Nội san

Bảo tồn và phát triển các làn điệu dân ca trong nhà trường phổ thông

28 Tháng Bảy 2018

Vi Thị Ngọc Ánh [*]

       Đất nước Việt Nam với bề dày lịch sử đã hình thành nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Mỗi dân tộc, mỗi vùng miền lại mang một màu sắc, bản sắc văn hóa riêng không thể trộn lẫn. Bản sắc ấy không chỉ được tạo nên bởi tiếng nói, bởi trang phục, bởi nếp văn hóa sinh hoạt, mà còn được tạo nên bởi âm nhạc trong đó có các làn điệu dân ca. Âm nhạc dân gian nói chung, dân ca nói riêng là tinh hoa văn hóa đặc sắc, là linh hồn của dân tộc. Dân ca là nhịp cầu thời gian để ta trở về với cội nguồn của ông cha, dân tộc.

       Mỗi quốc gia trên thế giới đều có một nền văn hoá mang màu sắc đặc trưng riêng. Mỗi nền văn hoá ấy lại có những làn điệu dân ca khác nhau mang màu sắc, nội dung, tính chất, giọng điệu, khu vực, vùng miền khác nhau. Trong cuốn Tìm hiểu dân ca Việt Nam, tác giả Phạm Phúc Minh đã từng viết: “Dân ca là những bài hát cổ truyền do nhân dân sáng tác, được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác và được nhân dân ca hát theo phong tục tập quán của từng địa phương, từng dân tộc”. Trong các tài liệu khác, khái niệm dân ca lại được viết như sau: “Dân ca là những bài hát đã đi vào kho tàng nghệ thuật dân gian bằng cách truyền khẩu trong nhân dân. Chúng luôn được biến đổi và không thuộc bản quyền của một tác giả nào từ ban đầu”. Theo khái niệm này ta thấy rõ được đặc điểm của dân ca đó là có thể có nhiều dị bản khác nhau cho một bài dân ca vì trong quá trình lưu truyền, nhân dân sẽ có những sáng tạo bổ sung thêm vào bài ca nguyên thủy (còn có thể gọi là lòng bản).

       Khi nói tới dân ca Việt Nam, là chúng ta đang nói tới một kho tàng văn hoá vô cùng rộng lớn, đa dạng và phong phú của dân tộc Việt Nam. “Dân ca chính là một trong những hợp phần, bản sắc văn hóa của dân tộc. Nó mang trong mình bề dày lịch sử và những đặc trưng bao quát nhất của Âm nhạc dân gian nói chung”. Dân ca như linh hồn của dân tộc Việt Nam, nuôi dưỡng tâm hồn, trái tim và cả trí tuệ của những người con đất Việt. Dân ca đã được hình thành và phát triển từ rất sớm. “Nền tảng của mỗi vùng dân ca đương nhiên là các thể loại dân ca đã được nhân dân lao động sáng tạo từ thuở xa xưa, được lưu truyền và hoàn thiện qua bao thế hệ cho tới nay”. Các làn điệu ấy đi vào đời sống lao động và sinh hoạt văn hóa xã hội hàng ngày của người dân Việt Nam và trở thành một yếu tố vô cùng quan trọng. Ngay từ thưở nằm nôi, con người ta đã được đắm chìm trong những âm thanh ngọt ngào du dương đầy ấm áp qua lời ru của bà, của mẹ. Những khúc hát đơn sơ, mộc mạc nhưng du dương, ngọt ngào đưa trẻ vào giấc ngủ êm đềm ngày thơ ấu đã trở thành lời ru của dân tộc mà tất cả chúng ta đều muốn tìm về mỗi khi cần tìm nơi bến bờ bình yên. Dân ca như một chiếc nôi. Chiếc nôi ấy lớn dần lên cùng với sự trưởng thành của một đời người. Chuyển sang tuổi ấu thơ, các em lại được nuôi dưỡng bởi những bài dân ca, đồng dao để vui chơi giải trí, luyện cho trẻ tập nói, làm quen với thiên nhiên, với cuộc sống xung quanh. Khi trưởng thành trai gái lại tụ họp nhau thi hát đố, hát giao duyên và các bài hát vui chơi trong đời sống. Lúc này, những khúc hát về tình yêu lứa đôi lại như chắp cánh cho tình yêu được bay lên, thăng hoa với những gì tinh tế nhất, ý nhị nhất trong giai điệu cũng như lời ca của các bài dân ca.

       Chúng ta được nuôi dưỡng lớn lên cùng với những khúc hát bình dị quen thuộc ấy và những khúc hát ấy chẳng biết từ khi nào đã trở thành niềm tự hào, niềm hãnh diện về bản sắc cũng như đặc trưng của dân tộc, của quê hương. Dân ca không chỉ giáo dục về tình yêu quê hương đất nước, về niềm tự hào dân tộc. Dân ca còn như một tấm gương mà khi soi vào đó, chúng ta thấy mình chân - thiện - mỹ hơn. Có được điều đó là bởi lẽ, trong những lời ca câu hát của dân ca, cha ông ta đã gửi gắm những bài học sâu sắc về đạo lí làm người, về cách ứng xử, đối nhân xử thế, những điều hay lẽ phải cho con cháu biết, học tập và làm theo. Dân ca còn là những châm biếm đả kích những thói hư tật xấu hay những điều bất nhân, bất nghĩa ở đời. Giai điệu trong dân ca khi bay bổng mềm mại, khi lại rành mạch rõ ràng, rắn rỏi mạnh mẽ, sâu cay cũng giúp cho chúng ta phát triển đa dạng và phong phú hơn về tình cảm thẩm mỹ trong mỗi con người.

       Dân ca được sáng tạo trong quá trình lao động sản xuất, chính vì lẽ đó mà soi vào dân ca của một vùng miền ta thấy rõ được gần như trọn vẹn về cuộc sống lao động, phong tục tập quán, canh tác, nuôi trồng của người dân vùng miền đó.

       Đất nước ta có nhiều thay đổi đáng kể sau nhiều năm đổi mới. Kinh tế đi lên kéo theo sự phát triển của văn hoá, xã hội… Sự phát triển đó đã đem lại rất nhiều tín hiệu đáng mừng cho sự thay đổi bộ mặt của đất nước, song cũng tồn tại nhiều hạn chế kéo theo từ nền kinh tế thị trường. Tình trạng xuống cấp về mặt đạo đức ở một số bộ phận thanh, thiếu niên đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Bên cạnh đó hầu hết con trẻ hiện nay gần như quên hẳn các trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca vốn rất phong phú và đa dạng mà ông cha ta đã để lại từ bao đời. Bởi lẽ, các em được tiếp xúc nhiều với các luồng văn hóa ngoại lai. Thực tế cho thấy, đa phần lớp trẻ ngày nay thích nghe và thích hát những bài hát trẻ trung, sôi động, nhạc ngoại... hơn là thưởng thức những làn điệu dân ca, thậm chí không mấy mặn mà với các bài dân ca, và còn có quan niệm rằng: nghe dân ca là không sành điệu, là lỗi thời…

       Điều đó đặt ra một yêu cầu cấp thiết là đưa dân ca đến gần với thanh, thiếu niên trong đó biện pháp hữu hiệu và phổ biến nhất là đưa dân ca trở thành một trong những nội dung giáo dục trong nhà trường. Thực hiện được điều đó sẽ giúp cho lớp trẻ hôm nay nhận ra được những giá trị tinh thần vô cùng to lớn kết tinh trong các làn điệu dân ca, từ chỗ hiểu được các giá trị, các em biết trân trọng, yêu quý các làn điệu dân ca này và có ý thức, trách nhiệm giữ gìn và bảo tồn những di sản của quê hương, đất nước mình.

       Nghiên cứu về dân ca nói chung hay nhiệm vụ gìn giữ dân ca trong đời sống hiện đại ngày nay là đề tài được rất nhiều các nhà khoa học nghiên cứu. Có thể kể đến một số các công trình nghiên cứu sau: Dự án Âm nhạc học đường được tổ chức UNESCO tài trợ do Giáo sư Trần Văn Khê triển khai đã đem lại những dấu hiệu đáng mừng cho việc bảo tồn dân ca Việt Nam. Hay đề án Thực hiện đưa dân ca vào trường học giai đoạn 2008 - 2015 của Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ; Đề án Hỗ trợ đưa dân ca vào trường THCS của tập thể các thầy cô Trường ĐHSP Nghệ Thuật TW...

       Là một giáo viên âm nhạc, nhận thấy trách nhiệm đối với các thế hệ học sinh trong công tác giáo dục về các giá trị truyền thống, tác giả đã mạnh dạn nghiên cứu và thực hiện việc dạy học hát dân ca cho học sinh trường THCS Phúc Xuân trong các hoạt động ngoại khóa. Chúng tôi đã xây dựng nội dung dạy học hát dân ca vào hoạt động ngoại khóa cho học sinh Trường THCS Phúc Xuân. Qua đó giúp học sinh phát triển tốt kĩ năng hát và biểu diễn các làn điệu dân ca Việt Nam, nhất là dân ca vùng Việt Bắc. Đồng thời giáo dục ý thức trân trọng, giữ gìn, bảo tồn các làn điệu dân ca Việt Nam từ đó có ý thức kế thừa và phát triển các giá trị văn hóa quí giá đó của dân tộc. Sau khi được Ban giám hiệu phê duyệt kế hoạch, rất nhiều các hoạt động phong phú đã được thực hiện tại nhà trường. Thường xuyên nhất đó chính là hoạt động của câu lạc bộ. Các bạn được sinh hoạt định kì mỗi tuần một buổi. Trong các buổi sinh hoạt, các bạn được nghe, được thưởng thức và tìm hiểu về các làn điệu dân ca của các vùng miền khác nhau. Chiếm thời lượng nhiều nhất trong các buổi sinh họa đó chính là các bạn được luyện tập cách hát và biểu diễn các làn điệu dân ca đó. Nhiều bạn yêu thích còn có những đóng góp rất lớn như sáng tạo lời ca mới hay xây dựng hoạt cảnh, sân khấu hóa các làn điệu dân ca đó. Ngoài sinh hoạt câu lạc bộ, chúng tôi đã cùng học sinh tham gia các chương trình trải nghiệm thực tế, tới thăm và giao lưu với các nghệ nhân hát dân ca của quê hương. Sau các hoạt động đó, các em đã có thể tự tin đứng trên sân khấu biểu diễn các làn điệu dân ca, hiểu biết hơn về các làn điệu đó và quan trọng hơn cả đó chính là xây dựng được ý thức trân trọng và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đó.

       Đây chính là một mô hình đem lại kết quả tương đối đáng mừng trong việc đem các làn điệu dân ca đến gần với học sinh THCS hơn. Hi vọng mô hình này sẽ trở thành mô hình tham khảo hữu ích và ngày càng được nhân rộng hơn.

Tài liệu tham khảo

1. Hoàng Kiều (2001), Thanh điệu tiếng Việt và Âm nhạc cổ truyền, Viện Âm nhạc, Hà Nội.

2. Nguyễn Thụy Loan (2001), Thưởng thức về Âm nhạc cổ truyền Việt Nam và lịch sử âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3. Trần Quỳnh Mai (2004), Âm nhạc với tuổi thơ, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.

4. Hồ Chí Minh (1945), Sắc lệnh 65 về bảo tồn di sản văn hoá dân tộc.

5. Phạm Phúc Minh (1994), Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

6. Ngô Thị Nam (2001), Phương Pháp dạy học Âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

7. Nguyễn Năng Nam, Nguyễn Văn Thanh (2013), Bản lĩnh văn hóa Việt Nam trước đòi hỏi của dân tộc và thời đại, Nxb Văn Hóa, Hà Nội.

8. Bùi Huyền Nga (2009), Đặc trưng của Âm nhạc dân gian, Tài liệu lưu hành nội bộ dùng trong giảng dạy môn Âm nhạc cổ truyền, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

9. Tú Ngọc, Nguyễn Văn Phú, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Viêm (1962), Dân ca Quan Họ Bắc Ninh, Nxb Văn Hóa, Viện Văn Học, Hà Nội.

10. Tú Ngọc (1979), Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K7 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc