mô hình quản lý hoạt động có hiệu quả trong nhiều năm qua. Do vậy cần phổ biến, nhân rộng mô hình quản lý này đến nhiều di tích khác, nhằm giúp cho công tác quản lý di tích có chất lượng, hiệu quả. Các cơ quan quản lý nhà nước cần đóng vai trò định hướng, giám sát hoạt động của các ban quản lý tại các di tích này, đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về di tích, về di sản văn hóa cũng như nghiệp vụ quản lý cho các thành viên của các ban quản lý này để họ nâng cao được nhận thức về quản lý và bảo vệ di tích. Bên cạnh đó, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng, nơi có di tích là điều cần thiết. Cộng đồng là sợi dây liên hệ giữa di tích với cơ quan quản lý, những hiện tượng vi phạm di tích sẽ nhanh chóng bị cộng đồng phát hiện và thông tin được truyền tải đến những cơ quan có thẩm quyền xử lý.

5. Thực hiện phân cấp quản lý di tích

Di tích đình - đền Hào Nam phường Ô Chợ Dừa trực thuộc các cấp quản lý và chịu trách nhiệm toàn diện trong việc bảo vệ, chủ động tuyên truyền, chống xuống cấp, phát huy giá trị các di tích. Từ thực tiễn đó mà cần có sự phân cấp hợp lý, phân công mỗi bộ phận chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của mình để đạt kết quả cao trong công tác quản lý.

Phân cấp quản lý cần chặt chẽ, quy cũ để các di tích đạt kết quả tốt đẹp thì đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ thống nhất trong ban chỉ đạo, ban tổ chức. Do vậy, công tác chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho các di tích hoạt động thì cần có sự phân cấp quản lý một cách chặt chẽ, quy cũ, nhất quán cao. Các cơ quan đơn vị tham gia trong ban quản lý sẽ được giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.      

6. Bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích đình đền Hào Nam

Cụm di tích đình - đền Hào Nam là một trong những di tích điển hình toạ lạc trên địa bàn quận Đống Đa. Từ khi khởi dựng đến nay, ngôi đình đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa của cộng đồng làng xã nơi đây. Bởi vậy, vấn đề khai thác và phát huy giá trị của ngôi đình cần được quan tâm đúng mức góp phần phổ biến giá trị của di tích tớí rộng rãi công chúng.

Xã hội hiện đại với nhiều phương tiện thông tin đại chúng phát triển rộng rãi sẽ là tiền đề giúp quảng bá hình ảnh của ngôi đình với những giá trị độc đáo về lịch sử và kiến trúc đến đông đảo công chúng.

Địa phương và các cơ quan chức năng có thể quảng bá hình ảnh của ngôi đình trên báo đài, truyền hình và trên Internet. Đồng thời kết hợp với việc giới thiệu những giá trị văn hóa như những sinh hoạt lễ hội, các tập tục của điạ phương.      

Tóm lại, qua nghiên cứu, khảo sát thực tế về công tác tổ chức và quản lý tại cụm di tích đình - đền Hào Nam cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được còn có một số tồn tại cần khắc phục trong cơ cấu tổ chức, các khâu quản lý như tu bổ, tôn tạo; phát huy giá trị; thanh tra, kiểm tra các vi phạm, phân cấp quản lý, đề cao vai trò của cộng đồng trong quản lý di tích. Các giải pháp cụ thể mà tác giả đưa ra nhằm phát huy giá trị di tích đã giải quyết những mặt còn tồn tại và nâng cao hiệu quả công tác quản lý tại cụm di tích đình - đền Hào Nam, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Tài liệu tham khảo

  1. Đặng Văn Bài (1995), “Vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn di tích”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, (2).
  2. Đặng Văn Bài (2005), Tiếp cận thực trạng công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo tinh thần của Luật di sản văn hóa, Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, Nxb Thế giới, Hà Nội.
  3. Đặng Văn Bài (2006), “Tu bổ và tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa là hoạt động có tính đặc thù chuyên ngành”, Tạp chí Di sản văn hóa, (2).
  4. Nhiều tác giả (1998), Quản lý hoạt động văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  5. Phòng Văn hóa và Thông tin quận Đống Đa (2010), Báo cáo tổng kết công tác năm 2010, phương hướng nhiệm vụ năm 2011.

-----------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K3 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa