Nội san

Một vài lưu ý khi dạy học ca khúc Tiếng đàn Ta Lư của nhạc sĩ Huy Thục cho giọng nữ cao

28 Tháng Bảy 2018

Phan Thị Phượng [*]

       Nhạc sĩ Huy Thục là “cánh chim đầu đàn” của nền âm nhạc cách mạng hiện đại Việt Nam. Sự nghiệp của ông song hành với quá trình chiếu đấu và chiến thắng của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Hơn 450 sáng tác thuộc nhiều thể loại (như ca khúc, khí nhạc, hợp xướng), các nhạc phẩm của ông hầu hết đều mang âm hưởng hùng hồn, truyền cảm, có sức lan tỏa mãnh liệt. Cũng bởi vậy lựa chọn ca khúc của Huy Thục để rèn luyện kỹ thuật thanh nhạc cho giọng nữ cao là rất phù hợp.  

       Nhạc sĩ Huy Thục sáng tác bài hát Tiếng đàn Ta lư vào năm 1968, khi nhạc sĩ đang chiến đấu, công tác ở mặt trận phía tây Quảng Trị, cùng lúc với các bài hát khác của ông cũng được rất nhiều người biết đến như: Ơi dòng suối La La, Chiến thắng Làng Vây và sau này là Đêm Quảng Trị phổ thơ Vũ Ngàn Chi (1973). Nhưng Tiếng đàn Ta Lư có một sức sống riêng. Đặc biệt, sau ngày giải phóng (1975) nó càng được bay xa. Công chúng yêu âm nhạc ở vùng mới giải phóng từng một thời hát tình ca buồn và nhạc trẻ, đã đón nhận nó với sự nhiệt tình, nồng hậu.

       Ca khúc Tiếng đàn Ta lư là tác phẩm được viết ngay sau khi tác giả dự lễ truy điệu gần một đại đội công binh nữ, những cô gái hiền lành, quả cảm từng nuôi nhạc sĩ Huy Thục, từng giặt quần áo khi ông chảy máu dạ dày phải nằm viện… Họ là những cô gái trẻ từ nhiều miền quê của đất nước tụ họp nơi rừng thiêng nước độc, nơi chỉ có bộ đội hành quân qua, với tiếng bom rơi, đạn réo đêm ngày…

       Tác phẩm có bố cục hai phần: phần chính và phần kết. Tiếng đàn Ta lư là bức tranh âm nhạc tràn đầy tinh thần lạc quan của người cách mạng, đây như một khúc ca vui mừng chiến thắng của đồng bào các dân tộc ít người ở Tây Nguyên nói chung, các tộc người Vân Kiều nói riêng.

       Ví dụ:

       Bài hát được sử dụng nhạc ngữ dân tộc: giai điệu hình thành trên thang âm ngũ cung. Màu sắc dân ca dân tộc miền núi Trị-Thiên được nhấn mạnh bằng các quãng hai trưởng, phù hợp với thanh điệu giọng nói lơ lớ không dấu của người Vân Kiều: “Gùi trên vai nặng trĩu”… “Đồn Tà Cơn hôm nào bốc cháy”. Ngoài ra còn cố ý gia thêm chất liệu Tây Nguyên một cách hợp lý với yếu tố nửa cung đặc trưng trong đường nét giai điệu…

       Hình thức bài hát không lệ thuộc các thể thức âm nhạc bác học Tây phương, mà được bố cục theo lối cấu trúc không cân phương. Đoạn I gồm hai vế nhạc cân đối, giai điệu nhẹ nhàng, tha thiết nhưng vui tươi, lạc quan như tiếng ca và tiếng đàn Ta Lư của cô gái Vân Kiều trên đường đi phục vụ chiến trường. Gùi trĩu nặng trên vai mà lòng phơi phới hân hoan hát ca mừng tin thắng trận của quê nhà. Đoạn II cũng gồm 2 vế nhưng được mở rộng gấp đôi bằng các thủ pháp mô phỏng phát triển, đảo ảnh âm hình… Tính chất âm nhạc sôi động và náo nức hơn, như niềm vui trào dâng trước thắng lợi dồn dập của quân giải phóng.

       Sau nét nhạc dạo, là một vế nhạc ngắn, cân đối, rất thiết tha, trải ra và lan xa giữa núi đồi bao la: “Đàn em reo ca, ôi đàn Ta Lư”… làm cân bằng tốc độ tình cảm dồn dập của đoạn II. Biểu hiện bằng sự quán xuyến các nhóm âm hình trong thủ pháp phát triển nhịp nhàng, sôi động đem lại cho bài hát một màu sắc trẻ trung, hiện đại. Yếu tố nhất quán tiết tấu đó, tạo ra trong toàn bộ giai điệu dáng dấp của các tiết điệu Fox, Disco… gần với ngôn ngữ âm nhạc Estrade.

       Âm nảy staccato cũng được sử dụng phổ biến trong ca bài hát này và đáng chú ý là âm nảy staccato chỉ sử dụng tốt nhất cho giọng nữ cao:

            Ví dụ:

       Khi dạy ca khúc này cho học viên, trước tiên cần luyện khẩu hình với các mẫu có âm ô và a ở nhịp độ chậm hoặc vừa phải và hát liền tiếng. Như vậy, học viên sẽ học được cách mở dọc khẩu hình với âm ô, tiếp sau sẽ là âm a. Hai âm ô và a có thể cùng có trong một mẫu luyện thanh. Với âm a cần pha thêm âm ơ để không bị mở ngang làm tiếng phát ra bị bẹt:

       Sau đó, cho học viên luyện khẩu hình với các có âm i hoặc ê cũng với cao độ của mẫu âm trên:

            Mi …   mê….      mi

       Đối với mẫu âm này với âm mi cần mở ngang khẩu hình, môi hơi hé, hơi pha ê để âm thanh không bị bẹt. Khi hát âm mê miệng hơi cười, khoang miệng bên trong vẫn phải mở rộng và thoải mái, nét mặt tự nhiên, tươi tỉnh.

       Bài hát Tiếng đàn Ta Lư của nhạc sĩ Huy Thục có âm vực rộng với những quãng phức tạp để có thể phát triển điêu luyện cho giọng nữ cao. Đơn cử dẫn chứng một câu trong bài chúng ta thấy, để hát được bài này phải có kỹ thuật Thanh nhạc tốt, đặc biệt là kỹ thuật saccato, âm vực của bài rộng, có những quãng nhảy xa và nhiều tổ mô tiến đi xuống liên tiếp đòi hỏi cách hát các âm khu cao phải rất đều màu, giữ chắc vị trí âm thanh… Ngoài ra, sắc thái trong bài cũng khá phong phú: p, f, to dần, nhỏ dần… nên người hát phải có kỹ thuật xử lý tinh tế. 

       Có thể cho tập một cao độ và thay đổi các âm khác nhau để luyện khẩu hình:

                                 Ma            Mê        Mi        Mô        Mu  

       Hướng dẫnhọc viên hát chậm và rõ từng chữ, hát liền tiếng, đều âm lượng, giữ nguyên vị trí âm thanh trong suốt mẫu âm, khẩu hình xử lý cho hợp với từng nguyên âm.

       Đối với giọng nữ cao, khi hát âm saccato yêu cầu là âm phải vang, nhẹ nhàng, trong sáng nghe như tiếng cười, tiếng chim hót và tiếng sáo. Hát âm nảy có nhiều tác dụng tốt cho việc phát triển giọng. Âm nảy làm cho thanh đới và bộ phận truyền âm dần dần hoạt động được linh hoạt. Cách hát bật âm thanh trong kỹ thuật hát nảy tạo thói quen tốt khi hát liền tiếng. Ngoài ra, tập âm nảy tạo điều kiện tốt cho việc phát triển âm khu và giúp khắc phục những tật hát sâu, gằn cổ, giọng mũi và giọng cổ.

       Ví dụ:

       Có thể luyện thanh theo mẫu âm sau để cảm nhận vị trí cao của âm thanh trong cộng minh đầu:

                         Nồ…         ô…                       …ô

Hoặc:

              Nô..  ô      nô..      ô...      Na...       a..        Nô..   ô

       Khi thực hiện mẫu âm này lúc đầu có thể ở tốc độ vừa phải sau với tốc độ hơi nhanh. Nếu học viên đặt tay lên ngực sẽ có cảm giác rung ở lồng ngực, nhất là với các âm trầm. Giảng viên cần hướng dẫn học viên luyện tập hoạt động môi tích cực, đặt lưỡi đúng vị trí. Âm thanh phải mềm, tuôn trào, có vị trí, tránh tình trạng thô và bẹt tiếng. Thực hiện dần đi xuống lên đến nốt g (ở quãng 8 nhỏ) hoặc có thể thấp hơn nữa để có cảm giác tốt hơn về cộng minh ngực.

       Ban đầu giảng viên không nên quá coi trọng về vị trí âm thanh cũng như­ âm thanh cộng minh mà để học viên phát triển giọng hát với các thanh khu tự nhiên trước, có thể dẫn tới trừu tượng, khó hiểu trong tiếp thu của học viên. Khi học viên đã có một quá trình tìm hiểu về giọng, âm sắc đã t­ương đối ổn định thì giảng viên dần dần mới giới thiệu và hướng dẫn phát triển âm thanh cộng minh.

       Bài hát Tiếng đàn ta lư là ca khúc hay nhưng không phải dễ thể hiện, cho nên để có thể thành công trong việc thể hiện ca khúc này thì nhất thiết phải có sự rèn luyện kỹ thuật  thật thành thạo. Và những vấn đề kỹ thuật thanh nhạc cụ thể được chúng tôi chú ý ở trên là những kinh nghiệm được đúc rút từ quá trình dạy học sẽ giúp ích cho sinh viên trong quá trình luyện tập để thể hiện thành công ca khúc này.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Trung Kiên (2002), Giáo trình Thanh nhạc hệ trung học 4 năm cho các giọng Cao, Trung, Trầm, Bộ Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  2. Hồ Mộ La (2008), Phương pháp dạy Thanh nhạc, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội.
  3. Nguyễn Thị Tố Mai (2013), Đôi điều về kỹ thuật Thanh nhạc trong các opera Việt Nam, bài đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.
  4. Trịnh Hoài Thu (chủ biên-2012), Giáo trình môn Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Đại học sư phạm nghệ thuật trung ương.
  5. Đỗ Xuân Tùng (2002), Giải thích thuật ngữ âm nhạc,  Học viện âm nhạc Quốc gia, Hà Nội.
  6. Nguyễn Như Ý (2001), Từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K7 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc