Nội san

Nghệ thuật chạm khắc đình Bảng Môn trong dạy học môn Trang trí cho sinh viên Sư phạm Mỹ thuật

27 Tháng Bảy 2018

Phạm Hà Thanh [*]

       Môn Trang trí 1à một môn học cần thiết trong việc dạy học Mĩ thuật. Ngoài việc cung cấp kiến thức thẩm mĩ cho sinh viên, nó còn rèn 1uyện cho các em tính cẩn thận, tỉ mỉ, kiên trì và nỗ 1ực trong cuộc sống. Việc Áp dụng Nghệ thuật chạm khắc đình Bảng Môn trong dạy học môn Trang trí giúp cho sinh viên say mê, tìm hiểu, học hỏi mỹ thuật dân tộc nói chung và nghệ thuật chạm khắc đình làng nói riêng. Bài viết tập trung vào giá trị nghệ thuật chạm khắc đình Bảng Môn và việc vận dụng nghệ thuật chạm khắc đình Bảng Môn trong dạy học môn Trang trí.

       Bảng Môn đình không chỉ là một ngôi đình thuần túy mà còn là một bảo tàng nghệ thuật kiến trúc gỗ còn lại gần như duy nhất đại diện cho di sản kiến trúc gỗ cuối thế kỉ XVI trên đất Thanh Hóa. Nghệ thuật chạm khắc đình Bảng Môn có những giá trị văn hoá, lịch sử vô cùng to lớn, với phong cách nghệ thuật độc đáo rất cần được gìn giữ và phát triển. Trong dạy học mỹ thuật , đem những  giá trị nghệ thuật chạm đình Bảng Môn vận dụng vào trong dạy học môn trang trí cho sinh viên là rất cần thiết, sẽ giúp các em không quên cái hồn của cha ông, tinh tuý của dân tộc.

       Nghệ thuật chạm khắc đình Bảng Môn

       Đình Bảng Môn là sự kết tinh, thăng hoa của người nghệ sĩ dân gian trong khả năng biểu cảm thẩm mỹ một cách có ý thức trong cách xây dựng những đề tài sinh động của cuộc sống. Dù trau chuốt trong nét chạm hay sự mộc mạc khoẻ khoắn... tất cả chỉ nhằm nắm bắt hiện thực một cách sống động nhất, gần gũi nhất và nói lên nhiều nhất cái ý, cái tình của mình được thể hiện trong các bức chạm khắc.

       Đình Bảng Môn có nhiều lớp nghệ thuật kiến trúc chồng xếp từ thế kỉ XVI - XVII đến thế kỉ XIX - XX từ nội thất nhà hậu cung tới nhà tiền đường.

Tiền đường Bảng Môn đình là một kiến trúc bề thế, đề cao sự khỏe khoắn thô mộc hơn là những chạm khắc tinh tế, phức tạp.

       Hậu cung tuy không chú ý nhiều đến liên kết, kết cấu nhưng là một tác phẩm mĩ thuật với nhiều mảng điêu khắc đẹp. Cả ba bộ vì Hậu đều phủ kín bằng chạm khắc với ba hệ thống chạm trổ được đánh giá là những hiện vật mĩ thuật hiếm thấy ở các đình làng ở xứ Thanh.

       Đề tài các mảng chạm khắc ở đây chủ yếu vẫn là tứ linh Long, Ly, Quy, Phượng. Trong đó “Long” được chú ý đề cập nhiều nhất. Ở đây được chạm trổ cả rồng đơn và rồng đôi.

       Ngoài đề tài về các con vật trong tứ quý còn thấy đề tài về con hưu. Một hưu ở phía sau rồng trong động tác chạy quay đầu lại và một hưu đứng quay đầu về sau, miệng ngậm cành hoa cúc.

       Ngoài ra còn các mảng chạm chỗ ở vì nóc ngoài nơi tiếp giáp với tòa tiền đường với nội dung đề tài phong phú đa dạng: người, linh vật, linh thú, vân xoắn, đao mác, hoa lá trong đó đặc biệt sự vượt trội vẫn là đề tài rồng, đủ các loại rồng to, rồng nhỏ quây quần chầu vào một mặt trời ở giữa.

       Những nét chạm khắc ở Bảng Môn đình cho thấy tài năng của người thợ Hoằng Lộc nói riêng và Hoằng Hóa nói chung luôn coi trọng các mảng khối bố cục với lối chạm lỏng được sử dụng đến mức điêu luyện.

       Qua các đặc điểm về nghệ thuật chạm khắc ở Bảng Môn đình cho ta thấy nghệ thuật chạm khắc dứt khoát, chắc tay, phóng khoáng… tạo nên chỗ nông sâu khiến cho bức chạm khắc có độ tối sáng lung linh huyền ảo khi nằm trong không gian kiến trúc.

       Với mục đích phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hoá, đồng thời  giúp sinh viên nâng cao vốn hiểu biết về nghệ thuật chạm khắc đình làng nói chung và đình bảng môn nói riềng, duy trì các nghệ thuật chạm khắc, tạo nên một sức sống mới nhằm bảo tồn giá trị nghệ thuật chạm khắc đình bảng môn thì việc đưa giá trị nghệ thuật chạm khắc đình Bảng Môn ứng dụng vào giảng dạy môn trang trí sinh viên Sư phạm Mỹ thuật, trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa là hết sức cần thiết.

       Sinh viên cần nắm được tư tưởng, cách tạo bố cục của chạm khắc đình Bảng Môn để có thể áp dụng vào môn Trang trí với những nội dung  như: trang trí đầu báo tường, trang trí bìa sách, sáng tác tranh cổ động…

       Với việc vận dụng các giá trị nghệ thuật chạm khắc đình Bảng Môn sẽ giúp sinh viên thêm hiểu và yêu giá trị nghệ thuật truyền thống. Đồng thời cho ra những tác phẩm đẹp, tạo sự đam mê với môn trang trí.

Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi tiến hành làm thực nghiệm cho lớp đối chứng và lớp thực nghiệm. Nhằm chứng minh cho tính khả thi của việc vận dụng giá trị nghệ thuật chạm khắc đình làng Bảng Môn vào môn trang trí.  Điều đó giúp sinh viên phát huy năng lực sáng tạo và rèn luyện các kĩ năng thể hiện bài thực hành.

       Lớp đối chứng vẫn tiến hành lên lớp theo giáo án chung vẫn đang được thực hiện.

       Đối với lớp thực nghiệm: Học lý thuyết trên lớp về giá trị nghệ thuật chạm khắc đình làng, giá trị nghệ thuật đình Bảng Môn. Tổ chức cho sinh viên đi tìm hiểu, ghi chép nghệ thuật chạm khắc đình Bảng Môn ngoài giờ lên lớp tại Hoằng Hóa để làm tư liệu cho bài thực hành. Tại đây sinh viên sẽ hiểu được giá trị nghệ thuật của các mảng chạm ở đình Bảng Môn, hiểu được những kỹ thuật, hình thức các nghệ nhân dân gian đã sử dụng để chạm lên những mảng chạm đó. Nắm bắt được các đề tài chạm khắc được nhắc đến ở ngôi đình này. Sinh viên vận dụng kiến thức khi nghiên cứu giá trị nghệ thuật của các mảng chạm khắc ở đình Bảng Môn và vận dụng nó vào môn học trang trí cụ thể là bài trang trí bìa sách và sáng tác tranh cổ động.

       Sau buổi điền dã các sinh viên lớp thực nghiệm đã cảm nhận được vẻ đẹp của các mảng chạm khắc ở đình Bảng môn nói riêng và đình làng nói chung. Từ đó vận dụng nó một cách sáng tạo vào môn học Trang trí và bài tập được giao.

       Sinh viên đã được làm quen nét đẹp nghệ thuật của một số mảng chạm như về họa tiết, hình mảng, bố cục giúp sinh viên có thể hình dung về kỹ thuật chạm hay thủ pháp tạo hình đã được các nghệ nhân sử dụng. Đặc biệt ở đây các bạn sinh viên đã được làm quen với rất nhiều chủ đề khác nhau chứ không gói gọn trong một vài hình ảnh trên phù điêu. Các em đã hào hứng hơn, thích thú tìm hiểu những vấn đề mới các em chưa được tiếp xúc.

       Qua đi thực tế có thể nhận ra rằng, việc đưa giá trị nghệ thuật chạm khắc của đình Bảng Môn vào môn Trang trí là khả quan. Nhờ đó mà sinh viên có thêm kiến thức sâu về các giá trị nghệ thuật của chạm khắc đình làng từ kỹ thuật chạm, thủ pháp tạo hình, đề tài cho đến tư tưởng của những người dân sống ở làng thời kì đình được xây dựng và trang trí. Sinh viên nâng cao kỹ năng thực hành cho môn Trang trí, cũng như làm phong phú, đa dạng hơn về đề tài, kỹ thuật thể hiện, thủ pháp tạo hình sinh viên được tiếp cận trong môn Trang trí. Ngoài ra việc đưa sinh viên đi điền dã đã giúp giáo viên và sinh viên trở nên gần gũi, hòa đồng với nhau hơn, cùng làm việc và hỗ trợ nhau trong lúc học tập, thực hành. Sinh viên được làm quen với việc lập kế hoạch cho việc đi điền dã của mình.

       Tất cả sinh viên đều thích thú với việc đi điền dã và yêu thích nét đẹp, sự đồ sộ, hoành tráng của các mảng chạm. Các em không quá khó để có thể tìm được cho mình mảng chạm yêu thích, ấn tượng để vận dụng vào bài tập thực hành.

       Từ những giá trị nghệ thuật độc đáo, chạm khắc đình Bảng Môn cần được bảo tồn, gìn giữ và cách gìn giữ tốt nhất đó là thông qua giáo dục, những bài tập trong chương trình dạy - học của sinh viên Sư phạm Mỹ thuật như vận dụng giá trị nghệ thuật đình Bảng Môn vào môn Trang trí cho sinh viên Sư phạm Mỹ thuật. Từ những sinh viên sư phạm có am hiểu kỹ về giá trị của chạm khắc đình làng sẽ giúp đưa những giá trị đặc sắc ấy đi xa đến nhiều tầng lớp, thế hệ người Việt.

Tài liệu tham khảo

  1. Lê Văn Tạo, Di sản văn hoá - Nguồn lực đặc biệt cho phát triển du lịch Thanh Hóa, Nxb Thế giới.
  2. Lê Văn Tạo, Hà Đình Hùng (2008), Nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc gỗ truyền thống ở Thanh Hóa, Nxb Thanh Hoá.
  3. Hà Văn Tấn, Nguyễn Tiến Sự, Đình làng Việt Nam, Nxb Văn hoá.
  4. Nguyễn Quốc Toản (2009), Giáo trình mĩ thuật và phương pháp dạy học mĩ thuật, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  5. Nguyễn Thu Tuấn (2011), Phương pháp dạy học Mĩ thuật, tập 2, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

----------------------------------------------------

     [*] Lớp Cao học K2 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật