Nội san

Một số chính sách nhằm phát triển hoạt động của bảo tàng tư nhân hiện nay

24 Tháng Bảy 2018

Nguyễn Thị Thanh Nga [*]

       Bảo tàng tư nhân được ra đời từ chính đam mê, hy vọng lưu giữ những giá trị di sản văn hóa của những cá nhân. Việc có những con người gìn giữ tình yêu với cổ vật như vậy cũng giúp hạn chế phần nào tình trạng “chảy máu cổ vật” một thời ở nước ta. Không chỉ đơn giản là mua bán, người ta có thể trao đổi giữa những người đam mê cổ vật trong hội, trong các địa phương cả nước, chia sẻ sự hiểu biết và niềm đam mê di sản văn hóa dân tộc.

       1. Xây dựng các chính sách nhằm khuyến khích bảo tàng ngoài công lập

       Cùng với quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; các chủ trương của Đảng, Nhà nước về hoạt động bảo tàng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Đời sống của người dân không chỉ được nâng cao về vật chất, mà còn có những hưởng thụ đáng có về văn hóa, xã hội. Dù vậy, công tác quản lý Nhà nước, chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ nhằm tạo điều kiện ra đời cũng như phát triển bảo tàng ngoài công lập vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Đóng vai trò lớn nhất ở đây là chính sách quản lý của địa phương đối với các hoạt động sưu tập tư nhân, các bảo tàng tư nhân/ngoài công lập thông qua các quyết định thành lập, các quy định về hoạt động tổ chức triển lãm, trưng bày,… Qua đó, tác giả xin đưa một số ý kiến cụ thể cho giải pháp về cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc của bảo tàng tư nhân như sau:

       Một là, cần đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan liên quan đối với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của tỉnh nhà; tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra về văn hóa, phát triển văn hóa,… Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của Nhà nước về văn hoá, thể thao và du lịch.

       Hai là, đảm bảo tự do sưu tầm và trao đổi các hiện vật quý giữa các nhà sưu tầm với nhau. Ưu tiên, khuyến khích đầu tư và có chính sách ưu đãi cho những lĩnh vực then chốt, có vai trò quan trọng trong việc định hướng chính trị, tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ và giá trị xã hội, bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc.

       Ba là, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa. Tuyên truyền cho cộng đồng công chúng biết tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục tốt đẹp của mình, phát huy các giá trị văn hóa tích cực truyền thống trong cuộc sống mới.

       Bốn là, tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc; cân đối phân bổ ngân sách thực hiện các dự án thuộc chương trình. Có chính sách hỗ trợ công tác bảo tồn, phát triển văn hoá, công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hoá; đặc biệt là đối với các nhà sưu tập cá nhân, các bảo tàng ngoài công lập cần có những khóa học, khóa bồi dưỡng đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn.

       Năm là, cần có những chế tài cụ thể cho thị trường mua bán, trao đổi cổ vật, mà cụ thể là Nhà nước cần có những chính sách kiểm soát thị trường văn hóa. Kiểm soát thị trường văn hóa nhằm làm cho thị trường này phát triển theo hướng lành mạnh, hạn chế đến mức thấp nhất những biểu hiện tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến môi trường văn hóa - chính trị, xã hội.

2. Mở các quỹ văn hóa cho bảo tàng ngoài công lập

       Các hoạt động của bảo tàng dù là công lập hay ngoài công lập thì cũng luôn cần có một nguồn kinh phí duy trì đều đặn. Song song với việc xin tài trợ từ các doanh nghiệp, một trong các hoạt động xã hội hóa hiện nay chính là lập nên các quỹ văn hóa. Đứng trước những yêu cầu và thách thức của thời đại, bảo tàng ngoài công lập hiện nay cũng cần phải có một quỹ văn hóa nhằm đỡ đầu, phát huy hết khả năng của nó. Vai trò của quỹ văn hóa cho các bảo tàng ngoài công lập chính là:

       Hướng dẫn, bảo lãnh cho các cá nhân đam mê sưu tầm các cổ vật/di sản văn hóa mở bảo tàng tư nhân hoặc trưng bày triển lãm nhằm giới thiệu đông đảo tới công chúng;

       Giới thiệu, bảo tồn và phát huy giá trị của các bộ sưu tập, các chuyên đề trưng bày tại các bảo tàng tư nhân;

       Tổ chức các hoạt đông giao lưu, trao đổi, triển lãm cho các bảo tàng ngoài công lập với quy mô lớn nhằm giới thiệu tinh hoa văn hóa Việt Nam với thế giới và ngược lại;

       Quỹ văn hóa cho bảo tàng ngoài công lập cũng được phép trực tiếp giao dịch với các Quỹ văn hóa khác trong cả nước, các tổ chức nhân đạo, từ thiện, kinh tế, văn hóa, xã hội, các tập thể cá nhân trong nước và thế giới để tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ bằng nhiều hình thức để bảo tồn và phát triển nguồn vốn của Quỹ theo đúng pháp luật Nhà nước và các quy định của địa phương.

       Bảo tàng tư nhân được thành lập đồng nghĩa với việc nó cần phải tự lực đứng trên đôi chân của chính mình. Nhưng không vì thế bảo tàng ngoài công lập bị bỏ mặc, mà cần phải có sự quan tâm của các cấp các ngành một cách rõ ràng, cụ thể hơn. Nhiều nhà sưu tập tư nhân hiện nay khi đứng ra thành lập bảo tàng phải hoàn toàn tự lo về vốn, hơn nữa lại cần có một tổ chức đứng ra đỡ đầu thì mới hoàn thành được mong muốn của mình.Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng, để các bảo tàng ngoài công lập hoạt động thực sự có hiệu quả, ngoài sự quan tâm chưa đúng mức của Nhà nước tới hệ thống các bảo tàng ngoài công lập, thì “bà đỡ” để bảo tàng tư nhân hoạt động hiệu quả chính là các quỹ văn hóa của Nhà nước và của các tổ chức phi Chính phủ được xây dựng từ trung ương đến địa phương... Việc các quỹ văn hóa tài trợ trực tiếp cho những bảo tàng công lập và ngoài công lập sẽ là một trong những kênh tài trợ cụ thể. Thông qua quỹ văn hóa này, các đơn vị, doanh nghiệp đóng góp tiền tài trợ. Các bảo tàng cần có sự cạnh tranh trong công tác đề xuất và thực hiện các đề án thì mới có thể nhận tiền tài trợ. Đây là hoạt đông cần thiết để tăng khả năng cạnh tranh giữa các bảo tàng, hơn nữa cũng thúc đẩy các hoạt động tích cực nhằm tạo nguồn lợi lâu dài.

3. Kết nối giữa bảo tàng công lập với bảo tàng ngoài công lập

       Sau khi Luật di sản văn hóa có hiệu lực và cho phép thành lập bảo tàng tư nhân, hiện nay cả nước đã có khá nhiều bảo tàng tư nhân ra đời, trong số đó có rất ít hoạt động đúng nghĩa của một bảo tàng có các phòng, ban… và cán bộ nhân viên là những người được đào tạo chính quy.

       Theo Hội đồng Bảo tàng Quốc tế ICOM, bảo tàng là thiết chế tồn tại lâu dài, không vụ lợi nhằm phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội, mở cửa phục vụ cho công chúng và tiến hành nghiên cứu liên quan đến di sản của con người và môi trường xung quanh. Với Việt Nam, bảo tàng là thiết chế văn hóa nghiên cứu, bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội (sau đây gọi là sưu tập) nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

       Như vậy nhiệm vụ của bảo tàng là phục vụ cộng đồng xã hội các nhu cầu về hưởng thụ văn hóa, các nhu cầu về nghiên cứu, giáo dục đối với di sản của con người và môi trường xung quanh, mà không vì mục đích thu lợi nhuận. Tuy nhiên để thực hiện được nhiệm vụ đó là một điều vô cùng khó đối với các bảo tàng tư nhân, chính bởi trong hệ thống bảo tàng Việt Nam có bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập, cùng thực hiện những quy định của luật di sản đối với hoạt động của bảo tàng. Bảo tàng công lập được nhà nước bao cấp, còn bảo tàng tư nhân là “một tổ chức hoạt động về văn hóa phi lợi nhuận, tự chủ về kinh phí hoạt động”. Và có khách tham quan thì bảo tàng mới có thể tạo được nguồn thu cho hoạt động. Vì vậy việc thu hút khách tham quan đối với một bảo tàng tư nhân là vô cùng quan trọng, liên quan đến sự tồn tại của bảo tàng.

       Để hỗ trợ cho các hoạt động của bảo tàng tư nhân được mở rộng và phát triển hơn, cần có sự quan tâm và tạo điều kiện rất lớn từ các cơ quan, ban ngành có liên quan. Hy vọng trong thời gian không xa, bảo tàng tư nhân tại Việt Nam cũng có thể tạo nên những tiếng vang mang tầm vóc quốc tế.

Tài liệu tham khảo

  1. Bảo tàng góp phần hoàn thiện nhân cách con người (2004), Nxb Bảo tàng cách mạng Việt Nam, Hà Nội.
  2. Nguyễn Thị Huệ (chủ biên) (2010), Cơ sở bảo tàng học, Giáo trình dùng cho sinh viên đại học và cao đẳng ngành bảo tàng, Nxb ĐHQG, Hà Nội.
  3. Phạm Thu Hương, Đi tìm “bà đỡ” cho bảo tàng tư nhân, http//anninhthudo.vn, (truy cập ngày 15/6/2017)
  4.  Luật Di sản văn hóa và văn bản hướng dẫn thi hành (2002), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  5. Thông tư 18/2010/TT-BVHTT&DL, Quy định về Tổ chức và hoạt động của bảo tàng

-------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa