Nội san

Ngành Văn hóa và Thông tin huyện Hoa Lư với chương trình xây dựng nông thôn mới

25 Tháng Bảy 2018

Đinh Thị Thư [*]

       Xây dựng nông thôn mới là một Chương trình mục tiêu Quốc gia có ý nghĩa chiến lược và đặc biệt quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Trong đó phát triển văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

       Trong quá trình triển khai, phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí là một vấn đề khó khăn. Để đạt được các tiêu chí về số lượng, đảm bảo chất lượng, cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân. Trong 19 tiêu chí, có 02 tiêu chí mà ngành Văn hóa và Thông tin huyện Hoa Lư trực tiếp tham mưu, chỉ đạo thực hiện, đó là tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí số 16 về xây dựng đời sống văn hóa. Vào những năm đầu thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, phần nhiều các xã của huyện chưa đạt 2 tiêu chí về văn hóa. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ đạt không cao. Đối với tiêu chí số 6, nguyên nhân chủ yếu là thiếu kinh phí và quỹ đất. Thực tế cho thấy kinh phí để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao rất lớn (trung bình khoảng 500 triệu cho 01 nhà văn hóa và khu thể thao thôn, trên 3 tỷ đồng cho 01 nhà văn hóa, khu thể thao xã vào thời điểm năm 2011), đặc biệt ở những xã khó khăn, không có nguồn lực đối ứng, nguồn thu và nguồn huy động ngân sách xã rất hạn hẹp, chủ yếu trông chờ hỗ trợ từ cấp trên; tiếp theo là quỹ đất dành cho xây dựng theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (không đạt yêu cầu về diện tích, quy mô). Đối với tiêu chí số 16, nguyên nhân chủ yếu các thôn, xóm của huyện không đạt được danh hiệu “Làng văn hóa” 5 năm liền, là do tỷ lệ sinh con thứ 3 cao, tệ nạn xã hội, môi trường, có nơi lại xảy ra khiếu kiện, mất đoàn kết nội bộ… Trong hai tiêu chí, tiêu chí số 6, nếu các xã có nguồn lực tài chính thì việc hoàn thành tiêu chí này không khó, nhưng tiêu chí số 16 thì lại không hẳn như vậy, xây dựng thôn, làng, xóm văn hóa không phải cứ bỏ tiền ra là có ngay danh hiệu, nhìn thấy kết quả ngay. Tiêu chí này cần phải có thời gian, duy trì tính bền vững, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và người dân phải có ý thức đoàn kết, trách nhiệm cá nhân và ý thức cộng đồng để đạt danh hiệu văn hóa.

       Nhận thức được tầm quan trọng và những khó khăn thách thức trên. Với chức năng của ngành và nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới huyện phân công, phòng Văn hóa và Thông tin đã chủ động tham mưu với Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện triển khai thực hiện Quyết định 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phát triển văn hóa nông thôn; Kết luận số 51-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội... Tham mưu Huyện ủy xây dựng Chương trình Phát triển văn hóa - xã hội huyện Hoa Lư giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016 - 2020; Tham mưu Ủy ban nhân dân huyện ban hành kế hoạch Phát triển văn hóa huyện Hoa Lư đến năm 2020; Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Tham mưu Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện gắn nội dung phong trào với nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh các giải pháp tăng cường đầu tư xây dựng, hoàn thiện thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến thôn, xóm và tổ chức hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn.

       Phòng Văn hóa và Thông tin đã chủ động phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới huyện tham mưu cho huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện ban hành cơ chế khuyến khích xây dựng thiết chế văn hóa nông thôn. Theo đó hỗ trợ đầu tư xây mới 50 triệu, sửa chữa nâng cấp 30 triệu/01 nhà văn hóa - khu thể thao thôn; Cùng với phòng Kinh tế huyện tham gia thiết kế mẫu Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã và nhà văn hóa - khu thể thao thôn, xóm cùng với phòng Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban Nhân dân huyện phê duyệt Quy hoạch xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi luyện tập thể dục, thể thao, điểm vui chơi cho trẻ em ở cơ sở. Ký kết chương trình phối hợp với các phòng, ban ngành, đoàn thể của huyện. Đặc biệt phối hợp với Ban Thường trực Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện, phòng Tư pháp, phòng Lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo cơ sở bổ sung nội dung: Xây dựng nông thôn mới, bảo bệ môi trường, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình… vào hương ước, quy ước ở cộng đồng dân cư; với Hội Nông dân huyện đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Phối hợp với các phòng, ban, ngành, đoàn thể, Đài truyền thanh huyện tổ chức các hoạt động tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hoá nông thôn. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí về Xây dựng đời sống văn hóa và đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển dịch vụ du lịch, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở các điểm, khu du lịch trên địa bàn huyện Hoa Lư. Chỉ đạo thực hiện các tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, làng/xóm/văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; tổ chức, hoạt động thiết chế văn hóa nông thôn.

       Với nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và nhân dân huyện Hoa Lư, đã mang lại kết quả to lớn trong việc thực hiện các tiêu chí văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là:

       Về tiêu chí số 06: Từ năm 2012 đến nay, toàn huyện đã xây dựng mới 7, nâng cấp 4 nhà văn hóa xã, thị trấn; xây mới và nâng cấp 11 khu thể thao xã, thị trấn. Xây mới 76, nâng cấp 15 nhà văn hóa - khu thể thao thôn, xóm, phố. Đến nay toàn huyện có 11/11 xã, thị trấn có nhà văn hóa; 11/11 xã, thị trấn có khu thể thao; 91/91 thôn, xóm, phố có nhà văn hóa - khu thể thao. Cùng với việc xây dựng mới và hoàn thiện các thiết chế văn hóa. Phòng Văn hóa và Thông tin luôn chú trọng tham mưu cho Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo việc tổ chức các hoạt động, đưa các sản phẩm văn hoá phục vụ nhân dân, đặc biệt tới các địa bàn khó khăn, xã miền núi. Sáu năm qua, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện đã thực hiện gần 20 chương trình nghệ thuật quần chúng; phối hợp với Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh tổ chức hơn 200 đợt chiếu phim phục vụ nhân dân tại các Nhà văn hóa xã, Nhà văn hóa - khu thể thao thôn. Hướng dẫn củng cố hệ thống thư viện của huyện, tủ sách, phòng đọc tại các nhà văn hóa xã, nhà văn hóa - khu thể thao các thôn, xóm. Cùng với thư viện tỉnh thực hiện luân chuyển 10.000 lượt sách, báo; tặng 2.000 bản sách cho các thư viện, phòng đọc cơ sở, phục vụ độc giả tại các địa bàn dân cư. Từ năm 2012 đến nay, tại các địa bàn xã, thị trấn tổ chức trên 50 cuộc thi đấu thể dục, thể thao ở cơ sở. Hiện nay, có 27% người dân trong huyện thường xuyên tham gia luyện tập thể dục, thể thao; 22,3% gia đình thể thao. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển sâu rộng ở cơ sở. 8/11 xã, thị trấn của huyện có câu lạc bộ; 71 tổ, đội, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng. Các đội, câu lạc bộ văn nghệ được thành lập tự huy động, đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động. Trung bình mỗi năm tổ chức trên 20 buổi biểu diễn, giao lưu văn nghệ quần chúng. Hàng năm, duy trì các cuộc thi đấu thể thao, hội diễn nghệ thuật quần chúng từ cơ sở lên đến huyện, thu hút nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi tham gia, gây dựng nên bức tranh văn hóa nhiều màu sắc, góp phần khơi dậy, giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc; tạo nên nhịp điệu, sức sống mới trên các làng quê.

       Về tiêu chí số 16: Nhờ có những bước đi đúng đắn, phù hợp nên hàng năm phong trào xây dựng đời sống văn hóa nông thôn tăng lên về số lượng và chất lượng. Năm 2012 có 80,23% hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa và 64/91 làng, xóm, phố văn hóa (đạt 70,3%). Đến nay có 83,35% hộ gia đình nông thôn đạt và duy trì danh hiệu Gia đình văn hóa; 90/91 làng, xóm, phố đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa (88,9%); 91/91 thôn, xóm, phố, trong huyện đều xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả hương ước, quy ước tại cộng đồng; 10/10 xã của huyện được công nhận xã đạt chuẩn Văn hóa Nông thôn mới; Thị trấn Thiên Tôn đạt chuẩn văn minh đô thị. Huyện Hoa Lư là đơn vị đầu tiên của tỉnh Ninh Bình về đích huyện Nông thôn mới năm 2016.

       Ngành Văn hóa và Thông tin huyện Hoa Lư nhận thức rằng: Xây dựng nông thôn mới luôn gắn liền với việc xây dựng đời sống văn hóa; thông qua đây, nhận thức rõ nét của người dân nông thôn Hoa Lư về vai trò của văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội và ngược lại, văn hóa càng có điều kiện thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội nông thôn.

       Để tiếp tục thực hiện tốt các tiêu chí văn hóa trong Chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, ngành Văn hóa và Thông tin huyện Hoa Lư đề xuất một số giải pháp sau:

       1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”; Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động của Huyện ủy Hoa Lư về xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới.

       2. Tăng cường sự thống nhất chỉ đạo, nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các cấp, các ngành và ý thức chủ động, tích cực của người dân ở khu dân cư tham gia xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở và tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

       3. Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao và phong trào xây dựng đời sống văn hóa. Phát huy vai trò của văn hóa trong xây dựng nông thôn mới; lấy gia đình, thôn, xóm là đơn vị cơ sở để huy động nội lực phát triển. Cần có những chính sách ưu tiên về phát triển sự nghiệp văn hóa nông thôn; tiếp tục tăng cường đầu tư của cấp trên cho việc xây dựng thiết chế văn hoá để địa phương có điều kiện, tạo động lực thực hiện.

 

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Hoa Lư (2015), Hướng dẫn số 31/HD-BCĐ ngày 10/11/2015 về Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giai đoạn 2000-2015 và 5 năm triển khai Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 và tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” 18/11/2015.

2. Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Hoa Lư (2015), Kế hoạch số 30/KH-BCĐ ngày 10/11/2015 về thực hiện nếp sống văn minh tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện Hoa Lư, giai đoạn 2015-2020.

3. Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Hoa Lư (2017), Báo cáo số 03/BC-BCĐ ngày 09/3/2017 về thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn huyện Hoa Lư giai đoạn 2000-2016.

4. Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Hoa Lư (2017), Báo cáo số 08/BC-BCĐ ngày 30/11/2017 về kết quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết  xây dựng đời sống văn hóa” năm 2017.

5. Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Hoa Lư (2015), Kế hoạch số 13/KH-BCĐ ngày 01/4/2015 chỉ đạo thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

6. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hoa Lư (1998), Lịch sử Đảng bộ huyện Hoa Lư, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

7. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình (2017), Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/6/2017 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.

8. Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2014), Thông tư liên tịch số 144/2014/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 30/9/2014 về việc hướng dẫn quản lí và sử dụng kinh phí hoạt động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

9. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2008), Văn bản của Đảng và nhà nước về công tác văn hóa - thông tin, về nếp sống văn hóa, Nxb Hà Nội.

-------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa