Nội san

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý khu di tích lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Cử, tỉnh Bắc Ninh

25 Tháng Bảy 2018

Nguyễn Thảo Vân [*]

       Khu di tích lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ tại xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - cách mạng quốc gia năm 1989. Các công trình của khu di tích thể hiện sự tri ân sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nói chung cũng như nhân dân Bắc Ninh nói riêng đối với công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Cừ.

       Khu di tích là trung tâm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật và tổ chức các sự kiện có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng sâu sắc cho toàn dân, nhất là thế hệ trẻ. Nơi đây đã đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới dâng hương tưởng niệm và tham quan quê hương đồng chí Nguyễn Văn Cừ - một điểm sáng trong xây dựng phát triển kinh tế - văn hóa của tỉnh Bắc Ninh.

       Trong những năm qua, kể từ khi tiếp nhận quản lý khu di tích lưu niệm Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ đến nay, phòng Quản lý Di tích Cách mạng thuộc Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị tại khu di tích cách mạng quan trọng này mang lại sự tiến bộ rõ rệt trong công tác tổ chức và quản lý di sản văn hoá. Hoạt động quản lý nhà nước về di sản văn hoá và phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ luôn được lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh và UBND thị xã Từ Sơn quan tâm. Nội dung quản lý nhà nước về di tích cũng được xác định rõ ràng hơn giai đoạn trước. Phòng Quản lý Di tích Cách mạng đã chủ động triển khai tích cực và có hiệu quả các hoạt động như: xây dựng kế hoạch tổ chức sự kiện, sưu tập và bổ sung tư liệu, hiện vật; kiểm kê di tích và di vật; hoạt động trùng tu, tôn tạo các hạng mục kiến trúc trong khu di tích; hoạt động phát huy giá trị thông qua hoạt động truyền thông và đón tiếp khách tham quan... Do đó, các giá trị của khu di tích này ngày càng được Ban quản lý di tích tỉnh chú trọng và phát huy tối đa trong quá trình tổ chức và quản lý, trong đó có việc đưa giá trị khu di tích đến với cộng đồng.

       Nhưng bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức và thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về văn hoá vẫn tồn tại một số thiếu sót cần được khắc phục, sửa chữa, bổ sung kịp thời cho phù hợp với đặc điểm tình hình của khu lưu niệm cũng như phù hợp với sự phát triển của xã hội. Những hạn chế này do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan tạo nên, do đó vấn đề đặt ra hiện nay là hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị di tích cần được thực hiện một cách đồng bộ ở các cấp độ, quy mô khác nhau. Để nâng cao hiệu quả quản lý và phát huy giá trị của khu di tích lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Ban quản lý (BQL) cũng như UBND xã Phù Khê và thành phố Bắc Ninh cần triển khai một số giải pháp sau đây:

       Một là, kiện toàn bộ máy quản lý, cần tăng cường công tác quản lý đối với khu di tích, mở rộng chức năng, nhiệm vụ về bảo vệ, phát huy giá trị của khu di tích trong thời gian tới.

       Hai là, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về khu di tích, đẩy mạnh xây dựng và áp dụng mô hình giáo dục truyền thống. Nhận thức của người dân, của cán bộ trong và ngoài ngành văn hóa đóng vai trò quan trọng. Chính cộng đồng đã tạo ra di tích và cũng chính cộng đồng là người sử dụng, quản lý và bảo vệ di tích. Để khu lưu niệm Nguyễn Văn Cừ được đông đảo nhân dân biết đến, phát huy giá trị di tích một cách hiệu quả hơn, công tác tuyên truyền, giáo dục được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để cộng đồng cùng tham gia bảo vệ. Trong việc giáo dục, tuyên truyền về di tích, cũng cần chú ý tới thế hệ trẻ, định hướng để cho thế hệ này có sự nhìn nhận đúng về truyền thống văn hóa của dân tộc. Với lợi thế là một khu di tích lịch sử lâu đời, có không gian cảnh quan thoáng đãng, các hạng mục công trình kiến trúc quy mô khá lớn, BQL khu lưu niệm Nguyễn Văn Cừ cần xây dựng các mô hình giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

       Ba là, quảng bá hình ảnh và giá trị của khu di tích. Có thể nhận thấy, hiện nay văn hóa nói chung đang được các nước trên thế giới chú trọng, quan tâm. Thông qua văn hóa họ có thể quảng bá, giới thiệu về hình ảnh đất nước mình. Đối với khu di tích lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ, thông qua việc tuyên truyền, giới thiệu sẽ giúp cho du khách bốn phương hiểu rõ đời tư và công lao của đồng chí đã đóng góp cho đất nước đến hiện nay.

Bốn là, về cơ chế, chính sách, tài chính. Việc khuyến khích, huy động các tổ chức, đoàn thể, cá nhân, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ đóng góp kinh phí, vật chất, nhân công cho việc trùng tu, tu bổ di tích, công đức những hiện vật, trang thiết bị phù hợp để sử dụng trong khu lưu niệm là rất cần thiết. Tại thời điểm hiện nay, nguồn huy động sự ủng hộ, đóng góp từ cộng đồng cho khu di tích còn rất hạn chế mà chủ yếu là từ nhà nước.

       Năm là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý di tích. Con người là yếu tố quyết định cho mọi vấn đề thành bại của công tác quản lý. Để công tác quản lý di tích đạt hiệu quả, bảo tồn và phát huy được giá trị của di tích lưu niệm Nguyễn Văn Cừ thì vai trò của nguồn nhân lực có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động trong lĩnh vực quản lý là nhu cầu cần thiết. Để nâng cao hiệu công tác quản lý, cần có chính sách đào tạo, thu hút, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quản lý.

       Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại di tích. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý khu di tích Nguyễn Văn Cừ, ngoài các biện pháp nêu trên chúng ta cần phải đặc biệt chú trọng tới việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại di tích, nắm vững địa bàn di tích nhằm phát hiện kịp thời các biểu hiện, hiện tượng, phòng ngừa và xử lý những hành vi vi phạm di tích. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về di sản văn hóa cần quan tâm thực hiện đồng bộ.

       Phát hiện và biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về di sản văn hóa.

       Phát hiện và xử lý kịp thời, thích đáng các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về di sản văn hoá.

Bảy là, tổ chức khai thác có hiệu quả di tích gắn với phát triển du lịch. Trong bối cảnh hiện nay cho thấy, khu lưu niệm đã, đang trở thành những tài nguyên du lịch đặc biệt, thu hút sự quan tâm của khách tham quan trong và ngoài Bắc Ninh. Muốn mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút nhiều du khách đến tham quan, lưu lại thời gian dài thì ban quản lý di tích cũng như địa phương cần có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, quảng bá thông tin về khu di tích đầy đủ và sâu rộng hơn để khu di tích ngày càng được nhiều người biết đến trong trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo

1.     Đặng Văn Bài (2001), “Vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, (số 4), tr.11-13.

2.      Nguyễn Thế Hùng (chủ nhiệm) (2013), Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, Đề tài NCKH cấp Bộ, Cục Di sản văn hóa, Hà Nội.

3.     Lê Viết Nga (1997), “Về việc tu bổ tôn tạo và phát huy tác dụng các di tích của tỉnh Bắc Ninh”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, (số 9), tr.57 - 58.

4.      Hà Văn Tấn (2005), “Bảo vệ di tích lịch sử văn hóa trong bối cảnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, In trong cuốn Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, Cục Di sản văn hóa, (Tập 2), tr.44-54, Hà Nội, tr.44-54.

5.     UBND tỉnh Bắc Ninh, Quyết định số 143/2008/QĐ - UBND, ngày 6/8/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành Qui chế quản lý và sử dụng di tích lịch sử văn hoá tỉnh Bắc Ninh.

------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa