Nội san

Thêm một số tiêu chí dạy hát các bài dân ca

26 Tháng Bảy 2018

Bùi Thị Thủy [*]

       Dạy hát dân ca có vai trò quan trọng trong việc góp phần hình thành nhân cách cho học sinh. Để dạy học dân ca đạt được hiệu quả, ngoài việc bám sát vào mục tiêu chương trình giáo dục, tính logic của mạng lưới kiến thức, thời lượng dạy học... thì giáo viên (GV) cần chú ý thêm một số tiêu chí: về âm thanh, tính thẩm mỹ của bài dân ca và không khí của lớp học.

       1. Tiêu chí về âm thanh

       Tiêu chí về âm thanh có vai trò khá quan trọng, muốn âm thanh phát ra rõ ràng, thì việc luyện tập phát âm cho học sinh (HS) cần được quan tâm đúng mức và có hệ thống. Theo TS. Ngô Thị Nam thì: “Việc luyện tập thường xuyên, có hệ thống, học sinh sẽ dần dần biết điều khiển các cơ quan phát thanh một cách khéo léo hơn, hướng âm thanh về phía trước...” [1; tr.58].

       Mỗi bài dân ca mang trong nó những giá trị tinh thần và giá trị về nghệ thuật của một tộc người nào đó. Ngoài giai điệu âm nhạc, phần lời cũng là một trong những thành tố quan trọng. Hát tròn vành rõ chữ, không có nghĩa là hát theo kiểu phương Tây, mà hát sao cho ra phương ngữ của bài dân ca thuộc tộc người ở một vùng/miền đã hình thành nên bài dân ca đó. Trong quá trình dạy dân ca, nếu tiêu chí này không được quan tâm đúng mức sẽ dễ biến bài ta thành bài “Tây”. 

       Dân ca là sản phẩm nghệ thuật do nhân dân sáng tạo ra. Những bài dân ca của mỗi vùng miền, lời ca sẽ mang những đặc điểm về ngữ điệu vùng miền đã sinh ra nó. Thường trong giai điệu của bài có nhiều nốt luyến láy, điều này góp phần làm cho giai điệu trở nên uyển chuyển hơn và tính chất âm nhạc cũng tha thiết, dìu dặt hơn. Do đó việc hát, rõ ràng không đơn giản chỉ hát rõ lời mà cần phải truyền tải được nội dung, tình cảm của bài dân ca.

       Khi dạy hát dân ca, GV cần chú ý nhắc HS hát rõ lời nhưng vẫn đảm bảo sự mềm mại và duyên dáng trong ca từ. Để hát được rõ lời, đòi hỏi phải có nhiều yếu tố liên quan đến quá trình dạy học hát. Chẳng hạn, khi lên lớp GV chú ý hướng dẫn các em luyện tập về hơi thở. Tùy theo tính chất, nhịp độ của bài mà hướng dẫn các em lấy hơi cho đúng. Cùng là kỹ thuật lấy hơi, nhưng hơi thở trong ca hát mới khác với hơi thở trong hát dân ca. Dạy hát dân ca, GV hướng dẫn HS hít một lượng hơi vừa đủ, hít nông, nhẹ không tạo ra tiếng rít để xử lý trọn một tiết nhạc. Về lấy hơi, chúng tôi thống nhất với TS. Ngô Thị Nam, khi cho rằng: “Hít hơi vào không nên tham nhiều hơi, sẽ bị căng cứng, lên gân, không điều tiết được hơi... Đối với các bài dân ca ở nhịp độ chậm rãi thì phải lấy hơi nhẹ nhàng và đẩy hơi ra từ từ...” [5; tr.59].

       Để HS có thể lấy hơi tốt trong khi dạy, GV cần chú ý cho HS về tư thế hát. Tư thế hát đúng sẽ giúp các em thực hiện tốt các kĩ năng ca hát và thể hiện sắc thái tình cảm của bài hát. Tùy vào phương pháp dạy hát, tùy vào bài dạy mà GV có thể hướng dẫn HS tư thế hát khác nhau như ngồi hát hoặc đứng hát. Dạy học hát ở trên lớp thường cho HS thực hiện tư thế ngồi hát. Ngồi hát, lưng phải thẳng, hai tay đặt lên bàn, đầu giữ thẳng thả lỏng, miệng mở tròn, hàm dưới linh hoạt, mềm mại không căng cứng. Để các em có thể hát tốt hơn, đỡ căng thẳng hơn, sau khi đã thuộc bài thì GV có thể cho các em đứng lên, khi đó hơi thở sẽ tốt hơn, âm thanh phát ra sẽ vang và sáng.

       2. Đạt được tính thẩm mỹ của bài dân ca

      Từ cuộc sống hàng ngày, do nhu cầu của việc cần thể hiện và biểu lộ tình cảm ở những cung bậc khác nhau mà dân ca ra đời. Mỗi làn, điệu dân ca thể hiện những nét đặc trưng riêng của từng vùng/miền, của từng tộc người trên đất nước, nó phù hợp với suy nghĩ, tình cảm, thẩm mỹ của con người và xã hội mà người dân đang sống. Tính thẩm mỹ của bài dân ca được hiểu là cái đẹp trong âm nhạc, trong nội dung ca từ và tư tưởng tác phẩm đem lại. Những yếu tố cấu thành bao gồm địa môi sinh, quá trình lao động sản xuất, phong tục tập quán, nghi lễ, tôn giáo... liên quan đến đời sống của con người. Một trong những mục tiêu của chương trình âm nhạc ở trường THCS đó là: “Hình thành cho học sinh những hiểu biết sơ đẳng về cái hay cái đẹp trong nghệ thuật âm nhạc, về ý nghĩa tác dụng của âm nhạc với đời sống; Mở rộng hiểu biết về truyền thống âm nhạc dân tộc Việt Nam... góp phần bồi dưỡng tình cảm, đạo đức, trí tuệ, tạo không khí vui tươi lành mạnh, làm phong phú thế giới tinh thần nhằm phát triển hài hòa, toàn diện nhân cách học sinh” [5; tr.16].

       Dạy học hát dân ca cho HS, cái đích cần hướng đến là giáo dục cho các em nhận thức đươc cái đẹp trong bài dân ca thông qua âm nhạc và lời ca, sâu hơn là phong tục, tín ngưỡng, tập quán của nhân dân lao động ở vùng miền đã sinh ra bài dân ca đó. Việt Nam với hơn 50 dân tộc anh em, mỗi vùng miền lại có điều kiện tự nhiên môi trường và lối sống của người dân không giống nhau, từ đó sản sinh ra những làn điệu dân ca mang màu sắc riêng của từng tộc người. Tính thẩm mỹ trong các bài dân ca còn được thể hiện ở chính ngôn ngữ, ngữ điệu âm nhạc mà cụ thể được biểu hiện rõ nét qua âm nhạc và lời ca. Tất cả những yếu tố đó tác động qua lại, thống nhất với nhau trong việc biểu hiện tư tưởng, tình cảm và tính thẩm mỹ trong nội dung tác phẩm.

       Hát tròn vành, rõ chữ thể hiện đúng phương ngữ, đảm bảo tiêu chí về âm thanh trong quá trình học hát, mới chỉ đáp ứng được một phần của tính thẩm mỹ. Tính thẩm mỹ của bài dân ca là sự tổng hợp hài hòa của cả phần lời và phần giai điệu âm nhạc, do đó sự cảm nhận của người dạy và người học là vô cùng quan trọng, nó phụ thuộc vào năng lực và cảm quan cá nhân của từng người. Vẫn biết, đặt ra tiêu chí về tính thẩm mỹ là không đơn giản đối với GV và HS, nên yêu cầu đặt ra cũng chỉ ở mức độ phù hợp, vừa phải. Do đó, trong quá trình dạy học, trước hết đối với GV cần hiểu và nắm được nhiều vấn đề có liên quan đến bài dân ca, khi hát mẫu cho HS phải tạo được sự rung cảm nhất định, thông qua giai điệu âm nhạc, lời ca và cách hát phải khơi gợi cho các em một sự liên tưởng về cái đẹp. Với HS, yêu cầu các em phải hát đúng giai điệu (đặc biệt chú ý bài có nhiều nốt hoa mỹ), hát rõ lời hát có cảm xúc, thể hiện cho được những vấn đề cơ bản nhất của bài dân ca... Chỉ cần thực hiện được những điều đó, tức là đã đáp ứng phần nào tiêu chí về thẩm mỹ trong quá trình dạy học bài dân ca.

       3. Tạo được không khí trong dạy học

       Không giống những tiết học khác, âm nhạc là “nhạc của thanh âm” nên tính chất của tiết học âm nhạc luôn cuốn hút các em bởi sự vui tươi, rộn ràng của âm nhạc lời ca… sẽ mang lại sự thư thái và thoải mái cần thiết cho HS sau những giờ học căng thẳng như học toán, văn… để có thể tiếp tục học tập các môn văn hóa khác. Trong chương trình chính khóa, HS chỉ được học âm nhạc với thời lượng 1 tiết/1 tuần, đó là thời lượng vừa phải.

       Tuy nhiên, để việc dạy hát dân ca đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra, GV cần tạo ra được không khí học tập trong tiết học. Hiện nay, HS được tiếp cận nhiều với thể loại âm nhạc khác nhau, đặc biệt là nhạc nhẹ dễ cuốn hút các em hơn các bài dân ca. Do đó, để thu hút HS đến với dân ca là chuyện không đơn giản, đặc biệt ở trên lớp để tạo được không khí sôi nổi, cuốn hút các em say mê học hát dân ca, điều này lại càng khó hơn. Tuy nhiên, khó nhưng không phải không có cách giải quyết. Vấn đề này đầu tiên thuộc về năng lực sư phạm thông qua cách đánh giá về tâm lý, khả năng tiếp thu âm nhạc và nhiền vấn đề khác có liên quan đấn HS. Trên cơ sở đó, GV sẽ phải tìm tòi, sáng tạo ra biện pháp mới mang tính thích ứng để thu hút HS tập trung vào giờ học. Trong quá trình dạy - học, vấn đề không kém phần quan trọng đó là GV phải tạo ra sự tương tác trên tinh thần cộng cảm, cởi mở, thân thiện với HS. Những điều tưởng chừng đơn giản ấy, không phải GV nào cũng làm được, chỉ khi thực hiện được điều đó mới giúp không khí trong giờ học hát dân ca bớt nhàm chán thậm chí còn trở nên sôi nổi.

       Thực tế dạy học hát dân ca cho thấy, mỗi tiêu chí trên có những yêu cầu riêng, nhưng khi được kết hợp tốt trong một tiết học thì hiệu quả mang lại sẽ như mong muốn. Tất nhiên, ngoài những yếu tố cần và đủ, vấn đề còn lại phụ thuộc nhiều vào năng lực của GV. Nói cách khác, tùy theo nội dung của từng bài mà GV sẽ điều tiết một số tiêu chí sao cho phù hợp để đạt được mục đích và hiệu quả dạy học hát một bài dân ca.

Tài liệu tham khảo

1. Bùi Trọng Hiền (2003), Vấn đề bảo tồn âm nhạc cổ truyền Việt Nam”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, (số 6).

2. Nguyễn Trung Kiên (2007), Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Viện Âm nhạc, Hà Nội.

3. Trần Ngọc Lan (2011), Phương pháp hát tốt tiếng việt trong nghệ thuật ca hát, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

4. Nguyễn Thụy Loan (2006), Lại bàn về bác học và dân gian, Hội nghị Thông báo Văn hóa dân gian, Viện Văn hóa dân gian xb, Hà Nội.

5. Ngô Thị Nam (2001), Phương pháp dạy học âm nhạc tập 1 - Giáo trình đào tạo giáo viên Trung học cơ sơ hệ Cao đẳng sư phạm, Nxb Giáo dục, Bộ GD&ĐT.

----------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K7 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc