Nội san

Một số giải pháp quản lí lý di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội

26 Tháng Bảy 2018

Nguyễn Thị Châm  [*]

       Là một huyện của Thủ đô Hà Nội, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có một lịch sử gắn liền với những thăng trầm và chiến công hiển hách của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Cũng chính vì vậy, Thạch Thất là địa bàn có số lượng di tích lịch sử văn hóa khá phong phú, đa dạng. Các di tích này mang trong mình nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, là những minh chứng hùng hồn cho truyền thống cách mạng và nét văn hóa đặt trưng của người dân đất kinh kỳ từ xưa đến nay.

       Trong những năm qua, công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa (DTLSVH) trên địa bàn xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội đã có nhiều kết quả tốt, nhưng vẫn còn một số bất cập trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích này, đó là quá trình quy hoạch đất, đô thị hóa đã tạo ra những rạn nứt trong hệ thống di tích hiện có, công tác bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị DTLSVH gắn với hoạt động phát triển kinh tế tại địa phương chưa hiệu quả và công tác tổ chức bộ máy nhân sự ở các cấp và các cơ chế phối hợp chưa chặt chẽ; việc phân cấp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích vẫn còn nhiều vấn đề cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của huyện.

       1. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước

       Mô hình quản lý di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất cần có sự kết hợp giữa chính quyền và cộng đồng của người dân để nâng cao hiệu quả quản lý di tích.

       Tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích, rà soát danh mục các di tích văn hóa trên địa bàn bao gồm cả những di tích văn hóa chưa được xếp hạng, lập hồ sơ quản lý di tích theo quy định. Thường xuyên thực hiện công tác kiểm kê quản lý hiện vật và hoạt động của di tích, triển khai các dự án đã được phê duyệt nhằm tu bổ tôn tạo chống xuống cấp di tích theo thẩm quyền. Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, công tác tổ chức và quản lý lễ hội đảm bảo thời gian phù hợp với quy mô lễ hội, hạn chế sử dụng ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực để tổ chức lễ hội; cán bộ đảng viên phải gương, mẫu chấp hành các quy định về quản lý tổ chức lễ hội.

       2. Thực hiện phân cấp quản lý di tích

       Việc phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa tạo điều kiện cho các địa phương quản lý, trùng tu, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về kinh phí, nhân sự, công tác quản lý còn lỏng lẻo… nên phần lớn các di tích đều xuống cấp, thậm chí bị xâm hại, phá vỡ nguyên trạng.

       Hầu hết các hoạt động trong trùng tu di tích đều chịu sự điều chỉnh của các quy định về đầu tư xây dựng cơ bản. Theo đó, chi phí lập dự án trùng tu di tích không đủ cho việc khảo sát, nghiên cứu về di tích nên nội dung này thường được thực hiện sơ sài. Giai đoạn thiết kế bị tách rời, sau khi thiết kế xong giao cho đơn vị khác thi công, người thi công không hiểu biết cặn kẽ về di tích, người thiết kế có vai trò mờ nhạt trong quá trình thi công. Vì vậy chất lượng bảo tồn trùng tu không thể tốt được. Ngoài ra, việc điều chỉnh, bổ sung thiết kế trong suốt quá trình thi công trùng tu di tích là rất phổ biến nhưng luôn gặp khó khăn về thủ tục nên thường bị bỏ qua.

       Thực hiện quy chế tạm thời về quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố, thời gian qua, UBND huyện Thạch Thất đã chỉ đạo Phòng Văn hóa- Thông tin và các địa phương thực hiện chức năng quản lý, bảo vệ và tôn tạo các di tích lịch sử có ý nghĩa quan trọng này.

       3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm kịp thời

       Một thực tế đã tồn tại lâu nay là việc các vi phạm pháp luật về di sản văn hóa, nhất là trong các hoạt động liên quan tới tu bổ, tôn tạo, sử dụng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh (lấn chiếm đất đai di tích, tu bổ di tích sai nguyên tắc, lợi dụng việc phát huy giá trị di tích để trục lợi v.v…) không được xử lý và khắc phục kịp thời. Điều này dẫn tới việc pháp luật về di sản văn hóa chưa được nhiều tổ chức, cá nhân nghiêm chỉnh chấp hành. 

       Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tại các di tích trên địa bàn xã Phùng Xá, để phát hiện sớm những sai phạm và có biện pháp xử lý kịp thời. Muốn vậy cần phát hiện và biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về di sản văn hóa; Phát hiện và xử lý kịp thời, thích đáng (xử phạt hành chính, truy tố trước pháp luật…) các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về di sản văn hóa; Coi trọng việc lựa chọn làm điểm/làm mẫu - với cả trường hợp biểu dương, khen thưởng (đối với các tổ chức, cá nhân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về di sản văn hóa) và xử lý vi phạm (đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về di sản văn hóa). Công tác thi đua khen thưởng và xử lý vi phạm cần phải được làm thường xuyên, định kỳ theo từng quý, 6 tháng, một năm, hoặc theo vụ việc.

       4. Nâng cao vai trò của cộng đồng trong quản lý di tích

       Di tích lịch sử văn hóa xã Phùng Xá đang được phục hồi rõ nét tại các di tích lịch sử đều được phục dựng, tu sửa; hội làng được tổ chức hàng năm, đời sống tâm linh của người dân ngày một đa dạng và hướng về nguồn cội... Đó là những tín hiệu đáng mừng nhưng cũng cần phải nâng cao vài trò của cộng đồng trong hoạt động quản lý di tích nhằm nâng cao nhận thức của người dân, hình thành ý thức, thái độ trân trọng đối với các loại hình di sản văn hóa truyền thống trên quê hương.

       Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội không chỉ dừng lại ở cấp Nhà nước mà cần phải có sự bảo vệ của quần chúng nhân dân. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có biện pháp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân. Mặt khác, nhà nước thường xuyên tìm thêm các nguồn thu để tăng tỉ lệ ngân sách chi trả cho hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích, đồng thời quản lý tốt các nguồn thu để sử dụng hợp lý.

       Cần giáo dục bằng cách tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông để nhân dân thấy rõ được tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử to lớn của khu di tích đối với đời sống tinh thần. Cần có chính sách khen thưởng đối với những người dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ di tích, có những phát hiện hoặc tặng các hiện vật thu thập được có giá trị cho ban quản lý. 

       5. Đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý di tích

       Đội ngũ cán bộ văn hóa ở xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất hiện còn quá mỏng và thiếu am hiểu về văn hóa truyền thống. Chính điều này sẽ dẫn tới sự quản lý lỏng lẻo, cách xử lý không kịp thời làm mai một dần những giá trị văn hóa truyền thống của làng. Mặt khác, chế độ ưu đãi đối với cán bộ văn hóa cấp cơ sở cần được bổ sung, cải thiện cho phù hợp với số lượng lớn công việc mà họ phải đảm nhiệm.

Tổ chức thường xuyên hoặc có định kỳ những lớp tập huấn cho cán bộ cấp cơ sở về văn hóa nhằm đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa tại địa phương. Đặc biệt đội ngũ phụ trách hướng dẫn viên cần có kiến thức tổng hợp và hiểu sâu, nhiệt tình hơn trong công việc mới có thể đạt hiệu quả cao giúp cho du khách hiểu biết rõ được các giá trị vốn có các di tích trên địa bàn xã Phùng Xá.

       Tóm lại, qua nghiên cứu, khảo sát thực tế về công tác tổ chức và quản lý di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, bên cạnh những kết quả đạt được còn có một số hạn chế cần khắc phục trong cơ cấu tổ chức, các khâu quản lý như tu bổ, tôn tạo; phát huy giá trị; thanh tra, kiểm tra các vi phạm, phân cấp quản lý, đề cao vai trò của cộng đồng trong quản lý di tích. Các giải pháp cụ thể mà tác giả đưa ra nhằm phát huy giá trị di tích đã giải quyết những mặt còn tồn tại và nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Phùng Xá (2007), Lịch sử cách mạng xã Phùng Xá (1945 – 2007), Công ty Cổ phần in và Thương mại Hà Nội.
  2. Đặng Văn Bài (1995), “Vấn đề quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn di tích”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, (2), Tr.9.
  3. Đặng Văn Bài (2005), “Tiếp cận thực trạng công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo tinh thần của Luật Di sản văn hóa”, Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, Nxb Thế giới, Hà Nội.
  4. Bộ Văn hóa - Thông tin (2004), “Quản lý nhà nước về di sản văn hóa và giáo dục truyền thống ở cơ sở”, Tài liệu học tập lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý ngành Văn hóa - Thông tin, Chuyên đề 11, tr.153-164.
  5.  Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch (2012), Thông tư số 18/2012/ TT-BVHTTDL, ngày 28/12/2102 quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

----------------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K3 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa