Nội san

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Xương Giang, thành phố Bắc Giang

24 Tháng Bảy 2018

 

Giáp Văn Qúy [*]

       Bắc Giang là tỉnh trung du miền núi thuộc vùng văn hoá Kinh Bắc xưa, được ví như phên dậu phía Bắc của quốc gia Đại Việt, có bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước, là nơi có nhiều địa danh gắn với những chiến công chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Nơi đây không chỉ nổi tiếng về truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất chống giặc ngoại xâm, nổi tiếng về truyền thống hiếu học mà còn là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa. Mỗi vùng đất con người Bắc Giang đều khắc ghi dấu ấn lịch sử của cha ông trong quá trình đấu tranh xây dựng, bảo vệ đất nước. Một trong những địa danh ghi dấu ấn sâu đậm là chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh của dân tộc Việt Nam.

       Chiến thắng Xương Giang là điển hình của nghệ thuật quân sự “Lấy ít thắng nhiều, lấy yếu đánh mạnh” của nghĩa quân Lam Sơn; là biểu tượng của sức mạnh, tinh thần và ý chí quyết thắng của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang, trận quyết chiến chiến lược chấm dứt hơn 20 năm đô hộ của giặc Minh được ghi bằng chữ vàng chói lọi trong những trang sử chống giặc ngoại xâm bất diệt của dân tộc ta.

       Chiến thắng Xương Giang năm 1427 buộc quân Minh phải chịu đầu hàng và kéo quân về nước, chấm dứt 20 năm thống trị, đô hộ tàn bạo của triều đình nhà Minh; kết thúc hơn 10 năm kháng chiến của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi và Nguyễn Trãi chỉ huy. Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang đã thể hiện đầy đủ tài thao lược, ý chí dũng cảm, quật cường, quyết tâm thắng giặc của ông cha ta. Những chứng tích lịch sử trên được ghi dấu bằng chiến thắng Xương Giang tại thành Xương Giang. Những dấu tích còn lại trong chiến thắng Xương Giang vừa để minh chứng một phần cho chiến thắng Xương Giang vĩ đại, vừa để chứng minh cho ý chí yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

       Với những giá trị to lớn trong lịch sử, ngày 22/01/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyết định số 293/QĐ-BVHTTDL công nhận xếp hạng di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Xương Giang tại thành Xương Giang là di tích cấp quốc gia (bao gồm 12 địa điểm 12 điểm di tích gốc, đó là: Cửa Đông Bắc, cửa Đông, cửa Bắc, cửa Tây Nam, cửa Nam, khu trung tâm, dấu vết thành, đoạn sông Xương Giang chảy qua thành; địa điểm khai quật khảo cổ học số 2, 3, giếng Phủ, đền Thành và hai điểm ngoài khu bảo vệ là: cửa Đông Nam, cửa Tây. Đặc biệt là việc quản lý, phát huy vai trò của di tích tại khu vực trung tâm đó là đền Xương Giang).

       Kể từ khi được công nhận đến nay di tích đã trải qua 02 lần thám sát khảo cổ,  kết quả khảo cổ đã chứng minh được giá trị, ý nghĩa lịch sử của di tích cũng như vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong đời sống cộng đồng và sự phát triển văn hóa của người dân thành phố. Là căn cứ để thành phố Bắc Giang thực hiện dự án bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di tích để di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Xương Giang; xây dựng khu di tích là trung tâm của hệ thống di tích trên địa bàn thành phố và cầu lối cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Bắc Giang với các địa phương trong tỉnh.

       Công tác quản lý di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Xương Giang đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di tích, vai trò và vị trí di tích được nâng cao. Tuy nhiên trong quá trình quản lý vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: công tác quản lý đất đai, chống xâm lấn di tích tại khu vực 12 địa điểm ghi/lưu niệm sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc ta thế kỷ XV; việc phân định rõ chức năng và nhiệm vụ về quản lý di sản văn hóa giữa phòng Văn hóa và Thông tin với Ban Quản lý di tích thành phố cũng như hệ thống văn bản quy pháp pháp luật để hướng hoạt động chưa ban hành, công tác quản lý chưa phát huy được vai trò của cộng đồng dân cư; công tác tổ chức lễ hội chưa chú trọng nhiều đến công tác phục dựng, trao truyền những nghi lễ truyền thống, các trò chơi dân gian mang những nét đặc trưng tiêu biểu làm lên hào khí vẻ vang, muôn thuở còn truyền tại lễ ăn mừng chiến thắng Xương Giang năm 1427; hoạt động quảng bá di tích gắn với phát triển du lịch dừng lại ở phạm vi hẹp, chưa có sự liên hệ kết nối với các di tích thuộc hệ thống chiến thắng Xương Giang đang ở các huyện và tỉnh bạn như: di tích chiến thắng Chi Lăng, di tích chiến thắng Cần Trạm, di tích chiến thắng Phố Cát;... đồi Vương (Hương Mãn), đồi Tướng (Xóm Chùa), đồi Phục (làng Gai),….

       Để thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử tại khu di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Xương Giang, cần làm tốt một số nội dung sau:

       Một là, cần tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ về bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, các văn bản của nhà nước, đặc biệt là Luật Di sản. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích động viên sự tham gia của toàn xã hội; mục đích chính là huy động nhân lực, vật lực trong hoạt động quản lý và phát huy giá trị của di tích; sử dụng đúng mục đích, hiệu quả sự đóng góp của nhân dân cho hoạt động quản lý di tích; tạo môi trường và điều kiện tốt nhất để quần chúng nhân dân được trực tiếp tham gia và trực tiếp quản lý và thụ hưởng thành quả mà di tích mang lại.

       Hai là, nâng cao chất lượng, kiện toàn bộ máy nhân sự và hệ thống văn bản tổ chức hoạt động, phân định rõ vai trò chức năng nhiệm vụ trong quản lý di tích giữa Ban quản lý di tích, phòng Văn hóa và Thông tin thành phố trong việc quản lý hệ thống di tích trên địa bàn. Tiếp tục phát huy mối quan hệ phối hợp công tác, tranh thủ sự quan tâm ủng hộ của cơ quan cấp trên trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, đặc biệt là xây dựng các đề án, dự án về quản lý phát huy vai trò của di tích gắn với đề án phát triển di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Xương Giang.

       Ba là, tăng cường đầu tư công tác kiểm kê, phân loại lập hồ sơ về di tích Xương Giang trên cơ sở nghiên cứu các thư tịch cổ, khảo cổ, các cứ liệu lịch sử về di tích, lễ hội của các di tích liên quan. Kết hợp với tổ chức liên kết nghiên cứu xây dựng nhiều đề tài khoa học về di tích là cơ sở tổ chức phục dựng, tái hiện những nghi thức cổ, trò chơi dân gian truyền thống, không gian văn hóa phi vật thể của di tích để tăng cơ sở dữ liệu hồ sơ di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Xương Giang. Qua đó góp phần nâng tầm các giá trị của di tích là căn cứ đề nghị công nhận di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Xương Giang là di tích cấp quốc gia đặc biệt.

       Bốn là, đẩy mạnh sự ủng hộ của cộng đồng, vai trò của quần chúng nhân dân là một trong những yếu tố quan trọng, bởi vì chính cộng đồng tạo ra di tích và cũng chính cộng đồng là người sử dụng di tích. Nâng cao hơn nữa nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích (nhất là giá trị lịch sử của di tích chiến thắng Xương Giang) và cần thực hiện thường xuyên, liên tục. Tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về DSVH với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có chiều sâu để mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tuyên truyền, phổ biến các mô hình xã hội hóa hoạt động tốt, các tổ chức cá nhân tích cực trong các hoạt động xã hội hóa. Thông qua đó nâng cao vai trò nhận thức của các cơ quan nhà nước để sử dụng có hiệu quả hơn nữa sự đóng góp của nhân dân cho xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

       Năm là, đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa; đồng thời kết hợp quản lý di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Xương Giang gắn liền phát triển kinh tế du lịch địa phương. Các hoạt động phát triển, dịch vụ du lịch nhà nước và cộng đồng cần được thực hiện theo đúng quy hoạch và đúng luật; có mô hình văn hóa du lịch, thu hút đầu tư, nâng cấp dịch vụ để phát triển loại hình du lịch này. Đồng thời, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành liên quan để phát triển các loại hình du lịch văn hóa phong phú tại khu di tích.

       Sáu là, cần tiếp tục bổ sung nguồn kinh phí cho xuất bản các ấn phẩm như sách, tờ rơi, tờ gấp, bưu ảnh để giới thiệu về khu di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Xương Giang, thành phố Bắc Giang. Có thể phát ấn phẩm, tuyên truyền ở các địa điểm thu hút khách tham quan, du lịch để cho du khách hiểu rõ về những giá trị tiềm ẩn trong di tích. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn sản xuất các thước phim giới thiệu về di tích để lưu trữ, bảo tồn và tôn vinh những giá trị của di tích; áp dụng công nghệ thông tin để giới thiệu truyền bá khu di tích là hết sức cần thiết.

       Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Xương Giang là việc làm cần thiết. Việc quản lý nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị của di tích là những việc làm thiết thực, cụ thể hóa lòng yêu nước bằng ý thức giữ gìn, vun đắp những giá trị tốt đẹp của cha ông, lấy đó làm cội nguồn để phát huy trong quá trình xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng.

Tài liệu tham khảo

1. Ban chấp hành Trung ương Đảng (1998), Nghị quyết số 03-NQ/TW về “Xây dựng và phát triền nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Hà Nội.

2. Ban chấp hành Trung ương Đảng (2017), Nghị quyết số 08-NQ/TW về “Phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn", Hà Nội.

 3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2009), Quyết định số 293/QĐ-BVHTTDL ngày 22/01/2009 công nhận thành Xương Giang là di tích lịch sử cấp Quốc gia gồm 12 điểm.

 4. Lê Quý Đôn (1985), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

 5. Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn (1997), Hiến trương lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,   tập 43. Q.103 và tập 45, Q 110.

 6. UBND thành phố Bắc Giang (2016), Đền Xương Giang, Nhà in Báo Bắc Giang.

-------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa