Nội san

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích lịch sử đền An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh

18 Tháng Bảy 2018

Đỗ Thành Hưng [*]

       Di tích lịch sử đền An Biên thuộc làng Vẻn, thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, là nơi thờ nữ tướng Lê Chân - một danh tướng có tài trong thời kì Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân xâm lược phương Bắc. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngày nay di tích lịch sử đền An Biên là một địa chỉ giáo dục truyền thống vừa thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, vừa để ghi công những người con ưu tú của địa phương đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho nền độc lập tự do của dân tộc.

      Di tích lịch sử đền An Biên nằm trong khuôn viên rộng 5000m2. Bên trái đền có dòng suối nhỏ trong vắt chảy quanh năm. Đền tựa lưng vào sườn núi Vàn, địa thế núi hình rồng, phía trước cách đền 500m là dòng sông Đạm Thủy uốn lượn mềm mại, xa hơn còn có hòn núi Cậy làm án, bên phải và bên trái đều có núi chầu về. Địa thế xây dựng đền là nơi đắc địa, có tả thanh long, hữu bạch hổ, sau có chẩm trước có án. Đền quay hướng Đông Nam, kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm ba gian bái đường và một gian hậu cung. Đền là nơi thờ nữ tướng Lê Chân - một danh tướng có tài trong thời kì Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân xâm lược phương Bắc. Sau khi bà qua đời, nhân dân đã lập đền thờ ở nơi bà đã sinh ra và lớn lên để tưởng nhớ một người con quê hương đã có những đóng góp to lớn trong cuộc đấu tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc ta đầu công nguyên và thể hiện lòng tôn kính, nhớ ơn của các thế hệ sau này với người có công với nước. Di tích lịch sử đền An Biên hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như tượng nữ tướng Lê Chân, chuông đồng, hoành phi, câu đối mang tính nghệ thuật cao.


​Bên trong khuôn viên di tích lịch sử đền An Biên (Nguồn:  Tác giả chụp 20/3/2017)

       Mỗi năm di tích lịch sử đền An Biên có ba ngày lễ lớn gắn liền với ngày sinh, ngày mất và ngày chiến thắng của bà: ngày mùng 8 tháng 2 (âm lịch) - ngày sinh của bà; ngày 25 tháng 12 (âm lịch) - ngày mất của bà; ngày 15 tháng 8 (âm lịch) - ngày thắng trận. Trong đó ngày mùng 8 tháng 2 (âm lịch) - ngày sinh của bà được chọn làm ngày diễn ra lễ hội chính tại đền hàng năm. Trước kia lễ hội di tích lịch sử đền An Biên được tổ chức công phu, có lễ rước thần và diễn lại công trạng hành binh đánh trận phá giặc của thần và của quân dân ta. Quan trọng nhất trong lễ hội là lễ tế thần, đây là cuộc diễu lễ, dâng lễ vật, đọc chúc văn tỏ ý kính trọng biết ơn thần, cầu xin thần ban tốt lành cho dân làng. Tế thần là sự giao cảm giữa người và thần, là hoạt động thiêng liêng nhất mở đầu lễ hội. Sau này do chiến tranh tàn phá, đền bị hư hỏng, điều kiện kinh tế của nhân dân khó khăn nên lễ hội di tích lịch sử đền An Biên không được duy trì. Đến năm 1993 được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương lễ hội truyền thống di tích lịch sử đền An Biên được khôi phục lại cho đến ngày nay. Hàng năm vào những ngày lễ của đền, UBND xã Thủy An, thị xã Đông Triều đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm. Riêng ngày 8 tháng 2 âm lịch hàng năm, lễ hội truyền thống di tích lịch sử đền An Biên được kéo dài 3 ngày, từ ngày mùng 8 đến ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch. Ngoài phần lễ được tổ chức trang nghiêm còn có phần hội với nhiều trò chơi dân gian thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương tham gia.


Các đại biểu và nhân dân tưởng niệm 2000 năm ngày sinh Nữ tướng Lê Chân
(Nguồn: Tác giả chụp 24/3/2018)

       Di tích lịch sử đền An Biên cũng là địa điểm giáo dục truyền thống quý báu của địa phương. Tại đây cán bộ và nhân dân xã Thủy An, các trường học trên địa bàn thường xuyên tổ chức các ngày lễ báo công và phát động các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn. Di tích lịch sử đền An Biên được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia vào tháng 03 năm 2017.

1. Thực trạng công tác quản lý di tích lịch sử đền An Biên

       Hiện nay UBND xã Thủy An đã thành lập Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn xã trong đó có di tích lịch sử đền An Biên. Cùng với đó xã Thủy An cũng thành lập Ban khánh tiết di tích lịch sử đền An Biên làm nhiệm vụ quản lý khuôn viên di tích, quản lý nội, ngoại tự, vệ sinh môi trường, đón tiếp khách, thực hiện các nhiệm vụ của Ban tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm tại di tích lịch sử đền An Biên. Thực tế nhiều năm qua cho thấy mô hình quản lý như hiện nay về cơ bản đã đáp ứng được công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, đồng thời gắn kết quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của cộng đồng trong việc đầu tư, tôn tạo di tích lịch sử của địa phương mình.  

       Tuy nhiên qua nghiên cứu, khảo sát công tác quản lý nhà nước đối với di tích lịch sử đền An Biên trên thực tế cho thấy công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích còn nhiều bất cập. Do những người tham gia Ban quản lý di tích cũng như Ban khánh tiết di tích lịch sử đền An Biên đều là những người làm công tác kiêm nhiệm, việc chính của những người này là làm công tác xã hội. Vì vậy không có cán bộ chuyên trách trong công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa, trình độ chuyên môn nghiệp vụ không chuyên sâu về lĩnh vực quản lý văn hóa dẫn đến việc còn hạn chế trong việc phát huy các giá trị vốn có của di tích. Công tác sưu tầm, phục dựng, tái hiện lại các nghi lễ tại lễ hội truyền thống trước đây của di tích lịch sử đền An Biên chưa được quan tâm. Việc tổ chức lễ hội truyền thống của đền ngày nay còn đơn điệu, chưa thu hút được đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham dự. Giá trị về xã hội tại di tích lịch sử đền An Biên mới chỉ dừng lại trong sinh hoạt văn hoá tâm linh của cộng đồng thông qua các lễ hội truyền thống hàng năm, chưa có sức lan toả rộng khắp và ảnh hưởng sâu rộng trong tỉnh Quảng Ninh nói riêng và trong cả nước nói chung. Di tích lịch sử đền An Biên chưa thực sự trở thành địa điểm trực quan sinh động trong giáo dục học sinh trên địa bàn. Giá trị về kinh tế, di tích lịch sử đền An Biên mới chỉ dừng ở sự khởi đầu giàu tiềm năng, mở ra hướng phát triển kinh tế - xã hội mới cho địa phương, chưa đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững của địa phương. Nhân dân trong vùng cũng chưa được hưởng lợi kinh tế từ di tích do hạ tầng cơ sở chưa được đầu tư đồng bộ. Sự tham gia của cộng đồng trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử đền An Biên chưa đồng đều, vững chắc.

       Để phát huy giá trị di tích lích sử đền An Biên xứng tầm với tiềm năng vốn có, cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp nghiên cứu, quản lý, bảo tồn và tôn tạo một cách khoa học và được cụ thể hoá trong lộ trình phù hợp, hiệu quả.

2. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích lịch sử đền An Biên

       Thứ nhất, để công tác quản lý, bảo tồn và phát huy được giá trị của di tích đạt được hiệu quả cao thì vai trò nguồn nhân lực có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động trong lĩnh vực quản lý là nhu cầu cần thiết. Đối với những cán bộ không đúng chuyên môn về quản lý văn hóa, di sản văn hóa cần được bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng quản lý di sản, kiến thức về trùng tu, tu bổ di tích theo các chương trình ngắn hạn được đào tạo bởi trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học tổ chức. Cần lập kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn về nội dung của Luật di sản văn hóa, vấn đề bảo tồn, tôn tạo di tích, các biểu hiện vi phạm gây ảnh hưởng không tốt đến di tích. Lớp tập huấn sẽ là một giải pháp tốt cho việc nâng cao trình độ cho đội ngũ làm công tác quản lý di tích. Cùng với đó có chính sách cử cán bộ đi tham quan nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quản lý ở một số tỉnh thành khác, tạo cơ hội để đội ngũ cán bộ có điều kiện tiếp xúc với các cách làm mới, có hiệu quả trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

       Thứ hai, do lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị của di tích là hoạt động mang tính đặc trưng bởi đối tượng là các sản phẩm văn hóa vật chất được sáng tạo trong lịch sử, được truyền lại cho đến ngày nay, gắn bó chặt chẽ và có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống cộng đồng. Những chính sách phù hợp sẽ là những động lực quan trọng mang tính khuyến khích, động viên và thúc đẩy công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Đối với di tích lịch sử đền An Biên cần ban hành các cơ chế chính sách về tài chính, chính sách xã hội đối với các thành viên trong Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa của xã, đặc biệt là đối với các thành viên trong Ban khánh tiết di tích lịch sử đền An Biên tùy theo khả năng cân đối ngân sách của địa phương nhằm động viên, khuyến khích họ tham gia công tác quản lý đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị của di tích.

       Thứ ba, đối với di tích lịch sử đền An Biên cần nghiên cứu và làm rõ hơn các giá trị phi vật thể của di tích, phục dựng những nghi lễ, một số tích trò diễn trong lễ hội như: lễ rước thần và diễn lại công trạng hành binh đánh trận phá giặc của thần và của quân dân ta, lễ tế thần và quảng bá rộng rãi các giá trị đó cho cộng đồng. Cùng với đó là mở rộng các hoạt động văn hóa dân gian, tổ chức các cuộc thi ở những trò chơi, trò diễn như: thi thổi cơm, đập niêu đất, đấu vật, tổ chức thi văn nghệ giữa các làng trong xã,… để thu hút nhân dân và du khách thập phương tham gia hưởng ứng, tạo điểm nhấn trong lễ hội. Để khai thác và phát huy giá trị của di tích lịch sử đền An Biên qua đó góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, thị xã Đông Triều và xã Thủy An phải tăng cường phối hợp với Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp lữ hành quảng bá và đưa khách đến Đông Triều và đến với di tích lịch sử đền An Biên theo các tour tuyến du lịch trên địa bàn thị xã.

       Thứ tư, để huy động tối đa nguồn xã hội hóa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của di tích, Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn xã Thủy An cần tăng cường tuyên truyền nhận thức cho nhân dân, có những giải pháp hợp lý để vận động được tối đa nguồn lực xã hội hóa trong nhân dân. Thị xã Đông Triều và xã Thủy An cần tìm nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tôn tạo, tu bổ, sửa chữa di tích. Đặc biệt là kêu gọi sự đóng góp, ủng hộ của nhân dân Thành phố Hải Phòng, Hội đồng họ Lê trong cả nước công đức trùng tu tôn tạo di tích. Vận động các doanh nghiệp xây dựng công trình trên địa bàn, doanh nghiệp địa phương hỗ trợ thực hiện công tác tôn tạo, tu bổ, di tích. Cùng với đó là phải đẩy mạnh công tác huy động nguồn lực trong cộng đồng dân cư, nhất là nhân dân địa phương để bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Có hình thức khen thưởng xứng đáng những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp tích cực đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích.

       Nâng tầm tổ chức kỷ niệm các ngày lễ tại di tích lịch sử đền An Biên, cùng các hoạt động văn hóa văn nghệ, hội thi, hội diễn trên địa bàn thành các sự kiện văn hóa du lịch để thu hút khách tham quan du lịch đến địa bàn.

       Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thi đua khen thưởng. Thực hiện có chất lượng, hiệu quả sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan, giữa các cấp trong quá trình kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất nhằm phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả hơn nữa vai trò quản lý nhà nước trong việc thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo di tích cũng như ngăn chặn, giải quyết vi phạm di tích.

       Xây dựng cơ chế giám sát hai chiều, cơ quan quản lý di tích, phòng Văn hóa - Thông tin thị xã có chức năng, nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo tồn, khai thác giá trị của di tích, lễ hội. Đồng thời nâng cao vai trò của người dân, của cộng đồng dân cư trong việc giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quyền hạn và nghĩa vụ của mình trong công tác quản lý di tích trên địa bàn.

       Xã Thủy An cũng cần tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội hàng năm để kịp thời đánh giá những ưu điểm cũng như chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề ra những giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế đó. Bên cạnh đó xã Thủy An cũng cần xây dựng quy chế khen thưởng trong lĩnh vực quản lý di tích trên địa bàn xã để kịp thời động viên, biểu dương những tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích qua đó sẽ thúc đẩy sự tham gia hưởng ứng của cộng đồng  trong việc tham gia quản lý, bảo vệ di tích trên địa bàn.

       Việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng quản lý đối với di tích lịch sử đền An Biên cũng như phân tích những tác động của nó đối với đời sống xã hội hiện tại, đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với di tích lịch sử đền An Biên là một việc làm cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội của xã Thủy An nói riêng và thị xã Đông Triều nói chung.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Đông Triều (2016), Nghị quyết số 07-NQ/TU,  ngày 10/4/2016 về phát triển du lịch thị xã Đông Triều giai đoạn 2016 - 2020, định  hướng đến năm 2030.

2. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Thủy An ( 2011),  Lịch sử Đảng bộ xã Thủy An (1930-2010), Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật Hà Nội.

3. Nguyễn Đăng Duy, Trịnh Minh Đức (1993), Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội.

4. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh (2016), Lý lịch đền An Biên.

5. Lê Minh Sự (2009), Luật Di sản Văn hóa năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009, Nxb Lao động Hà Nội.

6. UBND xã Thủy An (2017), Báo cáo kết quả 01 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 10/4/2016 của Ban Thường vụ Thị ủy Đông Triều về phát triển du lịch thị xã Đông Triều giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2030.

------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa