Nội san

Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn quận Hoàn Kiếm

25 Tháng Bảy 2018

Nguyễn Thanh Loan [*]

 

       Ở vị trí trung tâm Thành phố, với vai trò trung tâm hành chính, chính trị, trung tâm thương mại, dịch vụ, quận Hoàn Kiếm có nhiều điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Qua 6 năm (2012 - 2017) triển khai thực hiện công tác xây dựng đời sống văn hóa, quận Hoàn Kiếm đã có những chuyển biến tích cực, đời sống văn hóa của nhân dân từng bước được nâng cao. Bên cạnh những kết quả ấy cũng còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn quận Hoàn Kiếm trong thời gian tới.

  1. Đôi nét về quận Hoàn Kiếm

       Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm của Thủ đô Hà Nội, phía Tây giáp quận Đống Đa, phía Tây Bắc giáp quận Ba Đình và quận Đống Đa, phía Nam giáp quận Hai Bà Trưng. Dọc từ phía Bắc xuống phía Nam là sông Hồng, bên kia sông (phía Đông) là huyện Gia Lâm. Quận tập trung nhiều đầu mối giao thông đường sắt, đường thuỷ, đường bộ. Yếu tố này đã gắn kết quận Hoàn Kiếm với các quận, các tỉnh, thành khác tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy giao lưu phát triển kinh tế - văn hoá và du lịch. Đó là một ưu thế đặc biệt mà không phải quận nào cũng có thể có được.

       Là nơi tập trung nhiều bộ, sở, ban, ngành và các cơ quan quản lý nhà nước (10 Bộ trong tổng số 18 Bộ đóng trên địa bàn toàn Thành phố Hà Nội) và cũng là nơi tập trung của nhiều đại sứ quán và nhà riêng đại sứ (17 đại sứ trong tổng số 60 nước có đại sứ quán tại Hà Nội), các văn phòng đại diện nước ngoài, nơi tập trung của các cơ quan chính trị - xã hội - tôn giáo, quận Hoàn Kiếm xứng đáng là trung tâm hành chính, chính trị của Thành phố.

  1. Các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở quận Hoàn Kiếm

       Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là chủ trương vô cùng quan trọng và có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Công tác xây dựng đời sống văn hóa có tác động mạnh mẽ tới đời sống xã hội, góp phần tạo sự ổn định về chính trị - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế và xây dựng con người ở cơ sở tăng trưởng kinh tế nhanh, ổn định và bền vững.

       Trong những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm đã thường xuyên chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên tất cả các mặt. Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, nhà nước ta đã quan tâm ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhằm đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá do Đảng và Nhà nước ta phát động có ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn. Xác định được văn hoá là một mặt trận, xây dựng và phát triển văn hoá là sự nghiệp cách mạng lâu dài cần phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân tộc để văn hoá thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt con người, tạo ra đời sống văn hoá - tinh thần lành mạnh, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển, kinh tế ổn định, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Văn hoá là yếu tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của quốc gia. Mục tiêu phát triển là nâng cao chất lượng cuộc sống con người, tạo cho con người có sự phát triển hài hoà giữa đời sống vật chất và đời sống văn hoá tinh thần góp phần tạo ra sự phát triển bền vững cho đất nước. Quận Hoàn Kiếm đã duy trì phát triển sâu rộng đến quần chúng nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng, phong trào mạnh mẽ  xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống phong phú ở cơ sở, góp phần giữ vững kỉ cương pháp luật, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Thông qua các phong trào như: Xây dựng gia đình văn hóa, Xây dựng làng văn hoá, khu phố văn hoá; Phong trào người tốt việc tốt, phong trào học tập, lao động sáng tạo; Xây dựng nếp sống văn minh, Xây dựng môi trường văn hoá sạch đẹp, Xây dựng các thiết chế văn hoá - thể thao,... Đến nay quận Hoàn Kiếm có 31.576/32.375 hộ gia đình của thành phố đăng ký xây dựng gia đình văn hóa (đạt 97.5%) qua bình xét cuối năm thành phố có 28.490 hộ gia đình đạt gia đình văn hóa, chiếm trên 88%. Làng, khu phố được công nhận đạt tiêu chuẩn văn hóa 536/643, đạt tỉ lệ 83,3%. Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa từ năm 2012 - 2017 trên địa bàn quận đã có 137 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đăng ký xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Kết quả có 124 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký được công nhận đạt danh hiệu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa chiếm 86,1%. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được số đông quần chúng, khu dân cư văn hóa hưởng ứng và duy trì; Phong trào văn nghệ quần chúng của quận Hoàn Kiếm phát triển vững mạnh, các khu dân cư đều sân thể thao, một số phường cũng có sân vận động; thiết chế văn hóa cơ sở vật chất phát triển, phong trào thi đua cũng đã xuất hiện nhiều gương người tốt việc tốt, cá nhân và tập thể điển hình tiên tiến có nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vẫn được duy trì triển khai cho đến nay. Hình thành nếp sống văn minh để đấu tranh bài trừ các tệ nạn hội, mê tín dị đoannhững hủ tục lạc hậu. Xây dựng môi trường văn hóa phát triển vững mạnh, góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, giữ vững và ổn định.

       Tuy nhiên bên cạnh các thành tựu và kết quả đạt được trong công việc quản lý hoạt động đời sống văn hóa cơ sở ở quận Hoàn Kiếm, vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục:

       Việc triển khai phổ biến chương trình hành động và Nghị quyết Hội nghị đại biểu nhân dân đến các tổ dân phố ở một số nơi còn hạn chế, nhiều tổ dân phố mới chỉ dừng ở phổ biến nghị quyết mà chưa đưa ra được những biện pháp thực hiện cụ thể và khả thi. Tại một số tổ dân phố vẫn còn tình trạng việc bình xét danh hiệu gia đình văn hóa, mang tính hình thức.

       Công tác rà soát, điều chỉnh bổ sung nội dung quy ước, khu dân cư văn hóa còn chưa được làm thường xuyên.

       Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể ở quận và cơ sở nhận thức về vai trò, vị trí của văn hoá còn hạn chế, cho nên công tác xây dựng nâng cao đời sống văn hóa cơ sở ở một số nơi chưa mạnh.

       Một số ngành, thành viên được phân công theo dõi phường tổ chức triển khai cuộc vận động xuống các cơ sở có lúc chưa được sâu, thiếu cụ thể.

       Công tác tuyên truyền vận động trong các tầng lớp nhân dân thực hiện theo pháp luật của Nhà nước, quy định, quy chế, quy ước dân chủ cơ sở, nhất là “Quy ước việc cưới trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm” chưa triệt để.

       Hoạt động của một số tổ kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm nếp sống văn minh đô thị cấp phường chưa hiệu quả, thiếu kiên quyết.

       Hình thức, nội dung sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao và vui chơi giải trí ở một số cộng đồng dân cư còn nghèo nàn.

       Công tác triển khai tổ chức thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa có sự chuyển biến đồng đều.

       Một số di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận bị hư hỏng, xuống cấp song sự đầu tư kinh phí tu bổ bằng ngân sách còn hạn chế. Trong các khu vực bảo vệ di tích vẫn còn nhiều hộ dân sinh sống đã làm ảnh hưởng đến cảnh quan và các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo.

       Mặt bằng dân trí không đồng đều nên tệ nạn xã hội như: nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp chưa được đẩy lùi triệt để. Các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào địa bàn dân cư thông qua các loại hình dịch vụ văn hóa chưa được kiểm soát, ngăn chặn kịp thời.

       Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa được quan tâm đúng mức, một số phường vẫn còn tình trạng cán bộ văn hoá phải kiêm nhiệm nhiều việc nên việc triển khai không kịp thời, đúng tiến độ, chính sách cho cán bộ văn hoá và đầu tư cơ sở.

       Một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, không làm gương cho nhân dân noi theo, nhất là việc thực hiện quy ước, quy chế xây dựng nếp sống văn hoá.

       Chú trọng hơn đến các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao lại ít quan tâm đến hoạt động thư viện, phát triển văn hóa đọc, hoạt động bảo tồn, bảo tàng, giáo dục truyền thống trong nhân dân, đội ngũ cán bộ quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa còn thiếu, năng lực trình độ nghiệp vụ còn hạn chế.

3.  Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sơ ở quận Hoàn Kiếm

       * Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

       Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, mục tiêu và vai trò của phong trào, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính quyền cơ quan quản lý nhà nước với mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở tất cả các cấp.

       Phòng VH-TT tham mưu trình lên UBND quận về các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phù hợp với thực tiễn của địa phương trong tình hình mới. Có sự chỉ đạo để tổ chức các hoạt động tuyên truyền về văn hóa.

Ban chỉ đạo các cấp chỉ đạo phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tăng cường các hoạt động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương để triển khai thực hiện phong trào theo các nội dung được phân công.

       * Nâng cao nhận thức về vai trò của công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

       Tuyên truyền, nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác văn hóa cơ sở có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Muốn đạt hiệu quả cao, công việc này đòi hỏi phải tiến hành bằng nhiều hình thức, thường xuyên và liên tục để mỗi cán bộ, đảng viên ý thức và tự giác coi đây là nhiệm vụ cần thiết, không thể thiếu trong công cuộc xây dựng đất nước. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên làm công tác văn hóa cơ sở là nhằm đưa các hoạt động văn hóa cơ sở đi đúng hướng, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của địa phương, đảm bảo nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

       Đào tạo cán bộ quản lý văn hóa có đủ phẩm phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ là vấn đề cấp thiết. Do đó cần tăng cường công tác đào tạo mới, đào tạo lại số cán bộ đảm nhận văn hóa – xã hội không đúng chuyên ngành, có như vậy họ mới phát huy được năng lực của mình để thúc đẩy các phòng trào xây dựng đời sống văn hóa ngày càng vững mạnh.

       * Đổi mới và nâng cao công tác quản lý Nhà nước đối với công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

       Nhà nước tạo điều kiện để thực hiện xã hội hóa đối với việc xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Các thiết chế do nhà nước trực tiếp quản lý phải được tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước và thực hiện chế độ tự chủ tài chính để thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, chỉ đạo.

       Quận cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở như: Nhà văn hóa, câu lạc bộ khu dân cư, thư viện, bảng tin, sân chơi, sân luyện tập, thi đấu thể thao.

       Đổi mới, nâng cao hiệu quả cống tác thi đua khen thưởng, coi trọng công tác chỉ đạo điểm, phát hiện điển hình tiên tiến nhân ra diện rộng. Sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể và cá nhân tiên tiến xuất sắc, tạo ra không khí thi đua sôi nổi giữa các phường, cụm dân cư, các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở tất cả các cấp, các ngành đoàn thể thường xuyên, thiết thực, hiệu quả.

       Chỉ đạo mặt trận tổ quốc cấp cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền vận động đến từng người dân, hộ gia đình, khu dân cư và toàn xã hội về mục đích, ý nghĩa, nội dung của phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

       * Đầu tư các nguồn lực, xã hội hóa các hoạt động về văn hóa cơ sở

       Cần có hình thức giao lưu trao đổi kinh nghiệm giữa đơn vị để học tập rút kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển phong trào. Qua đó nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ.

       Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như trung tâm văn hóa quận, phường, nhà văn hoá, tủ sách, trường học, trạm y tế,... để đảm bảo nhu cầu vui chơi giải trí, hưởng thụ các giá trị văn hoá cho người dân. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở xã hội hóa về lĩnh vực văn hóa, thể thao và vui chơi giải trí ở nông thôn theo quy định của pháp luật.

       Hỗ trợ kinh phí, khuyến khích các quận xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn mới.

       Phát động rộng rãi các mô hình tổ chức, các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao phù hợp với điều kiện sinh hoạt và nhu cầu người dân ở các địa bàn dân cư.

       Có thể khẳng định, Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở quận Hoàn Kiếm đã phát huy nhân tố con người, tinh thần yêu quê hương, đất nước được nhân lên, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề về chính sách an sinh xã hội. Tin tưởng trong giai đoạn mới, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” quận Hoàn Kiếm tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được của giai đoạn trước, triển khai, tổ chức thực hiện phong trào với nhiều hình thức, phong phú, đa dạng đạt hiệu quả.

Tài liệu tham khảo

1. UBND quận Hoàn Kiếm (2016), Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH” (2000 - 2015) và 10 năm thực hiện Quyết định số 308/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

2. Ban chấp hành Trung ương Đảng (1998), Nghị quyết số 03-NQ/TW về việc xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc,Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

3. Bộ Văn hoá - Thông tin (2000), Quyết định của trưởng ban chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa về việc ban hành“Kế hoạch triển khai phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Hà Nội.

4. Hoàng Chí Bảo (2006), Văn hóa và con người Việt Nam trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

5.  Đảng Cộng Sản Việt Nam (1998), Văn kiện hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa